XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VIỆT NAM DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI
Hệ giá trị được hiểu là một thuật ngữ, một khái niệm dùng để chỉ một tập hợp các giá trị, được thể hiện dưới dạng phẩm chất, các nguyên tắc, các lí tưởng, và cả các triết lý… định hướng cho hoạt động của tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, quân sự… Trong văn học nghệ thuật (VHNT), hệ giá trị được hiểu là những chức năng, tác dụng, hiệu quả mà tác phẩm VHNT mang lại. Hệ giá trị VHNT gắn với truyền thống văn hóa, nhân văn… của dân tộc, mang tính lịch sử, kế thừa và bền vững.
Trong các văn kiện của Đảng về văn học nghệ thuật, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (năm 2008) có vai trò đặc biệt, là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên, tương đối toàn diện về VHNT; khẳng định phải tiếp tục quán triệt và thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cùng với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (năm 2014) đã khẳng định chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng về những vấn đề căn bản của VHNT, tạo động lực cho sự phát triển các khuynh hướng văn nghệ theo hướng đa dạng.
Tại Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tháng 1 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Sau khi đánh giá những thành tích cũng như những tồn tại của nền VHNT Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề xuất những yêu cầu đối với VHNT và văn nghệ sĩ trong thời kì mới. Đó là:
“Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Văn học, nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, tuân theo quy luật của tình cảm, của trái tim. Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị, phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của văn nghệ sĩ. Công chúng, bạn đọc mong muốn có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam, khẳng định những giá trị to lớn, những điều tốt đẹp, nhân văn, đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu trong xã hội; phấn đấu làm cho mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ đất nước và nhân dân…
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cần phấn đấu để thực sự là mái nhà chung cho các hội văn học, nghệ thuật cả nước, thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam; là nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sáng tạo, nghiên cứu, phê bình, định hướng thẩm mỹ và năng lực thụ hưởng văn hóa cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ…
Trong hơn 30 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, văn hóa, văn nghệ nước nhà tiếp tục phát triển, đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành nhanh chóng. Năm 2023 này đánh dấu mốc quan trọng: 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQTW của Bộ Chính trị khóa X, cũng đồng thời là năm kỷ niệm: 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có thêm nhiều sự quan tâm cụ thể cho lĩnh vực văn hóa. Hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần giáo dục, động viên quần chúng nhân dân bồi đắp lòng yêu nước, nêu cao các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn…” (Báo Nhân Dân ngày 9 tháng 1 năm 2016).
Từ những quan điểm của Đảng về VHNT, chúng ta có thể nhận thức sâu sắc rằng: Trong tiến trình phát triển, VHNT Việt Nam đã tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp cùng hệ giá trị bền vững.
Thực hiện các chức năng của VHNT chính là đã tạo nên hệ giá trị
Các nhà lý luận cho rằng văn học có 3 chức năng cơ bản. Đó là chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ.
Chức năng nhận thức: Văn học đưa ta tới những chân trời hiểu biết mới, cả thời gian và không gian, giúp ta hiểu hơn cuộc sống không chỉ trong hiện tại mà cả trong quá khứ, không chỉ trong phạm vi đất nước mình mà cả ở những xứ sở xa xôi. Văn học đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của con người. Văn học thực sự có thể coi là một “cuốn sách giáo khoa của đời sống”. Văn học không phải chỉ cung cấp cho ta những kiến thức mà qua những kiến thức tác phẩm còn hướng người đọc tới nhận thức nhất định. Tác phẩm văn học đem tới cho người đọc những kiến thức nhất định. Nhưng đấy không phải là mục đích cuối cùng của nhà văn. Qua một tiểu thuyết, ta có thể biết được vào thời kỳ nào đó, người ta trồng trọt như thế, kiến thức ra sao, cưới hỏi có giống hiện nay hay không. Nhưng nhà văn không dừng lại ở đó, nhà văn muốn qua những kiến thức đó, hướng người đọc tới những nhận thức về con người, về cuộc sống.
Chức năng giáo dục: Văn học có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng nhân cách, giáo dục và bồi đắp tư tưởng, tình cảm con người. Những vấn đề mà văn học quan tâm đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền với những vấn đề của đạo đức, chính trị. Nhà văn trong khi tái hiện thực tại đời sống không thể không xuất phát từ những quan niệm, lí tưởng của mình về đạo đức nhân sinh, không thể không nhìn nhận đời sống con người từ một góc độ đạo đức, chính trị nhất định. Do vậy, tác phẩm văn học nào cũng tác động tới người đọc theo một xu hướng đạo đức, chính trị nào đó.
Đó là chức năng đem tới những bài học, những bổ ích của tác phẩm văn học. Nói cách khác, tác phẩm văn học sẽ dạy ta những bài học thiết thực nào đấy bằng cách của nó. Có thể, qua một bài thơ, ta hiểu thế nào là tình yêu thiên nhiên, qua một tiểu thuyết ta học cách làm người cho xứng đáng. Tác phẩm văn học còn được gọi là sự tự giáo dục. Nói cách khác, qua hình tượng nghệ thuật, mỗi một người đọc tự cảm nhận được điều bổ ích với chính mình, không nhất thiết giống với người khác. Tính giáo dục của tác phẩm văn học thông qua con đường của trái tim, cho nên tác dụng của nó cực kì mãnh liệt. Nó làm thay đổi tầm hồn, làm phong phú tình cảm, làm thay đổi những suy nghĩ.
Chức năng thẩm mỹ: Văn học đem lại cho con người niềm vui trong sáng trước cái đẹp của sự sống. Tuy nhiên, văn học cũng không thể khước từ việc phản ánh chân thực đời sống. Do đó, văn học không chỉ hướng tới cái đẹp mà phạm vi của nó còn là toàn bộ những khía cạnh thẩm mỹ khác nhau của đời sống con người. Đó là những hiện tượng, những khía cạnh bi thảm, cao cả, hài hước của đời sống. Nắm bắt và thể hiện những khía cạnh đó một cách cụ thể, sinh động, văn học khơi dậy ở người đọc những cảm xúc xã hội tích cực, thỏa mãn người đọc cái nhu cầu nếm trải sự sống.
Chức năng thẩm mỹ tức là chức năng về cái đẹp. Bản chất của con người là yêu cái đẹp, thích mình đẹp và hướng về cái đẹp. Văn học cũng như những ngành nghệ thuật khác, là một trong nhiều phương tiện hướng con người tới cái đẹp. Cái đẹp làm thỏa mãn nhu cầu trái tim, nhu cầu tâm hồn của con người. Bản chất của văn học là cái đẹp - cái đẹp của ngôn ngữ, của hình tượng, của hành động - cho nên văn học đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người. Tác phẩm văn học chân chính giúp cho con người phát triển những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, nâng cao năng lực cảm nhận cái đẹp, nâng cao thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ, uốn nắn những sự không lành mạnh hay thấp kém trong quá trình cảm thụ cái đẹp. Văn học thực hiện chức năng này một cách vô tư, không áp đặt với người đọc.
Chính vì những chức năng hết sức tinh tế và ảnh hưởng sâu sắc như vậy, nên văn học luôn luôn cần thiết đối với con người trong quá trình phát triển nhân cách và đối với sự phát triển của xã hội.
Các chức năng của văn học nói riêng cũng như các ngành nghệ thuật khác như Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật… đều làm nên hệ giá trị của VHNT.
Mỹ thuật: Nền mỹ thuật bắt đầu với điêu khắc bản địa được thể hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn của cư dân Lạc Việt, trải qua các thời kỳ cùng với những ảnh hưởng từ bên ngoài đã tạo ra nền điêu khắc Việt Nam phát triển rực rỡ vào các thời Lý, Trần, Lê qua các công trình tôn giáo và cung điện, dinh thự các vương triều. Bên cạnh các công trình kiến trúc và điêu khắc của người Việt thì nền điêu khắc kiến trúc Việt Nam được bổ sung các kỹ thuật tinh xảo trong việc xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm và người Khmer Nam Bộ.
Kiến trúc: Bắt đầu sớm nhất là kiến trúc bản địa với những họa tiết về nhà cửa trên mặt trống đồng Đông Sơn vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên. Trải qua thời Bắc thuộc kiến trúc Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của nền kiến trúc Trung Hoa. Từ thế kỷ X, khi giành được độc lập, kiến trúc Việt Nam là sự kết hợp giữa kiến trúc bản địa cùng với những ảnh hưởng từ Trung Quốc. Các công trình của Việt Nam quy mô thường không lớn, nhưng có được sự kết hợp hài hòa giữa công trình chính và cảnh quan xung quanh, đặc biệt là sử dụng hồ, ao, sông ngòi để điều tiết khí hậu và tạo cảnh quan. Từ cuối thế kỷ XIX, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, kiến trúc Việt Nam bắt đầu áp dụng rộng rãi các khuôn mẫu và thủ pháp kiến trúc, xây dựng của phương Tây, nhiều công trình còn tồn tại đến ngày nay ở các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội đã để lại một sắc thái kiến trúc đẹp và độc đáo.
Hội họa: Hội họa xuất hiện muộn hơn với tranh lụa, tranh truyền thần, tranh thờ, tranh chân dung, tranh sơn mài, tranh khắc gỗ, hội họa cung đình và dòng tranh dân gian Việt Nam gồm tranh tết, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Đề tài trong tranh dân gian thường giản dị và gần gũi với đời sống dân dã, mỗi bức tranh đều có ý nghĩa tượng trưng và đều được cách điệu hóa. Cùng với các môn nghệ thuật hiện đại khác, mỹ thuật hiện đại Việt Nam cũng có những bước tiến dài từ đầu thế kỷ XX với ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây thời Pháp thuộc, với các trường phái lãng mạn, hiện thực, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực,... mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây nhưng khuynh hướng mỹ thuật hiện đại của Việt Nam vẫn gắn liền với lịch sử đất nước.
Sân khấu: Sự ra đời và phát triển của sân khấu cổ truyền Việt Nam gắn liền với đời sống nông nghiệp, múa rối nước là nghệ thuật dân gian của người nông dân làm ruộng nước ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được biểu diễn trong dịp hội hè, những lúc nông nhàn, múa rối nước là một môn nghệ thuật tổng hòa giữa các nghệ thuật điêu khắc, sơn mài, âm nhạc, hội họa và văn học. Cùng với múa rối nước là các môn nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương góp phần làm phong phú nền sân khấu cổ truyền Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, cùng với những ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam được bổ sung thêm các môn nghệ thuật kịch, hài kịch, xiếc, múa, ballet, opera,...
Âm nhạc: Âm nhạc cổ truyền Việt Nam cũng có truyền thống lâu đời, bắt đầu với chầu văn, quan họ, ca trù, hát ví, dân ca, vọng cổ, nhạc cung đình... của người Việt và bên cạnh đó là âm nhạc dân gian của các dân tộc khác như hát lượn của người Tày, hát Sli của người Nùng, hát Khan của người Ê Đê, hát Dù kê của người Khmer... Cùng với các môn nghệ thuật hiện đại khác, nền âm nhạc hiện đại Việt Nam từ những năm 1930 được hình thành và phát triển đến ngày nay được gọi là tân nhạc Việt Nam với các dòng nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, tình khúc 1954-1975, nhạc vàng, nhạc hải ngoại và nhạc trẻ. Vào tháng 9 năm 2009, ba trong số hình thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam là quan họ, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (bao gồm cả âm nhạc cồng chiêng) được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Điện ảnh: Điện ảnh là môn nghệ thuật xuất hiện muộn nhất tại Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn. Ban đầu là những thể loại phim do người Pháp thực hiện từ những năm 1920. Tới thập niên 1930, cùng với sự ra đời của các môn âm nhạc, mỹ thuật hiện đại, điện ảnh cũng bắt đầu được người Việt Nam thực hiện. Tiếp đó sau sự chia cắt đất nước, điện ảnh Việt Nam tại hai miền đều có những hướng phát triển riêng cùng với những ảnh hưởng từ bên ngoài là hai nền điện ảnh miền Bắc và điện ảnh miền Nam. Sau những năm 1975 nền điện ảnh Việt Nam do nhà nước thực hiện. Từ những năm 1986, với sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực điện ảnh, dòng phim này thịnh hành trong những năm đầu của thập niên 1990 và tự kết thúc vai trò của mình từ những năm 1995 nhường chỗ cho dòng phim đương đại Việt Nam.
Hướng tới Chân - Thiện - Mỹ góp phần tạo nên hệ giá trị VHNT
Chân: Chân là cái thật, cái đúng, là lẽ phải, đối lập với cái giả, cái sai trái. Nói đến cái chân của VHNT là nói tác phẩm VHNT phải chân thực, phản ánh được bản chất, chân lý của cuộc sống. Những người hiểu bản chất của cuộc sống. Ví như, truyện Thánh Gióng để mọi người thấy sức vươn dậy kỳ diệu của cộng đồng dân tộc trước nạn ngoại xâm, truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung nói về khát vọng tình yêu của con người Việt Nam. Vượt qua tất cả sự “môn đăng hộ đối” để xây dựng hạnh phúc, tác phẩm Chinh phụ ngâm thể hiện những bất hạnh của con người trong các cuộc chiến tranh… Cái chân là nền tảng, là tiền đề để thực hiện cái thiện và cái mỹ. Một tác phẩm không có được cái chân thì cái thiện và cái mỹ cũng dễ bị chệch choạc, khó lòng có được. Tự cái chân cũng bao hàm một phần cái thiện và cái mỹ. Vì vậy, mấy chục năm nay, chúng ta chủ trương xây dựng một nền VHNT phản ánh chân thực cuộc sống xây dựng và chiến đấu vì Tổ quốc. Cái chân là tiêu chuẩn chi phối sự thành công của một tác phẩm. Đối với mỗi văn nghệ sĩ, sự trung thực cũng chính là điểm tựa để từ đó có thể bộc lộ tài năng, kết tụ thành những tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm tô hồng và bôi đen cuộc sống đều là những tác phẩm không có được cái chân nên dễ bị cuộc sống đào thải.
Thiện: Thiện là điều lành, điều tốt, đối lập với điều ác. Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử đấu tranh không ngừng giữa cái thiện với cái ác và không phải bao giờ cái thiện cũng chiến thắng. Nhưng một tác phẩm văn chương thì phải là một tác phẩm hướng thiện. Dẫu một tác phẩm lấy cái ác làm đề tài thể hiện thì tư tưởng thoát ra vẫn phải là cái thiện, như tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” của Đốtxtôiépxki miêu tả kỹ lưỡng tâm lý và hành động của một kẻ giết người, cũng là để con người ăn năn và hướng tới điều thiện. Nhà văn Aimatốp miêu tả một kẻ đào ngũ trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô cũng là để khẳng định những kẻ hèn nhát không có đất sống, là người phải sống xứng đáng và dũng cảm… Tiếc rằng, một vài tác phẩm của chúng ta những năm qua không có được điều rạch ròi này. Có nhà văn nữ miêu tả truyện ngoại tình lại thi vị hóa nó là “một nửa cuộc đời”, hay có nhà văn miêu tả người anh hùng dân tộc với lời nói thô tục và hành vi đê tiện…
Mỹ: Mỹ là cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật phải đẹp, đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng nội dung và hình thức biểu hiện hay đi liền với nhau. Một hình thức rối rắm, lủng củng thường không thể chứa đựng được điều gì tốt đẹp.
Mỗi dân tộc trong lịch sử phát triển VHNT tuy không đồng đều và mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, có thể nói rất khác nhau. Nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm: những tác phẩm còn lại đều là những tác phẩm phản ánh chân thật con người và cuộc sống của dân tộc ấy ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Những tác phẩm ấy đều hướng con người đến một giá trị đạo đức tốt đẹp như tình yêu thương, sự chung thủy, lòng nhân ái, đức hy sinh… còn mọi tư tưởng ngược lại đều bị đào thải.
Vì vậy, Chân - Thiện - Mỹ là tiêu chuẩn để đánh giá, là tấm gương soi giá trị VHNT. Từ xưa đến nay, Chân - Thiện - Mỹ là lý luận cơ bản nhất, là thực tiễn sáng tác, là đích hướng tới của mọi nền văn chương nghệ thuật. Đã là văn nghệ sĩ, đã lấy văn chương nghệ thuật để phụng thờ thì đây là điều đầu tiên, cũng là điều cơ bản nhất phải luôn luôn tâm niệm. Phải khẳng định rằng, lịch sử phát triển văn chương của dân tộc ta luôn gắn liền với các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Những tác phẩm dù mang âm hưởng anh hùng ca hay thấm đẫm bi thương thì cũng đều có mục đích chung là làm cho con người và cuộc sống tốt đẹp hơn. Những giá trị cao đẹp này của đạo đức, lối sống và nhân cách phải được biểu hiện hợp quy luật, hợp lòng người trong các hình tượng nghệ thuật có sức hấp dẫn, lôi cuốn, cảm hóa sâu sắc mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết, khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của mỗi con người.
Để xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam trong thời kì mới
Bất kì giai đoạn lịch sử nào cũng vậy, sứ mệnh của VHNT và văn nghệ sỹ là thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật kết nối muôn triệu trái tim, đi sâu phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người, hướng con người đến những giá trị cao đẹp của Chân - Thiện - Mỹ. Có thể nói rằng văn học, nghệ thuật có tác động lớn đến sự hình thành nhân cách con người. Do đó, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong hình thành đạo đức, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới của đất nước là nhiệm vụ quan trọng, trọng trách cao cả của văn nghệ sĩ - những người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự du nhập ngày một gia tăng các sản phẩm văn hóa, lối sống từ bên ngoài vào khiến cho nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng, quan điểm của nhiều nhóm người, đặc biệt là trong đó có một nhóm thanh thiếu niên bị lệch chuẩn. Những vụ việc giết người hàng loạt xảy ra ở nhiều địa phương, tệ nạn xã hội gia tăng gây hoang mang trong dân chúng, những bất ổn trong đời sống, những vụ tham nhũng lớn… làm rạn nứt, đứt gãy hệ giá trị văn hóa, xói mòn đạo đức xã hội và đánh mất niềm tin trong mỗi con người. Điều đó càng đòi hỏi sự mẫn cán, tâm hồn và trí tuệ của văn nghệ sĩ.
Nhân dân cần nhiều hơn những tác phẩm viết về những con người tử tế, những việc tử tế để tạo nên sức lan tỏa; ca ngợi, bảo vệ những giá trị đạo đức cao đẹp; đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu trong đời sống xã hội. Từ đó, văn nghệ sĩ đã góp phần vào việc giáo dục, hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp cho con người, tạo sợi dây bền chặt kết nối và hướng con người đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Trước thực trạng đó, văn học nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sĩ cần thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm trong việc sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần tham gia vào công cuộc chấn hưng đạo đức, củng cố, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Những tác phẩm văn học nghệ thuật ấy phải đạt được chất lượng cao trên cả hai bình diện nội dung và hình thức, tạo sự hấp dẫn và cuốn hút đối với độc giả, khán giả, thính giả…
Đây cũng là sứ mệnh, trọng trách cao cả của văn nghệ sĩ với tư cách là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như lời dạy của Bác Hồ: “Đây là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, trước hết, đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa văn nghệ phải bám sát thực tiễn sinh động, có mặt ở mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các văn nghệ sĩ cần tìm được những cảm xúc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng nhân cách con người.
Chủ nghĩa nhân văn, tinh thần dân tộc, tính nhân đạo, lòng khoan dung trong VHNT luôn được phát huy và đề cao. Trong đó thể hiện những nỗ lực cố gắng tìm tòi, phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, tính dấn thân, dũng cảm nhìn vào sự thật, phát hiện những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, khám phá và quan tâm đến thân phận con người, đấu tranh, lên án cái ác, cái xấu, phê phán sự tha hóa về nhân cách, sự biến chất về đạo đức và lối sống của con người.
Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn nữa đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Bởi vì, lao động nghệ thuật là loại hình lao động đặc biệt. Nhuận bút cho tác phẩm, thù lao cho đêm diễn… phải thực sự động viên và khuyến khích sự sáng tạo đối với văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó là công tác phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu, tài năng trẻ để tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ cha anh…
Công tác quảng bá, phát hành tác phẩm cần được sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước. Hiện nay, những video, clip, phim lậu, văn học mạng thả sức công khai mà chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng; có lúc độc hại và lấn át cả VHNT chính thống.
Trong cơ chế thị trường, tác phẩm VHNT cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt, đặc thù, chứa đựng đầy đủ các thuộc tính của hàng hóa. Vì vậy, VHNT phải chịu sự chọn lựa khắc nghiệt của công chúng, sự chi phối của quy luật “cung - cầu” của thị trường. Để sản phẩm VHNT thu hút được công chúng thì việc nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của công chúng là điều tất yếu.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, yếu kém, khuyết điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài. Hàng chục năm nay, công tác gửi giảng viên và sinh viên đào tạo ở nước ngoài hầu như không được thực hiện theo mục tiêu và kế hoạch dài hạn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, tuy có được cải thiện và nâng cấp một bước, song so với yêu cầu đặc thù của công tác đào tạo tài năng và năng khiếu nghệ thuật còn rất bất cập, thiếu thốn...
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư hiện nay, nhiều giá trị được nhìn nhận lại, đánh giá lại khi đặt trong tổng thể của sự so sánh các giá trị khác nhau của thế giới. Mặc dù có nhiều luồng, nhiều xu hướng VHNT được du nhập - tiếp thu hoặc xuất hiện ở Việt Nam, nhưng trong sự phát triển đa dạng đó, thì VHNT Việt Nam thời gian qua về cơ bản vẫn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn nắm giữ dòng chủ đạo, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của dân tộc và đất nước, phản ánh chân thực cuộc đấu tranh cách mạng, công cuộc lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân. Hệ giá trị VHNT Việt Nam luôn được tôn vinh và là thước đo đánh giá chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật.
P.D.P