1. Quá trình đi học, đi dạy và làm quản lý
Cao Sơn Hải là người Mường, sinh năm 1937 tại Mường Voong, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một mường cổ, có tên trong tác phẩm sử thi Đẻ đất đẻ nước, là một vùng phong phú về văn hóa dân gian. Năm 1956, học hết cấp II (lớp 7), vì gia đình nghèo, ông không thể học tiếp cấp III (hệ giáo dục phổ thông bao gồm 10 năm). Ông theo học Trường Trung cấp Sư phạm miền núi. Trường này đóng ở Láng (Hà Nội). Hiệu trưởng lúc đó là thầy Đặng Nghiêm Vạn, người sau này là Giáo sư, nhà dân tộc học nổi tiếng. Cùng học với ông có Quách Giao, một người sau này sẽ có đóng góp cho việc sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian Mường; có Cầm Trọng, người sau này sẽ là nhà Thái học quen biết. Năm 1960 ra trường, ông dạy học tại Trường Bổ túc công nông Việt Bắc (đóng tại Thái Nguyên). Năm 1963-1964, ông công tác tại Ty Giáo dục Thanh Hóa. Từ năm 1964 -1967, ông học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian này ông theo nhà trường đi sơ tán nhiều nơi: hết Thái Nguyên, lại Hưng Yên. Ngày ấy, khóa học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ kéo dài trong ba năm, khác với các khóa học sau, sinh viên phải qua bốn năm mới hoàn thành. Sau ba năm học, tuyệt đại bộ phận sinh viên nhận bằng tốt nghiệp ra trường, chỉ còn một chục người được ở lại tiếp tục học thêm một năm chuyên đề để chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên kế cận ở các trường đại học. Trong số mười người ấy, có Lê Ngọc Trà, Nguyễn Tấn Phát, Hồ Sĩ Hiệp, Bùi Công Minh và Cao Sơn Hải. Từ năm 1968-1973, ông là cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, được phân công dạy văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Năm 1974, ông được điều về Thanh Hóa. Trong thời gian 1974-1977, ông là Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm miền núi Thanh Hóa. Năm 1977-1989, ông là Phó Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa. Năm 1975-1976, ông là đại biểu Quốc hội khóa V. Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa này, ngày 7 tháng 5 năm 1975, ông đọc bài tham luận “Cần đẩy mạnh sưu tầm, khai thác văn nghệ dân gian Việt Nam”. Đây là bản tham luận đầu tiên về vấn đề này trình bày ở diễn đàn Quốc hội nước ta. Tham luận này còn lưu ở Văn phòng Quốc hội; 31 năm sau được ông in trong cuốn sách Văn hóa dân gian Mường một góc nhìn, NXB Văn hóa dân tộc, 2006. Năm 1976-1981, ông là đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa Quốc hội thống nhất đất nước. Ở khóa này, ông là Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban này là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Năm 1977 - 1979, ông đi học hai năm khóa Lý luận cao cấp Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Năm 1989, ông được cử làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa. Năm 1999, ông nghỉ hưu(1).
Như vậy, khi đang là cán bộ giảng dạy đại học ở Nghệ An, ông được điều về Thanh Hóa làm công tác quản lý giáo dục 15 năm, làm công tác Đảng 10 năm. Trong 25 năm ấy, ông không có điều kiện để làm công việc sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, tuy vẫn theo dõi công việc này của các nhà khoa học và bạn bè. Thời ấy đúng như Nguyễn Tấn Phát, một người bạn đồng môn kém ông bảy tuổi đã viết: “Thời chúng tôi đi học, tổ chức là cha, là mẹ. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Cán bộ tổ chức thiêng liêng và có quyền lực cao lắm. Ai cũng phải phục tùng tổ chức. Và tổ chức vẫn tồn tại như vậy bởi tổ chức vẫn có đủ tư cách chính danh hợp lý để tồn tại. Suy cho cùng, có những giai đoạn lịch sử, tính tổ chức và sự phục tùng tuyệt đối là nhân tố tạo nên những thắng lợi không thể khác được”(2).
2. Những tháng ngày hưu trí và sự chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Mường
Một nhà thơ, ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ứng tác: Ta về với Hội ta thôi/ Phòng khi hưu trí có nơi đi về. Chắc ông Cao Sơn Hải không biết câu thơ đó.
Năm 1999, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở lớp tập huấn tại thành phố Thanh Hóa về sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Theo lời khuyên của bạn bè, ông Cao Sơn Hải xin dự lớp tập huấn đó. Sau đó, ông xin vào Hội. Tại cuộc xét kết nạp hội viên, sau khi nghe ý kiến phát biểu khẳng định của một ủy viên Ban Chấp hành, người đã từng công tác với ông tại Trường Đại học Sư phạm Vinh, mọi người nhất trí tán thành. Năm 2000, ông tham gia Trại viết của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Phú Yên với bản thảo Tục ngữ Mường Thanh Hóa. Năm 2002 bản thảo này được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin công bố, dùng làm tài liệu tham khảo cho tất cả hội viên. Sau thành công này, ông tham dự các hội nghị thông báo khoa học của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (sau đổi là Viện Nghiên cứu văn hóa) và một số trại viết của Hội. Từ đó đến nay, đã 18 năm trôi qua, ông đã viết và được in 13 công trình, công trình ngắn là 250 trang và công trình dài là gần 500 trang. Tất cả các công trình mà ông sưu tầm, nghiên cứu đều có đối tượng là văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa.
Vốn xuất thân là một thầy giáo dạy văn, ban đầu ông sưu tầm, dịch và khảo cứu văn học dân gian Mường, nhưng qua quá trình làm việc, ông thấy nếu chỉ dừng lại ở văn học dân gian thì không đủ và cần thiết phải sưu tầm, khảo cứu các yếu tố khác của văn hóa dân gian như các nghi lễ, lễ tục và cả luật tục. Chẳng hạn, khi sưu tầm, dịch, khảo cứu “những bài ca đám cưới Mường” (tên một quyển sách của ông), nếu ông chỉ xem xét các lời ca (phần văn học) thì chưa đủ mà còn phải quan tâm đến cả nghi lễ và cách diễn xướng.
Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa, là một người đi sau, ông đã tìm cho mình một lối đi riêng. Đối với những vấn đề mà người trước chưa khai thác thì ông khai thác hoặc người trước chưa làm hoàn chỉnh thì ông hoàn chỉnh chúng. Trong số công trình của ông: Thành ngữ Mường, Những bài ca đám cưới Mường, Lễ Pồn Pôông Eng Cháng, Lễ tục vòng đời người Mường, Luật tục Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước - một cách tiếp cận, Truyện cổ Mường Voong là những công trình mới. Đối với Tục ngữ Mường Thanh Hóa, Truyện Nàng Nga - Đạo Hai Mối, Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu, Truyện Nàng Ờm - Chàng Bông Hương là những tác phẩm văn học dân gian Mường đã có người sưu tầm, công bố nhưng số câu còn hạn chế, lại không có tiếng Mường kèm theo, việc dịch, khảo cứu, đánh giá còn có những chỗ chưa chính xác, chưa thuyết phục, là một trí thức Mường được đào tạo về văn học và tự học chuyên ngành văn hóa dân gian, ông đã biên soạn với mong muốn để những tác phẩm này hoàn chỉnh hơn.
Ở Thanh Hóa, người Mường có khoảng 36 vạn. Người Mường còn có mặt ở nhiều tỉnh khác. Khi biên soạn, nghiên cứu văn hóa dân gian Mường, Cao Sơn Hải có được sự tích lũy về văn hóa Mường ở Mường Voong từ thuở thiếu thời, có các tư liệu khi dạy đại học, rồi nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ. Ông không chỉ đi điền dã, nghiên cứu ở địa bàn Thanh Hóa, mà còn quan tâm đến các tư liệu đã xuất bản và tư liệu thực địa vùng Mường ở Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, có lần ông vào cả vùng người Mường ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trong quá trình làm việc, ông có chủ ý tìm hiểu, so sánh đối chiếu giữa văn hóa dân gian Mường và văn hóa dân gian người Kinh (Việt), thí dụ giữa thành ngữ Mường, tục ngữ Mường với thành ngữ Việt, tục ngữ Việt; giữa bài ca đám cưới Mường với bài tế tơ hồng trong đám cưới của người Việt, xa hơn nữa ông còn tham khảo, so sánh các bài hát đối, hát đố trong đám cưới của người Tày ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn với dân ca nghi lễ của người Mường.
Thành tựu nghiên cứu của Cao Sơn Hải thể hiện rõ nhất khi ông nghiên cứu Đẻ đất đẻ nước. Ông cho rằng, sử thi Đẻ đất đẻ nước được sử dụng vào mo (mo tang lễ) chứ không thể ngộ nhận đó là bài mo. Lần đầu tiên, ông tìm ra triết luận về mo của người Mường: Vì sao người Mường phải mo khi có người qua đời. Cũng từ sự khảo cứu này, ông đã phân biệt rõ các loại mo và thứ tự các đêm mo Mường; đồng thời phân biệt được các chương khúc đích thực của bộ sử thi với các rằng (róng, rénh mo). Lần đầu tiên, ông đã chứng minh một cách có hệ thống sử thi Đẻ đất đẻ nước không chỉ là tài sản văn hóa của người Mường (Mol) mà còn là sản phẩm tinh thần của người Việt - Mường, xa hơn của người Lạc Việt. Lần đầu tiên, ông cho thấy các bản sử thi Đẻ đất đẻ nước ở các vùng Mường là sự thống nhất trong đa dạng theo phương ngữ và thẩm mỹ từng vùng Mường, khó có thể nói bản nào là chính, bản nào là phụ. Vì vậy đòi hỏi phải có cách ứng xử như thế nào cho phù hợp.
Về chất lượng lao động của Cao Sơn Hải, các giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là một căn cứ để đánh giá. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải Ba cho cuốn Truyện Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu, hai giải Nhì cho: Những bài ca đám cưới người Mường và Lễ Pồn Pôông Eng Cháng, giải Nhất cho: Sử thi Đẻ đất đẻ nước - một cách tiếp cận; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trao hai giải Nhì cho: Lễ tục vòng đời người Mường và Luật tục Mường(3).
3. Nguyên nhân của sự thành công
Khi Cao Sơn Hải chuyên tâm vào việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Mường thì nhiều bạn đại học của ông đã thành danh trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học. Lê Ngọc Trà được cấp bằng Tiến sĩ năm 1980, bằng Tiến sĩ khoa học năm 1988, được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1991, Giáo sư năm 2002. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, năm 1991, Nguyễn Tấn Phát được công nhận chức danh Phó giáo sư. Còn Hồ Sĩ Hiệp - Tiến sĩ năm 1992, Phó Giáo sư năm 2002(4). Cao Sơn Hải không được đào tạo trên đại học như các vị vừa nêu; song trong gần hai chục năm nghỉ hưu, ông đã có một sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian mà không phải nhà nghiên cứu nào có chức danh khoa học Giáo sư/ Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ khoa học/ Tiến sĩ cũng đạt được. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thành công của nhà giáo, nhà quản lý Cao Sơn Hải.
Trước hết, ông có lòng yêu và am hiểu văn hóa dân gian Mường. Ông băn khoăn và trăn trở nhiều khi người Mường xưa kia có một kho tàng văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể phong phú mà nay đang mất đi và sẽ mất đi đến cái cuối cùng. Là người con của dân tộc, ông thấy xót xa và nuối tiếc. Công việc sưu tầm và nghiên cứu mà ông thực hiện nhằm lưu lại trên văn bản những cái sẽ không còn và nhằm góp phần giải thích, làm giảm đi những nhận thức chưa chính xác về văn hóa dân gian Mường. Chính vì thế, khi ông về hưu, gia đình và một số bạn bè khuyên nhủ nên nghỉ ngơi, không nên làm một việc gì nữa, bởi có câu tục ngữ: “Đầu hôm không hòng lại đi mòng gà gáy” (Ý nói rằng, lúc trẻ, lúc khỏe cũng chỉ làm được có thế, đến thế, cuối đời rồi thì còn mong gì nữa nên nghỉ cho yên). Ông thấy những lời khuyên đó không sai, đều xuất phát từ thiện ý. Song ông thấy cha mình lúc 75 tuổi vẫn còn đi cày. Ông nghĩ còn sống lúc nào thì còn cần phải làm việc lúc đó. Có khát vọng, có quyết tâm là một điều kiện. Nhưng nếu không có tri thức và trình độ thì không thể đạt được kết quả cao. Trong một lần nói chuyện với ông, khi bàn về sự từng trải, tôi không nhớ nguyên văn câu thơ của Trần Bích San, ông đã nhắc: “Nhân bất phong sương vị lão tài” (Người chưa từng trải, phong trần chưa chắc đã có thực tài). Lúc đó tôi càng củng cố những suy ngẫm về ông; tôi biết rằng mình đang được nói chuyện với một người từng trải, khiêm nhường và có thực học. Ngoài ra, ông có một gia đình yên ổn để trong buổi chiều tà của cuộc đời có thể yên tâm theo đuổi cái việc mà mình thích.
Thứ hai, ông được sự hỗ trợ tốt của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, Thanh Hóa quan tâm thích đáng đối với văn nghệ sĩ. Đối với những người được giải Nhất ở các Hội chuyên ngành, tỉnh tặng thưởng Bằng khen và số kinh phí bằng với số kinh phí mà Hội Trung ương tặng. Đối với những ai nhận giải Nhì, giải Ba của Hội Trung ương, tỉnh tặng thưởng một nửa số kinh phí. Thanh Hóa còn dành kinh phí để in trang trọng những bộ sách dày, khổ lớn cho các nhà nghiên cứu tuổi từ 70 trở lên. Năm 2017, tỉnh đã đầu tư kinh phí để Nhà xuất bản Thanh Hóa in trang trọng cuốn sách Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa của Cao Sơn Hải, gồm 1.412 trang khổ 19x27cm với 1650 bản. Không phải tỉnh nào cũng làm được như vậy. Trong lời đầu sách, tác giả đã viết: “Chúng tôi làm được việc này có sự giúp đỡ của bà con người Mường, có sự cổ vũ của bạn bè, người bà đỡ và thầy của chúng tôi là Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Tất cả những tác phẩm trong tuyển tập này đều có sự giám định khoa học của Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bằng các hình thức: Trao thưởng, tài trợ, dự trại viết... Nhưng sẽ không có tuyển tập Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa nếu không có sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng các ban, ngành, sở, hội trong tỉnh và Nhà xuất bản Thanh Hóa”(5).
N.X.K
(1) Về tiểu sử ông Cao Sơn Hải, chúng tôi căn cứ vào:
+ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2005), Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H.
+ Nguyễn Tấn Phát (2014), Ngôi sao hộ mệnh, NXB Giáo dục Việt Nam, H.
+ Tư liệu phỏng vấn ông Cao Sơn Hải. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với ông trong những dịp ông ra Hà Nội: sửa bản thảo Tục ngữ Mường Thanh Hóa, dự lễ trao giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian, tham gia Hội nghị thông báo văn hóa dân gian của Viện Nghiên cứu văn hóa… Cách đây 5 - 6 năm, trong lần đi công tác ở Thanh Hóa, với sự dẫn đường của PGS.TS. Mai Hồng Hải, tôi cùng PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng đã đến thăm ông tại nhà riêng. Ngoài ra, tôi còn hỏi chuyện ông qua điện thoại, còn phiền ông viết ý kiến trả lời qua thư.
(2) Nguyễn Tấn Phát (2014), Sđd, tr.199.
Thực ra, về tuổi khai trong hồ sơ cán bộ của các tác giả có tính chất tương đối. Nguyễn Tấn Phát là học sinh miền Nam tập kết, không có ai là bà con, họ hàng đi cùng. Ông gặp tai nạn lật xe ngày 19 tháng 4. Khi nhà trường cần chốt lại trong lý lịch ngày tháng năm sinh, Nguyễn Tấn Phát không biết ngày tháng năm sinh liền lấy ngày bị tai nạn làm ngày tháng sinh; còn năm sinh thì nhờ thầy chủ nhiệm lớp so tuổi với bạn bè cùng trang lứa mà định giúp (Ngôi sao hộ mệnh, tr.101 - 102). Còn ông Cao Sơn Hải thì cho tôi biết năm sinh thật của ông là 1935, khi đi học, khai tăng lên thành năm 1937.
(3) Theo quy chế của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những công trình được Hội tài trợ kinh phí, những công trình tham dự trại viết của Hội thì không đăng ký xét giải thưởng hằng năm.
(4) Về chức danh, học vị của Lê Ngọc Trà, tôi căn cứ vào Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (2004), Giáo sư Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, về chức danh của Nguyễn Tấn Phát, tôi theo cuốn sách Ngôi sao hộ mệnh đã dẫn; còn chức danh, học vị của Hồ Sĩ Hiệp thì do một đồng nghiệp của ông này cung cấp.
(5) Cao Sơn Hải (2017), Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, tr.8.