Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Nghĩ về văn học trẻ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh
Nghĩ về văn học trẻ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh

Nói về vai trò của Thơ ca (Văn học nghệ thuật ngôn từ), nhà văn Nga xứ sở Đaghetxtan Raxun Gamzatop cho rằng: “Thơ vừa là chỗ nghỉ ngơi, vừa là làm việc đầy lao lực”, hay “Khi tôi nhỏ, thơ giống như bà mẹ/ Lớn lên rồi, thơ bỗng hóa người yêu/ Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ làm con gái/ Lúc từ giã cõi đời, kỷ niệm hóa thơ lưu”. Thơ ca (văn nghệ) với đời sống cũng như mặt trời với vạn vật trên trái đất. Người ta cho rằng: Nhà văn, nhà thơ - những kỹ sư của tâm hồn có khi thật đơn độc trong hành trình đi tìm Chân - Thiện - Mỹ. Nhưng đến với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh bạn sẽ không phải đơn độc. Ở đó ta thấy tác phẩm được phát hiện, nâng niu; tác giả được trân trọng và khích lệ. Đặc biệt là vấn đề văn học trẻ, sáng tác trẻ.
Văn học trẻ không có một khái niệm, định nghĩa riêng mà là cách gọi những tác giả trẻ, hoặc người có những sáng tác văn học trẻ. Thời nào cũng vậy, trong dòng chảy văn học nói chung thì văn học trẻ luôn góp phần tạo ra sự đổi mới, cách tân cũng như mang hơi thở của thời đại vào trang viết. Nhận rõ điều này, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh mà tiền thân là “Bạn Đường”, “Văn nghệ Thanh Hóa” là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa đã luôn quan tâm đến vấn đề văn học trẻ. Tạp chí đã không ngừng tìm kiếm giải pháp, nâng cao thị hiếu thẩm mĩ, thu hẹp khoảng cách văn học và đời sống, thu hút sự quan tâm của độc giả trẻ cũng như nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm cho bạn đọc trẻ.
Trên thực tế, với 80 trang của tạp chí, mỗi tháng một số ra mắt bạn đọc là cả sự trăn trở, nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết của Ban Lãnh đạo, Ban Biên tập. Nội dung tạp chí phong phú, phản ánh đời sống con người với thơ, văn, nhạc, họa, nghiên cứu lý luận phê bình. Ở nội dung ấy luôn có những trang viết dành riêng cho sáng tác trẻ. Qua những trang viết ấy chứng tỏ sự quan tâm, đãi cát mong tìm được vàng. Phát hiện và bồi dưỡng, khích lệ kịp thời những tài năng trẻ. Nuôi dưỡng đam mê viết trẻ của các Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà cũng như cộng tác viên trẻ. Kết nối rộng và hiệu quả, vượt ra ngoài khuôn khổ “ao làng” của một tạp chí địa phương. Gặp gỡ, chăm sóc cộng tác viên trẻ, tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ cho tạp chí, cũng như văn học tỉnh nhà. Khát vọng vươn tới khẳng đinh vị thế và vị trí của mình trong dòng chảy văn học nước nhà nói chung. 
Năm 2018 Tạp chí đã tổ chức thành công “Cuộc thi sáng tác văn học trẻ” với các thể loại truyện ngắn, thơ,… Năm 2019, tạp chí tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới”. Các cuộc thi đó đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả trẻ trong và ngoài tỉnh, với những tác phẩm dự thi chất lượng, và các giải thưởng làm ấm lòng, cổ vũ được đam mê viết của các tác giả. Các tác phẩm của các tác giả được lựa chọn trao giải như Phan Đức Lộc sinh 1995, là Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên giành được giải Nhất truyện ngắn, Phạm Tiến Triều giải Nhì thơ, Nguyễn Thị Minh Thúy giải Ba thơ…
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh còn kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh mở lớp Bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi. Mời được các giảng viên tâm huyết, có chuyên môn như thầy Văn Giá, thầy Mai Văn Thọ, thầy Mai Anh Tuấn từ Hà Nội vào giảng dạy. Kết thúc khóa học, đã chọn ra những học viên xuất sắc, tạo được dư ba, những đam mê sáng tác tiếp tục được bạn trẻ nuôi dưỡng.
Có thể nói Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là nơi khơi nguồn cho những cảm hứng sáng tạo, góp phần và hứa hẹn tạo dấu ấn cho văn học tỉnh nhà. Thực tế, đội ngũ sáng tác trẻ, văn học trẻ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ít nhiều đã được tiếp sức, có được động lực, có lối đi riêng. Động lực và nhiệt huyết từ tên tuổi các tác giả 8x, 9x của văn học trẻ Việt Nam như Bùi Cẩm Linh, Phạm Bá Diệp, Vi Thùy Linh. Các tác giả này tiêu biểu cho thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ được độc giả đón nhận, đánh giá cao. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh trước đây với các tên tuổi trẻ như Phù Sa Trắng, Phạm Dũng, Phạm Tiến Triều, Sơn Ca, Bùi Xuân Tứ… cũng đã góp phần khẳng định vị trí của văn học trẻ trong lòng độc giả. 
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được là những khó khăn, cùng với dư âm trong trẻo, đầy hứa hẹn là những trăn trở. Đó là việc làm thế nào để nâng một tạp chí địa phương ngang tầm và theo kịp sự vận động không ngừng của đời sống văn học trong nước và thế giới dưới nhiều góc nhìn đa dạng khác nhau.
Như lời nhà Phê bình văn học, nhà văn chuyên viết truyện ngắn Bùi Việt Thắng: “Nhiều tác giả trẻ được đón chào nồng nhiệt nhưng dễ bị lãng quên”. Tác giả có sách bán chạy nhưng không phải là nhà văn đúng nghĩa. Những lo ngại các tác giả trẻ sa vào lối văn chương mì ăn liền, thiếu chất sống và trải nghiệm, khoảng cách đời sống và tác phẩm vẫn xa. Hơi thở thời đại chưa thực sự được tác giả trẻ chú ý đưa vào sáng tác, hiếm có những tác phẩm mang tính đột phá. Những cây viết trẻ trưởng thành cùng internet, game và truyện tranh vẫn luôn là trở trăn của các nhà văn, nhà thơ đi trước cũng như của các nhà phê bình cho tương lai văn học nước nhà. Và tất nhiên, với văn học trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cũng không ngoại lệ. 
Nói vậy nghĩa là văn học trẻ Thanh Hóa vẫn thiếu và yếu, chưa có những tác phẩm mang sắc thái phá cách táo bạo chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp và sự dấn thân cho nghiệp văn chương. Chưa có tác giả khẳng định và khao khát sẽ đi “đường dài” với văn nghệ. Thiếu các bài viết ở lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình. Một khó khăn xuất phát từ tồn tại trong suy nghĩ của người trẻ đúng như nhà thơ Đặng Thiên Sơn nói đại ý rằng “Một bộ phận tác giả trẻ loay hoay lập danh, lập ngôn” mà cái cần có lại thiếu như sự chia sẻ với cộng đồng, tạo sự cộng hưởng lan tỏa cũng như giao lưu học hỏi, đối thoại với nghề, độc thoại với mình chưa nhiều. Mạng xã hội làm cho một bộ phận các tác giả công bố tác phẩm của mình một cách ảo tưởng và dễ dãi.
Sự tác động của nền kinh tế thị trường, suy nghĩ Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền, cơm áo không đùa với khách thơ… Sự bùng nổ công nghệ thông tin. Sự lấn lướt của văn hóa nghe, văn hóa nhìn trước văn hóa đọc. Dịch bệnh covid… ít nhiều đều có ảnh hưởng tới văn hóa văn nghệ, đặc biệt là lực lượng sáng tác trẻ.
Với vai trò là một cộng tác viên trẻ được Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh quan tâm và bồi dưỡng, tôi mong muốn Tạp chí tiếp tục tạo sân chơi cho đội ngũ tác giả trẻ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng như cộng tác viên trẻ của tạp chí. Hằng năm tổ chức các cuộc thi, tìm kiếm tài năng trẻ ở các thể loại văn học.
Việc chấm giải cần khách quan, Ban Giám khảo phải biết “mù” trước các tên tuổi đã gặp ở đâu đó, chỉ còn người chấm (người đọc) và bài viết. Hằng năm cần tổ chức các hoạt động trại sáng tác, cũng như các chuyến đi thực tế, tạo cơ hội cho việc phát triển văn học trẻ. Thoáng hơn, cởi mở hơn, tin tưởng hơn (bớt cái nhìn nghi ngờ) với cây viết trẻ. Người trẻ cần có không gian được người khác lắng nghe, ghi nhận sự hiện diện của mình. Nếu có thể thì hàng tháng có các câu lạc bộ giới thiệu tác phẩm mới, tọa đàm văn chương, tổ chức đêm thơ - nhạc, kết nối tác phẩm với Nhà xuất bản, Nhà sách và các Cơ quan báo chí.
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn phản ánh đời sống bằng ngôn ngữ qua lăng kính chủ quan của mình. Công việc đó không những đòi hỏi tài năng, tâm huyết mà còn là bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao trước cuộc đời.
Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm Raddium
Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.
            (Maiacopxki)
Qua ý thơ trên đủ thấy văn nghệ chân chính luôn khắt khe. Tác phẩm chân chính luôn được soi sáng bởi một tư tưởng tiến bộ, hướng người đọc đến lẽ sống, cách nghĩ đúng đắn, tuyên truyền cho một quan điểm giai cấp, một dân tộc. Hai mươi sáu năm qua, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh trong mối quan hệ với văn học trẻ, tác giả trẻ đã làm rất tốt vai trò của một tạp chí văn nghệ. Xứng đáng là cơ quan ngôn luận vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa làm tốt nhiệm vụ Văn hóa văn nghệ. Làm thế nào để đốt lửa trong lòng bạn đọc? Làm thế nào để trên mặt trận Văn hóa văn nghệ ấy mỗi người là một chiến sĩ? Làm thế nào để phát hiện và phát huy được “bản chất của con người là nghệ sĩ” (M.Goroki)?... luôn là những câu hỏi lớn mà các lãnh đạo, biên tập viên, những người làm công tác Văn nghệ Xứ Thanh trăn trở…
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của tạp chí địa phương trong xu thế phát triển chung của Văn học nghệ thuật đương đại, bởi từ đấy hình thành tên tuổi những tác phẩm, tác giả nổi bật. Những con người vượt khó, những nhà văn miền núi tự đục đá kê cao quê hương… để rồi hòa vào dòng chảy văn học dân tộc nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của địa phương mình. Nhà văn Hữu Phương từng cho rằng: “Văn học thực chất không có sự phân cấp Trung ương hay địa phương. Một tác phẩm lớn có thể được viết bởi nhà văn tỉnh lẻ sống tĩnh lặng ở một góc quê”. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là như vậy. 
                                        

 L.T.Đ
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 61
 Hôm nay: 2714
 Tổng số truy cập: 9323858
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa