“Thông điệp thời gian” của tác giả Nguyễn Hữu Ngôn: Thông điệp của tình yêu và niềm đam mê bất tận
Trong đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật xứ Thanh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn được biết đến là một người đa- zi- năng, có tình yêu và niềm đam mê bất tận với văn hóa, văn học nghệ thuật. Dẫu chỉ là “tay ngang”, là con người “vì yêu mà đến” nhưng trong bất kì lĩnh vực nào, một khi đã “tham gia cuộc chơi”, người ta đều thấy ông xuất hiện một cách chỉn chu, nghiêm túc, đầu tư và “đậm chất nghệ”. Cuốn sách “Thông điệp thời gian” vừa ra mắt độc giả như là minh chứng sinh động, thuyết phục cho nhận định ấy.
Điểm thú vị, hấp dẫn đầu tiên của “Thông điệp thời gian” chính là sự đa dạng, phong phú về mặt nội dung. Nếu ví cuốn sách như một bữa tiệc tri thức thì từng phần trong cuốn sách, tượng trưng cho từng khía cạnh của văn hóa, văn học nghệ thuật chính là những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng được Nguyễn Hữu Ngôn khéo léo, dụng công bày biện. 55 bài viết được chia thành 6 phần, mỗi phần là một cuộc chơi đặc sắc: “Trang văn - trang đời”, “Tiếng thơ đồng vọng tri âm”, “Lần giở hồn câu vía chữ”, “Hội họa, điêu khắc - thông điệp thời gian”, “Ẩm thực là một nghệ thuật”, “Điện ảnh, nhiếp ảnh lưu dấu thời gian, khoảnh khắc và mãi mãi”. “Thông điệp thời gian” là một phần của tác phẩm, được tác giả chọn làm tên tập sách. Nó đặc biệt có ý nghĩa khi đây là cuốn sách ra mắt bạn đọc khi ông nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội sau bao nhiêu năm gắn bó với Nhà xuất bản Thanh Hóa. Cuốn sách tập hợp các bài viết của ông ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong suốt quãng thời gian dài. Đây là thành quả của những nỗ lực, tâm huyết, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời ông, là tiếng lòng của một con người luôn tận tâm, tận lực, phụng sự hết mình cho sự phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của quê hương.
Với “Trang văn - trang đời”, “Tiếng thơ đồng vọng tri âm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn giống như người bạn, độc giả thông thái, tri âm, tri kỷ với tác giả, tác phẩm.
Ông đã khá thành công khi khắc họa chân dung một số nhà văn, nhà thơ, giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của xứ Thanh như: Kiều Vượng, Thôi Hữu, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Duy, Đăng Văn, Mai Linh, Trịnh Anh Đạt,… Viết chân dung tưởng dễ mà không hề dễ, nhất lại là viết chân dung về các văn nghệ sĩ. Điều cốt lõi là làm sao thổi hồn vào chân dung ấy bằng những con chữ, thông qua từng cử chỉ, hành động, lời nói, tác phẩm để độc giả như cuốn vào tưởng tượng, hình dung về con người được khắc họa. Bài viết chân dung thành công khiến cho nhân vật phải “sướng”, vỗ đùi đen đét, gật gù tâm đắc còn người thân, bạn bè của nhân vật ngỡ ngàng trước một con người vừa gần gũi vừa tươi mới. Đọc “Thông điệp thời gian”, độc giả cảm phục chân dung nhà thơ, nhà báo cách mạng Thôi Hữu với “bản chất tiên phong, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, có nhiều đóng góp cho đất nước”. Viết về “Vỉa quặng Kiều Vượng”, ông có những nhận định sắc sảo: “Luôn đi tiên phong phải chăng là nét tính cách của người Thanh Hóa […] Thường những người đi tiên phong dễ va chạm. Dường như Kiều Vượng chấp nhận va chạm ấy […] Va chạm để sinh lửa sưởi ấm đời, như hòn cuội lửa thì nên lắm chứ, va chạm để nhọn lên, để mạnh lên chứ không bị mòn oằn đi”. Chân dung NGƯT, nhà khoa học Trần Đức Thịnh, tác giả của những cuốn sách tiêu biểu như: “Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc”, “Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa”… được ông nhẩn nha phác họa từ những câu chuyện, những chi tiết hết sức giản dị, gần gũi, đời thường nhưng rất độc, rất riêng, không thể nhầm lẫn. Đó là một người cẩn trọng, cầu toàn, chỉn chu, nghiêm túc, hết mình vì công việc. Ông “đi lại nhà in như con thoi ngõ hầu” mỗi lần in ấn, tái bản sách. Cái tâm, cái tầm của người làm khoa học, NGƯT như ông Thịnh gói gọn trong lời bộc bạch, tâm sự rất chân thành: “Tôi vẫn thường động viên anh đã làm sách sao tránh khỏi lỗi, làm sao đừng mắc lỗi ngớ ngẩn hoặc lỗi do chủ quan là được […] Anh tâm sự: - Cậu còn có thời gian để sửa, mình già rồi sửa vào đâu”…
Nếu ở “Trang văn - trang đời”, tác giả là người bạn tri âm người thơ, người văn thì ở “Tiếng thơ đồng vọng tri âm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn trở thành người bạn tri âm cùng con chữ. Cách viết phê bình của ông cũng như tính cách, con người ông ngoài cuộc sống: Nhẹ nhàng, giản dị mà không kém phần sâu sắc, tinh tế, tận tâm. Với mỗi tác phẩm, ông thường dụng công phân tích, lẫy lên những nét đặc sắc, tiêu biểu nhất. Đó là sự mới lạ về cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh thơ. Ví như cách ông tỏ ra tâm đắc với bài thơ “Rau má” của nhà thơ Trịnh Anh Đạt: “Khôn khéo của nhà thơ là nhập vào cái hồn hậu, bình dị của ca dao, dân ca, cách kết cấu của ca dao, vượt qua cấu trúc của thi ca, với giọng điệu riêng thủ thỉ, tâm tình, câu chữ tinh tế, diệu nghệ để bài thơ có sức sống, trường tồn cùng cuộc sống, cùng nhân gian, được yêu tin mang tầm tráng ca về xứ Thanh”. Viết về bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn luôn thể hiện sự yêu thích, ngưỡng mộ đặc biệt: “Bài thơ như mạch nước khi bình yên, khi hùng dũng trôi từ thượng nguồn ra biển lớn, mang theo phù sa lắng đọng bến bờ, bồi đắp tâm hồn. Thể lục bát được tác giả thể hiện tự nhiên, nhuần nhuyễn và có những sáng tạo cách tân đầy hiệu quả”…
Không chỉ là văn, là thơ, qua “Thông điệp thời gian”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn đã thể hiện sự đa-zi-năng của mình trên nhiều sân chơi: nghiên cứu văn hóa dân gian, hội họa, điêu khắc, ẩm thực, điện ảnh, nhiếp ảnh… Như một bữa tiệc buffet đầy màu sắc, đủ đầy món ngon, hương vị đặc sắc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn là người làm chủ bữa tiệc ấy. “Lần giở hồn câu vía chữ”, ông là nhà nghiên cứu văn hóa thông thái, kiến giải sâu sắc, tư liệu phong phú. Với hội họa, điêu khắc, ẩm thực, điện ảnh, nhiếp ảnh…, ông là người chơi lắm công phu, tâm huyết.
Sáu mảng màu sinh động, phong phú được thể hiện mạch lạc, khoa học với gần 500 trang sách. Điểm chung nhất, sợi dây kết nối 6 mảng màu ấy hòa quyện với nhau chính là tình yêu, niềm đam mê bất tận mà ông dành cho văn hóa, văn học nghệ thuật. Đọc “Thông điệp thời gian”, độc giả càng thêm yêu mến, trân trọng, cảm phục người trí thức hội tụ đầy đủ các phẩm chất: ham học hỏi, kiến thức sâu rộng, uyên bác, chỉn chu, khiêm nhường, yêu văn học nghệ thuật, tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
B.H.T