Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Suy nghĩ về thực trạng đổi mới phương pháp dạy học văn
Suy nghĩ về thực trạng đổi mới phương pháp dạy học văn

Dù là một giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THPT thuộc miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, may mắn thay luồng gió đổi mới đã đến với chúng tôi ngay từ những năm 2001-2002. Đặc biệt là trong suốt 3 năm liên tục dự học chuyên đề bồi dưỡng thay sách giáo khoa (2006-2008), tư tưởng nội dung chương trình cũng như phương pháp, biện pháp đổi mới được phổ biến sâu rộng và thực sự không còn xa lạ đối với đội ngũ giáo viên. Điều đó đã được thực thi nhanh chóng, kịp thời (nhất là ở lớp giáo viên trẻ ít chịu sức ì của giáo viên truyền thống). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, phong trào đổi mới cho đến nay cũng còn bộc lộ rõ nhiều bất cập: tình trạng học sinh không mấy hứng thú với môn văn đang là vấn đề phổ biến; nhiều giáo viên đã đơn giản hóa đổi mới phương pháp với việc nêu nhiều câu hỏi, chia nhóm, đối thoại,... biến giờ văn thành những giờ học “chia sẻ sự ngu dốt”. Đặc biệt vấn đề nổi cộm là tình trạng không thống nhất trong quan niệm về mặt lý thuyết giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia các cấp học và ở cả đội ngũ giáo viên đang trực tiếp đứng lớp. Nhiều hội thảo liên tục được tổ chức để thống nhất về mặt học thuật cũng chưa đi đến đâu. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội cũng chưa đi đến thống nhất. Là người theo dõi thường xuyên, bản thân tôi xin có một vài suy nghĩ ở những điểm sau:
Đổi mới hay không đổi mới
Nhìn nhận tình trạng dạy học văn hiện nay có hai luồng ý kiến cơ bản trái ngược nhau xoay quanh câu hỏi “Dạy văn đã đổi mới hay chưa?” Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng “thực tế là lối dạy văn thầy đọc trò chép, thậm chí thầy chép trước lên bảng, trò chép sau vào vở, để rồi khi thi và kiểm tra trò lại chép những gì đã chép một cách hết sức phổ biến” (Văn nghệ số 4-2008). “Học sinh là thính giả thụ động... nếp dạy và nếp học thâm canh cố đế của nhà trường chúng ta lâu nay” (Văn nghệ số 10-2009).
Chuyên gia đầu ngành về phương pháp dạy văn, GS. Phan Trọng Luận đã phản đối ý kiến cho rằng “đó là nhận định sai thực tế thiếu căn cứ và xúc phạm đến đông đảo thầy cô giáo” (Văn nghệ số 11-2008). Nhà giáo Nguyễn Minh Phương thì cho rằng: “Giáo viên chúng tôi đã có nhiều cố gắng thể hiện tư tưởng đổi mới học văn theo hướng coi trọng hoạt động học sinh, giáo viên là người định hướng, tổ chức không phải là người truyền đạo áp đặt” (Văn nghệ số 10-2009).
Cho đến nay chưa có số lượng thống kê đích xác, cụ thể cũng như chưa có một điều tra khoa học nào được công bố. Nhưng qua nhiều giờ dự giảng và thông qua thiết kế bài học, tôi thấy bản thân cũng như các đồng nghiệp đã dạy học theo tư tưởng đổi mới tức là giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động hướng dẫn các em khám phá chiếm lĩnh tác phẩm để từ đó nâng cao năng lực thẩm mĩ, năng lực nhận thức và tự nhận thức... trên cơ sở phát huy sự sáng tạo của chủ thể học sinh. Tuy nhiên tình trạng đây đó vẫn còn nhiều giờ giảng theo lối cũ. Điều này cũng hết sức dễ hiểu bởi không thể ngày một ngày hai mà thay đổi - nhất là ở thế hệ giáo viên đã có nhiều năm gắn bó với phương pháp dạy học cũ. Nhiều vùng miền chất lượng học sinh quá thấp lại thiếu điều kiện, phương tiện cũng là lực cản lớn khiến giáo viên khó có thể triển khai phương pháp một cách triệt để.
Chú trọng văn bản hay coi học sinh là bạn đọc sáng tạo
GS. Trần Đình Sử đề xuất: “muốn giải quyết đúng vấn đề phương pháp dạy học văn hiện nay, chỉ có một con đường là trở về với văn bản văn học” kêu gọi không dạy “thế bản” (Văn nghệ số 10-2009). Bản thân ông cũng như Phan Huy Dũng, Vũ Thị Hà, Lê Lanh... đều cho đây là ý tưởng mới duy nhất đúng. Ngược lại GS. Phan Trọng Luận, Ts. Hoàng Thị Mai, Nguyễn Minh Phương... đều thống nhất quan điểm “đổi mới phương pháp dạy học văn theo hướng học sinh là bạn đọc sáng tạo là vấn đề cốt lõi của tư tưởng đổi mới trong phong trào dạy học văn hiện nay”. Bởi theo họ trở về với văn bản là quan niệm đã lạc hậu - không có gì mới mẻ “chỉ chú trọng văn bản là điều mà chúng ta đã quen làm lâu nay trong dạy học văn truyền thống” (Nguyễn Minh Phương).
Quan niệm của cá nhân tôi thì dạy học văn cụ thể là tác phẩm văn chương là quá trình chuyển hóa linh hoạt không ngừng giữa 3 điểm nhìn là Nhà văn (Tác phẩm) - Giáo viên - Học sinh, trong đó giáo viên là trung tâm của hoạt động dạy học. Cho nên hơn ai hết giáo viên phải là người biết cặn kẽ về “thế bản” văn bản - do tự mình đọc ra ý nghĩa của văn bản hoặc kể cả phải tham khảo nhiều của các nhà nghiên cứu để từ đó có cách nhìn tiệm cận với cách nhìn của nhà văn thông qua tác phẩm. Từ đó mới có thể thiết kế bài học để lên lớp hướng dẫn tổ chức hoạt động học của học sinh. Giáo viên chính là người dẫn đường cho các em thâm nhập vào văn bản tác phẩm giúp các em cũng có cái nhìn tiệm cận với giáo viên và nhà văn - dĩ nhiên giáo viên vẫn sẽ tôn trọng sự sáng tạo của học sinh.
Muốn làm được điều đó thì giáo viên phải tìm ra được những phương pháp, biện pháp, kỹ thuật để giúp học sinh chiếm lĩnh tác phẩm. Trong đó phải kể đến những phương tiện như công nghệ thông tin, tranh ảnh, sơ đồ và thế bản như ngâm thơ, lời bài hát để giúp học sinh thâm nhập vào bầu không khí văn chương, hay những lời bình xuất sắc của các nhà phê bình văn học,... Còn về phía học sinh trong quá trình soạn văn ở nhà việc tự giác trả lời câu hỏi hướng dẫn học bài ra sao, việc đọc các bài văn mẫu như thế nào, không ai có thể kiểm soát được. Chỉ biết rằng trong giờ lên lớp thầy trò cùng bàn luận, tìm hiểu, phát hiện ra được những vấn đề mà bài học yêu cầu là may lắm rồi.
Vì vậy một giờ văn hiệu quả theo tôi chính là giờ mà giáo viên bằng những phương pháp nêu vấn đề, gợi tìm, giảng bình, đàm thoại, phát vấn... giúp học sinh thâm nhập được vào thế giới nghệ thuật của nhà văn trên những phương diện cơ bản nhất để thực hiện mục tiêu giáo dục. Điều quan trọng là sau mỗi giờ học, học sinh tiếp thu có nhu cầu, có hứng thú tìm hiểu, khám phá tiếp tác phẩm cho dù bằng cách này hay cách khác để có thể phát triển năng lực đọc văn, năng lực sáng tạo, năng lực nhận thức và tự thanh lọc tâm hồn...
Vậy thì ở đây cốt lõi của đổi mới phương pháp dạy học văn không phải là trở về với văn bản. Bởi dạy học văn theo phương pháp cũ hay mới đều phải coi trọng văn bản. Không hiểu biết về văn bản, không dạy văn bản thì không còn hoạt động dạy học văn. Điểm cốt yếu để phân biệt cũ mới chính là vai trò, vị trí của học sinh như thế nào trong quá trình học văn. Ngay từ năm 1990 trong luận văn Thạc sĩ Trần Hoa Lê đã có ý kiến hết sức xác đáng: “Sự tiếp xúc trực tiếp của chủ thể học sinh với tác phẩm là mục đích, là nội dung và phương thức cơ bản của giờ học văn”. Vậy vấn đề cũ - mới ở đây đã rõ: điều cốt yếu là ai được tiếp xúc với văn bản (giáo viên hay học sinh). Lối dạy văn cũ chỉ có thầy làm việc với văn bản và thuyết giảng cho học sinh. Và đổi mới phương pháp dạy học văn gần đây chính là việc nâng học sinh lên vị trí chủ động tích cực, coi học sinh là bạn đọc sáng tạo. Học sinh là bạn đọc sáng tạo sẽ làm thay đổi hẳn hệ hình dạy học văn, xóa dần vai trò độc tôn của người thầy với tư cách là người rót kiến thức cho học sinh trong lối dạy cũ. Thầy là trung tâm của quá trình dạy học, còn trò là chủ thể của quá trình học. Quan niệm đó được đo bằng không khí dân chủ trong giờ học văn hiện nay.
Đâu là nguyên nhân
Nguyên nhân của tình trạng không thống nhất theo tôi trước hết do sự tiếp cận thành tựu của chuyên ngành phương pháp dạy học văn chưa thấu đáo. Nhiều quan niệm lí thuyết, học thuật đã được nói đến và lí giải cặn kẽ trong các giáo trình, các công trình nghiên cứu đã được công bố từ lâu. Bây giờ các nhà nghiên cứu nhắc lại trong các bài viết của mình lại cho là mới.
Thứ hai, do cách chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa sát sao vì vậy cho đến nay vẫn chưa có được một tổng kết hệ thống để có được kết luận trong ngành. Còn rất nhiều khái niệm chưa được thống nhất: học sinh là trung tâm hay là bạn đọc sáng tạo? Chú trọng vào văn bản hay học sinh? Coi học sinh là trung tâm hay giáo viên là trung tâm? (trong hoạt động dạy học văn giáo viên là người đứng lớp trực tiếp với bao công sức khổ luyện mà không là trung tâm thì có khoa học không?). Tiêu chí đánh giá giờ văn như thế nào là chuẩn nhất? Tên gọi các phương pháp cũng chưa được thống nhất cụ thể đang gây nhiều tranh cãi, gây tâm lí hoang mang cho giáo viên trong quá trình thực hiện. Cần nhận thức rõ ràng thế nào là môn văn trong nhà trường (là công cụ hay là nghệ thuật, hay cả hai). Đặc biệt phải sớm được thống nhất thành văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình thực thi, đỡ gây nhiều tranh cãi không cần thiết.
Thứ ba, ta đều biết rằng, giáo viên là đội ngũ quan trọng nhất để biến tư tưởng, phương pháp của nhà nghiên cứu thành hiện thực. Nếu phương pháp đúng, tư tưởng đúng mà không được giáo viên thực hiện hoặc thực hiện chưa thấu đáo thì cũng chẳng khác nào đem muối bỏ bể. Tình trạng giáo viên chưa nhận thức sâu sắc về mặt lí thuyết còn không ít. Nhiều giáo viên cho rằng: đổi mới phương pháp là giờ học có nhiều câu hỏi cho học sinh tự do thảo luận, chia nhóm là đổi mới, sử dụng công cụ hiện đại là đổi mới... Chính vì vậy đã và đang tồn tại những “chia sẻ sự ngu dốt” biến giờ văn thành những giờ học khô khan đánh mất bản chất thẩm mĩ của văn chương. Điều kiện dạy học còn lạc hậu, tâm lí ngại đổi mới, sự trì trệ trong tư duy, cộng với nỗi lo cơm áo... đang là lực cản lớn trên con đường đổi mới phương pháp ở một bộ phận không nhỏ anh chị em giáo viên.
Thứ tư, mặc dù có vẻ không bình thường nhưng đang là thực tế hết sức đáng lo ngại. Đó là tình trạng học sinh thiếu mặn mà với môn văn, mà nguyên nhân tôi cũng đã có dịp phân tích trên báo Văn nghệ Trẻ số 38-2008, cũng là lực cản không nhỏ. Cá biệt ở nhiều lớp học - nhất là ở các trường miền núi, giáo viên không thể huy động bất cứ học sinh nào tham gia vào hoạt động học tập (nhiều giáo viên nói đùa là “bó tay chấm com” đành ngậm ngùi quay về thuyết giảng và chỉ mong các em chăm chú nghe cho đã là may lắm rồi).
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai
Bước vào con đường dạy học văn đầy chông gai, tâm huyết cũng nhiều song lắm khi nản “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước - Chọn một dòng hay để nước trôi”. Để có được một giờ văn theo đúng đặc trưng môn học (vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật) theo phương pháp mới, nhiệm vụ càng nặng nề và khó khăn hơn vừa phải cùng một lúc tiến hành hai công việc thuộc hai lĩnh vực khác nhau: công việc nghệ thuật (cảm thụ tác phẩm văn chương) và công việc khoa học - sư phạm (hướng dẫn học sinh cảm thụ, điều khiển giờ học). Điều đó khiến giáo viên chúng tôi luôn thường trực mâu thuẫn trong giờ học là tác phẩm văn chương: mâu thuẫn giữa yêu cầu chủ quan hóa, cá thể hóa cao độ của sự cảm thụ văn học với tính tập thể, tính định hướng sư phạm theo mục đích giáo dục chung của công việc dạy học văn trong nhà trường. Đúng là “nghiêng bên này lại chống chếnh bên kia” khó khăn không thể nói hết. Bởi cảm thụ văn chương đã khó lại phải dạy cho người khác hiểu càng khó gấp trăm lần. Đã thế chúng tôi còn bị quá nhiều áp lực từ phía nhà trường và xã hội. Cách đánh giá giờ dạy ở tổ chuyên môn chưa thực sự khoa học, cộng với sức ì quá lớn ở học sinh, cộng tư tưởng học thuật không lấy gì làm chắc chắn (bởi chính các vị giáo sư đầu ngành đang còn tranh luận), cộng nỗi lo cơm áo, cộng với sự bận bịu trong cuộc sống gia đình, và muôn vàn dấu cộng không tên khác... đã khiến ngọn lửa đam mê với nghề dần dần vơi cạn. Hỡi ôi! Bao giờ có được những dấu trừ... để thổi bùng lên ngọn lửa trái tim?
Hy vọng một ngày không xa. Bởi tôi luôn tin rằng “Văn học luôn vượt qua định luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sêdrin), cũng đúng với bộ môn văn trong nhà trường.
                                                                               

     N.T.H
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 627
 Hôm nay: 4336
 Tổng số truy cập: 9250247
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa