TÂM HỒN TÔI ĐÃ CẤT CÁNH BAY LÊN TỪ NGÔI NHÀ ĐẦY TÌNH NGHĨA ẤY
Có một ngôi nhà đã gắn kết, che chở, nâng đỡ, chắp cánh, thổi hồn, thắp sáng thêm những ước mơ khát vọng, vun đắp trí tuệ, dựng niềm tin, tạo nên tầm vóc cho bao nhiêu văn nghệ sĩ xứ Thanh gần nửa thế kỷ nay, đó là Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Ngôi nhà ấy nuôi dưỡng bao nhiêu tài năng. Nó là bến, là ga cho bao nhiêu con tàu lớn hú còi đi cùng trời cuối đất, rẽ sóng vượt trùng khơi. Từ ngôi nhà ấy, có những cái tên sáng lên thành sao, thành trăng; có cái tên thành sông, thành núi; có cái tên thành chuông, thành khánh; có cái tên thành ngọc, thành trầm; có cái tên thành hoa thơm, quả ngọt. Tâm hồn tôi cũng đã cất cánh bay lên từ ngôi nhà đầy tình nghĩa ấy. Ngôi nhà thân thiện, vĩ đại ấy đầu tiên đã mang một cái tên vô cùng giản dị: 25, Cửa Tả, thành phố Thanh Hóa.
Cách đây gần năm mươi năm, trụ sở của Hội VHNT Thanh Hóa đóng ở địa chỉ 25 Cửa Tả, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Khu trụ sở có ba dãy nhà hình chữ U. Nhà văn phòng nhìn ra đường Lê Hồng Phong. Hai dãy phòng làm việc của các nhà văn, nhà thơ, nhân viên văn phòng hướng mặt qua một cái sân rộng. Góc sân có một cây đa rất đẹp. Khi mới thành lập Hội VHNT Thanh Hóa, ai làm chủ tịch, tôi không rõ. Mãi tới năm 1984, khi được kết nạp vào Hội, hội viên chuyên ngành Thơ, tôi mới biết lúc ấy, nhà viết kịch Mai Bình làm chủ tịch. Trước ông Mai Bình, ai làm Chủ tịch Hội tôi không biết. Thời gian sau đó, lần lượt qua các khóa tiếp theo, nhà văn Lê Xuân Đức, nhà văn Đặng Ái, nhà văn Lê Xuân Giang thay nhau kế vị đảm nhận chức vụ này. Khi trụ sở của Hội chuyển về tầng 8, tòa nhà Hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, thì nhạc sĩ Đồng Tâm làm Chủ tịch hai khóa. Bây giờ, họa sĩ Phạm Duy Phương lĩnh trọng trách này.
Những năm tám mươi, chín mươi, hội viên còn ít. Số ban cũng chưa đông như bây giờ. Tôi nhớ được mấy ban như Ban Văn xuôi, Ban Thơ, Ban Sân khấu, Ban Múa, Ban Kiến trúc… Lúc ấy chưa có Ban Lý luận - phê bình, chưa có Ban Nhiếp ảnh, chưa có Ban Điện ảnh. Ban Văn xuôi mới có Nguyễn Ngọc Liễn, Lê Thiện Trác, Hoàng Tuấn Phổ, Từ Nguyên Tĩnh, Đào Hữu Phương, Đặng Ái, Lê Hữu Thuấn, Hà Thị Cẩm Anh. Sau có thêm Đỗ Văn Phác, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Nho, Trọng Nghĩa, Nguyễn Cẩm Hương; Lý luận - phê bình chưa có ban riêng, ông Hồ Nguyên Cát sinh hoạt chung với Ban Văn xuôi; Ban Thơ có nhà thơ Vương Anh, Văn Đắc, Mai Ngọc Thanh, Quế Anh, Mai Ngọc Uyển, Anh Chi, Vũ Thị Khương, Nguyễn Ngọc Quế, Lê Hai, Mạnh Lê, Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Huy Trụ, Đỗ Xuân Thơm, Trịnh Ngọc Dự, Đào Phụng. Sau có thêm Hải Minh, Đinh Ngọc Diệp… Sau mấy kỳ Đại hội, số hội viên của Hội đông gấp mấy lần. Chỉ riêng Ban Thơ có 70 hội viên; Ban Văn xuôi gần 30 hội viên; Ban Lý luận - phê bình gần hai chục hội viên. Ban Kiến trúc, Ban Sân khấu mỗi ban hàng trăm hội viên.
Khi thấy các ban kết nạp hội viên nhiều, nhiều hội viên cao tuổi, không ít ý kiến cho rằng như vậy chất lượng kém. Thực tế lại không phải như vậy. Hàng loạt các hội viên mới đã chứng minh họ vào Hội là xứng đáng. Rất nhiều hội viên đoạt giải cao của Hội, của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, đoạt giải trong các cuộc thi từ Trung ương đến các tỉnh thành trong cả nước. Tiêu biểu trong số đó như Thy Lan, Ngân Hằng, Hoàng Quốc Cảnh, Nguyễn Thanh Xuyết, Phạm Đăng Sương, Nguyễn Huy Súc, Trịnh Tuyên, Lê Gái, Vũ Tuyết Nhung, Phong Lan… Bên cạnh những cây bút đã thành danh đạt giải cao ở cấp Trung ương như Lê Quang Sinh, Nguyễn Văn Đệ, Lê Ngọc Minh, nhà văn trẻ Ngân Hằng đoạt giải Nhì cuộc thi viết “Sự hi sinh thầm lặng” của báo Sức khỏe và Đời sống, Lê Vạn Quỳnh đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ, Thy Lan đoạt giải Nhì của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải C của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương với tác phẩm “Mạch ngầm con chữ”. Nhiều hội viên mới đoạt giải cao nhất khi vừa được kết nạp vào Hội như Nguyễn Thanh Xuyết, đoạt giải Nhất; Phạm Đăng Sương đoạt giải Nhì cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ngay năm đầu vào Hội, ngay năm đầu tham gia dự thi. Một số cây bút trẻ khác như Phạm Thị Kim Khánh, Phạm Tiến Triều, Bùi Xuân Tứ, Phạm Văn Dũng ngày càng khẳng định được mình. Ban Ảnh, Ban Sân Khấu, Ban Múa… gặt hái rất nhiều huy chương Vàng, huy chương Bạc trong các cuộc thi, các cuộc hội diễn của khu vực và toàn quốc.
Hội càng lớn càng mạnh. Ban nào cũng hoạt động tích cực. Hết cuộc đi thực tế sáng tác này đến cuộc đi thực tế sáng tác khác. Trước kia, mấy năm Hội mới tổ chức được một vài lần cho một số hội viên đi thâm nhập thực tế. Bây giờ ban nào cũng đi. Năm nào cũng đi. Các ban được cấp kinh phí, được cấp giấy giới thiệu, được tạo mọi điều kiện cho đi. Có ban đi thực tế hai, ba lần trong năm. Không dừng lại đó, năm nào Hội cũng cho hội viên đi dự các trại sáng tác của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, của Ủy Ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam mở ở Tam Đảo, Đại Lải, Vũng Tàu… Hội còn hỗ trợ cho các cuộc tọa đàm nâng cao chất lượng tác phẩm cho các hội viên Ban Thơ, Ban Văn xuôi, Ban Nhiếp ảnh, Ban Lý luận - phê bình… Không những thế, Hội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu cho hội viên tham dự các cuộc hội thảo về Văn học nghệ thuật các vùng Kinh đô nước Việt từ xưa tới nay ở Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Huế, Thanh Hóa. Hàng trăm hội viên được hỗ trợ kinh phí sáng tác, quảng bá tác phẩm. Tác phẩm loại A được nhận bảy triệu, loại B được nhận năm triệu. Đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và nỗ lực của lãnh đạo Hội VHNT Thanh Hóa. Cách đây mấy chục năm, điều này chưa có. Ban Chấp hành Hội còn tổ chức cho hội viên học tập Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Rất tự hào và phấn khởi đối với hội viên là Hội đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh có hẳn một giải thưởng mang tên Giải thưởng Lê Thánh Tông (nay là giải thưởng VHNT hàng năm) cho lĩnh vực hoạt động VHNT. Giải thưởng vừa có ý nghĩa ghi nhận, vừa tôn vinh, vừa động viên, khích lệ các hội viên lao động sáng tạo văn học nghệ thuật. Năm nào cũng có hàng chục tác giả vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.
Cách đây vài ba chục năm, không có nhiều cuộc thi, không có nhiều hoạt động VHNT, chưa có nhiều loại giải thưởng như bây giờ. Năm 1986-1987, tôi được nhận giải Khuyến khích trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa (Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh bây giờ). Giá trị giải thưởng chỉ có mấy đồng. Ấy thế mà mừng hết chỗ nói. Mà lâu lắm mới có một cuộc thi. Từ khi nhà văn Từ Nguyên Tĩnh làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh mật độ các cuộc thi truyện ngắn, cuộc thi thơ ngày một nhiều. Những nhà thơ như Lê Quang Sinh, Viên Lan Anh có vinh dự nhận giải Nhất, giải Nhì ở đây và sau đó ít năm được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt từ khi nhà văn Thy Lan làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đến nay, các cuộc thi liên tục được mở ra. Cuộc thi này nối cuộc thi khác. Mỗi cuộc thi một chủ đề. Các nhà văn, nhất là các cây bút trẻ vừa có sân chơi, vừa được trải nghiệm, vừa được dịp khẳng định mình có cả cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” dành cho các NSNA. Nhiều tài năng được phát hiện qua các cuộc thi này. Có người được kết nạp vào Hội VHNT Thanh Hóa. Có người được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh có nhiều tìm tòi, nhiều hướng đi tự đổi mới về nội dung lẫn hình thức. Với sức trẻ năng động, sáng tạo, tạp chí còn mở các lớp bồi dưỡng sáng tác cho các cây bút mới, các cây bút trẻ trong tỉnh. Không có tâm, không có tầm, không có tình yêu nghề nghiệp sâu sắc, không có trách nhiệm lớn thì không thể có những hoạt động ấy.
Từ ngôi nhà ấm áp tình nghĩa này, hàng trăm tác phẩm của các văn nghệ sĩ: Ban Kiến trúc, Ban Sân khấu, Ban Múa, Ban Mỹ thuật, Ban Âm nhạc, Ban Nhiếp ảnh, Ban Điện ảnh, Ban Lý luận - Phê bình, Ban Văn nghệ dân gian, Ban Văn xuôi, Ban Thơ đã ra đời. Bản sắc văn hóa độc đáo, truyền thống lịch sử vẻ vang, vẻ đẹp, tinh hoa vùng đất giàu sử thi, cốt cách, tâm hồn cao đẹp con người xứ Thanh, trí tuệ, ý chí, bản lĩnh phi thường của người Thanh Hóa từ các tác phẩm tỏa nắng, tỏa hương sắc đi khắp mọi miền đất nước. Các văn nghệ sĩ yêu ngôi nhà giản dị nhưng vĩ đại của mình bằng cách ấy. Mỗi hội viên là một tác giả. Mỗi tác giả đều cố gắng đến mức cao nhất để tạo ra một giọng điệu riêng mình, một phong cách riêng mình, một thi pháp riêng mình, một con đường riêng mình. Không ai lẫn vào ai. Không ai khuất bóng ai. Họ yêu ngôi nhà, làm đẹp cho ngôi nhà Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa của mình bằng cách ấy. Tôi đã học được ở từng hội viên cách sống ấy, ý nghĩ ấy, sự phấn đấu ấy, cách say sưa quên mình ấy. Và tôi cũng tâm niệm phải cố gắng xây dựng làm rạng rỡ ngôi nhà thiêng liêng của mình - Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa bằng cách tạo ra những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật cao nhất, có giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ cao nhất, riêng biệt nhất của riêng mình.
29-11-2022
N.M.K