Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   “Thơ vụt hiện” Đinh Ngọc Diệp
“Thơ vụt hiện” Đinh Ngọc Diệp

“Thơ vụt hiện”, thuật ngữ chỉ một dạng thức thơ xuất hiện ở Việt Nam trong không khí văn chương hậu hiện đại được du nhập tự do khi đất nước “hội nhập” sâu rộng với thế giới. “Thơ vụt hiện” còn có những tên gọi khác: “Thơ tự động”! Như tên gọi của dạng thức này, “thơ vụt hiện” xây dựng trên nguyên tắc “chộp bắt” khoảnh khắc. Tuy nhiên, tính “chộp bắt” này không giống với “tức cảnh” - một khái niệm trước đây của thơ trung đại Việt Nam. “Tức cảnh” chỉ quan tâm tới đối tượng trữ tình là thiên nhiên, “tức cảnh sinh tình”. Thơ “vụt hiện” chộp bắt vụ việc (có thể có thiên nhiên) và không nhằm mục đích “thưởng lãm”, tán tụng mà hướng tới phân tích, bình luận, triết lý. Điểm quan trọng khác, thơ vụt hiện không chỉ chộp bắt khoảnh khắc ở thì hiện tại mà cả khoảnh khắc trong tâm tưởng, ẩn ức. Thêm nữa, những vụ việc, khoảnh khắc được chộp bắt này không hẳn là “màu hồng” mà ngược lại, thường là “màu xám”, “mặt tối” của thực tại. Nhà thơ vụt hiện không còn là “loài thi sỹ” thoát ly thời cuộc, không xuất hiện với tư thế những kẻ rong chơi bên lề, nhàn tản mà thực sự “dấn thân” vào đời sống. Với các nhà thơ Việt Nam thời “hội nhập”, thơ, không chỉ là câu chuyện hình thức, mà “xã hội” mới chính là tiền tố sáng tạo. 
Vì đặc tính “khoảnh khắc” nên thơ “vụt hiện” thường có kết cấu lỏng lẻo từ những “mảnh” rời của “chộp bắt”. Tư tưởng của thơ “vụt hiện”, vì vậy, cũng mơ hồ và đầy thách đố trong tiếp nhận.     
  Thơ Đinh Ngọc Diệp mang đặc thù của “khoảnh khắc”, nghĩa là cách lấy tứ, tạo tứ dường như khá ngẫu hứng, “vụt hiện”, đây là tên bài: Vết xước, Đá và sóng, Tỉnh thức, Biển xanh, Trống mãi, Ban mai, Bất chợt, Chiếc phao, Quả trứng, Phát chẩn v.v... từ những bài ở chặng đầu tiên, đến các bài viết gần đây cũng cùng với phong cách ấy: 120 phút không thua dài hơn cả đời người, Gặp bạn thơ là chủ quán nước bên đường, Bài thơ làm ngày mất điện, Từ hôm nay tôi biết sợ những bông hoa, Mực trắng đã bùng khơi, Ngọn gió anh không có chỗ để ngang tàng, Tắm ở Côn Đảo, Giọt biển mặn mòi toan giết chết con sông, Trong và ngoài bệnh viện tâm thần, Cháy bỏng giọt thanh âm, Bài hát tiểu sành v.v... dù tên bài thơ có kéo dài ra nhưng tính “khoảnh khắc” lại rõ rệt hơn, khoảnh khắc ý tưởng vụt hiện, được đặt ngay làm tên bài.
Thử khảo sát một vài trường hợp: Con đường/ Quăng lên yếm xe một vết xước/ Trong đau, màu nhựa trắng thật hơn/ Trời cũng đường mây, nhiều dặm xóc/ Xe cướp thời gian, vết xước bụi đỏ/ Anh chẳng kịp nhìn, cuốc bộ theo em/ Đích đến, em đã về, tàn chợ Tết/ Em quẳng vào tim anh vết xước (Vết xước). Khoảng khắc bắt gặp “vết xước” được tạo ra từ hình ảnh một vết bẩn hắt lên chiếc yếm trắng của chiếc xe gắn máy. Vết bẩn lại được cảm nhận bằng “khoảnh khắc” tiếc nuối của trái tim nên trở thành “vết xước”, rồi từ “vết xước” xe sang “vết xước” lòng. Bắc cầu cho chuyển nghĩa ấy là những mảnh khoảnh khắc được chắp nối: trời, đường mây, nhiều dặm xóc, anh cuốc bộ theo em, tàn chợ tết ... Nỗi đau, thất vọng, bi kịch tình yêu, nguyên nhân do khách quan hay chủ quan không thể xác định. Người trong cuộc tìm cách lý giải, tìm nguyên nhân (như một cách tự giày vò), lại hiện ra một kẻ ngu ngơ, bất lực. Bài thơ cho thấy dấu ấn của thơ vụt hiện: tính ngẫu hứng của ý tưởng, tính phân mảnh, rời rạc của cấu trúc, vì vậy, nội dung tư tưởng của bài thơ đến sau lớp nghĩa biểu trưng của ngôn từ. Tính đa nghĩa, chiều sâu ý nghĩa và cảm xúc của hình tượng “vết xước” được mở ra và cộng hưởng thêm từ thực tiễn tiếp nhận của độc giả: “vết xước” theo đúng nghĩa đen, “vết xước” trong tâm hồn; “vết xước” cụ thể, “vết xước” trừu tượng; “vết xước” thoáng qua, chóng lành, nhưng có những “vết xước” trở thành vết thương để lại “sẹo”! Trong đời, ai mà chẳng từng trải nghiệm những “vết xước”, ý tưởng “vụt hiện” của bài thơ sẽ tạo nên dây chuyền “vụt hiện” trong tư duy, cảm xúc của người đọc.   
 Một bài khác: Những bụi phấn ngủ triệu năm trong đá/ Lại mịn màng lên những cánh hoa…/ Em lúc này nhí nhảnh đi qua/ Gương mặt, làn da đòi về hóa thạch/ Anh dõi nhìn từ triệu năm xa/ Tỉnh giấc triệu năm sau nữa/ Em chẳng là em, dù trả giá ngần nào/ Em ra khỏi lòng nôi của đá/ Triệu đời hoa tìm huyệt chui vào! (Tỉnh thức). Bắt gặp khoảnh khắc đời thường: Em lúc này nhí nhảnh đi qua, ý thơ vụt hiện: đúng là một vẻ đẹp lộng lẫy thanh tân, trẻ trung, mịn màng, mướt mát! Vẻ xinh đẹp, đài các của cô gái toát lên từ làn da, đường nét, mùi hương cơ thể. “Khoảnh khắc” bắt gặp của thị giác ấy tạo nên “khoảnh khắc” liên tưởng: thật hay mơ đây? Ta đang ở hiện tại hay trong mộng ảo? Ánh mắt hờ hững, lạnh lẽo, gương mặt kiêu kỳ như “hóa thạch” kia càng khiến cho lý trí của thi sĩ bị “đông cứng”: Anh dõi nhìn từ triệu năm xa! Cách ngưỡng mộ cái đẹp do tạo hóa sinh ra này vừa quen vừa lạ: Em ra khỏi lòng nôi của đá/ Triệu đời hoa tìm huyệt chui vào! “Quen” vì vẫn dùng phương pháp so sánh theo kiểu “hoa nhường nguyệt thẹn”, “chim sa cá lặn”, nhưng “lạ” ở cách nói mới của một tư duy mới: cái đẹp của tạo hóa, do tạo hóa sinh ra mới là cái đẹp tự nhiên và bền vững. Thêm nữa, con người - sinh linh trong muôn vàn ức triệu sinh linh do tạo hóa sinh ra chính là sản phẩm đẹp nhất, hoàn hảo nhất: Em ra khỏi lòng nôi của đá/ Triệu đời hoa tìm huyệt chui vào! Từ “em” - cô gái đến “em” biểu tượng cho con người (human), các lớp nghĩa từ hình tượng thơ luôn để ngỏ cùng với tiếp nhận của độc giả. 
Và một bài gần đây: Có con tàu bung ra đại dương/ Ở trong sông con thuyền mắc cạn/ Cá tôm không nước vẫy vùng/ Cây lúa đỏ đuôi lép đòng... chết mặn/ Nước mắt mẹ đầm đìa những phận người phận sông vắn số/ Khát ngọt trong, biển theo lên ướp muối cánh rừng/ Giọt biển mặn mòi toan giết chết con sông! (Giọt biển mặn mòi toan giết chết con sông). Bài thơ bắt đầu từ thông tin thời sự tác giả được nghe từ nguồn tin nào đó, truyền hình, báo, đài... về tình trạng xâm thực mặn, hậu quả từ biến đổi khí hậu. Sự/vụ này gây nên chấn động tâm hồn, tình cảm chủ thể trữ tình. Lập tức, thi sĩ biến sự/vụ này thành “sự/vụ thơ”: Khát ngọt trong, biển theo lên ướp muối cánh rừng! gây nên hậu quả là: Giọt biển mặn mòi toan giết chết con sông. Nhẽ ra, theo logic của câu trước, biển “theo” lên vì biển “khát ngọt trong”, vậy, nếu có hậu quả xảy ra thì đó là hậu quả ngoài ý muốn, chữ “toan” không logic với ý này, vì “toan” đã biến “hành vi” của biển thành ý đồ xấu xa, cố ý “giết hại” sông, và điều này thật “oan” cho biển. Giá như chữ “toan” ấy đổi lại thành “suýt” hoặc “đã” thì bài thơ có định hướng cảnh báo môi trường. Song, dường như thi sĩ không theo suy nghĩ ấy. Tác giả  đặt chữ “toan” trong bối cảnh: Cây lúa đỏ đuôi lép đòng... chết mặn/ Nước mắt mẹ đầm đìa những phận người phận sông vắn số và truy tìm nguyên nhân, cuối cùng thì đã tìm ra chính là “kẻ” ấy: Giọt biển mặn mòi toan giết chết con sông. Tuy nhiên, hai câu đầu của bài thơ lại là “khoảnh khắc” khác: Có con tàu bung ra đại dương/ Ở trong sông con thuyền mắc cạn. Trong sự đối sánh, sức hấp dẫn của đại dương rộng lớn so với sông, biển là niềm mơ ước của thuyền, đại dương là giấc mơ của khát vọng. Nhưng người ta dường như chỉ nghĩ đến tính ưu tú, điều tích cực của đại dương mà ít nghĩ đến hạn chế của nó. Cái gì cũng có gót chân “Asin”, kể cả “đại dương”, vẫn có điểm “hạn chế”, vẫn “thèm” thứ mình không có, đó là “ngọt trong”. Bài thơ được “ghép” từ nhiều khoảnh khắc, những khoảnh khắc trong nhận thức, liên tưởng liên tiếp xuất hiện, ý tưởng được “bung” ra “nhờ” những khoảnh khắc được chộp bắt này. Như vậy, mạch logic nằm ở chiều sâu tư tưởng của bài thơ, logic nhận thức! Đi từ nhận thức này đến nhận thức khác. Đó là lý do khiến cấu trúc thơ vụt hiện không nổi bên trên cùng hình ảnh, hình tượng, mà nằm ở logic bên trong của tư tưởng bài thơ. 
Trừu tượng đi cùng với triết lý trở thành một đặc điểm tất yếu của “thơ vụt hiện”. Nhiều khi, có cảm giác họ tư duy từ trong vô thức, những kết nối từ vô thức. Cái “lý” trong thơ họ vừa thực vừa “phi thực”, “siêu thực”. Nó không chỉ đúng ở hiện tượng mà còn chứa đựng thông điệp phổ quát, không chỉ đơn nghĩa mà đa nghĩa. Sức gợi mở của ý tưởng thơ luôn để ngỏ.  
Đọc thơ Đinh Ngọc Diệp đi theo hướng “thơ vụt hiện”, thứ thơ “kén” người đọc. Nếu chỉ “thẩm” theo thói quen, từ cảm xúc hình ảnh rồi “suy” ra nội dung, sẽ thấy chả có gì đặc biệt, đôi khi “bối rối” bởi sự phi logic, rắc rối của diễn đạt. Nhưng, nếu đọc bằng nguyên tắc thẩm mỹ của “vụt hiện”, sẽ nhận thấy, bên trong lớp vỏ chữ nghĩa và cuộc chơi chữ nghĩa là những suy tưởng thâm sâu và nghiêm túc của một trái tim yêu thơ và say đắm cuộc đời này.  
                              

 H.D.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 178
 Hôm nay: 2298
 Tổng số truy cập: 12810713
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa