HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THANH HÓA - NGÔI NHÀ CHUNG ĐẦM ẤM CỦA VĂN NGHỆ SĨ
Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa là ngôi nhà chung đầm ấm của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Trong mái nhà chung ấy, dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng đoàn và Ban Chấp hành (BCH) Hội, gần năm trăm hội viên đã và đang mang hết tài năng, tâm huyết sáng tạo nên nhiều tác phẩm VHNT. Những tác phẩm đậm hơi thở cuộc sống, vừa có giá trị nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, vừa có tác dụng định hướng con người đến chân - thiện - mỹ, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thông qua những hoạt động thực tế, Hội đã tập hợp được lực lượng hội viên đông đảo, từ đó có điều kiện để nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, phát huy tư chất của từng văn nghệ sĩ trước những chuyển động mới trong tiến trình phát triển quê hương, đất nước, nhất là ở giai đoạn vừa nhanh vừa mạnh như hiện nay. Những hoạt động thiết thực và kịp thời đó của Hội đã giúp cho hội viên hiểu rõ hơn quan điểm, định hướng của Đảng về VHNT trong thời kỳ mới, từ đó có lập trường tư tưởng vững vàng, có trách nhiệm với việc tìm tòi, sáng tạo, có động lực để đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn vào sự phát triển nền VHNT của tỉnh và cả nước.
Văn nghệ sĩ Thanh Hóa - Những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng
Không phải Hội nào cũng có được sự nhất quán về tư tưởng, ý chí của văn nghệ sĩ. Với 483 hội viên, Hội VHNT Thanh Hóa là một trong số ít Hội văn nghệ trên cả nước có số lượng hội viên đông đảo như vậy. Trong sáng tạo VHNT khi số lượng hội viên đông, việc quản lý chỉ cần lỏng lẻo thì hậu quả sẽ rất khó lường. Do vậy yếu tố đầu tiên và kiên quyết trong việc kết nạp hội viên Hội VHNT Thanh Hóa là tài năng chuyên môn phải gắn với tư tưởng chính trị vững vàng, có khát vọng cống hiến vì sự nghiệp chung. Dưới sự lãnh chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn và BCH Hội, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Đây là kết quả công tác quản lý hội viên của Hội VHNT Thanh Hóa, vừa chuẩn mực theo quy định của pháp luật vừa mềm mại, linh hoạt phù hợp với môi trường văn nghệ.
Chính phong cách quản lí, điều hành theo nguyên tắc nhưng linh hoạt của Đảng đoàn và BCH Hội đã tập hợp đoàn kết văn nghệ sĩ tỉnh nhà thành một thể thống nhất, đồng thời cũng kịp thời cổ vũ, tiếp sức cho hội viên đam mê hơn trong hành trình sáng tạo VHNT. Các hội viên luôn nêu cao tinh thần tự giác rèn giũa những đức tính quý báu của người văn nghệ sĩ - chiến sĩ, có ý chí tiến thủ, có năng lực sáng tạo, có hoài bão lớn. Những điều này đã được thể hiện rõ nét trong tác phẩm của hội viên suốt nhiệm kỳ vừa qua. Không chỉ phản ánh đời sống mà các tác phẩm còn góp phần định hướng tư tưởng chính trị, cỗ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, xây dựng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Đáng mừng hơn, những phẩm chất tốt đẹp ấy không chỉ được thể hiện ở các văn nghệ sĩ tên tuổi mà còn lan tỏa và biểu hiện rõ nét ở thế hệ văn nghệ sĩ kế cận, những hội viên trẻ về tuổi đời, nhưng rất sung sức về hoạt động chuyên môn, có trình độ học vấn ngày càng cao, khả năng thích ứng nhạy bén với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, được xem là những người tiên phong, lĩnh xướng nhiệm vụ hiện đại hóa nền văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.
Mặt trận tư tưởng và vai trò của Hội VHNT
Tổ chức Hội VHNT Thanh Hóa có 11 Ban Chuyên ngành gồm: Văn xuôi, Thơ, Văn nghệ dân gian, Lý luận phê bình, Âm nhạc, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Điện Ảnh và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là cơ quan ngôn luận, diễn đàn VHNT của văn nghệ sĩ xứ Thanh. Cùng với các Ban là 3 Câu lạc bộ: Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh, Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Lam Sơn, Câu lạc bộ Thư pháp Thanh Hóa. Hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để Văn học nghệ thuật tỉnh nhà phát triển, kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ tạo ta ra những tác phẩm có giá trị, xứng đáng với tầm vóc và bề dày lịch sử, văn hóa, mảnh đất con người xứ Thanh.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, BCH Hội VHNT Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức và phối hợp với các cơ quan, các hội chuyên ngành thành viên tổ chức nhiều hoạt động VHNT quy mô lớn. Nhiều hoạt động VHNT đã được các cấp lãnh đạo và dư luận công chúng đánh giá cao.
Hoạt động quảng bá và lý luận phê bình trong nhiệm kỳ qua đã có những khởi sắc mới. Hội hiện có đội ngũ nghiên cứu, lý luận phê bình mạnh và uy tín trong cả nước ở một số lĩnh vực chuyên ngành như văn học, văn nghệ dân gian nên việc viết bài đăng tải quảng bá tác phẩm mới luôn được triển khai thường xuyên, kịp thời. Hiện nay các tác phẩm thơ, văn, lý luận, văn hóa, tranh, ảnh, kiến trúc, nhạc... không chỉ đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh mà còn đăng trên Báo Thanh Hóa, công bố trên Đài PT - TH Thanh Hóa, các tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương, Báo Văn nghệ, Tạp chí diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Ban Văn xuôi có hơn 100 tác phẩm đăng tải, công bố, Ban Thơ hàng ngàn tác phẩm hội viên được đăng tải, xuất bản, công bố, Ban Lý luận - Phê bình có hàng trăm tác phẩm đăng tải báo chí, có gần 10 đầu sách xuất bản; Ban Âm nhạc (nhạc múa, hợp xướng, ca khúc...) khoảng 500 tác phẩm; Ban Nhiếp ảnh có hàng ngàn bức ảnh; Ban Mỹ thuật có hàng trăm bức tranh được công bố, đăng tải; Ban Điện ảnh có hàng chục bộ phim được phát sóng, đặc biệt là bộ phim phóng sự tài liệu về nhiệm kỳ 5 năm của Hội sẽ phát sóng phục vụ Đại hội; Ban Kiến trúc tham gia nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế hàng ngàn đồ án lớn, góp phần làm đẹp cho hình ảnh xứ Thanh từ đô thị đến nông thôn.
Nhiều tuyển tập sách trong nhiệm kỳ đã được Ban Thơ, Ban Văn nghệ dân gian, Ban Âm nhạc, Ban Lý luận - Phê bình... xuất bản. Nhiều hội viên đang tham gia các công trình lớn. Nhiều công trình nghiên cứu, dự án sách có giá trị đã được giới chuyên môn và công chúng đánh giá là sách hay như cuốn: “Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh” của cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã được đầu tư in và phát hành từ nguồn ngân sách tác phẩm chất lượng cao (do Nhà xuất bản Thanh Hóa thẩm định). Và nhiều cuốn khác nữa của hội viên cũng đã, đang được tỉnh chọn đầu tư. Thiết nghĩ đó là sự quan tâm rất cụ thể, thiết thực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với các tác phẩm VHNT - những sản phẩm tinh hoa, của giới tinh hoa.
Trong 5 năm, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đã chỉ đạo Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh tổ chức 5 cuộc thi trên các loại hình khác nhau. Hội đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động. Hội đăng cai tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền Di tích, danh thắng xứ Thanh” năm 2022. Đây là cuộc thi lớn, quy mô quốc gia, do Hội đồng nghệ thuật quốc gia thẩm định, bằng chứng nhận do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đồng trao thưởng và bảo trợ về nghệ thuật. Ngoài ra còn có các hạng giải thưởng cấp Hội để động viên hội viên, mở rộng tìm kiếm những tài năng mới, trẻ, nhiệt huyết về nhiếp ảnh. Đặc biệt cuộc thi nhằm quảng bá hình ảnh đến bạn bè trong tỉnh, trong nước và quốc tế về nét đẹp văn hóa, con người, vùng đất xứ Thanh. Chắc chắn Thanh Hóa sẽ có bộ ảnh đẹp.
Ngoài ra, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh còn tích cực tham gia cuộc thi viết về xây dựng Đảng mang tên Búa Liềm vàng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Từ năm 2017 đến năm 2022 có hơn 50 tác phẩm dự giải, trong đó có 05 tác phẩm đạt giải cấp tỉnh. Tham gia cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã có gần 200 tác phẩm tham gia, trong đó có 03 tác phẩm đạt giải cuộc vận động của tỉnh Thanh Hóa, 04 tác phẩm đạt Giải báo chí Trần Mai Ninh. Thường xuyên tổ chức họp mặt cộng tác viên, mỗi năm có từ 150 đến 200 người trên toàn quốc về dự, tặng thưởng 35 cộng tác viên xuất sắc. Tạp chí tổ chức thành công 5 cuộc thi: Sáng tác Văn học trẻ năm 2018; Ảnh nghệ thuật “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” năm 2019; Cuộc thi ký văn học “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020; Thi thơ “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” năm 2021; Thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022. Đặc biệt Trại sáng tác “Nâng cao chất lượng Tạp chí” diễn ra trong những ngày cuối năm 2022 đã mở ra một phương hướng mới của Tạp chí: Phải tìm mọi cách đi được sâu hơn đến các vùng miền, nhất là dân tộc vùng cao, biên giới hải đảo. Và nhất quán quan điểm: coi đội ngũ cộng tác viên là nguồn quyết định chất lượng Tạp chí.
Từ các cuộc thi, BCH Hội đã nhìn ra tầm quan trọng và sự cần thiết phải mở các lớp đào tạo nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên. Do đó, công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ và hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác cho hội viên được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Hội đã tổ chức 01 lớp Tập huấn Lý luận phê bình cho 50 hội viên tại Thành phố Thanh Hóa vào tháng 9 năm 2020. Tổ chức 4 Trại sáng tác: Trại sáng tác Văn học trẻ và miền núi năm 2018 do lãnh đạo mảng Sáng tác trẻ và mảng Văn nghệ miền núi phối hợp thực hiện; trại viết “Nâng cao chất lượng thơ Thanh Hóa” do Ban Thơ thực hiện cho 69 hội viên tại Sầm Sơn, Trại sáng tác “Nâng cao chất lượng Văn xuôi Thanh Hóa” năm 2020 tại thành phố Sầm Sơn cho 30 hội viên. Cũng trong dịp này, các hội viên được bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm sáng tác; được trao đổi, giao lưu với các GS, PGS, TS, các nhà Lý luận phê bình, các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Trung ương như: nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Nguyễn Bảo, nhà LLPB Đỗ Lai Thúy, nhà LLPB Văn Giá, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Lê Văn Vọng… Hội cũng đã linh hoạt và chủ động trong việc phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, với các cơ quan, ban ngành, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tổ chức nhiều trại sáng tác tại Đà Lạt, Nha Trang, Đại Lải, Tam Đảo, Ninh Bình... cho hàng trăm lượt hội viên. Các văn nghệ sĩ tham gia Trại đã có những bước trưởng thành hơn về năng lực sáng tác và có điều kiện để hoàn thành nhiều tác phẩm thuộc các thể loại, chuyên ngành văn học nghệ thuật.
Cũng trong nhiệm kỳ này, các chuyến đi thực tế đến với các vùng miền trong tỉnh nhằm khơi gợi và làm giàu cảm hứng sáng tác cho hội viên được xem là hoạt động thường niên. Từ nguồn kinh phí của tỉnh và nguồn Quỹ Hỗ trợ sáng tác của Chính phủ, cùng sự phối hợp của các ngành, các địa phương, 11 Ban Chuyên ngành của Hội đã triển khai các chuyến thâm nhập thực tế tại các vùng trọng điểm kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh như Lam Sơn, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc… Kết quả là có gần 500 tác phẩm thơ, ký, truyện, tranh, ảnh, ca khúc được sáng tác và đăng tải trên các phương tiện truyền thông ở Trung ương và địa phương. Trong đó có hàng trăm nhà văn, nghệ sĩ được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, giải Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải các chuyên ngành nghệ thuật Trung ương, Giải của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… với những tác phẩm viết về chính quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Hoạt động giao lưu, tọa đàm, hội thảo, triển lãm được xem là cầu nối, là bệ phóng, là hoạt động kích cầu để tác giả, tác phẩm có cơ hội được đến gần hơn với độc giả. Nhiệm kỳ 2017-2022 là thời kỳ nở rộ về hoạt động giao lưu, hội thảo, tọa đàm, triển lãm. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các hoạt động này ngày một được nâng cao. Trong 5 năm qua, Hội đã tổ chức tốt nhiều cuộc giao lưu, hội thảo khoa học về văn hóa, VHNT, qua đó, sự kết nối với các Hội VHNT trong cả nước được tăng cường, các hoạt động chuyên môn của văn nghệ sĩ tỉnh nhà được thêm phần phong phú. Các hoạt động giao lưu VHNT, đáng chú ý có thể kể đến như: Tham gia chương trình giao lưu 5 vùng Kinh đô xưa và nay tại Ninh Bình (2017), Hà Nội (2018), Thanh Hóa (2019); Phú Thọ (2022). Hoạt động Ngày thơ Việt Nam tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ - Thành phố Thanh Hóa hàng năm cũng là một sân chơi chuyên nghiệp thu hút công chúng tham gia và dự xem. Các hoạt động trình diễn thơ, đọc thơ thu hút rộng rãi các văn nghệ sĩ của Hội tham gia. Ngoài ra, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, các câu lạc bộ thơ huyện, thị, thành phố. Đặc biệt là sự góp mặt của Câu lạc bộ nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh, Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Lam Sơn, kết hợp các hoạt động nghệ thuật khác làm phong phú, sinh động thêm cho ngày hội Thơ.
Hội thảo về tác phẩm, công trình VHNT được xem là hoạt động mang tính học thuật cao, bên cạnh mục đích quảng bá, các cuộc hội thảo còn góp phần tăng cường sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi sáng tạo VHNT giữa các tác giả, từ đó giúp nhận diện và đánh giá được thực trạng VHNT tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội VHNT Thanh Hóa đã tổ chức 2 cuộc hội thảo quy mô cấp tỉnh. Đó là hội thảo: “Văn học nghệ thuật với thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” do Ban Lý luận - Phê bình thực hiện. Và hội thảo: “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh, bền vững”. Qua các cuộc hội thảo những vấn đề VHNT được đưa ra tranh luận sôi nổi, trong đó vấn đề lớn đặt ra là: làm thế nào để VHNT vừa phát huy, bảo vệ được những giá trị truyền thống, sắc thái xứ Thanh, vừa đảm bảo được tính dân tộc, hiện đại, hấp dẫn. Từ đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của Hội cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên trong sáng tạo, đổi mới tác phẩm và phê bình văn học hiện nay. Đặc biệt là vấn đề phương pháp sáng tác đương đại, cách phản ánh khi tiếp cận hiện thực. Kiên quyết bài bác những xu hướng VHNT lai căng, tân kỳ nhưng không phù hợp với những giá trị chân, thiện, mỹ mà VHNT cần hướng đến.
Các cuộc tọa đàm cấp Hội cũng được tổ chức thường xuyên và sôi nổi: Tọa đàm sách “Lý luận phê bình Thanh Hóa từ năm 2010 đến nay” năm 2020, tọa đàm sách “Nơi chim hạc cất cánh” của NSNA Trần Đàm năm 2019, Tọa đàm sách “Tri âm cùng con chữ” của nhà LLPB Trịnh Vĩnh Đức năm 2022 (Ban LLPB chủ trì thực hiện), Tọa đàm sách “Tết Đảo” của nhà văn Lê Ngọc Minh năm 2020 (Ban Văn xuôi chủ trì thực hiện), Tọa đàm công bố tác phẩm âm nhạc về huyện Nông Cống (Do Ban Âm nhạc chủ trì thực hiện) năm 2020, Tọa đàm về tác phẩm của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh năm 2020, Tọa đàm về các nhà văn nữ tham gia chiến trường thời kỳ chống Mỹ cứu nước năm 2022, các nhà văn nữ có nhiều đóng góp cho VHNT năm 2022 (Do CLB Nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh chủ trì thực hiện); Tọa đàm thơ Rằm Nguyên tiêu 2022 (Do Ban Thơ chủ trì thực hiện)….
Nhiếp ảnh và Hội họa Thanh Hóa trước đây chưa được giới chuyên môn trong nước đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 2017-2022, với sự nỗ lực không ngừng của các hội viên cũng như quyết tâm nâng tầm hai lĩnh vực nghệ thuật này của lãnh đạo Hội VHNT Thanh Hóa. Công tác triển lãm, công bố tác phẩm của 2 ngành này diễn ra thường xuyên và mạnh bạo hơn. Về triển lãm Ảnh nghệ thuật: Trong 5 năm qua đã tổ chức 32 cuộc triển lãm đạt 10 giải thưởng của hội viện. Tiêu biểu là phối hợp với Hội nhà báo tổ chức “Triển lãm Ảnh Hội báo Xuân”; Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ; Triển lãm Ảnh “Về miền Di tích, danh thắng xứ Thanh” năm 2022. Hội đã phối hợp với Đài Phát Thanh - Truyền hình, Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương… tổ chức nhiều cuộc triển lãm, thu hút tổng cộng khoảng 5000 lượt tác phẩm của hội viên tham gia. Ban Mỹ thuật cũng đã tổ chức và tham gia 34 cuộc triển lãm. Các hoạt động tiêu biểu như: Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung; Triển lãm Những con đường cuộc sống; Triển lãm của Họa sĩ Đỗ Chung tại Thanh Hóa, Hà Hội, Thành phố Hồ Chí Minh… Dù là triển lãm theo hình thức tập thể hay cá nhân, nhóm tác giả thì Hội vẫn luôn quan tâm, cổ vũ, định hướng về chính trị và nghệ thuật.
Ghi nhận tài năng, tâm huyết, sự nỗ lực vươn lên của các tác giả đi cùng với hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT trong nhiệm kỳ 2017-2022, đã được Hội tổ chức công khai, nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm đã tạo ra cú hích mạnh mẽ lên tinh thần lao động sáng tạo VHNT của hội viên. Trong đó mức hỗ trợ, tài trợ sáng tạo tác phẩm VHNT loại A là 7 triệu/ 1 tác phẩm, loại B 5 triệu/ tác phẩm. Như vậy trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ được gần 200 tác phẩm, đánh dấu sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm vượt khó của cả BCH Hội cũng như toàn thể hội viên.
Ngoài hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, công tác xét tặng Giải thưởng VHNT hàng năm của tỉnh và công tác thi đua khen thưởng cũng được Hội tổ chức triển khai thực hiện, điều này góp phần tạo ra sức hút ngày một lớn đối với các hội viên. Năm nào cũng có hàng trăm tác phẩm dự giải thưởng. Kết quả trong nhiệm kỳ qua đã trao 150 Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông, với 23 giải A, 46 giải B, 54 giải C và 27 giải Khuyến khích đưa lại nhiều tín hiệu đáng mừng về chất lượng tác phẩm VHNT tỉnh nhà.
Đáng mừng hơn khi giá trị giải thưởng đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh quan tâm, năm 2020 bắt đầu tăng mức giải A từ 6 triệu đồng lên 10 triệu đồng/ giải, giải B từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/ giải, giải C tăng từ 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng/ giải, giải Khuyến khích tăng từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng/ giải. Đây là một giải thưởng uy tín, được Chủ tịch UBND Tỉnh tặng Bằng khen cho các tác giả đạt giải, có sức ảnh hưởng lớn với nền VHNT tỉnh nhà và cả nước. Không dừng lại ở phạm vi trong tỉnh, Hội VHNT Thanh Hóa đã giới thiệu các tác phẩm, công trình của 11 Ban Chuyên ngành dự xét Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Năm nào Hội cũng đạt từ 3 đến 8 giải. Trong 5 năm có hơn 30 tác giả nhận giải thưởng Trung ương. Đặc biệt Giải thưởng 5 năm về VHNT đã được khôi phục với tên gọi là Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông. (Trước đây tên gọi Giải thưởng hàng năm là giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông, từ năm 2020 đổi thành Giải thưởng VHNT hàng năm). Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh đã đưa Giải thưởng 5 năm vào Nghị quyết 182 về thi đua khen thưởng. Mong rằng giải thưởng sẽ được hiện thực hóa, để văn nghệ sĩ được tiếp thêm sức mạnh từ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà và các cơ quan ban ngành. Giải thưởng 5 năm đều đã thực hiện liên tục ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước và được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích tích cực cho phong trào VHNT. Văn nghệ sĩ xứ Thanh cũng mong chờ giải thưởng, tạo khí thế mới trong thi đua sáng tạo VHNT Thanh Hóa.
Hội VHNT luôn đồng hành cùng Văn nghệ sĩ
Hội VHNT Thanh Hóa đi qua chặng đường 5 năm với nhiều dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ. Cách thức hoạt động Hội đã theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu của thời đại: Hội tổ chức được 2 cuộc hội thảo lớn quy mô cấp tỉnh, tổ chức 1 cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia, 5 cuộc thi cấp tỉnh. Đã tổ chức được 4 trại sáng tác, mở được 01 lớp tập huấn về VHNT. Hội đã đề xuất và nâng được Giải thưởng hàng năm lên mức cao hơn trước từ giải A 6 triệu đồng lên 10 triệu đồng/ giải và các giải khác tăng theo. Việc xét thưởng giải hàng năm, trước khi gửi kết quả phê duyệt đã đăng tải danh sách tác giả tác phẩm trên trang thông tin điện tử Tạp chí của Hội để công khai và lắng nghe những phản hồi tích cực. Công tác kết nạp hội viên trẻ hóa đội ngũ, tạo nguồn kế cận. Các chuyến đi thực tế được thực hiện liên tục và hầu khắp trong 11 Ban chuyên ngành, tạo nên khí thế mới. Các câu lạc bộ hoạt động theo hướng chuyên môn hóa và có đóng góp thiết thực, hiệu quả.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh của Hội, đổi mới cách trình bày bìa, công phu hơn về nội dung, đã đề xuất và được phê duyệt tăng trang từ 80 lên 100 trang (tháng 12 năm 2020). Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức 5 lần họp cộng tác viên, và 1 trại sáng tác nâng cao chất lượng Tạp chí. Với thành tích hoạt động xuất sắc trong giới báo chí Thanh Hóa nhiệm kỳ qua Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã được Tỉnh ủy tặng Giấy khen thành tích xuất sắc trong hưởng ứng giải báo chí về xây dựng Đảng năm 2019. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích hoạt động báo chí, xuất bản năm 2020 và nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành. Cũng năm 2020, Tạp chí được nhà văn Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đánh giá là Tạp chí văn nghệ địa phương có chất lượng tốp đầu cả nước.
Để có được những kết quả như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh, các sở, ban, ngành, sự quyết tâm của Thường trực, Thường vụ Hội, BCH Hội. Đặc biệt là sự đóng góp to lớn của các thế hệ hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
Một mùa xuân mới đang về, ngôi nhà Hội VHNT Thanh Hóa mở ra cánh cửa mới chào đón kỳ Đại hội lần thứ X. Trong nhiệm kỳ qua, với những hoạt động của mình, các văn nghệ sĩ Thanh Hóa đã tiếp tục vun bồi cho dòng chảy văn hóa, VHNT xứ Thanh. Thanh Hóa là “cái nôi văn hóa kháng chiến”, tại làng Quần Tín - xã Thọ Cường - huyện Triệu Sơn - một địa chỉ đỏ về VHNT. So với bề dày truyền thống VHNT gần 50 năm (1974-2022), 5 năm qua (2017-2022) chỉ là những khoảnh khắc, song những bước đi ấy đang là nền tảng vững vàng hơn cho những hành trình mới của VHNT Thanh Hóa. Trong bóng dáng thời gian đó, những yêu cầu lớn của VHNT đang đòi hỏi văn nghệ sĩ Thanh Hóa phải không ngừng nỗ lực lao động sáng tạo văn học nghệ thuật.
12-12-2022
P.D.P