Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Đối thoại trước thềm Đại hội
Đối thoại trước thềm Đại hội

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác phát triển hội viên của Hội VHNT Thanh Hóa nói chung và Ban Văn xuôi nói riêng trong nhiệm kỳ khóa IX, 2017-2022?

Nhà văn Lê Ngọc Minh: Như các Ban khác thuộc Hội VHNT Thanh Hóa, tôi nhận thấy Ban Văn xuôi đang làm tốt công tác phát triển hội viên của mình, trung bình mỗi năm Ban cũng đã kết nạp thêm được 01 hội viên, nâng tổng số hội viên trong Ban lên 31 người trong đó có 4 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Ban Văn xuôi 5 năm qua đã cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm văn học có giá trị, phản ánh kịp thời, sinh động đời sống xã hội, làm nổi bật truyền thống lịch sử văn hóa của đất và người xứ Thanh, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân thi đua xây dựng quê hương, đất nước. Có thể kể đến các nhà văn gạo cội như nhà văn Từ Nguyên Tĩnh với Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh gồm 5 tập hơn ba ngàn trang viết; Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh với 3 tiểu thuyết, 3 tuyển tập truyện ngắn và 1 tập truyện ngắn…; Các nhà văn trẻ và các nhà văn mới kết nạp cũng sôi nổi viết lách và cho ra đời nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang trong làng văn như nhà văn Ngân Hằng với 2 tập truyện Chuông chùa đồng vọng, Ngôi nhà ba lá; Nhà văn Viên Lan Anh với 1 tập truyện ngắn và 1 tập bút ký; Nhà văn Lê Ngọc Minh với tập truyện ngắn Tết đảo… chưa kể Ban Văn xuôi thường xuyên có hội viên nhận được giải thưởng của các Hội Trung ương và giải thưởng VHNT cấp tỉnh. Từ đó có thể thấy công tác phát triển hội viên của Hội VHNT Thanh Hóa nói chung và Ban Văn xuôi nói riêng đã và đang phát triển đúng hướng tạo ra lớp văn nghệ sĩ tài năng, vừa có tâm, vừa có tầm, vừa có tính kế thừa, đó là một sự phát triển bền vững.

Phóng viên: “Hội VHNT là mái nhà chung của các văn nghệ sĩ”, theo chị các họa sĩ trong Ban Mỹ thuật thuộc Hội VHNT Thanh Hóa đã và đang thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào đối với sự phát triển của mái nhà chung đó?

Họa sỹ Bùi Thị Ngoan: Hội VHNT là nơi tập hợp, quản lý, tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh, mỗi văn nghệ sĩ là một nhân tố quan trọng góp phần vào sự lớn mạnh của mái nhà chung đó. Hội viên trong Ban Mỹ Thuật với ý thức trách nhiệm và tình yêu nghề đã không ngừng dấn thân, hòa nhịp vào những vấn đề thời sự của đất nước, của tỉnh để chiêm nghiệm, sáng tạo. Các họa sĩ luôn luôn quan tâm tới vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, để những cái hay, cái đẹp của mỗi vùng miền, cộng đồng được bảo lưu, làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển, tạo ra sức lan tỏa ngày một mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ trong các tác phẩm hội họa tham gia vào hàng trăm cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực, toàn quốc và quốc tế; hằng năm Ban luôn có họa sĩ đạt giải thưởng Mỹ thuật của khu vực và UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam… đặc biệt có thể kể tên tấm gương lớn về lao động sáng tạo trong làng hội họa Thanh Hóa đó là Họa sỹ Đỗ Chung với hàng trăm cuộc Triển lãm Mỹ thuật cá nhân trong tỉnh, trong nước và quốc tế,… hơn hết, đó còn là sự nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi họa sĩ để gắn bó và đóng góp sâu sắc hơn cho cuộc sống, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Để thực hiện được điều đó Ban Mỹ thuật; CLB Họa sỹ trẻ Lam Sơn đã thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế, các hoạt động thiện nguyện nhằm khơi nguồn, kích thích sáng tạo nghệ thuật của các họa sỹ, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm mới đạt chất lượng cao về thẩm mỹ và tư tưởng, góp phần xây dựng văn học nghệ thuật của tỉnh nói chung và nền hội họa của xứ Thanh nói riêng ngày càng phát triển, hiện đại và tiến bộ.

Phóng viên: Với cách nhìn vừa là một hội viên, đồng thời là Phó trưởng ban Thơ, theo chị, sự thay đổi nào trong Ban để lại cho chị ấn tượng và còn trăn trở ở nhiệm kỳ IX hay không?

Nhà thơ Mai Hương: Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Thường trực - Ban Chấp hành Hội, sự chủ động trong công tác tham mưu, điều hành của Lãnh đạo Ban, và đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể hội viên, bản thân tôi nhận thấy Ban Thơ đã có sự thay đổi vượt bậc. 
Không khí đoàn kết đã “kích hoạt” năng lực lao động sáng tạo trong hội viên. Số lượng tác phẩm, ấn phẩm mới được công bố hàng năm khá dồi dào, tạo nguồn tác phẩm để tham dự các giải thưởng, cuộc thi cả Trung ương, địa phương. Nhiều nhà thơ năm nào cũng cho ra đời ấn phẩm mới, thường xuyên đăng tải tác phẩm ở các báo, tạp chí trong tỉnh, trong nước và thậm chí cả nước ngoài. Có hội viên đạt giải thưởng lớn ở các cuộc thi có uy tín cấp Trung ương. Đây là điều hết sức đáng mừng cho thơ Thanh Hóa. Ban Thơ cũng tổ chức được nhiều hơn các hoạt động hỗ trợ chuyên môn như đi thâm nhập thực tế, trại sáng tác tập trung… Mỗi năm có từ 1-2 hoạt động như vậy, đã tạo môi trường, khích lệ tinh thần sáng tạo trong hội viên. Đặc biệt, Ngày Thơ Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng năm. Trước đây, Ngày Thơ chỉ được tổ chức một buổi, chú trọng phần “Lễ”, thành phần tham gia chủ yếu là hội viên Ban Thơ. Nhưng gần đây, lãnh đạo Ban đã tham mưu mở rộng quy mô tổ chức, thời gian dài hơn, thành phần tham gia có thêm các CLB thơ quần chúng, có nhiều hoạt động phong phú hơn, giúp Ngày Thơ thực sự trở thành ngày hội đối với những người làm thơ và công chúng yêu thơ xứ Thanh. 
Cùng với sự đổi mới, phát triển của Ban Thơ, điều tôi luôn trăn trở là sự “già hóa” của đội ngũ những người sáng tác thơ. Tuổi thọ trung bình của hội viên ngày càng cao, hội viên mới là người trẻ rất ít, trong khi nguồn sáng tác văn học trẻ ở các nhà trường hầu như chưa xuất hiện những gương mặt mới tiềm năng. Bên cạnh đó, chất lượng của các “ứng viên” có đơn xin vào Hội hàng năm cũng là một vấn đề. Trình độ dân trí của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi người viết không thể dễ dãi trong sáng tác và tầm thường trong việc thể hiện hình ảnh trước công chúng, cũng như tầm ảnh hưởng của cá nhân trong hoạt động xã hội, nếu dễ dãi sẽ bị đánh giá là “xem thường công chúng”. Bởi vậy, mỗi hội viên nên xác định mình đang đứng ở đâu để có sự nỗ lực, và ngay cả các “ứng viên” vào Hội cũng nên biết mình cần đứng ở đâu để phấn đấu cho một “phẩm chất thơ” xứng đáng với sự ghi nhận của thi hữu và công chúng.

Phóng viên: Nhiệm kỳ vừa qua (2017-2022) Ban Âm nhạc có nhiều thay đổi và hoạt động sôi nổi. Vậy nhiệm kỳ tới (2022-2027) nhạc sỹ có kỳ vọng gì vào sự phát triển của Ban?

Nhạc sỹ Đoàn Dũng: Ban Âm nhạc có số lượng trên 50 hội viên, đại đa số hội viên đã qua học tập, công tác trong lĩnh vực VHNT, do vậy có thể nói là các hội viên ở từng chuyên ngành khác nhau như: Sáng tác âm nhạc, biểu diễn, đào tạo, lý luận phê bình, đã phát huy được năng lực khả năng của mình, có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động của Ban cũng như của Hội. Trước Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, Ban Âm nhạc đã tổ chức Đại hội Ban, đưa ra kế hoạch hoạt động của nhiệm kỳ, cũng như kế hoạch của từng giai đoạn, từng quý, từng năm một cách cụ thể, có tính khả thi. Đối với lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sỹ luôn có đam mê, khát vọng được cống hiến những sáng tạo nghệ thuật của mình cho quê hương, đất nước. Muốn biến những kế hoạch hoạt động của Ban trở thành hiện thực, bên cạnh sự đoàn kết, thống nhất, lòng nhiệt tình, phương pháp làm việc khoa học của lãnh đạo Ban và các hội viên, cần phối hợp với các nhà hát, các địa phương trong các hoạt động biểu diễn của hội viên nhằm quảng bá tác phẩm, giao lưu văn hóa. 
Là Phó Ban Âm nhạc tôi đang rất kỳ vọng Đại hội Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ đem tới làn gió mới, có những định hướng lớn và kế hoạch thiết thực hơn nữa nhằm đưa Văn học nghệ thuật tỉnh nhà phát triển. Riêng với Ban Âm nhạc cần quan tâm nâng cao chất lượng sáng tác, tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi giao lưu âm nhạc với địa phương và các tỉnh; Tăng cường kết nạp hội viên mới; Rà soát, kiểm đếm các tác phẩm âm nhạc viết về Thanh Hóa do các nhạc sỹ trong tỉnh sáng tác; Tổ chức các lớp tập huấn, các trại sáng tác. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới âm nhạc xứ Thanh sẽ có nhiều khởi sắc hơn với các tác phẩm không chỉ đi vào trái tim và đời sống người dân Thanh Hóa mà còn tới những người yêu nghệ thuật trên cả nước.

Phóng viên: Từ hành trình nỗ lực của bản thân, để trở thành một hội viên trẻ, người viết trẻ, nhà lý luận - phê bình của Hội VHNT Thanh Hóa, chị sẽ gửi gắm những mong muốn gì tới nhiệm kỳ 2022-2027?

Nhà LLPB Bùi Hương Thảo: Có lẽ, một trong những dấu mốc quan trọng, vừa xúc động vừa tự hào của tôi là được kết nạp vào Ban Lý luận - Phê bình, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, nơi hội tụ những cây viết lý luận - phê bình uyên bác, xông xáo, nhiệt thành nhất của tỉnh, của đất nước. Bước vào lĩnh vực khó như lý luận - phê bình, trước những thành tựu mà Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa nói chung, Ban Lý luận - Phê bình nói riêng đã dày công vun đắp, xây dựng, tôi đã băn khoăn tự hỏi: “Liệu một người còn quá trẻ sẽ có thể cống hiến được gì?”. Nhưng chính sự quan tâm, động viên, định hướng, sẻ chia của lãnh đạo Hội, lãnh đạo Ban và những người đi trước, tôi vững tin hơn với con đường mình đã chọn. Thay bằng trăn trở “cống hiến được gì”, tôi “bắt nhịp” bằng tinh thần học hỏi, cầu thị, lắng nghe. Tôi đọc những cuốn sách chuyên sâu về lý luận phê bình, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, chuyến đi thực tế.... Nâng cao kiến thức, trau dồi kinh nghiệm, nghiêm túc trao đổi, tôi hăng hái viết những bài điểm sách, giới thiệu tác giả - tác phẩm, tiểu luận - phê bình… đăng tải trên Báo Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, website của Hội Nhà văn (vanvn.vn),… Mỗi bước phát triển của tôi với “nghề viết” chính là thành quả của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Ban Lý luận - Phê bình trong nỗ lực “gieo mầm”, đào tạo phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng. 
Đây cũng là một trong những trăn trở, kỳ vọng lớn nhất của tôi gửi gắm ở đội ngũ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa nhiệm kỳ tới. Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tích trên các phương diện, trong đó có việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và công tác phát triển hội viên. Bước sang một “dấu mốc”, hành trình mới, Hội tiếp tục quan tâm, sát sao hơn trong việc phát hiện, bồi dưỡng “cây viết” trẻ. Nhất là việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyên đề để văn nghệ sỹ có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ… Những người viết trẻ cần gì? Một là “được là mình” và hai là “hành trình”. Trên hành trình ấy, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa vừa là “bệ đỡ” vừa là “gió đông”… Mong rằng nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là một nhiệm kỳ thành công rực rỡ của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của đội ngũ văn nghệ sỹ xứ Thanh. 

Phóng viên: Với vai trò là Nghệ sỹ nhiếp ảnh, anh có những nhận định gì về ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh nghệ thuật trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh trong nhiệm kỳ 2017-2022?

NSNA Vũ Lâm Thảo: Tôi đã cầm máy sáng tác ảnh nghệ thuật gần ba nhiệm kỳ. Nhưng nhiệm kỳ 2017-2022 của Hội VHNT Thanh Hóa với sự phát triển của ảnh nghệ thuật đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Cùng hòa nhịp đổi mới với quê hương, đất nước, Hội VHNT Thanh Hóa đã không ngừng phát triển và trở thành ngôi nhà chung cho các văn nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo, được quảng bá đưa tác phẩm đến với công chúng. Nhất là được sự chỉ đạo về tư tưởng, được lo phần nào về kinh phí sáng tác chu đáo. Nhiếp ảnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động sôi nổi, khởi sắc và thực sự đi vào đời sống của nhân dân, có sức hấp dẫn lớn, có độ lan tỏa mạnh mẽ; các nghệ sỹ đã sáng tạo, đổi mới để có nhiều tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao tham gia các cuộc triển lãm, thi ảnh nghệ thuật khu vực, trong nước và quốc tế, mang lại nhiều giải thưởng cao.  
Trong nhiệm kỳ qua, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã có nhiều thay đổi về hình thức trình bày, đẹp hơn; đặc biệt là ảnh nghệ thuật trên tạp chí đạt chất lượng nghệ thuật cao, chứa đựng nội dung và cảm xúc sâu sắc, có sức lan tỏa lớn. Năm 2019 tạp chí đã tổ chức cuộc thi “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” thu hút nhiều tay máy tham gia. Ban Nhiếp ảnh là nòng cốt đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, nhất là những tay máy trẻ; đóng góp được nhiều tác phẩm chất lượng thông qua từng số của tạp chí. 
 Qua hai năm 2020-2021 tích cực vượt qua đại dịch Covid-19, năm 2022 Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền Di tích, danh thắng xứ Thanh”. Cuộc thi đã gần về đích, thu hút hơn 700 tác phẩm tham gia của nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh và cả những tay máy không chuyên ở trong và ngoài tỉnh. Hứa hẹn đem lại nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị cho mục đích quảng bá du lịch, gìn giữ những di sản văn hóa đậm chất xứ Thanh.
Có thể nói, nhiệm kỳ 2017-2022 là một nhiệm kỳ nở rộ của ảnh nghệ thuật xứ Thanh, đặc biệt Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã góp phần đưa những tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng của các nghệ sỹ nhiếp ảnh đến gần hơn với công chúng.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn các văn nghệ sỹ đã tham gia trả lời phỏng vấn. Chúc văn nghệ sỹ xứ Thanh một nhiệm kỳ mới, một mùa xuân mới sức khoẻ, thành công, an khang và thịnh vượng.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 6203
 Tổng số truy cập: 7442330
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa