Nâng cao đạo đức cách mạng, trách nhiệm xã hội người làm báo
Rèn luyện đạo đức, lối sống cách mạng, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội người làm báo luôn là vấn đề công chúng, dư luận xã hội quan tâm. Nhà báo phải nắm bắt thông tin nhanh nhạy, kịp thời xử lý và sử dụng thông tin thực sự khách quan, phù hợp, đúng với quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng là trách nhiệm và bản lĩnh của nhà báo - lực lượng xung kích của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc của Đảng, đất nước giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hình ảnh, vị thế, cơ đồ đất nước trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thế giới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Trong thời gian gần đây, thế giới đang tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ khó lường như xung đột Nga - Ucraina, Su dan, Đông Bắc Á, Biển Đông,… đe dọa an ninh hòa bình thế giới. Bởi vậy nhà báo - những người lính xung kích cần phải vững vàng trong tuyên truyền các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cùng với đà tăng trưởng, phát triển của đất nước, tỉnh Thanh Hóa cũng có sự phát triển khá toàn diện. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tu bổ, nâng cấp ở khắp các vùng, miền trong tỉnh. Các cụm, khu công nghiệp được quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển khá nhanh theo hướng lựa chọn công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm, chú trọng. Thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân. Nhờ đó đời sống nhân dân các vùng, miền được cải thiện, nâng cao. Song, Thanh Hóa đất rộng, người đông, nhiều dân tộc; kinh tế ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp là những thách thức không nhỏ. Bởi vậy nghĩa vụ và trách nhiệm của những người làm báo cách mạng là phải hòa mình vào mọi lĩnh vực đời sống đa dạng, phong phú, phản ánh chân thật tâm tư, tình cảm, ý kiến, nguyện vọng của người dân với Đảng, Nhà nước. Những bài viết, hình ảnh qua các tác phẩm báo chí phải khơi dậy lòng tự tôn, tự hào về truyền thống oanh liệt của quê hương; truyền cảm hứng tới cộng đồng, cổ vũ mọi người vươn lên hăng hái học tập, lao động sản xuất làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập sâu vào khu vực và thế giới, nước ta được tiếp thu nhiều thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại. Song, chúng ta cũng phải đối mặt với mặt trái của kinh tế thị trường. Đó là lối sống hưởng thụ, thực dụng chạy theo đồng tiền quên hết tình nghĩa, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc. Đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng, tệ nạn ma túy, cờ bạc, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… không chỉ là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội mà đã trở thành những vấn đề “nóng” trong nghị trường Quốc hội những kỳ họp gần đây. Nhiều cán bộ chủ chốt ở các địa phương, bộ, ngành, lực lượng vũ trang,… do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người cộng sản sa vào vun vén cá nhân, lợi ích nhóm,… đã vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Những sai phạm đó ảnh hưởng uy tín cá nhân cũng như của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng “đốt lò” thiêu rụi những kẻ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực một cách công khai, nghiêm minh “không có vùng cấm” là hoàn toàn hợp ý Đảng, lòng dân. Dũng khí của những người làm báo cách mạng là không sợ hiểm nguy, dấn thân vào những “điểm nóng” để phanh phui những mặt tiêu cực, tệ nạn ở các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp,… khi thấy có biểu hiện quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, trù dập, ức hiếp người dân. Cần đưa ra ánh sáng công lý tệ chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy thi đua, chạy tội,… Những thông tin phản ánh trên báo, đài, truyền thông đại chúng phải đảm bảo tính chân thật, khách quan, trung thực, tránh khuynh hướng “tô hồng” hoặc “bôi đen”, “bịa đặt”, “vu khống” theo ý kiến chủ quan của nhà báo. Chỉ bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, lương tâm và trách nhiệm cao của người cầm bút thì các tác phẩm báo chí mới được dư luận đồng tình, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Khi hội nhập sâu vào quốc tế và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là khi nhân loại đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi người làm báo cách mạng càng phải kiên định vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Nhà báo không thể tự mãn, bằng lòng với kiến thức hiện có mà phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Trong học tập phải luôn gắn lý luận với thực tiễn, học lời ăn, tiếng nói giản dị, chân tình, gần gũi của người dân để mỗi tác phẩm báo chí phải là tiếng lòng, tâm tư, tình cảm của người dân. Bằng con mắt tinh tường, tấm lòng nhân hậu, trong sáng, xem xét vấn đề, vụ việc một cách thận trọng, khoa học thì mới có những bài báo phản ánh trung thực, khách quan đời sống xã hội cả mặt tích cực và tiêu cực, có sức lay động lòng người. Lương tâm, đạo đức trách nhiệm của người làm báo cách mạng là phải cổ vũ, nêu gương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo như: Chung sức xây dựng Nông thôn mới; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa;… với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội. Làm tốt được những điều nêu trên, nhà báo đã góp phần cùng hệ thống chính trị xây dựng môi trường văn hóa xã hội của tỉnh ta ngày càng trong sạch, lành mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng thời nhà báo cũng phải tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước. Cần tỉnh táo và thận trọng với những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Nhà báo cần có những bài “bút chiến” đả phá âm mưu thâm độc, xảo quyệt gây nghi ngờ, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; hoặc thông tin thất thiệt, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền các cấp, với mưu đồ hướng lái Việt Nam đi theo con đường “cách mạng màu”. Nội dung, lập luận của vấn đề trong bài viết phải khách quan, sắc bén, khoa học biện chứng, không để kẻ thù lợi dụng bóp méo, xuyên tạc.
Thời gian qua Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế nhà nước, tập thể, tư nhân,… cạnh tranh lành mạnh, phát triển bình đẳng. Nhờ đó nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, văn hóa, thể thao, du lịch,… của đất nước và tỉnh ta phát triển nhanh với nhiều phương thức hoạt động đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng chất lượng từng bước vươn ra các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản,… Trách nhiệm của nhà báo là phải cổ vũ các hoạt động này để sản phẩm hàng hóa Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới trong tương lai. Song, với những doanh nghiệp, doanh nhân thiếu đạo đức, lương tâm nghề nghiệp sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả như phân bón, thuốc chữa bệnh,… gây hoang mang, lo sợ cho người tiêu dùng; cần phải phê phán những việc làm sai trái để doanh nghiệp, doanh nhân sửa chữa lỗi lầm quay về con đường làm ăn chân chính. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vì lợi nhuận trước mắt đã khai thác, tàn phá tài nguyên cạn kiệt, xả thải gây ô nhiễm môi trường, là tác nhân gây nhiều căn bệnh hiểm nghèo; Quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực với nhiều hình thức tinh vi làm thất thoát tài sản công lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở một số trọng án được phanh phui, xử lý nghiêm minh được thông tin kịp thời đã củng cố niềm tin của người dân.
Thời gian qua cũng còn có những nhà báo do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, ngại học tập nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nên đã sa ngã bởi lợi ích cá nhân, sự cám dỗ của đồng tiền và bị pháp luật xử lý. Đó là bài học đắt giá cho những kẻ lầm đường lạc lối. Các nhà báo đó đã xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo chí cách mạng. Họ đã quên lời căn dặn của Bác Hồ: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Tác phẩm báo chí chỉ có ích khi nó chạm đúng tình cảm, trái tim và lợi ích chung của cộng đồng xã hội chứ không phải ý kiến chủ quan của nhà báo, hay vì lợi ích bản thân, lợi ích nhóm. Đi ngược lại quy luật đó thì tác phẩm báo chí, nhà báo sẽ bị xã hội đào thải.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của báo chí trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho những người làm báo. Hàng năm duy trì các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ báo chí; cách tiếp cận, nắm bắt, xử lý thông tin phải trung thực, khách quan theo quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng. Nhà báo luôn phải tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nếp sống, nhân cách với đôi mắt tinh tường, tâm thật trong, bút thật sắc. Chỉ có như vậy tác phẩm báo chí mới phản ánh đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý chí người dân, có sự lan tỏa trong cộng đồng. Làm được như vậy, nhà báo đã góp phần cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ từng căn dặn.
P.M.T