Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Mẹ Tơm - Người mẹ huyền thoại
Mẹ Tơm - Người mẹ huyền thoại

Cách đây tròn nửa thế kỷ, Mẹ Tơm - người mẹ huyền thoại trên quê hương Đa Lộc, Hậu Lộc đã trút hơi thở cuối cùng để thân xác trở về với cát, nắng, gió Hanh Cù. Người mẹ ấy chân chất, mộc mạc, bình thường nhưng rất đỗi phi thường. Mẹ tảo tần, gan dạ, mưu trí, can trường, tiếp nối truyền thống của dân tộc ta hàng ngàn đời nay. Dù mẹ đã ra đi, nhưng tên tuổi và những đóng góp, hy sinh của mẹ là bất tử và đã hóa thân vào văn học. 
Tên gọi Mẹ Tơm và các mật danh của cán bộ cách mạng
Mẹ Tơm - tên gọi thân thương của bà Nguyễn Thị Quyển. Mẹ sinh năm 1880, mất năm 1953. Chồng của mẹ là ông Vũ Văn Sởn; hai người sinh được 4 người con, trong đó hai người con trai của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Mẹ là con người bình dị của mảnh đất Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ là người phụ nữ có tư tưởng tiến bộ, đã sớm giác ngộ cách mạng. Cuộc sống nô lệ hai tròng áp bức, Mẹ Tơm đã bền bỉ, kiên gan và dành trọn niềm tin với Đảng, với cách mạng. Bằng sự cần cù, lam làm, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam; bằng ý thức và trách nhiệm với quê hương, đất nước, Mẹ Tơm cùng cả gia đình ngày đêm tham gia hoạt động cách mạng với niềm tin tất thắng. Với mẹ, ngôi nhà bằng rơm trên bãi Hanh Cù hoang vắng đã trở thành ngôi nhà chung cho bao chiến sĩ cách mạng. Với các nhà hoạt động cách mạng, ngôi nhà ấy là tổ ấm an toàn để ẩn mình và chiến đấu. Chính ngôi nhà đơn sơ, sự cưu mang cẩn trọng, hành động khéo léo… đã trở thành ngọn nguồn của tên gọi Mẹ Tơm thay cho Nguyễn Thị Quyển. 
Ông Vũ Ngọc Rỡ  - Người cháu nội út của Mẹ Tơm, hiện đang trực tiếp trông coi, hương khói, phụng thờ mẹ tại Di tích lịch sử cách mạng Mẹ Tơm, đã kể lại câu chuyện về lai lịch tên Mẹ Tơm. Sở dĩ, ngày ấy, nhà mẹ nuôi giấu cán bộ cách mạng nên cơm gạo, rau cháo cũng phải nấu nhiều hơn, và đương nhiên phải có nhiều người lớn nhỏ sinh sống; để che mắt kẻ địch, mẹ nhận nuôi người cháu gái họ của mình ở xã bên, coi đó như con gái đầu lòng của mình. Cô cháu gái ấy tên là Tơm. Theo tục lệ xưa, kiêng gọi tên húy nên người ta lấy tên con đầu để gọi tên bố, tên mẹ. Và tên Mẹ Tơm có từ đó. 
Ngôi nhà tranh đơn sơ ấy đã trở thành nơi các chiến sĩ cách mạng ẩn thân và hoạt động bí mật. Tất cả dựa vào đôi vai gầy của mẹ lo miếng ăn cho đại gia đình chiến sĩ cách mạng dù chỉ là “nồi khoai sớm tối lót thay cơm”, dù chỉ là con tép, bát canh rau trong sự khó khăn chung của dân tộc và trong sự dòm ngó của kẻ thù. 
Những hạt giống đỏ của cách mạnh lúc bấy giờ được Mẹ Tơm cưu mang coi như những đứa con của mình. Mẹ căn cứ vào đặc tính từng người và đặt mật danh để tránh bị lộ thân phận của các con. Mật danh đó là: Quả Thu Đủ Hiền Lành tương ứng 5 cán bộ cách mạng đầu tiên ở nhà mẹ: “Quả” là đồng chí Nguyễn Thị Thái, “Thu” là đồng chí Lê Tất Đắc (Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thanh Hóa), “Đủ” là đồng chí Hoàng Tiến Trình, “Hiền” là đồng chí Trịnh Ngọc Điệt và “Lành” chính là nhà thơ Tố Hữu (năm 1946 là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau và giữ chức vụ cao nhất là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng). Sau này, mẹ còn cưu mang nhiều đồng chí khác, trong đó có: Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ, Đinh Chương Lân, Trần Quyết Thắng... Ngôi nhà tranh của mẹ đã trở thành căn cứ của các chiến sĩ cách mạng lúc nước sôi lửa bỏng bấy giờ. 
Vì coi các cán bộ cách mạng như con của mình nên khi đồng chí Lê Tất Đắc bị sốt rét, chăn không đủ đắp để làm ấm cơ thể, vượt qua quan niệm lạc hậu của thời phong kiến về chiếc váy của người đàn bà, mẹ đã dùng chiếc váy đụp vá chằng, vá chịt của mình đắp lên để giữ ấm và ông Đắc đã qua cơn nguy kịch. 
Thẳm sâu trong tâm mỗi người, Mẹ Tơm là người có ơn cao như núi không bao giờ kể xiết, không báo đáp nổi. Tên gọi Mẹ Tơm giản dị đã trở nên thân thương, ân nghĩa với các chiến sĩ cách mạng.
Người mẹ uy vũ bất năng khuất đã hóa thân vào văn học
Trên mảnh đất Hậu Lộc, Mẹ Tơm đang tiếp tục nối dài truyền thống của những Phương Hoa, Triệu Ẩu… So với Phương Hoa trong truyện cổ, mẹ không giỏi văn chương, so với Triệu Trinh Nương, Mẹ Tơm không tài võ lược, quân cơ... Mẹ chỉ là một người bình thường như bao người phụ nữ khác nhưng hành động của mẹ, của gia đình mẹ lúc bấy giờ vượt lên sự bình thường, đã góp phần tạo nên những thắng lợi sau này. Hành động đó cháy lên từ tinh thần căm thù giặc sâu sắc, từ truyền thống dân tộc. Mẹ cùng chồng con của mình đã nuôi dưỡng, che chở cho các chiến sĩ, cán bộ cách mạng khi ở trong ngôi nhà tranh của mình tại bãi ngang Hanh Cù. Ngôi nhà ấy đã trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, là nơi cư trú của các cán bộ cách mạng. Không biết đã bao lần mẹ, cùng chồng và cả hai con trai bị bắt, bị đánh đập vì tội làm mất bò, vì tội “dính dáng”, bao che cho quân cộng sản. Nhưng vì không có chứng cớ nên nhà mẹ được tha về. Cả gia đình của mẹ đã chuyển từ tự phát lên đấu tranh tự giác qua những hành động đó.
Sự tảo tần, đức hy sinh cao cả của mẹ đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong bài thơ Mẹ Tơm (1961), sau 19 năm ông xa “tổ ấm” mà mẹ cưu mang. Bài thơ chân thực mà xúc động, phần nào đáp nghĩa của những người cộng sản dành cho Mẹ Tơm yêu quý và đó cũng là nén tâm nhang mà ông cùng đồng đội của mình dâng lên mẹ: Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi/ Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời/ Đốt nén hương thơm, mát dạ Người/ Hãy về vui chút mẹ Tơm ơi! Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới/ Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi... Cuộc đời Mẹ Tơm được nhà thơ - người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu tái hiện qua những câu thơ, qua cảm xúc chân thật, dung dị mà thấm đượm tình cảm, giá trị nhân văn. Từ thiên nhiên, từ những nếp sống thân quen của dân biển Diêm Phố, Hanh Cát, Hanh Cù… đến ngôi nhà rơm của mẹ với những người con cắt tóc kiếm tiền phụ mẹ nuôi cán bộ cách mạng, với dáng mẹ xiêu xiêu đôi quang gánh, bán rau để rải truyền đơn, với hình mẹ bao lần “ngồi đứng dưới mưa”, “Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn” canh cho những cuộc họp bí mật của các con… đã hiện lên rất chân thực, gần gũi. Bức tượng đài tôn vinh Mẹ Tơm mà Tố Hữu tạc bằng ngôn từ một cách tỉ mỉ, trân trọng. Mẹ từ một người phụ nữ bình dị như bao người mẹ quê khác đã hóa thân thành nhân vật trong văn học một cách tự nhiên mà đẹp đẽ, trân quý và thiêng liêng biết bao.
Qua thơ Tố Hữu, lớp lớp hậu sinh cảm nhận được sự tảo tần của mẹ: trồng được mấy vạt rau trên đất cằn, mẹ lại hái mang ra chợ bán cùng với bó củi phi lao, mớ ốc vừa mò được. Dưới đáy rổ rau bà cất báo và tờ truyền đơn, điều kiện thuận lợi mẹ lại rải khắp nơi để tuyên truyền cách mạng. Số tiền kiếm được từ đan lát của chồng mẹ, từ cắt tóc của con mẹ đều dành dụm nuôi cán bộ: Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh/ Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh/ Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ/ Chiều về... Hòn Nẹ... Biển reo quanh... Việc làm đó, hành động đó cứ tiếp diễn ngày ngày đến mức thân quen và chính nó đã làm thay đổi tính chất đấu tranh trong mẹ, trong gia đình mẹ.
Vượt qua không gian, bằng sợi dây văn học, Mẹ Tơm giúp chúng ta nhớ đến nhân vật Nilôpna trong tiểu thuyết “Người mẹ” của đại văn hào Nga Maksim Gorky. Hai người mẹ ấy đều bắt đầu từ tự phát đến tự giác đấu tranh. Và đều có những hành động anh hùng, bất khuất thật đáng khâm phục và trân trọng, tự hào. Đồng thời, tấm lòng của Mẹ Tơm cũng là tấm lòng của các bà mẹ trên khắp dải đất Việt Nam; đó là những bà Bủ, bà Bầm ở phía Bắc, mẹ Suốt ở miền Trung, của Bà má Hậu Giang ở miền Nam thân yêu… Ngày làm lụng kiếm gạo, nấu cơm, đêm nhường chăn chiếu, canh giấc cho những đứa con của mình và không biết từ khi nào đã  trở thành “huyền thoại mẹ”: Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật/ Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa... Làng bên động? Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn... Công ơn của người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm mãi mãi khiến chúng ta không bao giờ quên. Mẹ Tơm ở quê hương Hanh Cù đã trở thành một hình tượng mang tính phổ quát của tinh thần bất khuất, của phẩm chất anh hùng, của đức hy sinh cao đẹp.
Giữa một buổi trưa nắng hè năm 1953, cát miền biển Hanh Cù bỏng rát bàn chân, gió biển như nặng thêm hơi mặn mòi tiễn biệt Mẹ Tơm về đất mẹ. Tám năm sau nhà thơ Tố Hữu về thăm lại mảnh đất Hanh Cù đã thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ một gia đình hết lòng vì cách mạng và bài thơ “Mẹ Tơm” là một sự tri ân, lan tỏa công lao của Mẹ. Năm 1966, Chính phủ đã truy tặng mẹ Bằng có công với Nước và Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công. Ngôi nhà cũ của mẹ qua bom lửa chiến tranh, thiên tai lũ lụt đã không còn; trên nền ngôi nhà ấy được cất xây ngôi nhà ngói ba gian truyền thống để làm nhà thờ và được cộng nhận là di tích lịch sử cách mạng vào năm 2010. Năm 2023, các văn nghệ sĩ Thanh Hóa công tác tại Hà Nội đã tặng khu di tích bức tượng bán thân chân dung Mẹ Tơm. Bức tượng đặt trong ngôi nhà thờ mẹ một cách trang trọng. Đây là một nghĩa cử để đáp đền công lao đóng góp của gia đình Mẹ Tơm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của nhân dân kính yêu mẹ. Những di vật còn lại từ thuở nuôi giấu cán bộ cách mạng trở thành kỷ vật thiêng liêng. Khu di tích lịch sử cách mạng Mẹ Tơm trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau. Mẹ Tơm - người mẹ bằng xương thịt đã trở thành người mẹ huyền thoại, bất tử và tiếp tục trở thành những cảm hứng cho các sáng tác văn chương cất cánh trong tương lai.
                                

N.T.Q
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 294
 Hôm nay: 916
 Tổng số truy cập: 9246827
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa