Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Huy Trụ - Chất thơ trữ tình sâu lắng
Huy Trụ - Chất thơ trữ tình sâu lắng

Trong vườn thơ xứ Thanh có nhiều nhà thơ được định danh trên thi đàn, trong đó nhà thơ Huy Trụ là một trong những tác giả tiêu biểu được nhiều bạn đọc biết đến. Với hơn 40 năm làm thơ, một thời gian so với đời người không phải là ngắn nhưng anh đã để lại một gia tài thơ khá đồ sộ.
Thơ anh có chiều sâu cảm xúc. Qua mạch chảy thời gian đã ngấm vào lòng bạn đọc những tình cảm yêu mến. Đặc biệt những bài thơ viết theo thể thơ mới và những bài thơ lục bát đã tạo cho thơ Huy Trụ có một vị trí trên thi đàn khá đậm nét.
Thơ Huy Trụ có không gian thi ca khá rộng. Chủ đề đa dạng. Nhiều bài trong thơ anh thấp thoáng một dòng liên tưởng tươi mát. Vẻ đẹp thiên nhiên thơ Huy Trụ không chỉ là vẻ đẹp thường thấy trong truyền thống thi ca với sông núi, biển trời mà còn thu về trong dáng hình của những rặng tre cong vút với những đàn cò trắng đậu sau mỗi buổi chiều về. Có lúc được trải hồn quê bên những dòng sông hiền hòa, trong vắt. Có lúc vật vã oằn mình trong bão gió. Chả bao giờ sông thầm lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ không sóng nổi chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào (Sông Mã).
Những tâm sự của anh bằng chất thơ trữ tình cứ như dòng sông lở bồi ùa vào cuộc sống. Và cứ thế, những điểm sáng thẩm mĩ trong thơ anh cứ cuồn cuộn chảy. Tôi đã chạm mạch sóng thi ca Huy Trụ không biết tự bao giờ. Chỉ biết đọc thơ anh qua những bài thơ mà tôi thích đã thấy sóng của tình quê, của lòng người, của những chuyển động đời sống cứ nhẹ nhàng tan chảy vào mạch nguồn thi ca, rồi bất chợt ngân rung như một cung đàn hòa nhịp trái tim yêu.
Huy Trụ đã từng tâm sự, trong cuộc đời tích vốn nhã chữ cho thơ để có được những câu thơ hay trụ lại lòng người: Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau/ Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành/ Thơ như quả chín treo cành/ Lại là lá đắng chữa lành vết thương (Gửi bạn thơ), ý thơ này được nhiều người thuộc và tâm đắc. Có người nói, thơ Huy Trụ thiên về tụng ca và tự bạch. Còn tôi lại hiểu thêm. Thơ Huy Trụ sáng hơn bởi cái tôi trữ tình hòa vào cái ta rộng lớn. Những thước tấc ngôn từ dồn nén từ tấm lòng, làm nên hơi thở thơ anh không chật hẹp, mà tỏa sáng hướng tới tương lai. Thơ trữ tình của anh có địa hạt riêng, có điểm nhìn trong thế giới nghệ thuật khá đa dạng. Anh đã chọn lối thơ truyền thống nhiều hơn để biểu đạt ý tưởng của mình. Nhiều bài thơ viết về quê hương, Tổ quốc, biểu lộ mạch cảm xúc, tình quê, tình đất, tình người sâu nặng lắm.
Trong không gian thơ anh hiện lên nhiều tầng nghĩa, phản ánh hiện thực khách quan rõ nét. Đặc biệt, yếu tố trữ tình được sử dụng qua nghệ thuật cấu trúc, cách diễn đạt ngôn từ tươi mới, thể hiện những tình cảm, ý tưởng, muốn làm thay đổi trật tự cú pháp của lối thơ “tầm chương, trích cú”. Anh đến với thơ hiện đại bằng những khát vọng lớn lao, đậm dấu ấn cá nhân, hòa nhịp với dòng chảy thơ ca Việt.
Trước thiên nhiên, Huy Trụ thăng hoa trong cảm xúc. Anh xây dựng tứ thơ trên điểm nhìn thực tại để rồi nhớ về quá khứ. Từ đó, gắn kết giữa yếu tố truyền thống và hiện đại qua nhịp cầu ngôn ngữ, làm bừng sáng nội dung, nghệ thuật. Thi phẩm trữ tình “Về với xứ Thanh” anh đưa chất liệu điệu hò sông Mã “Huầy dô” có tính đặc trưng của quê hương Thanh Hóa là mạch nguồn cho cảm hứng trữ tình khá thành công: Mỗi lần về với xứ Thanh/ Nghe sông Mã khúc độc hành “huầy dô”/ Rừng gió cuộn, biển sóng xô/ Một đời dân mấy đời vua mới thành.
Vẫn là cách sử dụng từ tượng hình, tượng thanh lấy rừng, lấy biển, kèm theo sóng gió để tỏ rõ sắc thái xứ Thanh anh hùng, bản lĩnh đem đến một sắc diện mới: Khí thiêng sông núi nghìn đời/ Vẫn muôn hoa trái tốt tươi đất này (Về với xứ Thanh).
Cái tinh tế trong thơ Huy Trụ khi biểu lộ tâm sự bao giờ cũng thấu hiểu khát vọng kèm theo tự hào. Thực tế, con người ta thành danh phồn thịnh trong mỗi lần gặp nhau đều nghĩ về nguồn cội, về cái chất riêng của người xứ Thanh ở mọi lúc mọi nơi. Xuân về dốc chén cùng say/ “Huầy dô” nâng cánh Hạc bay đỉnh Rồng (Về với xứ Thanh). 
Chất trữ tình (lyrique) trong thơ Huy Trụ thể hiện trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ, về một tấm lòng trước thế sự. Thông qua nhân vật trữ tình, nhà thơ đã gửi gắm những tư tưởng lớn lao trước thời đại, giữa tình yêu con người với con người, giữa con người với thiên nhiên tạo hóa. Từ đó bộc lộ những quan niệm của mình trước cuộc sống đương đại.
Trong thơ trữ tình Huy Trụ thường có cấu trúc lớp nghĩa lồng vào nhau. Ta vẫn thường xem “cảnh’ và “tình” hai thi liệu làm nên chất trữ tình đằm thắm hiện hữu cho thơ. Thơ Huy trụ bộc lộ thế giới bên trong của chủ thể trữ tình. Những nội dung ấy không bị bó hẹp bởi cái tôi trữ tình mà thường dẫn đến bộc lộ chân lý đời sống phổ biến mang tính khái quát. Điểm tựa trữ tình là cảm xúc. Vì thế, hình ảnh trong thơ trữ tình Huy Trụ có cái thần, khí, được chọn lọc miêu tả điển hình trong thế giới nghệ thuật.
Từ tập thơ “Gom nhặt mà yêu” đến “Thơ nhặt dọc đường” Huy Trụ đã có một bước tiến xa về mặt thi pháp, câu từ ý chặt, có nhiều thanh âm trong sắc thái ngôn ngữ lôi cuốn người đọc. Trong cách thức diễn đạt tạo biểu tượng giản dị nhưng tác động mạnh đến cảm xúc, bởi cách sắp xếp hình tượng độc đáo, những động từ trạng thái, những tính từ gợi cảm, những liên tưởng xa xăm đưa thơ Huy Trụ lên tầm cao mới.
Thế sự là địa hạt trong thơ trữ tình Huy Trụ cất giọng nhưng không hề bị phô, không nhiều hạt sạn. Hơn thế chất thơ anh vẫn rất đời thường nhưng tinh tế có chiều sâu của nhận thức trước cuộc sống đa dạng sắc màu. Anh thường quan niệm: Chẳng cần ghế thấp, ghế cao/ Khi nằm xuống cỏ, ghế nào cũng xanh/ Sông đau cuộn thác dâng ghềnh/ Người đau con mắt coi khinh cả trời (Sông Mã xanh).
Một cách biểu hiện trạng thái vừa nhẹ nhàng nhưng có chất ngông tình thi sĩ. Có lẽ, chất thi sĩ Tản Đà ám ảnh anh chăng? Không cần “đao to búa lớn” bằng lời, mà qua ngôn ngữ thơ, những điều triết lý tưởng chừng đơn giản mà ý tưởng khái quát rất cao. Đó là những ưu điểm trong thơ Huy Trụ. Đúng là "Khen cho con mắt tinh đời” nhìn trời còn biết huống gì “bán mua”. "Bạc tiền có thể đua tranh/ Nghĩa nhân đừng để ai dành bán mua" (Thơ nhặt dọc đường). Bài thơ “Sông Mã xanh”, chất trữ tình xen tự sự cứ trộn vào nhau quấn quýt. Những câu hỏi tu từ trong thơ có sức liên tưởng hiệu quả. Anh lấy hình ảnh sông Mã để nhìn đời tận đáy, nhìn trời xuyên mây, để hàm ẩn nói về quy luật cuộc sống đang diễn ra ngổn ngang. Bài thơ “Mùa xuân sẽ về” là một trong những bài thơ hay có sự giao hòa đồng cảm giữa thiên nhiên và con người. Thơ anh có sự đồng điệu trong giao cảm khá lay động. Khi viết về sông Mã xứ Thanh, anh mượn hình ảnh về quy luật tự nhiên để nói lên ý tưởng lớn lao là một sáng tạo độc đáo: Nghe trong cây dòng nhựa mới lên cành/ Mầm cây nhú xé toạc lần vỏ cứng/ Sông Mã cuộn sóng đôi bờ dựng/ Lẫn rác bùn sông vật vã để trong. Những thi ngôn, thi ảnh có sức gợi lớn, hàng loạt động từ mạnh vẫn không khô cứng, làm mất đi vẻ đẹp trữ tình. Có lúc, những từ gợi tả nổi sóng nhưng ngay sau đó lại trở về trong veo, thuần khiết. Viết về “Mùa thu trước ngõ”, một bài thơ lấp lánh thi tứ, bung tỏa nhiều năng lượng cảm xúc, chứa những lớp sóng ngôn từ vừa có khả năng tâm tình, chia sẻ vừa là đối tượng khám phá. Với “Thu trước ngõ”, hình ảnh mở ra một khung cảnh thu trong một không gian quyến rũ đậm chất trữ tình: Thu lại đến một trời vàng bông cúc/ Một áng mây bay thao thức cả chiều/ Hơi hơi nắng đủ em hồng đôi má/ Hương cốm vòng ai thả bước theo (Thu trước ngõ).
Hoa cúc vàng là đặc trưng của mùa thu được rất nhiều nhà thơ từ cổ chí kim sử dụng thi ảnh cho thơ. Nếu như thi sĩ Xuân Quỳnh lấy hình ảnh Mùa thu vàng hoa cúc, chỉ còn em và anh thì Huy Trụ trong chất thơ trữ tình cảm nhận không kém phần tinh tế dưới một góc nhìn có không gian, thời gian trải rộng: Thu lại đến một trời vàng bông cúc/ Một áng mây bay thao thức cả chiều. Chất thơ anh thật lãng mạn, nhẹ nhàng, như một đám mây bay thao thức cả chiều là quá đặc sắc. Câu thơ mềm như dải lụa, xuyên qua miền cảm xúc, gợi nhớ, man mác một tình riêng. Cách sử dụng từ láy “Hơi hơi” nắng, đủ em hồng đôi má/ Hương cốm vòng ai thả cúc theo? quả là tài tình. Trong thơ có họa. Cách miêu tả vừa đủ, vừa chớm tới. Cái đẹp của thiên nhiên đất trời mùa thu hòa quyện như có gì bâng khuâng trong một cõi tình mênh mông. Có hương sắc của thiên nhiên và tình người giao cảm, để nhớ về những kỷ niệm sâu lắng.
Chất thơ trữ tình trong thơ Huy Trụ không chỉ là những hình ảnh, hình tượng nghệ thuật mà còn gắn với cái đẹp, có nhạc, cùng cách phối âm, cách ngắt nhịp và sử dụng âm, vần khá hay. Chính vì thế, sự lựa chọn từ ngữ, chọn phương thức tu từ có nhiều điểm nhấn. Thơ Huy trụ bộc lộ cảm xúc trữ tình trước nhân vật trữ tình rất đặc trưng. Trong cách ca ngợi vẻ đẹp của thiếu nữ, các nhà thơ truyền thống hoặc hiện đại đều chọn hình ảnh miêu tả, sử dụng nghệ thuật phép so sánh, liên tưởng trong trường ngữ nghĩa, với Huy Trụ anh đã có điều ấy, ngoài ra còn có những câu thơ hay và lạ: Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn/ Cúc mùa vàng tím cả sang đông. Khi bộc lộ tình cảm trước đối tượng trữ tình sắc thái trong tứ đã bật lên một điệu hồn trong trẻo yêu thương: Tuổi em đẹp quá, đi ngang tết/ Ta hóa cây si nứt ngược chồi. Ở các câu thơ này chất thơ trữ tình của anh, hình như đã ảnh hưởng không nhỏ chất thơ Nguyễn Bính.
Thơ Huy Trụ còn hiện lên vẻ đẹp trần thế gợi cảm từ bờ vai, làn da, bờ môi, mái tóc, đưa nhân vật trữ tình gần gũi ngây ngất hòa trong vẻ đẹp thiên nhiên huyền ảo: Ào xuống nước thả vai trần em tắm/ Ngọc trai nào sánh nổi thịt da em (Ngẫu hứng Sầm Sơn). Với chủ đề tình yêu, Huy Trụ như hóa thân vào cái đẹp để khám phá, rồi bất chợt anh đưa ra một cảm xúc bối rối đến không ngờ: Trước em thơ anh thừa ra một câu/ Lấp mãi không đầy khoảng trống. Một cách thể hiện rất thi sĩ, Huy Trụ có nhiều câu thơ điển hình gợi chất trữ tình huyền diệu, sâu thẳm, chất chứa một vị ngọt có sức gợi lớn: Nhớ thương sao chẳng có mùa/ Cứ hun hút quãng đường trưa một mình. Đôi khi nhân vật trữ tình thổ lộ lòng mình có điều gì vừa thực, vừa mơ, có lúc như giận hờn đậm tình da diết nhớ nhung. Khác với nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn: Con đường ta đã dạo chơi/ Xin anh đừng đi với người nào khác em, còn Huy Trụ lại có khoảng mong nhớ khác: Anh về đổ nắng ra phơi/ Đổ mưa ra đếm, đổ trời ra đong/ Đổ bao vướng vít vào lòng/ Vẫn không lấp được khoảng mong một người (Ngẫu hứng). Trong phương thức biểu hiện tình yêu, Huy Trụ sử dụng chất thơ trữ tình, nguồn chủ yếu từ thơ lục bát. Anh đã dành một không gian khá rộng cho chất thơ lục bát của mình tỏa sáng trong địa hạt về chủ đề tình yêu. Riêng anh còn tạo nhiều ngẫu hứng trong cách sử dụng những câu thơ ngắt nhịp xuống dòng tạo nên cảm xúc mênh mông: Tiếng mưa dứt/ nối thành lời/ Lời quên bỏ giữa/ một trời không em. Trong biểu hiện tâm trạng, Huy Trụ còn thể hiện cái tình thi sĩ không quên một thời thanh xuân quá khứ trong một sự cảm nhận tinh tế: Anh vẫn thấy mình như thuở đương trai/ Vẫn thấy em như thời thanh tân óng ả/ Ba gian nhà đầy tiếng chim tiếng lá/ Và những nụ đào e ấp nở tan sương (Bài thơ tâm sự).
Biểu hiện vẻ đẹp nhân cách, sự thủy chung là tính cách của Huy Trụ chăng? Thường người ta hay ví nhà thơ là người đa tình nhất, nhưng với Huy Trụ tôi tin anh sẽ chia đều hai nửa “nửa cho thơ và nửa để em yêu”. Và anh đã có bài thơ tặng vợ với cái tên “Một ngày” khá nổi tiếng: Một ngày mới đó em xa/ mà anh cứ ngỡ đã là bao năm…/ mới hay dẫu chỉ một ngày/ không em nửa trái đất này chung chiêng. Huy Trụ đã thả cái hồn thi sĩ để có những bài thơ để lại cho đời là điều không thể phủ nhận. Bài thơ “Vườn em” là một trong số những bài thơ đáng nhớ trong thơ Huy Trụ. Những nét tinh túy trong thơ anh đã chạm vào nét đẹp tạo hóa, trước vẻ đẹp xuân thì của mùa xuân thiếu nữ: Mùa xuân nhu nhú mơn man gió/ Đồi mơ men ủ, búp căng tròn/ Anh nấp vườn em, rung trái cấm/ Đào mai tròn mắt, đợi giao thừa/ Nâng chén đất trời nghiêng ngả múa/ Mắt đằm trong mắt mặc thoi đưa (Vườn em). Thơ Huy Trụ có những bài viết về phụ nữ mang tầm thời đại. Bên cạnh nét đẹp truyền thống còn cả bề sâu triết lí đời người. Nó nâng nhân vật trữ tình lên tầm cao khái quát. Có khi mang cả tầm nhân loại, được mọi người xem như một triết lí đúng không thể thiếu. Phụ nữ chúng mình nửa trái đất trên tay/ Nửa nhân loại, nửa vòng xoay lịch sử/ Phụ nữ chúng mình nghìn đời nay vẫn thế/ Ủ sơn hà trong vạt áo nâu non […] Phụ nữ chúng mình vốn đơn giản vây thôi/ Mà trái đất một ngày không thể thiếu/ Cánh đàn ông chắc gì đã hiểu/ Chết lâm sàng trước một nét mi cong (Phụ nữ chúng mình).
Huy Trụ đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật thi ca. Dẫu vậy, dù đi đâu, về đâu, anh vẫn dành một khoảng lặng cho quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình bằng những tình cảm rung động nhất. Bài thơ “Ngõ quê” của anh được phổ nhạc, có tiếng vọng, gợi lòng nhớ quê da diết: Ngõ quê dẫn lối ta về/ Mấy ai không có ngõ quê một thời […] Bàn chân đi khắp thị thành/ Vẫn mang hạt bụi ân tình ngõ quê. Xin được dành “Ngõ quê” cho lời kết, vì “ngõ quê” chính là nơi nuôi dưỡng “chất trữ tình sâu lắng”, để có một hồn thơ Huy Trụ hôm nay. Tôi tin, thơ Huy Trụ sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường vươn tới nghệ thuật thi ca đương đại.
                                                                                       

T.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 56
 Hôm nay: 3702
 Tổng số truy cập: 9324846
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa