Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CHỈ ĐẠO, ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THANH HÓA
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CHỈ ĐẠO, ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THANH HÓA

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa với chức năng, nhiệm vụ được giao: tham mưu của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Tỉnh ủy. Giúp Tỉnh uỷ trong việc đánh giá hoạt động và nghiên cứu đề xuất phương hướng, chính sách, cơ chế và giải pháp trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo. Phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ ở tỉnh. Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài. Chỉ đạo định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan văn hóa, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, đảm bảo hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, trong hơn những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tăng cường chỉ đạo, định hướng hoạt động Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” trên địa bàn tỉnh và có những đóng góp nhất định trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật của cả nước.
Sau khi có Nghị quyết số 23-NQ/TW, Hướng dẫn số 47-HD/BTGTW, ngày 06-8-2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương về nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết trên địa bàn toàn tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức công tác trong ngành văn hóa và cán bộ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và các ban trực thuộc Hội.
Công tác tuyên truyền việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, đài truyền thanh huyện, thị, thành phố và hoạt động báo cáo viên, chi hội, Ban Chuyên ngành của Hội Văn học Nghệ thuật, hoạt động của ngành văn hóa và các ngành, đoàn thể, các cấp trong tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 10-C.Tr/TU thực hiện Nghị quyết, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 10-CTr/TU. Các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nghiêm túc việc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết sâu rộng trong toàn ngành. 
Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; phối hợp với cấp ủy các địa phương quan tâm chỉ đạo chính quyền, các ngành, các địa phương cùng Hội VHNT tỉnh, tổ chức tốt các hoạt động văn học, nghệ thuật theo đúng đường lối văn nghệ của Đảng. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thẩm định và phối hợp cùng Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển như: Sắp xếp các đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh gọn, hiệu quả; ban hành Giải thưởng Lê Thánh Tông; hỗ trợ nghệ nhân dân gian trong hoạt động lưu giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống; đặt hàng và hỗ trợ xuất bản các tác phẩm phẩm văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Thanh Hóa thuộc hội viên Hội VHNT tỉnh và hội viên các chuyên ngành VHNT Trung ương; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn,…; phối hợp với Hội VHNT tỉnh thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng VHNT từ cơ sở.
Thanh Hóa là một trong số các địa phương có lực lượng văn nghệ sĩ đông và mạnh. Hội VHNT tỉnh có 483 hội viên, sinh hoạt ở 11 Ban Chuyên ngành, trong đó hơn 1/2 số văn nghệ sỹ là đảng viên; nhiều hội viên tham gia các Hội chuyên ngành Trung ương. Về danh hiệu và giải thưởng: có 07 Nghệ sỹ Nhân dân, 43 NSƯT, 20 nghệ nhân ưu tú, 7 văn nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Có 21 văn nghệ sĩ được kết nạp và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 17 hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, 10 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, 22 hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. 
Trong những năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tạo điều kiện cho hội viên thâm nhập thực tế sáng tác và quảng bá tác phẩm đến công chúng; thu hút, tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ tham gia tổ chức Hội; chất lượng hội viên ngày càng được nâng lên. Hội VHNT tổ chức trên 160 chuyến đi thực tế, văn nghệ sĩ tỉnh Thanh đã cho ra đời hơn 10 ngàn tác phẩm ở các thể loại văn, thơ, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, lý luận phê bình,… Hầu hết các tác phẩm sáng tác đều có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật ở những mức độ khác nhau. Trong đó, có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước và đạt giải thưởng các cuộc thi, các cuộc liên hoan cấp quốc gia, quốc tế,… 
Cùng với hoạt động sáng tác, hoạt động quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật được quan tâm thực hiện như: giới thiệu “Tác giả, tác phẩm” mỗi tháng một số trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa để giới thiệu những sáng tác mới của văn nghệ sĩ tỉnh nhà; tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” nhân dịp Rằm tháng Giêng; tổ chức các cuộc triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật, hội họa ở tỉnh và khu vực; tham gia các cuộc liên hoan của Trung ương và quốc tế tổ chức, thông qua giao lưu giữa văn nghệ sĩ và khán giả, nhất là khán giả trẻ là học sinh, sinh viên…
Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động từ năm 2008 (nay là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”), văn nghệ sĩ xứ Thanh đóng vai trò là lực lượng nòng cốt đã sáng tác trên 1.600 tác phẩm văn học, nghệ thuật (chủ yếu là lĩnh vực văn, thơ, âm nhạc, múa, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu) phản ánh việc học tập và làm theo Bác Hồ của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh ta suốt những năm qua. Trong đó, có hàng trăm tác phẩm được xét chọn đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen hằng năm và Giấy chứng nhận của Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thanh Hóa; được Ban chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương trao tặng 1 Giải C cho tác phẩm sân khấu “Bước ngoặt mùa Xuân năm 1947” (năm 2013), 1 Giải C cho tác phẩm sách “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa học tập và làm theo lời Bác” và 1 Giải Khuyến khích tác phẩm báo chí “Thanh Hóa xây dựng tỉnh kiểu mẫu” (năm 2018), Giải C, Ca khúc “Tình Bác với quê Thanh” của Nhạc sĩ Thế Việt (năm 2020).
Hoạt động sân khấu biểu diễn ở Thanh Hóa được duy trì tổ chức có hiệu quả. Thanh Hóa là địa phương hiếm hoi trong cả nước còn duy trì được hoạt động của cả 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (ca nhạc, kịch nói, sân khấu chèo, tuồng và cải lương), năm 2017 mới thành lập thêm đoàn dân ca, dân vũ. Hằng năm, các đoàn đều dàn dựng chương trình hoạt động và tổ chức lưu diễn khắp các vùng miền trong tỉnh; tham gia đầy đủ các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và đều đạt giải thưởng cao. Đặc biệt, Chương trình sân khấu “Chiều thứ Bảy” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo nội dung, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghệ thuật, giao cho nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tổ chức thực hiện từ năm 2011 đến nay, mỗi tháng một số, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TTV), đã tổ chức sản xuất 88 vở kịch ngắn (45 phút) tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng chống tệ nạn xã hội… góp phần cổ vũ, động viên, lan tỏa gương “người tốt, việc tốt” và lên án, đấu tranh phê phán cái xấu của xã hội…
Bám sát Quy định số 284-QĐ/TW, ngày 05-02-2010 của Ban Bí thư Trung ương về Tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm bố trí cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực văn học, nghệ thuật đảm bảo về chuyên môn và có uy tín trong giới văn nghệ sĩ và ban hành chủ trương, cơ chế tạo điều kiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật. Công tác kiện toàn, bổ sung đội ngũ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh các kỳ Đại hội (lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2012-2017 và lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017-2022) được Thường trực Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo sát sao, bảo đảm đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo của Hội phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có năng lực vận động, thuyết phục; có uy tín với hội viên và đam mê sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bằng những việc làm thiết thực như: Gặp gỡ chúc tết, tổ chức Ngày hội văn công chuyên nghiệp xứ Thanh hằng năm vào đầu xuân; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế tại các khu công nghiệp trọng điểm, động lực: Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở miền núi,… để sáng tác. 
Ban cùng Hội cũng tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh với văn nghệ sĩ Thanh Hóa đang làm việc và sinh sống tại các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là Hội đồng hương văn nghệ sĩ, báo chí xứ Thanh tại Hà Nội. Đồng thời, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Thanh Hóa ở tỉnh ngoài đi thực tế sáng tác tại Thanh Hóa và giao lưu với văn nghệ sĩ Hội VHNT tỉnh và công chúng xứ Thanh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghiên cứu, phê bình lý luận VHNT được quan tâm. Hàng năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng Hội VHNT chọn cử các hội viên Ban Lý luận - Phê bình thuộc Hội VHNT tỉnh tham dự các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng cho các nhà phê bình lý luận VHNT, các nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham mưu của tỉnh. Trong năm, có hàng trăm lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức. Qua đó, trình độ lý luận phê bình VHNT của các văn nghệ sĩ được nâng lên và được giới chuyên môn ghi nhận.
Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách về giải thưởng văn học nghệ thuật như: Giải thưởng văn học nghệ thuật Thanh Hóa 5 năm một lần, Giải thưởng Lê Thánh Tông hàng năm, Giải thưởng Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; khen thưởng cho các văn nghệ sĩ đạt các giải thưởng tại các cuộc thi, hội thi, liên hoan cấp quốc gia, quốc tế,…
Tuy đạt được những kết quả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nêu trên, song kết quả đạt được chưa tương xứng với bề dày và truyền thống lịch sử văn hóa, lợi thế của tỉnh, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân ngày một nâng cao. Chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong lòng công chúng; số lượng và chất lượng tác phẩm sáng tác giữa các loại hình nghệ thuật chưa có sự đồng đều; công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến công chúng chưa được thực hiện thường xuyên, chủ yếu là hoạt động diễn ra ở cấp tỉnh, chưa có nhiều hoạt động ở cơ sở; hoạt động phê bình lý luận văn học nghệ thuật chưa có nhiều đột phá; chất lượng không ít tác phẩm tham gia Giải thưởng Lê Thánh Tông và tham gia các giải thưởng khác chưa cao.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội có lúc chưa được quan tâm đúng mức, số lượng hội viên trẻ, hội viên là người dân tộc thiểu số còn ít; có những chuyên ngành rất khó kết nạp thêm hội viên mới như Lý luận phê bình VHNT, Văn nghệ dân gian…
Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chỉ đạo của chính quyền các cấp trong tỉnh là nhân tố quan trọng hàng đầu. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội VHNT tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các chỉ thị, kết luận của Đảng liên quan đến phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nhằm xây dựng nền văn học, nghệ thuật Thanh Hóa phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đậm sắc thái xứ Thanh.  
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ chính trị, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 “Khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Thanh Hóa hướng vào truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa tốt đẹp”, có giá trị xứng đáng với tầm vóc và bề dày lịch sử, văn hóa của miền đất, con người xứ Thanh. “Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, hình ảnh đẹp của vùng đất và con người Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế” và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến văn học, nghệ thuật. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Hội VHNT tỉnh cần phối hợp, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, triển khai, học tập các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, một cách sâu rộng đến từng đảng viên, hội viên, từng văn nghệ sĩ, gắn với tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Nghiên cứu, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã được nêu trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện sát hợp, hiệu quả với chủ đề: Văn học, nghệ thuật với khát vọng phát triển đất nước, quê hương phồn vinh, hạnh phúc.
Tiếp tục nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, trách nhiệm và nghĩa vụ của đội ngũ văn nghệ sĩ, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ Thanh Hóa không ngừng sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, quê hương. Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong giới văn nghệ sĩ, kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo cáo kịp thời với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, định hướng dư luận, đề xuất biện pháp đấu tranh, phản bác với những quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về thành quả của sự nghiệp đổi mới của đất nước và tỉnh Thanh trên tất cả các lĩnh vực; về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Nâng cao chất lượng sáng tác và hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến công chúng; phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có nhiều các tác phẩm đạt giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia, khu vực và quốc tế.  
Ba là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ vì sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, kiểu mẫu là một việc làm quan trọng vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, đi sâu và thấu hiểu thực tế, thấu hiểu đời sống của nhân dân, luôn đứng về phía nhân dân; kiên quyết chống lại cái ác, cái lạc hậu; bảo vệ nhân cách, nhân phẩm con người; gìn giữ vun đắp những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và sắc thái văn hóa tỉnh Thanh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tăng cường giám sát, bồi dưỡng, đào tạo, quản lý, giáo dục hội viên của mình thật gương mẫu trong sinh hoạt, nói, viết và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng công tác phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trong trường học thông qua các hoạt động văn nghệ quần chúng; hoạt động giao lưu với văn nghệ sĩ,…; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật là người dân tộc thiểu số của tỉnh.
Bốn là, tăng cường sáng tác và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Chú trọng bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thanh Hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; hoạt động dịch thuật, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Thanh Hóa đến với bạn bè quốc tế.
Năm là, tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tiến tới thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa; thành lập mới Hội văn học nghệ thuật ở một số huyện, thị có đủ điều kiện. 
Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động của lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: nghệ thuật biểu diễn (sân khấu, ca, múa, nhạc…), nhiếp ảnh, triển lãm,… nhằm thu hút nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà.                      
                              

 H.M.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 7092
 Tổng số truy cập: 7461323
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa