NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA X) VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm: "Văn học, nghệ thuật cũng là một mặt trận"; Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, khẳng định: Văn học, nghệ thuật (VHNT) là một bộ phận quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,... Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của VHNT trong đời sống xã hội, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Hoạt động sáng tạo VHNT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển với dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Theo đó, chủ đề tư tưởng của tác phẩm VHNT tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước, truyền thống văn hóa, lịch sử, tôn vinh, làm tỏa sáng cái tốt đẹp, cái cao thượng; đồng thời, phê phán, lên án những cái xấu xa, thấp hèn của đời sống xã hội,... Trong 15 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đã sáng tác hơn 45.000 tác phẩm VHNT ở các thể loại. Trong đó, hơn 1.200 tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đã đoạt giải tại các cuộc thi, giải thưởng các cấp; đặc biệt, có 7 tác phẩm/ cụm tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 14 loại hình văn hóa dân gian đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Song song với sáng tác, công tác quảng bá tác phẩm VHNT được quan tâm tổ chức thường xuyên, có chủ điểm. Theo đó, 06 đoàn nghệ thuật (của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa và Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) đã dàn dựng và tổ chức biểu diễn hơn 1.360 chương trình nghệ thuật, vở diễn sân khấu để phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tỉnh; dàn dựng nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái xứ Thanh tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đã đoạt các giải thưởng cao (52 Huy chương Vàng, 117 Huy chương Bạc, 04 Huy chương Đồng, 09 Giải xuất sắc); 08 đội chiếu bóng lưu động tổ chức 16.770 buổi chiếu phục vụ 5,8 triệu lượt đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh; chủ trì tổ chức và tham gia trên 150 cuộc triển lãm, cuộc thi tranh, ảnh nghệ thuật trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế, trong đó có nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan; xuất bản 1.015 đầu sách với trên 1.623.000 bản in về chủ đề VHNT; tổ chức hàng trăm hoạt động đối ngoại văn hóa để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người xứ Thanh đến bạn bè, đối tác quốc tế thông qua các ấn phẩm VHNT và chương trình nghệ thuật biểu diễn,...; xây dựng và phát triển trên 1.300 đội, CLB nghệ thuật quần chúng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh,...
Công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT có nhiều tiến bộ, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, khích lệ sự tìm tòi, sáng tạo ở người nghệ sĩ; góp phần đấu tranh với những xu hướng cực đoan, phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng. Công tác quy hoạch, bố trí lực lượng cán bộ quản lý, tham mưu lĩnh vực VHNT được chọn lựa, sắp xếp phù hợp; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được quan tâm thực hiện. Đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã kết nạp 493 hội viên, trong đó có 237 hội viên chuyên ngành Trung ương; 07 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 41 Nghệ sĩ ưu tú.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác xây dựng và phát triển VHNT của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật chưa thường xuyên; hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT thiếu sự cân đối; chưa có nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; hoạt động lý luận, phê bình VHNT chưa có nhiều đột phá; hệ thống thiết chế văn hóa, nghệ thuật ở nhiều địa phương chưa đáp ứng nhu cầu; kinh phí dành cho hoạt động VHNT còn thấp,... Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, song cơ bản là do: Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn học, nghệ thuật còn bất cập. Một số cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là chính sách về lương, phụ cấp đối với văn nghệ sỹ còn thấp; trình độ, năng lực, sự tâm huyết của một bộ phận văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế,...
Nhìn chung, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X), nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân trong toàn tỉnh về xây dựng và phát triển VHNT được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về VHNT có chuyển biến tích cực; đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, chất lượng sáng tạo, quảng bá, lý luận, phê bình VHNT từng bước được nâng lên; khen thưởng, động viên kịp thời văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến; công tác xã hội hóa về VHNT được quan tâm,… Kết quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp giá trị chân - thiện - mĩ cho nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh; góp phần cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
Từ những kết quả và hạn chế đã nêu, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển VHNT;
Hai là, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; chú trọng phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển VHNT;
Ba là, kịp thời cụ thể hóa chủ trương thành cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển VHNT; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các văn nghệ sĩ, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động VHNT;
Bốn là, quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác VHNT các cấp; phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng tài năng VHNT thường xuyên, sâu rộng,...
Để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và giàu sắc thái văn hóa xứ Thanh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, bám sát đường lối văn nghệ của Đảng theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) gắn với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về văn hóa, VHNT. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, mạng xã hội.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về VHNT. Xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch về lĩnh vực VHNT, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển VHNT trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT đến công chúng; phấn đấu ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; tiếp tục sáng tác về thành tựu phát triển của quê hương, khơi dậy truyền thống, những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của vùng đất và con người Thanh Hóa.
Thứ tư, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các công trình, các thiết chế văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động của lĩnh vực VHNT; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành VHNT của các trường đại học của tỉnh; quan tâm công tác phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng tài năng VHNT trong trường học, người dân tộc thiểu số.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác về VHNT giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh thành khác trên cả nước nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa tốt đẹp của đất và người Thanh Hóa.
Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển VHNT trên địa bàn tỉnh thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030 và sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Đ.X.Y