Không gian văn hóa Việt xứ Thanh - Một miền ký ức văn hóa, lịch sử
Không phải ngẫu nhiên Nhà xuất bản Văn học, vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh”, của hai tác giả: Nhà văn, tiến sĩ Lê Ngọc Minh và nhà nghiên cứu văn hóa Hà Huy Tâm. Đây là cuốn sách khảo luận về các giá trị lịch sử, văn hóa dân gian - môi trường sinh thái tiêu biểu dựa trên các dữ liệu, các tổ hợp, các bộ sưu tập đa dạng, phong phú, và có không ít hiện vật đạt đến chuẩn mực độc đáo có một không hai được trưng bày tại địa chỉ văn hóa nổi tiếng ở trung tâm Tp. Thanh Hóa có tên gọi là “Không gian văn hóa Việt”.
Sau khi đọc bản thảo cuốn sách “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh”, PGS. TS Nghệ thuật học, Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đã có bài viết nhận xét sâu sắc tạo cảm thức thú vị, với tiêu đề: “Một cõi và ngàn năm”, bằng kiến văn sâu rộng và giá trị khoa học, ông cho rằng: Không gian văn hóa Việt mà tôi trân trọng nhắc đến hình như đã ôm chứa hồn vía, bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử cả ngàn vạn năm của mảnh đất này.
Sách dày 225 trang, 9 chương, với nhiều thông tin dẫn chứng sinh động, phong phú, rất đặc trưng khiến các thông tin mà tác giả đưa ra đều trở nên gợi mở, hấp dẫn, có sức lôi cuốn đến lạ thường. Mặc dù thuộc thể loại khảo luận, nhưng sức hấp dẫn của loại văn chương này trước hết là độ tin cậy, tính trung thực, với cách thể hiện, ngôn phong khách quan, cùng với sự kỳ công sưu tầm, gặp gỡ nhân chứng, kiểm định vật chứng để mô tả chi tiết các hạng mục di vật, hiện vật được trưng bày trong Không gian văn hóa Việt; với những kiến thức khoa học nhân văn mang các đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hóa dân gian, khiến từng trang sách đều có hàm lượng văn chương mạch lạc, gợi cảm, được bạn đọc yêu mến.
Điều thành công hơn cả của tác phẩm, đó là năng lực xây dựng tình tiết sinh động, có yếu tố gây bất ngờ, có những lý giải cặn kẽ, thấu đáo để thỏa trí tò mò, để lay động cảm thức hiếu kỳ của độc giả.
Tôi và lớp cử nhân chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khóa II tại Thanh Hóa, nhiều lần “chọn” Không gian văn hóa Việt là nơi tổ chức giao lưu với biết bao nhiêu sự ngưỡng mộ về không gian văn hóa này. Vì thế, khi được đọc cuốn sách “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh”, tôi cảm nhận được những nhà văn làm sách về địa chỉ không gian văn hóa Việt, trước hết là xuất phát từ tình yêu đối với truyền thống lịch sử, văn hóa, các kỳ tích hàng ngàn năm của xứ Thanh; về cội nguồn lịch sử của các di vật, di sản, hiện vật, đến các bức điêu khắc, chạm trổ trên gỗ về Tứ bất tử và Tứ linh, về các vị tiên thánh như: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chữ Đồng Tử… vốn tiềm ẩn trong tiềm thức tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Điều này có thể lý giải từ sự đồng cảm giữa tác phẩm, tác giả và người đọc, khi họ tìm thấy ở đây những “tiếng nói tri ân” trong cảm nhận về Không gian văn hóa Việt và chủ nhân của nó. Đó còn là sự hợp hôn diệu kỳ giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong Không gian văn hóa Việt xứ Thanh, điều không dễ tìm thấy trong bất kỳ một tác phẩm nào khác, nên đã chạm đến trái tim bạn đọc là điều dễ hiểu:
“Chúng tôi thực hiện cuốn sách về: Không gian văn hóa Việt xứ Thanh, trước hết là xuất phát từ tình yêu đối với truyền thống lịch sử, văn hóa, hai phạm trù đã kết tinh thành bản sắc xán lạn chuỗi hồi quang nhân văn đầy ắp các kỳ tích hàng ngàn năm của xứ Thanh - Địa linh nhân kiệt… mà nó còn là cơ duyên, là thể hiện sự ngưỡng phục trước những con người đã thao thiết trong nhiều năm lập ý tưởng và kiên trì kiến tạo… các nghệ nhân tham gia xây dựng bối cảnh, chế tác, lựa chọn di sản, hiện vật trưng bày để Tp. Thanh Hóa có thêm một Danh thắng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường sinh thái rất mực phong phú, đàng hoàng, trang trọng và có sức neo giữ ấn tượng sâu sắc, tạo cảm thức thú vị cho dân cư bản địa, cho du khách thập phương chiêm ngưỡng” (Lời tác giả).
Càng đi sâu khám phá tác phẩm, ta càng nhận ra dụng ý sâu xa của tác giả về tầm quan trọng của Không gian văn hóa Việt xứ Thanh, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hôm nay; đây còn là nơi vừa lưu giữ những giá trị vĩnh cửu, vừa tiếp tục mang hơi thở mới của thời đại. Dĩ nhiên, “Bình gốm không đơn thuần chỉ để cắm hoa mà còn là nơi để bày trí và tôn vinh hương sắc của cái đẹp”.
Đọc và suy ngẫm nội dung cuốn sách, chúng ta sẽ thấy các tác giả đã dày công tìm hiểu, sưu tầm nhiều sự tích, nhiều truyền thuyết trong kho tàng văn hóa dân gian và trong mạch nguồn lịch sử hàng ngàn năm có liên quan đến vật trưng bày trong Không gian văn hóa Việt. Vì thế, “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh”, là một cuốn sách có nhiều lợi ích cập nhật và không kém phần thú vị.
Nói đến Không gian văn hóa Việt, không thể không nhắc đến người có công “Khai sơn phá thạch” đó là tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa, một doanh nhân không chỉ do tài năng nội lực bản thân, mà còn do ông có được một mối quan hệ thường xuyên với cuộc đời, trước hết, là ở những người thân và bạn bè. Với tư tưởng dấn thân cho cộng đồng, nhân quyền và tất cả sự am tường về các mặt khác nhau của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội. Ông đã cùng các đồng nghiệp tâm huyết dành nhiều thời gian công sức đầu tư xây dựng nên không gian văn hóa này. Có thể nói, đây là một không gian văn hóa đạt tầm vóc đẳng cấp cả về quy mô lẫn tri thức biểu hiện, có thể xếp ngang hàng với nhiều công trình văn hóa của quốc gia và thế giới.
Có lần GS.TS. Trương Quốc Bình, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tận tụy, thâm uyên, người có mấy chục đầu sách nghiên cứu về văn hóa dân gian, một lần ông được các đồng nghiệp mời đến thăm một địa chỉ văn hóa lịch sử, sinh thái: Không gian văn hóa Việt tọa lạc ở số 1, phố Cù Chính Lan, Phường Trường Thi, trung tâm thành phố Thanh Hóa. GS.TS. Trương Quốc Bình cảm nhận: Được mắt thấy tai nghe bức tranh toàn cảnh của Không gian văn hóa Việt, một số đồng nghiệp cùng đi với ông đều trầm trồ: “Thật là kỳ diệu!... Không thể tưởng tượng được trí tuệ và bàn tay con người lại có thể làm được một công trình văn hóa tầm cỡ đáng ngưỡng phục thế này!”.
Còn với ông Đỗ Lệnh Hùng Tú thì vui mừng… “Giờ đây, được đọc cuốn khảo luận Không gian văn hóa Việt xứ Thanh, chúng ta càng được chiêm nghiệm thêm bằng chữ nghĩa, bằng hình ảnh minh họa phong phú và sinh động. Những tác nhân này khiến cho sự thích thú, sự tưởng tượng của nhiều người mà không chỉ riêng tôi có thêm nhiều cơ sở tin cậy và hơn thế, cuốn sách còn giúp người đọc hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa, về môi trường sinh thái liên quan đến phong thủy, liên quan đến các giá trị tâm linh mang dấu ấn bản sắc không riêng của văn hóa xứ Thanh mà còn là của đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam”.
Các tác giả viết về cuốn sách “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh” đã nắm bắt và bày tỏ tâm thức ghi nhận, thái độ chân thành và đồng cảm của chính mình với chủ nhân. Có lẽ, vì thế cho nên nội dung cuốn sách có hàm lượng tri thức phong phú, đa chiều về lịch sử văn hóa của xứ Thanh và của đất nước. Mà thành phố Thanh Hóa, nơi tọa lạc Không gian văn hóa Việt là miền đất thiêng, cái nôi phát tích của loài người, hàm chứa đến hai nền văn minh của nhân loại: Văn minh Núi Đọ và văn minh Đông Sơn. Các hiện vật, các di sản được trưng bày tại đây như là những chuỗi hồi quang lấp lánh của những ký ức lịch sử từ ngàn xưa cho đến thời hiện tại.
Để góp phần tôn vinh một nền văn minh rực rỡ như nền văn minh Đông Sơn, bảo tàng cổ vật trong cấu trúc của Không gian văn hóa Việt hiện đang trưng bày và bảo quản hơn 1000 hiện vật có giá trị, phần lớn là đồ đồng Đông Sơn. Còn lại là đồ đồng các thời kỳ phong kiến về sau.
Để có được chừng ấy hiện vật, công việc âm thầm và cẩn trọng, kiên trì và không ngại khó của người sưu tầm chính như tiến sĩ Nguyễn Xuân Phi và các cộng sự thân tín yêu thích văn hóa lịch sử của ông đã được thực hiện trong nhiều năm, với chiều kích đó, chúng ta hy vọng sẽ còn tiếp tục lâu dài để bảo tàng cổ vật Đông Sơn ngày càng trở thành điểm văn hóa lịch sử sáng chói nhất trong Không gian văn hóa Việt…
Thêm một điều thú vị nữa; trong cuốn khảo luận này, hai tác giả còn trình bày về các hạng mục nghệ thuật đậm nét dân gian từ gỗ, từ đá và một số chất liệu, vật liệu khác, đặc biệt là hình ảnh bối cảnh nhà tranh vách đất trong Không gian văn hóa Việt như là một ký ức về kiến trúc làng quê một thời. Vẻ đẹp thiên nhiên yên ả như càng được nhân lên gấp bội khi từ phía khóm tre gần đó có vài đôi cò trắng bay về đậu… Phía sau bếp, có cây rơm vàng ruộm cao ngất đánh đống hình nơm, dưới một bên cây rơm là bức tượng chú trâu đang nằm nghỉ, nghển đầu thong dong nhai cỏ. Cảnh nhà tranh vách đất trong Không gian văn hóa Việt đều toát lên vẻ cần kiệm, con người nông dân chất phác, thuần hậu, trọng nghĩa, mà các tác giả đã huy động các giác quan và nhiều điểm nhìn để quan sát, miêu tả cùng với sự hiểu biết phong phú về thiên nhiên, con người trong cuộc sống, đặc trưng cho cảnh sắc làng quê một thuở; giúp người đọc vừa hình dung được hương vị của cỏ cây, hoa trái kết tinh trong thân thể mỗi người. Đồng thời có thêm những hiểu biết để yêu mảnh đất và những con người đã làm nên những kỳ tích nơi đây.
Bên cạnh những khu trưng bày di vật, cổ vật, hiện vật cùng các dạng kiến trúc khác, Không gian văn hóa Việt còn là một vườn thực vật giá trị. Từ thảm hoa hồng đa chủng loại trước hai bên lối đi vào khu vực trung tâm đến những cây cảnh có độ tuổi trăm năm, ngàn năm; từ những đồi cây um tùm tán lá thông reo vi vu gió chiều đến đôi thửa lúa vàng trĩu bông bên dòng suối mát, nước chảy trong veo; từ những chùm khế chua, khế ngọt dân dã đến những “cụ” sanh, “cụ” si đại thụ đứng ngạo nghễ giữa đất rộng trời cao, soi bóng xuống thảm cỏ, xuống con suối hai bên bờ kè đá lô xô, dòng nước hiền hòa, nơi có từng đàn cá vàng đủng đỉnh an nhiên bơi lội, cong mình, quẫy nước…
Lời cuối của bài viết này tôi nhấn mạnh rằng: mọi đóng góp của những người xây dựng nên Không gian văn hóa Việt xứ Thanh là đóng góp to lớn, ý nghĩa rất đáng trân trọng. Những đóng góp tiêu biểu, có giá trị khi nó phục vụ lợi ích văn minh vật chất và văn minh tinh thần của con người. Nó sẽ giúp chúng ta tin rằng những giá trị nhân bản ở cuộc đời sẽ không bao giờ mất đi, nhất là khi những giá trị đó được xây đắp trên nền tảng trách nhiệm và tình yêu cuộc sống, mà những khát vọng trong Không gian văn hóa Việt xứ Thanh do doanh nghiệp và cá nhân tâm nguyện thực hiện sẽ là hơi thở không thể thiếu trong cuộc sống. Là cơ hội lớn góp phần cho kinh tế du lịch danh thắng, sinh thái của Tp. Thanh Hóa phát triển... Có thể nói chủ đề và hình thức nghệ thuật trong “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh” đã làm nên sự thành công cho cuốn khảo luận này; mà ông Nguyễn Xuân Phi đã dấn thân suốt cuộc đời trong hành trình sáng tạo, bảo tồn và phát triển.
T.N