Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   VỀ THANH HÓA LÀM VĂN NGHỆ VỚI CHOA
VỀ THANH HÓA LÀM VĂN NGHỆ VỚI CHOA

Mỗi lần Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, lòng tôi lại dào lên bao nhiêu kỷ niệm, về sự háo hức tập viết tin tức, làm thơ, viết văn. Mong gửi đến một tòa soạn báo nào đó, để được in ấn. Được in là vui sướng. Cái tên mình được trưng lên mặt báo. Không tin là mình làm được một điều phi thường như vậy. Không bao giờ dám nghĩ đến, mình sẽ là nhà báo, nhà thơ hay nhà văn. Không nghĩ mình sẽ bước chân vào “Ngôi đền thiêng Văn học nghệ thuật”.
Những năm tháng, chiến đấu trên đồi 54 - Đại đội 4. Tôi đã thức bao đêm để viết tin tức gửi báo, đài; làm thơ, viết ký để in báo tường, gửi Đài Tiếng nói Việt Nam. Một cơ may, khoảng tháng 5-1967, nhà thơ Anh Ngọc lúc đó đang dạy ở trường Thương nghiệp Thanh Hóa, được mời đi trại sáng tác của Ty Văn hóa Thanh Hóa. Anh đến trận địa đồi “ba cây thông” đại đội 4 của tôi, đặt trận địa pháo. Anh gặp tôi và anh Lê Xuân Giang, biết chúng tôi yêu văn học, anh đã tâm sự về cái khó khăn của sáng tác thơ, văn và sự kỳ diệu của nó. Tôi cũng không nhớ nổi là mình nghe và tiếp thu được gì. Nhưng sự háo hức muốn dấn thân thì như trào sôi. Chúng tôi cũng thầm lặng gửi cho anh thơ của mình về tòa soạn. Anh nói, Ty Văn hóa Thanh Hóa có tạp chí Người bạn văn hóa tập hợp và giới thiệu những tác phẩm của người viết. Tôi hồi hộp chờ đợi từng ngày. Thật xúc động khi nhận được cuốn tạp chí gửi, có bài thơ của mình in trên số 9-1967. Bài thơ “Anh viết cho em” tôi lấy bút danh là Vân Anh - Tên một cô bộ đội nữ, gặp cuối năm 1965. Lúc đi in tập gương chiến đấu, viết về bộ đội Hàm Rồng ở tỉnh đội Thanh Hóa, lúc đó đóng ở Vân Nhưng.
Cuộc chiến đấu ác liệt hàng ngày, cuốn vào bom đạn và khói lửa. Không ngờ những mẩu tin, bài thơ mà mình viết, miệt mài gửi về tòa soạn cũng “động lòng” đến người phụ trách. Cuối năm 1967 và đầu năm 1968, tôi được triệu lên “tòa soạn” báo Quân khu Ba để học làm phóng viên. Không gì vui hơn. Đây là dịp may để mình thoát khỏi sự mò mẫm trong viết lách. Về được báo Quân khu Ba, cũng là một kỳ công. Tôi phải đi nhờ xe ra thị xã Phủ Lý, rồi từ Phủ Lý xin nhờ xe về thị trấn Chi Nê. Đến Chi Nê mới về Đầm Đa, hỏi thăm thôn Bư Cú, là trạm khách quân khu bộ, điện cho báo cử người ra đón.
Tòa soạn báo nằm trong một căn nhà lá gần cửa hang núi đá vôi, tiện cho việc nếu máy bay phát hiện, ném bom sẽ vào hang trú ẩn. Tôi và mấy anh em khác về học làm phóng viên. Ma Trường Nguyên, ở trung đoàn 250 bảo vệ cầu Ninh Bình, Ai Chi lính Đảo Mê… Sau hồi làm quen, không kịp nghỉ ngơi chúng tôi bắt tay vào học ngay. Thầy giáo là Đại úy Mai Vui - Thư ký tòa soạn (như Tổng Biên tập sau này). Ông giảng cho chúng tôi vỡ vạc ra bao điều. Xưa nay viết báo và tin tức ngay cả văn thơ gửi về tòa soạn, theo cảm tính để viết, nhiều khi cả hàng trang dài nhưng biên tập rút gọn lại chỉ được cái tin như cái bao thuốc lá. Chúng tôi nhận ra các loại tin tức: tin vắn, tin dài, tin nhanh, tin sâu… Bài vở, dạng phản ánh hay dạng chính luận. Phân biệt các loại phóng sự, điều tra, bút ký, tùy bút; loại gương người tốt việc tốt, ký người thực việc thực có được hư cấu hay không? Xong học được đi về đơn vị để thực hành lấy tài liệu viết bài. Tôi được cử về Thanh Hóa viết một bài về “Đại đội dân quân nữ Hoa Lộc”. Lấy tài liệu xong về Tỉnh đội Thanh Hóa, Ty Văn hóa Thanh Hóa xin tài liệu về công tác sẵn sàng chiến đấu. Lúc này giặc Mỹ đã ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 17 trở ra.
Tôi cầm lá thư, theo lời dặn của Thủ trưởng Mai Vui: “Cậu đến Người bạn văn hóa đưa cái thư này cho Lê Sĩ Oanh, nói với nó là của ông Mai Vui ở báo Quân khu Ba gửi”.  Cũng không khó khăn gì lắm, tôi tìm đến gặp anh Lê Sĩ Oanh, cơ quan Ty Văn hóa sơ tán ở xã Đông Ninh, Đông Sơn. Cũng thật lạ, trong mắt tôi ông cũng không nhiều hấp dẫn. Bù lại vẻ bề ngoài nông dân là sự chân tình, mộc mạc. Lê Sĩ Oanh và Mai Vui cùng học lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá (khóa 1), nên họ mày tao chí tớ rất chân tình.
- Chú tên là gì? - Lê Sĩ Oanh hỏi.
- Em tên là… Vân Anh - Tôi nói cái bút danh - tên con gái - lí nhí có phần ngượng ngập. Anh biết tôi là lính Hàm Rồng và quê Thanh Hóa nên thân mật:
- Mi về Thanh Hóa làm văn nghệ với choa!
*
Câu nói ấy sau này tôi mới tin là anh Lê Sĩ Oanh nói thật. Lúc “Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa” năm 1969 ra mắt. Anh Mai Ngọc Thanh là Ủy viên Thường trực, bàn với anh Lê Sĩ Oanh đưa tôi về làm trị sự. Nhưng vì điều kiện chiến đấu, tôi không thể ra quân về được. Lúc thành lập Hội, tôi đã đổi tên thành Từ Nguyên Tĩnh (từ năm 1970) và kết nạp vào Ban Thơ của Hội. Bộ đội Hàm Rồng lúc đó sáng tác thơ, viết báo có nhiều người: Lý Đình Tuấn, Hoàng Hữu, Đinh Xuân Đàm, Lê Xuân Giang, Đỗ Viện, Bùi Kinh Khủng, Ngọc Khuê… Nhưng chỉ có tôi và Ngọc Khuê được “ưu tiên” vào Hội… Chuyện vào Hội cũng thật gian nan. Đơn vị không chứng nhận vào lý lịch. Có ý nghi ngại cho rằng “nhân văn giai phẩm” mà cho cán bộ bảo vệ của Trung đoàn ra tận tỉnh để điều tra. Tôi không biết được điều gì, cứ đi dự Đại hội đã. Mãi sau hòa bình, anh Lê Sĩ Oanh mới cho biết sự việc này.
Hết chiến tranh. Năm 1975, nhớ lời dặn của anh Lê Sĩ Oanh “Về Thanh Hóa làm văn nghệ với choa”, tôi từ Khánh Hòa ra, nhưng lúc này không còn biên chế. Những gian nan của người lính sau chiến tranh. Mấy ai kịp trang bị cho mình hành trang để lo cuộc sống. Lao vào mưu sinh. Văn thơ nhiều khi định giã từ.
Mãi tháng 6-1986, Hội có chủ trương ra “báo văn nghệ” anh Lê Sĩ Oanh lại rủ tôi rời Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa sang Hội… Lúc đi, ông giám đốc dặn: “Mi sang đó, muốn làm văn nghệ thì đừng dính vào bất cứ một chức vụ gì”. Ngừng một lúc ông cười: “Nếu sống không được, quay về đây tao sẽ nhận lại”. 
Tôi cũng bị cuốn theo làn sóng của tình hình lúc đó. Báo chí mỗi tờ báo Thanh Hóa, số trang lại ít. Hầu như in tin tức là chính. Văn thơ mãi sau mới có mặt. Nếu ở Đài mỗi tuần cũng có một chương trình thơ. Thơ - niềm yêu mến từ thời còn học sinh. Những năm tháng trên trận địa Hàm Rồng thức trưa, trực đêm mò mẫm để viết… Thế mà từ giã để chuyển sang văn xuôi…
 “Về Thanh Hóa làm văn nghệ với choa!”, câu nói đó cứ ám ảnh tôi mỗi lần Đại hội. Tôi lại nhớ đến các anh Anh Ngọc, Mai Vui, Mai Ngọc Thanh, Lê Sĩ Oanh… đã động viên, dìu dắt mình với lòng biết ơn. Nhớ đến nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn với cặp kính cận như đít chai, với đôi mắt trực chỉ, giọng đầy ma lực khi đi thực tế Lang Chánh viết cuốn ký “Quế ngọc Châu Thường”: Tôi là nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn tác giả tiểu thuyết “Cuộc đời năm tháng”, nhà thơ Đỗ Xuân Thanh tác giả tập thơ “Tái hiện”, nhà thơ Văn Đắc tác giả tập thơ “Hai triền sông”, còn Từ Nguyên Tĩnh tác giả ký sự… Làm người cầm bút, không gì buồn hơn khi bất lực trước trang giấy. Mọi thứ như học vấn, vốn sống có thể khắc phục được bằng tự học, tự bồi đắp… nhưng lười biếng không chịu lao động chỉ dẫn đến thất bại.
*
Tôi đã ở Hội cho đến lúc về hưu. Là hội viên của Hội từ ngày đầu cùng các cây bút trẻ như: Anh Chi, Đặng Ái, Đào Phụng, Đào Hữu Phương, Hà Thị Cẩm Anh, Hải Minh, Nguyễn Ngọc Quế… nay họ đã vào tuổi tám mươi. Họ đã đóng góp cho Hội những thành tựu không thể quên. Đã là những nhà thơ, nhà văn có tên tuổi trên văn đàn.
Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa từ lúc ăn đong, đến nay đã có đủ các chuyên ngành, với hàng trăm hội viên Trung ương. Từ tay không nay đã có Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh kế tục Tạp chí Người bạn văn hóa, uy tín trong tỉnh và cả nước. Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa hôm nay là một “cánh đồng Văn nghệ” với muôn ngàn hương sắc, mà vẫn giữ được phong vị, tính cách xứ Thanh.
Câu nói của anh Lê Sĩ Oanh ngày nào: “Mi về Thanh Hóa làm văn nghệ với choa”, tôi đã làm được rồi. Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa là ngôi nhà ấm cúng và biết bao là biến động. Ổn định để phát triển.
                                                                     

 Cửa Hữu, tháng 12-2022
                                                                                    T.N.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 117
 Hôm nay: 14361
 Tổng số truy cập: 7186941
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa