Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Tiếng lòng trong thơ lục bát Lê Xuân Đồng
Tiếng lòng trong thơ lục bát Lê Xuân Đồng

Nhà thơ Lê Xuân Đồng, thời thanh xuân là sinh viên khoa Văn - đại học Sư phạm Vinh, theo tiếng gọi của Tổ quốc anh đã tạm biệt mái trường sư phạm vào lính chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Sau đó, anh trở về làm thầy giáo dạy Văn cấp 3 huyện nhà Hoằng Hóa. Trước khi nghỉ hưu, anh làm công tác quản lý - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay anh là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
Anh đến với thơ qua những trang văn anh viết, tôi không ngạc nhiên về anh. Vì tôi quá hiểu về một nhà giáo mà cả đời say sưa với học trò qua từng bài giảng. Những ánh mắt thán phục qua những giờ Văn anh dạy, vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò.
Đọc tập thơ “Tơ lòng” anh tặng và các bài thơ anh đăng trên báo và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh gần đây, tôi đã nhận ra một giọng điệu thơ lục bát Lê Xuân Đồng đậm phong cách, có nét riêng mới lạ. 
Tôi biết anh làm thơ không cốt để lưu danh mà chỉ để giãi bày, chia sẻ tình cảm của mình trước những chuyển động của đời sống. Lục bát là thể thơ mang hồn cốt người Việt. Dễ làm nhưng cũng rất khó để có những bài thơ hay. Nó bao giờ cũng thiên về tiếng lòng, biểu hiện những cung bậc cảm xúc khi nhà thơ muốn trải lòng về thế sự, về những ẩn chứa nội tâm, thông qua cấu trúc ngôn ngữ, nhằm trao những quan điểm, gửi gắm những thông điệp của tác giả. Từ nhận thức ấy, Lê Xuân Đồng đã không ngừng sáng tạo. Anh đi theo hướng riêng không lẫn với phong cách người khác. Thơ anh thể hiện vẻ đẹp truyền thống. Không cầu kỳ về câu chữ nhưng luôn thể hiện được nét đẹp chỉn chu trong cách dùng từ, vừa trang nhã, khuôn thước nhưng không kém phần hoa mĩ. Không những có giá trị tư tưởng, có cái nhìn soi chiếu vào cuộc sống đời thường mà còn bung nở những giá trị thẩm mĩ thông qua vẻ đẹp ngôn từ để biểu hiện tiếng lòng của một nhà giáo đối với tình yêu quê hương, đất nước, với học sinh, với đồng nghiệp, với một thời thanh xuân tuổi trẻ trong những năm tháng quân ngũ trở về. Và cả những giây phút nhớ tới bạn bè khi nghỉ hưu.
Đọc thơ anh, tôi thấy có một hàm lượng ngôn ngữ diễn tả cái tình được vắt ra từ nhiều bài thơ có ngữ điệu trong vắt. Có trường thẩm mĩ theo lối viết tự sự xen trữ tình lay động, thao thức người đọc.
Với nhà thơ Lê Xuân Đồng, tôi nghĩ anh đã học tập, nối được mạch cảm của những cây bút đàn anh như Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh và một vài nhà thơ Thanh Hóa có tiếng gần đây trong hướng tiếp cận thơ của mình. 
Qua đọc và nghiên cứu, tìm thấy thơ anh có nhiều điều giản dị trong chữ “tình” được bộc lộ qua miền mĩ cảm trên mạch tư duy của cảm xúc, theo thiên hướng giọng điệu trữ tình mang tính trực cảm. Nghĩa là khi gặp đối tượng trữ tình, hoặc khi liên tưởng đến một vấn đề nào đó có liên đới đến cảm xúc là anh có thơ ngay.
Điểm nổi bật, thơ anh đậm tiếng lòng trong thế giới nhân sinh. Đây là một khung rộng mà anh đã thả hồn vào nhân thế để tìm những điều mà thế gian thường nhắc tới trong cõi vô thường. Và khi cảm xúc của anh thăng hoa thì tứ xuất hiện, biến dòng trạng thái thành dòng chủ lưu đưa hình tượng thơ lên cao, biểu lộ những cảm quan suy nghĩ của mình trước đời sống. 
Anh quan niệm về thơ với những cảm nhận bình dị, khiêm nhường nhưng ngọt ngào tình ý. Bài thơ “Mấy lời tri âm” mở đầu cho tập thơ “Tơ lòng” anh đã đặt câu hỏi tu từ có sức gợi lớn “Làm sao sống được ở trong hồn người?”. Cái băn khoăn đặt ra những suy nghĩ của mình thật lớn lao. Anh đã trải lòng khi nhìn về bể dâu biến cuộc, chỉ mong sao có người ta hiểu và có người hiểu ta với một tâm sự đậm chất thi nhân. Đó cũng là nỗi niềm rất thực lòng của anh khi viết thơ. Bài thơ tiếng của riêng lòng/ Làm sao sống được ở trong hồn người?/ Đã đi gần hết cuộc đời/ Chắt chiu may được mấy lời tri âm (Mấy lời tri âm - tập thơ Tơ lòng, trang 5).
Trên tinh thần của sự sáng tạo, thơ anh có nhiều cách diễn đạt với những phương thức biểu đạt khác nhau bằng nhiều hình thức. Nhưng không ngoại lệ cách học, tiếp thu những tinh hoa từ những câu ca dao mà ông cha ta đã kết dệt nên những lụa hoa tinh tú. Trong một lần gặp em, anh có bài thơ “Tím bông may” đã để lại nhiều dư vị ngọt ngào. Bài thơ có nhiều thi ảnh gợi, đậm sắc mầu cổ điển mang một chất riêng không kém các nhà thơ đương thời viết về đề tài “Hoa cỏ may”. Nói đến đề tài hoa cỏ may, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính: Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em. Hai câu thơ tuyệt tác có một không gian mênh mông mà ở đó ngôn ngữ thi ca như quyện chặt vào sắc thái hình tượng nghệ thuật. Cũng viết về đề tài “Hoa cỏ may”, nhà thơ Lê Xuân Đồng với bài thơ “Tím bông may” đem đến một không gian nghệ thuật và chất trữ tình, kèm theo câu hỏi tu từ chứa đầy tâm trạng cũng vô cùng đáng nhớ: Chia tay ngày ấy trên đê/ Quay về lạc lối bốn bề cỏ may/ Xác xơ những ngọn hao gầy/ Heo may lành lạnh chở đầy hoàng hôn/ Chênh chao chưa gỡ nguồn cơn/ Tím bông may bám nhiều hơn gió chiều! Tay nâng ngọn cỏ mà yêu/ Gỡ đi găm lại gió nhiều cỏ may? (Tím bông may). Không dừng lại ở đó, anh có bài thơ “Hồn cỏ may” lại ở một dạng cảm thức khác: Heo may se sắt lạnh luồn/ Nắng vàng vương chút lạnh buồn chiều thu/ Chao mình hoa cỏ đung đưa/ Mảnh mai như nét mi vừa điểm tô. Câu thơ có hình tượng gợi nhớ, đan dệt cảnh và tình đem lại sắc thái của hồn cây cỏ với tình người trong một buổi chiều buồn vời vợi đậm nét thu. Một sáng tạo mang bản năng thi sĩ.                                      
Trong thế giới nhân sinh, tiếng lòng thơ lục bát Lê Xuân Đồng được trải dài trong không gian thi ca đậm sắc. Có chiều kích rộng, chứa đựng trường ngữ nghĩa, tạo nên hiệu ứng giao thoa trong sáng tạo nghệ thuật. Đọc thơ anh, tôi nhớ đến Maiakôpxki, người có sức ảnh hưởng của thơ ca Nga quan niệm “Chính người sáng tạo những quy tắc thi ca mới là thi sĩ”. Trên tinh thần ấy, Lê Xuân Đồng đã có sự tìm tòi sáng tạo mang chất thi sĩ trong cách sử dụng thi ngôn, thi ảnh cho thơ của mình để biểu lộ tình cảm. Đó là tình cảm đối với thiên nhiên, với những vùng miền mà anh đã từng đặt chân tới. Chả thế mà chỉ một lần anh đến Huế, miền đất của thi ca, nhạc, họa, anh đã có bài thơ “Huế mưa”. Qua vài nét chấm phá đã hiện lên một đặc trưng về Huế. Đó là hình ảnh những cơn mưa, tạo nên hồn cốt một bức tranh đậm đặc Huế. Những thi ảnh cùng với những điệp từ sử dụng uyển chuyển trong đặc tả: Về Huế chưa gặp cơn mưa/ Là chưa về với dấu xưa kinh thành/ Mưa dầm mưa xối mưa nhanh/ Mưa cho Huế tím trở thành Huế thơ/ Mưa làm Huế mộng Huế mơ/ Sông Hương lấp loáng thuyền lơ lững dòng đã đưa Huế về với một miền trầm mặc, hư ảo. Và thế là cái tơ vương ấy đem theo kỷ niệm Mắc mưa Huế mắc tơ vương/ Đem theo mưa nhé trên đường về quê! Cái hay của bài thơ là giải mã được tiếng lòng của thi sĩ. Bởi thực tại đâu chỉ có thế, mà cái chính là hồn của Huế được hiện lên từ những cô gái Huế áo dài mơ mộng, lưng ong dập dìu với tiếng “dạ thưa” trong đoạn thơ tiếp theo, đã hút hồn biết bao du khách, trong đó có anh.
Tiếng lòng trong thơ lục bát của anh được soi chiếu bằng hai điểm nhìn nghệ thuật (point of view). Điểm nhìn nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình. Trong cách thể hiện nhân vật trữ tình, tôi muốn nhắc tới giọng điệu, cảm xúc, cách cảm, cách nghĩ trong thơ anh khi nói về chủ đề tình yêu. Còn đối tượng trữ tình mà anh đề cập chính là nhân vật mà anh bắt gặp. Trong đề tài này, anh có hàng loạt bài thơ đã thâm nhập vào đời sống, đồng cảm với bao người như các bài: “Vay trả”; “Giá mà”; “Mơ”; “Sông câm”; “Yếm thắm”; “Hết chiều”; “Chòng chành”; “Tơ vương”,… Ở mỗi bài đều có chất tự sự riêng, nhưng bên cạnh đó chất trữ tình nổi bật lên những cảm xúc chân thành, trong sáng. Riêng những bài thơ nói về tình yêu anh viết đã khơi nguồn từ mầm non lộc biếc. Chính yếu tố lấy cảnh làm nền cho những cuộc tình trong vắt như ca dao đã đưa những bài thơ của anh về chủ đề tình yêu lên thang bậc mới. Bài thơ “Thị Nở” là một trong những bài thơ hay. Hay ở tứ, ở hình tượng nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở một văn bản văn học đã đi vào lịch sử của nền văn học Việt Nam hiện đại. Chất lục bát trong thơ anh đã tan chảy vào câu chuyện tình của “Thị’ với anh chàng “Chí”, làm nên một bài thơ mang phong cách riêng. Ta bắt gặp cách dùng từ rất đặc trưng: Cứ nói Thị Nở dở hơi/ Ngẫm ra thì rất tuyệt vời đó anh/ Nhờ thị mà bát cháo hành/ Thành “phi vật thể’ lưu danh với đời. Câu chuyện bát cháo hành hóa vào thơ Lê Xuân Đồng để thành “phi vật thể” thì quả là tuyệt. Tôi đánh giá một phát hiện tinh tế đầy chất nghệ thuật trong ý tưởng, trong phương thức diễn đạt, xây dựng hình tượng. Không những thế, câu thơ sáng tạo ấy, thêm một lần nữa làm cho nhân vật Chí và Thị Nở trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao càng khẳng định sự bất tử với thời gian: Cũng rên, cũng riết cũng cười/ Tan vào nhau chất vàng mười trinh nguyên/ Cũng lườm cũng nguýt làm duyên/ Tàu lá chuối cũng ngả nghiêng hứng tình/ Tương lai tự chọn cho mình/ Lò gạch cũ lại tái sinh kiếp người (Thị Nở - trong tập thơ “Tơ lòng” trang 26-27). Đúng là “Thơ ca là sự sáng tạo của sáng tạo” (Piere Gamara). Nhà thơ Lê Xuân Đồng đã tìm ra cái chất “trinh nguyên vàng mười” trong phần người của thế gian tạo hóa. Hình như Lê Xuân Đồng đã hóa vào nhân vật trữ tình, để tìm ra vẻ đẹp vàng mười ấy. Đến đây, tôi lại nhớ tới Biêlinxki nhà phê bình văn học Nga đã từng nói “Tính nghệ thuật là sự sáng tạo”. Chính có sự sáng tạo thi ca bằng con mắt nghệ thuật nên anh đã cho độc giả cảm nhận nhân vật bằng những từ ngữ có yếu tố giao hoan đầy nhục cảm mà hay đến bất ngờ. Điều ấy vẫn không làm mất đi vẻ đẹp mang tính nhân văn. Có thể khẳng định, nhà thơ Lê Xuân Đồng khi miêu tả những rung chấn yêu, đạt hiệu quả trong cách thể hiện bằng thơ lục bát rất thành công trong bút pháp. 
Trong mảng thơ tình anh viết, tôi rất tâm đắc bài thơ “Trú cơn mưa chiều”. Bài thơ có yếu tố tự sự xen trữ tình, đem đến nhiều yếu tố lạ trong cảm xúc. Câu chuyện gặp lại người xưa chỉ có hai người trong một lần trú mưa, anh đã có tứ thơ hay, được xây dựng bằng chất thơ của ca dao. Kết cấu bài thơ được thể hiện bằng ngôn từ tinh tế, sáng tạo đưa đến những rung cảm thẩm mĩ với một dòng liên tưởng thú vị: Lặng im một chút em ơi/ Con tim đang nói những lời rưng rưng/ Đã qua mặn muối cay gừng/ Ấp iu xin giữ xin đừng lửa rơm (Trú cơn mưa chiều).
Bắt gặp hình ảnh đẹp của sự vật và hiện tượng, thơ anh lại trào lên cảm xúc. Nhiều bài anh đã đưa ngôn ngữ đời thường đến gần hơn với người đọc, đến gần hơn với những giăng mắc trong tâm hồn anh. Các bài: “Chòng chành”; “Hoa quỳnh”; “Sóng ghen”; “Tình cũ người dưng”; “Gáy em”; “Áo tơi”; “Gặp em”; “Hồn cỏ may”; “Dạ thưa”; “Đề núi Vọng Phu”… là những bài thơ chân thành, đồng cảm. Có nhiều câu hỏi tu từ với nhiều hình ảnh ẩn dụ, man mác nỗi niềm nhân thế, triết lý nhân sinh. Trong bài “Sóng ghen” tác giả mượn hình ảnh “Sóng” và “Bờ” để nói về đức tính của con người là lòng tin. Điều ấy đúng trong nghĩa rộng thật lớn lao: Đã mất lòng tin vào nhau/ Sóng xô, bờ vỡ, tình đau dã tràng (Trang 33 - tập thơ Tơ lòng).
Đặc biệt trong sử dụng ngôn ngữ, cách dùng từ tả “người đẹp” trong bài thơ “Gáy em”, xem qua tưởng như sex. Nhưng không. Bởi vì, cách anh tả người hoàn toàn theo nét đẹp cổ điển, không sex tí nào mà vẫn toát lên vẻ đẹp đoan trang, rạng ngời của thân thể thiếu nữ: Chao ôi vẻ đẹp thiên thần/ Không son phấn chỉ trắng ngần thịt da/ Mịn không tì vết nõn nà/ Buông che ngấn cổ dịu dàng tóc mây/ Nét cong chảy xuống lưng gầy/ Nét nghiêng tròn trịa hương đầy hai vai/ Bừng tươi như nắng ban mai/ Ngon như giọt nước trên đài hương sen.
Tôi gọi Lê Xuân Đồng là nhà thơ mang dòng máu nghệ sĩ. Bởi thế, nên năng lượng viết thơ tình của anh như là cuộc đối thoại giữa “tôi” và “em” đạt đến sự độc đáo, biệt lạ. Dù ở trạng thái hiển lộ hay ám dụ, thơ anh trong cõi tình vẫn ẩn giấu chiều sâu của hiện thực, lập lên nhiều lát cắt tạo nên những khoảng lặng và những suy tư về cuộc đời trong lẽ sống phồn sinh. Chỉ một cách chạm nhẹ thôi mà làm anh say, một cách say rất riêng thi sĩ, làm cho anh bần thần tái sinh trẻ lại. Mắt em sóng sánh đưa tình/ Thẫn thờ tôi thấy như mình trẻ ra/ Ngập ngừng trao em bông hoa/ Em cười “yêu quá” thế là tôi say! ( Say). 
Đọc thơ Lê Xuân Đồng ngoài mảng thơ tình, ta còn cảm nhận ở thơ anh có những vần thơ tương hợp giữa thời gian và con người. Bản chất của thơ, là tình, là điệu, là hồn, là những giao cảm giữa thiên nhiên và con người, giữa con người với nhau. Trong cái khoảng mênh mông ấy, những bài thơ mà anh gọi về những ký ức với học trò, với mái trường mà anh từng giảng dạy là những ký ức cộng sinh, tạo nên một khoảng lặng để mọi người có dịp nhớ nhau tìm về kỷ niệm. Bài thơ “Phượng đỏ” có những đoạn hồn chữ được biểu hiện qua năm tháng bay lên lung linh xao động cả khoảng trời: Áo trắng trắng cả trời thơ/ Vô tình gieo cái thẫn thờ vào tôi/ Hôm nay phượng đỏ cháy trời/ Sân trường trắng đỏ cái nơi tôi ngồi. Trong cách đặc tả, nhớ những năm tháng dạy học, anh đã “ngóng vọng để ôm về một mùa hoa ướp hương ký ức” để rồi không quên được hình ảnh trong bài thơ “Tiếng trống trường” anh viết cảm động đến nao lòng: Chung trang giáo án luận bàn/ Từng giờ lên lớp sẵn sàng vì nhau… Trống trường gióng giả chiều quê/ Em ơi! Nước mắt lại về mặn môi. Đến đây tôi nghĩ, phẩm chất thi sĩ của Lê Xuân Đồng còn có khả năng gia tăng sắc thái biểu cảm qua nghệ thuật ngôn từ. Với anh, ngôn ngữ thơ được đẩy đến tận cùng của ngữ nghĩa để diễn đạt sắc thái của tâm trạng. Vì vậy anh còn có những bài thơ viết về quê hương với nhiều kỷ niệm nhớ thương da diết. Dẫu những sự việc mà anh miêu tả rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Đó là các bài “Về đây”, “Tiếng chim cu gáy”, “Lặng thầm”, “Mượt mà xanh”. Trong chùm thơ viết ở đề tài này, có bài thơ “Áo tơi” thể hiện tứ thơ nhiều gợi cảm. Thơ anh luôn lấy thi liệu từ hiện thực đời sống, nên trong cách diễn ngôn luôn mang đến sự chân thành trong cảm xúc. Hình ảnh “Áo tơi” một sự vật rất bình thường nhưng anh đã tìm thấy cả một tuổi thơ gắn với nhiều thi ảnh như một ký ức không bao giờ phai nhạt: Nhớ quê, nhớ những rặng tre/ Nhớ tàu lá cọ nắng che mái đầu/ Nhớ ao làng nhớ sông sâu/ Vẫy vùng tắm mát đỏ ngầu mắt đen/ Nhớ da diết bóng thân quen/ Áo tơi mẹ mặc sạm đen chân bùn/ Quê hương rất đỗi kiên cường/ Cõng lưng cõng nắng gắn cùng áo tơi/ Con đi khắp bốn phương trời/ Càng thấm ân nghĩa áo tơi quê nhà.
Cái hay trong thơ Lê Xuân Đồng là mang được hồn cốt quê hương vào thơ. Một kỷ vật “Áo tơi” được người mẹ mặc cho con đã đi theo suốt năm tháng cuộc đời. Ai đọc bài thơ này đều liên tưởng nhớ lại tuổi thơ có bóng dáng của mình. Cách sử dụng từ giản dị đậm chất quê đã làm cho bài thơ ánh lên sắc diện. Không cần đánh bóng từ ngữ, hình ảnh, nhưng vẫn bật lên cảm giác rưng rưng. Không đại ngôn, trực ngôn mà vẫn có sức gợi lớn. Đặc biệt cách sử dụng tính từ, động từ trong thơ cùng với những điệp từ cấu trúc linh hoạt, phép so sánh hiệu quả, đã tạo nên một văn bản nghệ thuật thơ đầy sáng tạo.
Những bài thơ Lê Xuân Đồng viết về quê hương, về mẹ hiện nguyên những âm thanh hồi vọng. Chỉ nghe một tiếng chim cu gáy vọng vào hoài niệm đã cất lên  những lời thơ da diết: Tiếng nghe êm ả hiền hòa/ Tiếng hồn quê bỗng vỡ òa trong ta/ Mới hay tuổi càng về già/ Càng da diết, càng đậm đà nhớ quê. Và chính cái nỗi nhớ ấy, anh đã có bài thơ “Về quê”, “Người đi” đã để lại một tâm sự, như có điều gì lấp vào cái khoảng trống mênh mông trong anh. Hơn nữa, anh đã dành một tình cảm đặc biệt đối với mẹ. Anh xem mẹ chính là nguồn sáng cho thơ nhập vào hồn cốt quê hương để bật lên một giọng thơ trữ tình trong suốt. Tôi nghĩ những bài thơ hay anh có được, không ngoại lệ có từ sự ảnh hưởng trong lời ru của mẹ. Vì thế trong bài thơ “Vu Lan nhớ mẹ” đã lột tả được công lao trời biển của mẹ bên cạnh những ngậm ngùi xót thương nhớ mẹ: Gian nan thử lửa thử vàng/ Mẹ như tùng bách kiên gan với đời/ Cháo rau đắp đổi lần hồi/ Nuôi con ăn học bằng người mẹ vui.
Trong thơ lục bát Lê Xuân Đồng có nhiều tính từ chỉ trạng thái, có sự kết dính hình tượng nghệ thuật, phóng chiếu lên từng câu chữ nên đã tạo sinh những khúc giao tình độc đáo. Điểm này người đọc dễ cảm nhận nét chủ đạo trong vẻ đẹp các tác phẩm của anh.
Thơ Lê Xuân Đồng còn có một mảng sâu đậm ký ức về những người đồng đội trong cuộc chiến chống Mỹ xâm lược. Đó là tiếng lòng về ký ức đau nhói, ngậm ngùi khi nhắc đến những người bạn đã hi sinh cho Tổ quốc. Tiếng lòng ấy, đã vọng vào tâm thức trong cảm xúc rưng rưng như một lời tri ân vọng vào cõi người. Chứng kiến với thực tế nỗi đau mất mát, anh đã có bài thơ “Quảng Trị ơi”, “Qua Thừa Lưu”, “Đồi Na Sơn”,… Với những vần thơ lục bát cắt nhịp như tiếng nấc, chạm vào lay thức nhớ thương những người bạn đi qua cuộc chiến tranh trên những quả đồi đạn bom cày xới, anh đã có những câu thơ xé ruột, xé lòng: Nhưng rồi nghĩ đến mà thương/ Mấy thằng bạn đến mẫu xương không còn. Hàng loạt các bài thơ nói về chiến tranh của các nhà thơ lớn thường hay để lại trong người đọc những trăn trở, nghĩ suy về những người lính sau cuộc chiến. Song, với Lê Xuân Đồng ở đề tài này, tình yêu anh dành cho những người bạn đã hi sinh và những người bạn Thương binh sau cuộc chiến trở về là vô cùng lớn. Đọc những vần thơ anh viết trong bài thơ “Quảng Trị ơi” như thấm vào da thịt, chất chứa nỗi xót thương vô hạn. Và đằng sau nỗi niềm ấy, hình như có cả sự sẻ chia của thiên nhiên đất mẹ: Nghĩa Trang đang nắng chiều tà/ mà sao mộ bạn lòa nhòa sương giăng. Nếu không có một hồn thơ lục bát tinh tế, không thể viết được những câu thơ đậm tiếng lòng như thế! Tôi nghĩ Lê Xuân Đồng đã gửi nhớ thương vào đồng đội đã hi sinh như một sự tri ân có trước, có sau. Và mong ai đó, khi có được “công thành danh toại” hãy đừng quên đi quá khứ. Một bài học của đạo làm người, cho hôm nay và cả mai sau.
Có thể nói, ở cái tuổi “đang chín” Lê Xuân Đồng càng đong đầy sắc xuân, hương đời, tình người tươi trẻ, mới mẻ. Anh say sưa không ngừng vươn tới sáng tạo cho ngôn ngữ thi ca. Nhất là những sáng tác mới gần đây tác giả thơ luôn ẩn chứa một tiếng lòng sâu đậm. Với anh, khi đời sống được soi rọi qua những lát cắt tâm trạng thì tiếng lòng của anh trong thơ lục bát càng được giãi bày bằng những suy nghĩ lớn lao. Nếu ta vén cảnh phông trong thơ anh trước ống kính nghệ thuật sẽ hiện ra một bức tranh đượm mầu thế sự, nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp trữ tình. Nhìn từ góc độ thi pháp, thơ anh có chiều sâu của bản thể. Cấu trúc tổ chức ngôn ngữ thi ca có nhiều ưu điểm. Những tín hiệu thẩm mĩ được đặt trong nhiều lớp ngữ có ý thức vượt rào đưa hình tượng nghệ thuật đến với người đọc ngày càng hấp dẫn hơn. Đặc biệt cái đẹp trong thơ hiện hữu trong từng khoảnh khắc buồn, vui, hội ngộ, chia ly, sinh, tử  đều biểu lộ một tấm lòng, hướng chúng ta vào cõi thanh đạm. Tuy nhiên đọc thơ anh vẫn còn một một số từ ở một số bài cần phải tinh lọc hơn để đạt đến độ tinh túy của thơ. Dẫu là thế, tôi nhận thấy thơ Lê Xuân Đồng có phong cách riêng, đã hòa vào dòng chảy thi ca xứ Thanh với nhiều ưu điểm.
Hiện nay, các thế hệ nhà thơ xứ Thanh đã và đang có nhiều nỗ lực phấn đấu trong hành trình khẳng định mình trên chặng đường mới. Biết rằng quá trình vật lộn với câu chữ, tìm được tứ thơ hay, trau chuốt ngôn từ tinh túy đem đến cho thơ giọng điệu lạ hấp dẫn không hề đơn giản. Nếu không có bản lĩnh dấn thân vào nghiệp viết đầy khó khăn, luôn cần phải tìm tòi sáng tạo thì khó mà có được những tác phẩm để đời. Dẫu vậy, tôi vẫn tin vào nội lực sáng tạo của anh đang ngày càng tỏa sáng. 
                                                                                       

 T.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 15224
 Tổng số truy cập: 7187804
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa