Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Xứ Thanh dưới con mắt người nước ngoài
Xứ Thanh dưới con mắt người nước ngoài

Trong cuốn sách “Thanh Hóa đẹp tươi” - một cuốn sách hướng dẫn du lịch do tác giả người Pháp tên là H. LeBreton biên soạn và xuất bản vào năm 1922 (do Nguyễn Xuân Dương và Lâm Phúc Giác dịch ra Việt văn, hiện đang lưu giữ tại Thư viện Thanh Hóa) có lời tựa như sau: “Nói đến xứ Thanh, nơi có thiên nhiên đẹp nhất, giàu lịch sử và truyền thuyết nhất Đông Dương, ngài Pierre Paspuier, khâm sứ Trung Kỳ đã có một bài viết sắc gọn, đầy chất thơ, mở ra trước độc giả bức tranh hấp dẫn nhất, khái quát được cái đa dạng của nơi này...”.
Chúng tôi nghĩ không gì thích đáng hơn là mượn bài viết đầy sức hấp dẫn ấy làm lời tựa cho cuốn biên khảo của mình: 
Tất cả những ai đã có vinh dự được đến vùng đất đáng ca ngợi này đều gìn giữ trong lòng biết bao tình cảm thân thương thầm kín đối với nó. Thanh Hóa níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại. Không chỉ là một đơn vị hành chính bình thường, Thanh Hóa được xem là cả một Xứ. Cũng muôn hình muôn vẻ như xứ Bắc Kỳ, như là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, có vùng trung du cây cỏ bạt ngàn lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà đại ngàn um tùm bao phủ.
Bên trong một Duyên Hải luôn thay đổi và khó làm ăn, dọc những dòng sông sâu và rộng, bên những sườn non là lỗ chỗ hang động. Trong những thung lũng hẹp đi lại khó khăn, chủng tộc người An Nam đã tìm chọn cho mình những hang động thích hợp làm nhà. Đây được xem như những manh nha đầu tiên để qua bao nhiêu thế kỷ chuẩn bị cho công cuộc mở mang bờ cõi, hồi sức và tập trung lực lượng mà thực hiện vận mệnh của mình.
Vào những phút giờ thử thách, đối với nước An Nam, Thanh Hóa còn hơn cả Hà Nội; đây là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc. Từ miền đất đã được chọn ấy, mọi thế hệ người An Nam đều ra sức bảo vệ nơi an nghỉ tôn nghiêm của tổ tiên và bao đời vua chúa, đã xuất hiện những anh hùng lừng lẫy và tài ba nhất của lịch sử. Đây còn là cái nôi của ba triều đại, nơi phát tích của vua chúa, kẻ tiến ngôi, quân binh và thi sĩ. Cũng chính con em của họ đã có trực giác thiên tài lấn biển bao la để có những không gian trù phú rộng lớn, đất nạc mùa màng.
Ngay cả sử gia Trung Quốc cũng hào hứng ca ngợi những thắng cảnh nổi tiếng nơi đây. Không có một kỳ sơn, thắng trạch nào mà không ẩn chứa một truyền thuyết của riêng mình.
Rừng già che đậy cho những phế tích kinh kỳ của các triều đại đã suy vong. Những bức tường thành đã đen kịt do nhà Hồ dựng lên đang còn sừng sững giữa vòng vây của bao lèn núi. Không có một ngã ba đường nào mà không còn lưu lại những vang vọng của giáo gươm xô sát; vó ngựa người Chăm tung hoành trên các cánh đồng; người Lào từ các lũng hẹp tràn qua và trên những trang sử huy hoàng của Đại Nam.
Với những dòng người đi hành hương, lũ lượt theo đám rước đến các đền miếu thiêng liêng, đám rước của người Mường xuyên qua rừng theo tiếng cồng chiêng trầm trầm và trang nghiêm, những hạm đội tý hon các thuyền giấy sắc màu rực rỡ thả trôi trên dòng sông Đò Lèn; hương khói và nghi lễ có từ nghìn đời trong những kỳ đại lễ ở các khu cấm địa, lăng tẩm hoàng gia; không gian trầm lắng nơi tiền sảnh có những phổng đá đứng chầu, rơi rắc vô vàn cánh hoa đại màu vàng thơm ngào ngạt; tàn lọng và mũ cánh chuồn trong các kỳ thi hương ba năm một lần; các thiếu nữ vai đeo đèn nhịp nhàng múa hát, ảo tưởng lễ hội, ảo tưởng hân hoan, ảo tưởng một nền nghệ thuật rất tinh tế…
Về phần lãnh thổ, sách “Thanh Hóa đẹp tươi” có nhận xét khái quát như: “Ngay năm đầu trị vì, vua Minh Mạng đã ấn định ranh giới phía Bắc miền Trung nước An Nam là những nhánh đâm ngang của dãy Trường Sơn, ngăn cách Thanh Hóa với xứ Bắc Kỳ. Địa giới hành chính ấn định như vậy rất là giả tạo vì lẽ Thanh Hóa, về mọi mặt rõ ràng là gắn với xứ Bắc...”. Tỉnh Thanh Hóa được giới hạn về phía Bắc bởi các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La; về phía Tây bởi đất Sầm Nưa thuộc Lào; về phía Nam với Nghệ An; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tỉnh có dạng một hình tứ giác, bề dọc nơi dài nhất khoảng 150km và bề ngang nơi rộng nhất 120km song song với bờ bể. Đây là tỉnh rộng nhất các xứ nói tiếng An Nam: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, nơi đông dân nhất, và sau này, khi hệ thống thủy nông xây dựng xong, sẽ là một trong những vùng giàu có nhất.
Dải đá vôi xuyên qua Thanh Hóa từ Bắc xuống Nam là dải đá vôi Bắc Bộ kéo dài - trên đường du ngoạn đến các hang động tuyệt đẹp của dải núi đá vôi ấy; chúng tôi sẽ phải tìm đường giữa những lèn núi hỗn độn, hình dáng kỳ dị, gập ghềnh, khấp khểnh gợi nhớ đến những vách đá dựng đứng các động và hang ngầm ở Vịnh Hạ Long. Cảnh tượng Thanh Hóa không khác Bắc Bộ nhưng vui mắt hơn, đẹp đẽ hơn vì châu thổ sông Mã nhỏ hơn nhiều so với châu thổ sông Hồng, nét đơn điệu chán ngắt của đồng ruộng ngập nước thường bị gián đoạn do các lèn núi đá vôi và các quả đồi xanh tươi chen vào, rải rác khắp châu thổ tạo nên một địa điểm tuyệt đẹp cùng với vô vàn các sự kiện lịch sử...".
Về phần giới thiệu lịch sử, sách "Thanh Hóa đẹp tươi" có mở một tít đề cụ thể: "Thanh Hóa, nơi diễn ra các bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam" rồi sau đó liệt kê tất cả những sự kiện từ thời kỳ An Dương Vương (Thế kỷ III trước Công nguyên) đến thế kỷ XVIII với những nhân vật lịch sử nổi tiếng người Thanh Hóa đã có công chống giặc ngoại xâm từ phía Bắc đến phía Nam...
An Nam một đất nước nhiều đặc tính và tập quán, truyền thuyết và lễ nghi huyền bí mà nỗi u hoài, cao ngạo bỗng rạng nét tươi vui, đầy màu sắc với nhiều nét riêng biệt, ít nơi nào có… Thanh Hóa đã ấp ủ mọi kỳ vọng, đã giấu kín mọi tham vọng. Vẫn luôn là một Xứ độc đáo và chỉ với những ai mến mộ mới dần dà bộc lộ hết các vỉa tầng ý nghĩa kỳ bí trong vẻ đa dạng của mình.
                                      

P.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 65
 Hôm nay: 3276
 Tổng số truy cập: 9324420
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa