Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Hình ảnh biểu tượng - sáng tạo độc đáo trong thơ Mã Giang Lân
Hình ảnh biểu tượng - sáng tạo độc đáo trong thơ Mã Giang Lân

Mã Giang Lân từng mượn thơ để bộc bạch: Lời cay đắng là lời chân thật/ Chân thật không cần uốn lưỡi/ Chân thật không cần nước thơm (Bây giờ). Thơ ông đi theo hướng “chân thật” ấy, không tạo ra những "cú sốc" thi ca mà ngược lại, giản dị, điềm tĩnh, lặng lẽ chảy như dòng nước phía hạ nguồn, song nếu đã đọc, sẽ dễ bị dẫn dụ bởi chính lối viết giản dị, chân thật, trong sáng nhưng hàm chứa suy tư triết lý sâu sắc. 
Trên hành trình dài bền bỉ suốt 50 năm, thơ với Mã Giang Lân trước hết là sản phẩm tự nhiên của tâm hồn và tính cách. Song, có thể nhận thấy, dù vẫn luôn trung thành với bản ngã của mình, ông vẫn luôn lặng lẽ, tìm tòi đổi mới thơ. 
Ở phương diện xây dựng hình tượng, bên cạnh những hình tượng được cấu trúc từ những hình ảnh có sẵn trong thực tiễn, thơ Mã Giang Lân còn có hệ thống hình tượng được cấu trúc từ những liên tưởng, tưởng tượng, so sánh. Những hình tượng này đem lại tri thức thẩm mỹ bất ngờ:
Tôi mở sang ngày
mưa bay
nắng hoa cau ngày nhạt canh suông
bốn phía mênh mông
làm sao bám víu
tìm lại ngày xanh trứng sáo
em hồn nhiên đến trường
ngày bom đạn xanh xao chân thật
bền bỉ màu cỏ úa thời trang
            (Mở)
Chỉ trong một khổ thơ mà đan xen nhiều khoảnh khắc thời gian, nhiều mảng không gian chập chờn giữa quá khứ và hiện tại, vì vậy có cơ hội cho nhiều hình ảnh xuất hiện. Những hình ảnh rất xa nhau được đặt cạnh nhau trong những trường liên tưởng mới mẻ, bất ngờ. Trong câu “nắng hoa cau ngày nhạt canh suông” có đến sáu thông tin thẩm mỹ: mưa bay/ nắng/ hoa cau/ ngày/ nhạt/ canh suông! Có thể bẻ câu thơ thành bốn, năm ý thơ: nắng (làm) vàng hoa cau; nắng vàng nhạt (như) hoa cau (thật dịu dàng, thơ mộng); "nắng nhạt" được ví (liên tưởng) với “canh suông”, nắng bỗng có “vị”, vị nhạt (!). Hình tượng thơ biến ảo trong một cấu trúc ngôn từ lỏng lẻo. Hình tượng “ngày xanh trứng sáo” cũng thật thú vị. Không hiểu sao trong ngôn ngữ Việt trước đây có một màu xanh với sự so sánh: xanh trứng sáo! Thực tế, vỏ của trứng chim sáo có màu xanh lơ rất đẹp, gần với màu da trời. Trẻ con nông thôn Việt Nam trước đây, chả đứa nào không biết trứng chim sáo, loài chim quen thuộc trong các bài dân ca. “Ngày xanh trứng sáo” là một cách nói giàu hình ảnh, vừa đa nghĩa vừa giàu biểu tượng: “ngày xanh” biểu tượng cho sự trẻ trung, tươi sáng, thêm yếu tố so sánh “xanh trứng sáo” bổ sung thêm sắc thái hồn nhiên, trong trẻo. Hình ảnh “ngày xanh trứng sáo” trở thành biểu tượng cho tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch, tâm hồn trong sáng, ngây thơ, đẹp đẽ. Đó là quãng thời tuổi trẻ một đi không trở lại trong hành trình sống của mỗi kiếp người. Với chủ thể trữ tình và lớp thế hệ cùng thời, những “ngày xanh trứng sáo”, nắng vàng hoa cau kia đồng hành với “ngày bom đạn xanh xao chân thật”, thời trang của họ là “màu cỏ úa” mãi không thể phai mờ trong tâm hồn và ký ức. Trở lại với câu mở đầu: "Tôi mở sang ngày" là hình ảnh lạ, mang tính biểu tượng: mỗi ngày là một trang sách cuộc đời. “Mở sang ngày” giống như mở trang sách. Mỗi cuộc đời là một cuốn sách, cuốn sách của “tôi” - chủ thể trữ tình hình như đã khá nhiều "trang". "Tôi" mở lại những trang xưa để ôn lại, để “bám víu” vào đấy như điểm tựa để viết tiếp những trang sau.  
Khổ hai, một cách “mở” khác:   
Tôi mở vào đêm 
nhấp nhoáng mặt người
trố mắt chờ xổ số
ánh điện màu cô gái cũng đẹp
đẹp đến kinh người
chẳng biết rồi hoa cỏ có vẹn nguyên.
Trong “đêm”, “tôi” nhìn thấy một thế giới ma quái: “nhấp nhoáng mặt người”, “trố mắt chờ xổ số”, “đẹp đến kinh người” và một cách diễn đạt giàu hình tượng về sự trinh tiết “hoa cỏ có vẹn nguyên”. Những hình ảnh gợi vẻ tinh khôi, mộc mạc, trong trẻo thần tiên ở "trang xưa" biến mất, thay bằng những hình ảnh gợi sự xô bồ, hào nhoáng, trơ trẽn của "trang đời" hiện tại. Ta hiểu tại sao có hai chữ “bám víu” trên đây. Đã có sự “thay thế” đáng ngờ vực của giá trị. Cảm giác của chủ thể trữ tình là cảm giác lo lắng, bi quan, thậm chí ghê sợ trước thay thế ấy. Đến đây, “ngày” và “đêm” đã mang nghĩa biểu trưng khác, trang “ngày” biểu tượng cho những giá trị đích thực, cốt lõi, bền vững, gắn với giá trị ấy là sự tự nhiên, trong sáng, tinh khôi, mộc mạc; Trang “đêm” biểu tượng cho cái giả dối, đua đòi, xô bồ, hợm hĩnh. Phải chăng có một sự “chấp nhận” về tính tất yếu của “ngày” và “đêm” này? Không, đây chỉ là cách biểu đạt về hai không gian, thời gian của thế giới: ban ngày - ánh sáng đối lập với đêm - bóng tối, tương ứng với nghĩa biểu trưng: sự minh bạch, đúng đắn, chân lý đối lập với sự mờ ám, xấu xa, tội lỗi, phi lý. Dùng cách diễn đạt biểu tượng này tác giả bày tỏ quan điểm về chân lý của giá trị, khi trong cuộc sống đang có những thay đổi, tìm kiếm chân giá trị mới với không ít ngộ nhận, a dua sai lầm.  
Bài thơ khép lại bằng thông điệp mở khác: Tôi mở về em…, "tôi” - “em” - “mở” cả ba thông tin: chủ thể trữ tình, đối tượng trữ tình và động từ giao tiếp đều mang nghĩa biểu trưng: “tôi” - quan điểm, thái độ; “mở” - cách tiếp cận; “em” - thực tiễn khách quan. Bài thơ “Mở” bộc lộ trạng thái cảm xúc của nhà thơ trước thực tiễn cuộc sống, song cách biểu đạt thì thật mới mẻ, sâu sắc. Hình tượng nghệ thuật đã giúp tác giả biểu đạt nhiều lớp nghĩa, vừa cụ thể, vừa biểu trưng; vừa sinh động, vừa triết lý. Cấu trúc hình tượng thơ nghiêng về phía biểu trưng, triết lý tạo nên mạch thơ trí tuệ, giàu suy tưởng.
Bài Khúc biến tấu cũng có những hình tượng thơ lạ: “gấu ăn trăng”, “trăng lạnh cứ nơm nớp có gì chưa ổn”, “cánh đồng phờ phạc”, “những luống cày há mồm chờ nước”, “sấm chạy trên mái nhà”, “cây lúa ngặt nghèo số phận”, “Hương lúa nồng thơm dậy thì/ sương đọng lăn dài trên má/ long lanh như những giọt mồ hôi”… Khúc biến tấu được biểu đạt bằng những hình ảnh mang tính biểu tượng, từ những biểu tượng cho một quá khứ buồn vì nghèo nàn, lạc hậu đến biểu tượng cho sức sống đang trỗi dậy ở hiện tại. Sự nghèo khổ luôn ám ảnh luôn đồng hành cho đến hiện tại “sáng nay dâng lên mùa màng”. Quá khứ ám ảnh mãi nên giờ đây trước hạnh phúc hiện tại, sự tươi mới của cuộc sống đầy âm thanh và màu sắc, không khỏi ngậm ngùi, không khỏi xúc động bồi hồi. Như vậy, khúc biến tấu của cuộc sống từ buồn sang vui, từ lam lũ, tăm tối sang ấm no là hành trình đi tới hạnh phúc và tất cả những ý nghĩa này được tác giả biểu đạt bằng những hình tượng nghệ thuật giàu sức ám ảnh.
Bài thơ Sẩy chân một lần cũng có những hình tượng thơ độc đáo: "Giữa chiều khí thu cuộn lên cao ngất/ mặt sông hằn bao nếp nhăn/ nước đục một màu hoang dã (…) Sẩy chân một lần sông đưa đi mãi/ tháng bảy về tháng bảy mỗi năm/ hương khói đưa đường/ nước sông trong lạnh gáy". Một âm hồn “trở về” trong ngày rằm tháng bảy theo “hương khói đưa đường”, đã 60 năm, một lần “sẩy chân”, “sông đưa đi mãi”, lần “trở về” này không còn nhận ra bến xưa, tất cả đã đổi khác, “cô đơn sừng sững”. Hóa ra, dù cõi dương hay cõi âm, đã là linh hồn đều có cảm nhận về sự “cô đơn”. Thông điệp “sẩy chân một lần” bỗng trở nên ám ảnh. Có những “sẩy chân” không có cơ hội sửa chữa, “sẩy chân” - sai lầm/ sai lạc không cố ý, tưởng đơn giản nhưng có thể dẫn đến hậu họa khủng khiếp cho chính bản thân mình. Như vậy, ý tưởng thơ “một lần sẩy chân” đặt trong cấu trúc của tứ thơ trở thành mệnh đề triết lý và chính những hình tượng nghệ thuật trong bài đã nâng tầm triết lý của tứ thơ. Bài "Nghĩ" cũng vậy, hình tượng thơ nâng tầm tư tưởng của bài thơ: 
Các nhà thơ bán dần tâm hồn
cứ tưởng tâm hồn còn nguyên vẹn
Cây ứa nhựa vá lành vết chém
nhà thơ lấy gì chữa trị nỗi đau
Rắn tự lột xác mình để trẻ
thì nỗi đau là thuốc nhiệm mầu.
Những hình ảnh so sánh làm nổi bật ý tưởng thơ: nhà thơ “bán dần lương tâm” với cái cây bị chém, nhưng cây bị chém có thể “ứa nhựa vá lành vết chém” còn “nhà thơ lấy gì chữa trị"? Ý “bán dần linh hồn” trong trường liên tưởng khiến người ta nghĩ đến nhân vật Phaoxtơ bán linh hồn cho quỷ trong kiệt tác cùng tên của Gớt. Đánh mất tâm hồn như đánh mất lương tri, vết thương trên thân thể có thể liền sẹo nhưng tâm hồn bị “bán” không thể trở về, tự đánh mất mình, hậu quả là nhân cách sẽ bị tha hóa. Để làm mới mình, chỉ có thể tự mình “lột xác”, một sự liên tưởng: “rắn tự lột xác mình để trẻ”, mỗi cuộc “lột xác” là một lần đau đớn và tự nghiệm này xác định tính tất yếu: “nỗi đau là thuốc nhiệm mầu”. Để trưởng thành, để cách tân, để về đích, chưa bao giờ là hành trình đơn giản, cũng không thể vay mượn, bán mua. Triết lý về những giá trị cốt lõi đã được tác giả diễn đạt bằng những hình ảnh, hình tượng thơ vừa cụ thể, sống động, vừa có chiều sâu suy ngẫm. 
Có thể nói, thơ triết lý với hình tượng thơ biến ảo trở thành đặc điểm, bút pháp thơ Mã Giang Lân ở chặng sau. Ngay cả khi viết về vấn đề không mấy “thơ”, tưởng chỉ có thể nói một cách giản dị nhất, nhưng tác giả vẫn có thể diễn đạt bằng hình ảnh triết lý: 
Người về
hương khói
những thân nhang như lúa uốn câu
con cúi lạy
tóc sương không đủ che đầu
        (Người về)
Trong bảng lảng khói nhang và không khí trầm mặc thiêng liêng, có cảm giác như người khuất núi đã “về”. Nhìn lên thân nhang bắt gặp hình ảnh liên tưởng với “lúa uốn câu” và bất giác có tư thế tự nhiên “cúi lạy". Hình tượng biến đổi liên tục theo dòng suy nghĩ, từ chuyện này sang chuyện khác, song dường như có mạch ngầm trong liên kết giữa các “số phận - hình ảnh”: người về - thân nhang - lúa uốn câu - con đang cúi lạy. Có thể lắm, trong suy nghĩ, liên tưởng vu vơ kia đã có sự chặt chẽ của tư duy, tư tưởng.     
Có thể tìm thấy rất nhiều những hình ảnh, hình tượng thơ đa nghĩa, biến ảo trong thơ Mã Giang Lân ở chặng sau. Những hình ảnh, hình tượng được biểu đạt bằng cách kết hợp, hòa trộn nhiều bút pháp nghệ thuật, nhiều cung bậc cảm xúc, suy tưởng: Cháu ngước nhìn ấu thơ/ thời gian long lanh trong mắt (Cháu vẽ). Trong hình ảnh cái "ngước nhìn ấu thơ" và ánh mắt long lanh thời gian kia là sự phối trộn nhiều bút pháp: tả, gợi, tượng trưng, siêu thực, tạo nên hình tượng cái "ngước nhìn" biểu tượng cho tâm hồn trong trẻo, thánh thiện trẻ thơ. Hình tượng đám "mây xám ngổn ngang" và trận mưa "ngang tàng" đây cũng vậy, sự chuyển đổi cách nhìn, cách nghĩ đã tạo nên hình tượng thơ rất giàu sức biểu đạt: mây xám ngổn ngang/ tháng tận ngày phơi mùa se lạnh/ mà mưa vẫn ngang tàng (Mưa trái mùa). Bài "Buồn" dưới đây có thể gọi là bài thơ đặc sắc vì tác giả đã xây dựng được hình tượng "buồn" với nhiều cung bậc: Buồn không một tiếng lá rơi/ tôi ngồi vun lại những chơi vơi buồn/ bóng chiều lững thững vô hồn/ đêm không còn nhớ để vồn vã nhau/ giở trang sách cũ tưởng nhàu/ giật mình thấy lấp lánh màu mỡ xưa… Buồn thời gian, buồn không gian, buồn tâm trạng, buồn nghĩ suy, buồn vây bọc thị giác, thính giác, linh giác, tạo nên một triết lý buồn vừa quen thuộc vừa mới lạ: Buồn như không cửa không nhà/ không thân thích cũng không hòa hợp ai/ buồn như một tiếng thở dài/ làm sao san sẻ được dai dẳng buồn. 
Cảm giác khó nói thành lời này đã được hình tượng hóa thành "chuyện" với ví von so sánh, em giống như mưa báo bão:
Em đến rồi em đi
chập chờn cảm giác
em như mưa báo bão
cho yên tĩnh lòng ta
    (Mưa báo bão) 
"Mưa báo bão", quả có thế thật, trước khi bão thường có mưa. Mưa, trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thường gắn với cảm giác dịu mát, nhưng "mưa" ở đây lại đi liền với "bão", báo bão. Hai đối tượng thiên nhiên mang cảm giác ngược nhau, một đằng mát lành, một đằng dữ dội được ví với "em" thì quả "cao tay". Bởi, tình yêu luôn như vậy, tình yêu có thể làm "mát" trái tim nhưng cũng có thể làm "tan nát" trái tim. Hai cung bậc tình cảm ngược nhau này chỉ có thể do tình yêu mang lại và nó đã được hình tượng hóa thành hình ảnh "mưa báo bão".   
Có thể nói, chất nghệ sĩ - thi sĩ của Mã Giang Lân bộc lộ rõ nhất qua cách xây dựng hình tượng thơ giàu suy tư biến ảo này. Xu hướng xây dựng hình tượng thơ biến ảo, đa nghĩa, nhiều lớp rơi vào chặng sau trong hành trình sáng tác của tác giả. Ý thơ giàu suy ngẫm, giàu sức liên tưởng, với một kỹ thuật biểu đạt linh hoạt, hiện đại khiến thơ Mã Giang Lân ngày càng nâng cao trình độ văn hóa đọc, điều này liệu có làm thơ ông kén độc giả chăng? 
                                                                                       

H.D.T
                                                                                                


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 2292
 Tổng số truy cập: 7192051
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa