Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Tia sáng hình mây biển - Bức tranh chữ mang ý niệm nhân sinh
Tia sáng hình mây biển - Bức tranh chữ mang ý niệm nhân sinh

Năm 2018, tôi có dịp vươn khơi bám biển cùng ngư dân Hoằng Trường, đó là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Đọc bài thơ “Tia sáng hình mây biển” của nhà thơ Trần Tất Tiến hình ảnh về chuyến đi ấy lại hiện hữu trong tâm trí tôi, đó là cái cảm giác lâng lâng vì sóng và vì vẻ đẹp đến mê mẩn của trời và biển cả khi bình minh hay lúc hoàng hôn. Nếu Trần Tất Tiến cảm tạ thiên nhiên thì có lẽ tôi phải cảm ơn nhà thơ vì đã cho tôi thêm một lần sống dậy cảm xúc được tận hưởng vẻ đẹp khó cưỡng của biển trong chuyến vươn khơi năm đó qua bài thơ. 
Đọc hai khổ đầu bài thơ đặc tả cảnh bình minh, tôi có cảm giác nhà thơ Trần Tất Tiến là một họa sĩ vẽ tranh bằng chữ.
Khi phương đông xa vô cực
Bắt đầu nhô lên một nửa quả cầu lửa
Trên mặt nước bao la khuất tầm chân trời
Bắn những tia sáng bảy sắc cầu vồng hình mây biển.
Một khối đỏ sẽ phủ màu lên mây phía chân trời mênh mông nước, rồi màu mây và màu nước lẫn vào nhau, lồng vào nhau, quyện vào nhau, có lúc người ta không đủ tỉnh táo để phân biệt nước với mây nữa vì khoảnh khắc đẹp đến mê dại ấy khiến mọi cảm xúc trong ta như ngừng thở, ngừng cử động, chúng ta vẫn quen nghe câu “như bị hớp hồn”. Qua cái khoảnh khắc ấy ta sẽ thấy những tia sáng bảy sắc cầu vồng được bắn lên mây từ phía mặt biển, để màu mây và màu nước đều trở nên lung linh, huyền ảo, lộng lẫy… một cảnh tượng mà những người mê biển, mê săn đón bình minh trên biển sẽ ngắm không chớp mắt, bởi họ hiểu nếu chớp mắt nghĩa là sẽ đánh mất đi khoảnh khắc đắm say.
Những chảo hoa lửa rẻ quạt xoay vòng liên hồi 
Bay lên cao ngàn trượng
Rơi xuống mặt nước vô vàn ánh lân tinh
Như đuôi quẹt khổng lồ của một vì sao chổi…
Không có sự am hiểu về hội họa, không say mê biển chắc chắn nhà thơ Trần Tất Tiến không vẽ được những nét cọ đầy sức mê hoặc bằng ngôn từ như thế. Nhà thơ đã không ngắm cảnh bình minh trên biển bằng mắt mà ông đắm mình vào cảnh, hòa hết mọi giác quan vào cảnh vật, lí trí đã nhường chỗ hoàn toàn cho tâm hồn. Nếu chưa một lần ngắm bình minh trên biển chắc người đọc sẽ khó mà cảm nhận được hình ảnh “chảo hoa lửa” tạo nên hình “rẻ quạt” theo từng khoảnh khắc thời gian “xoay vòng liên hồi” phía chân trời nửa sáng nửa tối lúc giao thoa giữa hai trạng thái ngày đêm. Và khi ánh nhìn di chuyển từ vừng mây xuống mặt biển sẽ là một cảnh sắc đẹp đến ma mị, “hoa lửa” từ trên mây “rơi xuống mặt nước” tạo ra “vô vàn ánh lân tinh”, như ti tỉ tinh thể pha lê phơi mình dưới ánh sáng, nhưng Trần Tất Tiến không liên tưởng đến pha lê mà ông ví tấm thảm ánh sáng trên mặt biển do hoa lửa rơi xuống như cái đuôi “của một vì sao chổi” khổng lồ, trường liên tưởng rộng hơn và mơ mộng hơn, hình ảnh ví von cũng vì thế mà nghệ thuật hơn, huyền ảo hơn.
Ta đứng ngắm mặt trời lên trên biển
Thấy con người mong manh biết bao nhiêu
Cả sông hồ và núi non chim thú
Chỉ là những bi ve trong dãy số của muôn trùng.
Trần Tất Tiến luôn như thế, giữ riêng mình một giọng thơ thủ thỉ, tự chiêm nghiệm, tự thầm thì với chính mình, sau cái giây phút đắm say là sự giác ngộ, là nhận diện bản thể, là ngẫm suy về đời và về người. Trong cái “dãy số của muôn trùng” mà nhà thơ nhắc tới kia là sự vô cùng của vũ trụ, là không gian bao la của đất, của trời, của biển… và ở đó con người, sông hồ, núi non, muông thú đều nhỏ bé, vô vi như những hạt cát dưới chân nơi nhà thơ đang đứng, đắm mình vào cảnh sắc “ngắm mặt trời lên trên biển” rồi lại tư lự với muôn vàn những ngẫm ngợi, suy tư. Ở cái tuổi ngoài sáu mươi, đã quá nửa đời người bận bịu với cuộc sống xô bồ và khắc nghiệt, giờ là lúc ông có thể tĩnh tại mà nhìn lại, mà chiêm nghiệm về những điều đã qua và gom nhặt những nỗi buồn vụn vặt để khái quát hóa thành những chân lí cuộc đời.
Dù vẫn là nhỏ bé của vô cùng
Đứng trước biển ta không hề sợ hãi
Những luồng sáng mặt trời hình mây biển
Nuôi sống muôn loài từ thuở khai thiên.
Khi người ta đã đi qua bao nhiêu giông bão, va vấp với hết thảy những gai góc của cuộc sống, vượt qua bao ghềnh thác và biến cố, họ có thể ý thức đầy đủ về bản ngã thì Dù vẫn là nhỏ bé của vô cùng/ Đứng trước biển ta không hề sợ hãi… đó là sự nhận diện, nhận diện về sự bé nhỏ của kiếp người so với cái bao la, rộng lớn của vũ trụ, của thiên nhiên. Và khi con người ta nhận diện được đầy đủ những điều đó thì đối diện với sự mênh mông, bao la, cũng như tính tất yếu của vũ trụ, của sự sống cũng trở nên bình thản, chẳng còn chỗ cho sự sợ hãi nữa. Ý thức về bản thân, chấp nhận thực tại và khiêm tốn trước biển đời sâu rộng, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy, một chân lí sống giản đơn vậy nhưng đâu phải ai cũng ngộ ra và sống đúng với điều đó được. “Những luồng sáng” kia phải chăng là hạnh ngộ, là sự thông thái, là ý chí và tình yêu thương, sự độ lượng trong cõi người sẽ sưởi ấm và mang đến sức mạnh, trao cho con người nguồn năng lượng tích cực để sống hòa hợp với thiên nhiên và với đồng loại. 
Cứ mỗi lần trước biển mỗi bình minh 
Ta nhận thấy con người may mắn quá
Được thiên nhiên ban tặng món quà 
Những tia sáng mặt trời hình mây biển
Xin cảm tạ người, thiên nhiên bao la.
“Những tia sáng mặt trời hình mây biển” là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người, tuy nhiên, tôi nghĩ không phải ai cũng may mắn nhận được món quà quý giá ấy. Bởi đâu phải ai cũng có cơ hội chìm đắm ngắm bình minh trên biển. Nhà thơ Trần Tất Tiến hay viết về thân phận con người, đặc biệt là những phận người còn cơ cực mưu sinh, những phần đời kém may mắn, những con người còn lầm lũi giữa ồn ào giàu sang. Ví như những câu thơ đầy lòng trắc ẩn này:
Em đi thay cha - giọng em nước mắt
Muối tan vào mặn chát tuổi thơ em.
        (Tiếng giao người bán muối)
Tài sản lớn nhất của ông là giấc ngủ
Chiếc xẻng làm thuê, lưỡi sáng như gươm
        (Ông già xóm tôi)
Sư đưa cho một lá bùa
Ăn mày nhét túi hứa chừa ăn xin
        (Lá bùa)
Tôi thử mường tượng nét mặt nhà thơ trầm ngâm trước biển, sau phút giây đắm mình với cảnh bình minh đẹp đến mê mẩn thì ông trở lại thực tại với những nghĩ suy rất đời, rất thực, rất bao đồng nhưng cũng rất người. Khi dòng suy nghĩ trôi về ngẫm ngợi phận người chắc những nét nhăn trên trán ông cũng xô nghiêng mái đầu hoa râm như những đợt sóng lao xao dưới chân xô vào bờ cát. Để rồi sau cái chép miệng, cái nhíu mày chấp nhận một xã hội còn nhiều khó nhọc và không có bình quân chủ nghĩa thì sự khác biệt là một lẽ dĩ nhiên ở cõi tục này. 
Xin cảm tạ người, thiên nhiên bao la.
Một cách cảm thán như xoa dịu nỗi lòng của chính mình, xoa dịu những trở trăn với ngàn vạn câu hỏi chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, và nhà thơ hình như muốn mở ra một lối hy vọng cho bản thân, cho độc giả về một chân trời đầy “những tia sáng mặt trời” ấm áp hy vọng, ấm áp tin yêu, ấm áp tình đời, tình người. Phía đó không có lá bùa ước lượng, ảo ảnh nào cả, ở đó có niềm tin và tình yêu thương, ở đó không còn bất công, không còn cơ cực và lầm lũi.
Cũng có thể hiểu đoạn kết của bài thơ ở một trường nghĩa khác, đó có thể là sự thức tỉnh và những câu thơ của ông như tiếng chuông ngân vang lên vừa như lời thỉnh cầu lại vừa như lời nhắc nhở đến loài người hãy biết ơn và giữ gìn thiên nhiên.
Con người vẫn gọi thiên nhiên là mẹ
Nhưng làm sao cho con người hiểu được 
Bài học lớn người mẹ trao lại trong lặng yên 
Trước khi thiên nhiên vỡ tan thành nước
Chính từ sự vun vét của con người.
        (Đêm rừng sâu)
Hãy để thiên nhiên sống theo cách mà thiên nhiên tự có
Người xưa mong ước biến thiên nhiên thành lâu đài
Nay lâu đài và đô la người đã có
Nhưng làm sao biến nó thành thiên nhiên?
        (Lời thiên nhiên)
Đời người là đời rừng 
Đời rừng là đời thú.
Nương vào nhau mà sinh tồn
Lại nương vào nhau mà gạt bỏ.
        (Vết sẹo)
Và khi trái tim biết yêu thương, gìn giữ, khối óc biết nhận diện đúng sai, thiếu thừa trong cách con người đã và đang đối xử với thiên nhiên thì mỗi câu thơ như một lời nhắc nhớ, mỗi ý thơ như một dự báo, dự cảm và mong muốn truyền tin đến con người. Đó là điều đáng quý mà một người cầm bút chân chính, trách nhiệm làm được.
Nói về thơ Trần Tất Tiến không phải bài nào cũng hay, chính ông cũng luôn trăn trở để hoàn thiện thơ mình mỗi ngày. Điều tôi thích ở thơ ông là sự nhẹ nhàng trong giọng điệu mà vẫn sâu sắc trong ý niệm. Mỗi bài thơ của ông luôn bộn bề cảm xúc, đồng thời cũng chứa đựng nhiều hoạt cảnh, ngữ nghĩa, đa diện và đa dạng. Thơ là thứ rượu được chưng cất từ men say cuộc sống. Mỗi người mỗi khẩu vị, mỗi nhu cầu khác nhau mà thành ra rượu ngon hay không cũng một phần ở cái cách người ta thưởng thức và ở cả khả năng thẩm rượu. Suy cho cùng, người làm thơ là con tằm đón nhận “trăm dâu đổ đầu” để dâng tặng đời thứ tơ vàng óng, mỗi sợi tơ là một sự rút ruột, một quá trình ngâm ủ, tinh kết, chuốt mình để làm đẹp cho đời. Xin lấy những câu thơ nhẹ nhàng và đầy sức lay động của bài “Cánh buồm cuộc đời” để thay cho lời kết bài viết:
Nếu ta biết coi thân này là giả tạm
Chỉ cần hai thước cỏ ven sông
Đón mặt trời
Và một cánh buồm giong.
                                                                                 

       11-2022
                                                                                           N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 2621
 Tổng số truy cập: 7550442
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa