Tôi gặp và biết anh Trần Tất Tiến đã gần mười lăm năm trước, khi đến dự cuộc họp thành lập CLB Thi Thanh mà anh Tiến là một trong những thành viên sáng lập. Bẵng đi thời gian dài cứ ngỡ anh chẳng còn “duyên nợ” gì với thơ thì đột nhiên anh đem tặng tôi mấy tập thơ in trong hai năm gần đây. Vui hơn nữa là thông tin anh vừa được kết nạp là hội viên Ban Thơ, Hội VHNT Thanh Hóa. Tôi đã đọc kỹ các tập thơ này, những tập thơ có cái tên “hơi sến”, nhưng bìa rất bắt mắt: Đàn sếu bay ngang trời; Về người ơi miền hư không; Giấc mơ lá đỏ; Những bài thơ còn lại; Lan man cánh buồm...
Anh yêu thơ nhưng trước hết là yêu rừng, một tình yêu thấm đượm với mấy chục năm gắn bó của một người làm công tác quản lý chỉ đạo trồng rừng, bảo vệ rừng… Như phần lớn những người làm văn chương xuất thân từ các ngành nghề khác bao giờ cũng dành tâm huyết cho ngành nghề mình đã gắn bó máu thịt, niềm vui mỗi lần anh đến những nơi rừng xa, bản vắng, anh đã có cả một “sơ ri” bài về rừng, trở thành “thương hiệu” là nhà thơ của rừng với tình yêu tha thiết từng khoảng không bao la, đồi cây, con suối, tiếng chim hót, tiếng thú hoang… và những bản làng thân thương. Bài thơ “Lên bản người Mông”:
Suốt một đời lang thang du cư
Bước chân qua bao cánh rừng ngã xuống
Nhà lá, con đông, cái nghèo theo sát bóng
Nay định cư xóm núi dựng ven sông
Một cuộc sống được “sắp xếp lại” hợp lý và ngăn nắp của người dân định canh, định cư: “Anh đắp đập khai hoang dòng thủy lợi/ Em trồng rừng cấy lúa lạ nên quen”, và cuộc sống của người Mông hôm nay:
Đường dốc vắng, mùa xuân lên bản mới
Gió thơm nồng hương ngô nếp lên men
Hoa mận nhà ai đơm trắng lối
Khoan nhặt bờ xa đổ tiếng khèn.
Bạn đọc có thể hình dung cuộc sống của bản làng định canh định cư theo chủ trương của Đảng, thơ biết xen kẽ giữa công việc và nhiệm vụ chính trị một cách nhuần nhuyễn. Nhưng nếu không có cái tình ấp ủ từ bao lâu, tác giả không thể có được những câu thơ hay mà thiết thực:
Đời người là đời rừng
Đời rừng là đời thú
Nương vào nhau sinh tồn
Lại nương vào nhau mà gạt bỏ…
(Vết sẹo)
Anh đã hòa niềm vui của mình trong niềm vui thôn bản:
Bản xưa thay đổi giấc mơ
Tiếng khèn gọi bạn bên bờ xuân tươi
Men nồng bạn rót đầy vơi
Tôi như uống cả một trời vùng cao
(Đường lên Tà Cóm)
Ta gặp rải rác trong thơ Trần Tất Tiến những tình cảm, sự tri ân của anh với thiên nhiên, con người miền núi. Nghề nghiệp đã cho anh cảm xúc, sự hiểu biết về những miền rừng khác nhau, đồng thời nhà thơ đã có những câu thơ, bài thơ thật lãng mạn trên địa hạt này.
Trở lại những tập thơ vừa nói ở trên, bạn đọc dễ dàng nhận thấy: nó không thay đổi nhiều về nội dung đề tài và hình thức biểu hiện, có chăng là những gam màu, mảng miếng khác nhau... Nhìn chung mỗi tập thơ là một thể nghiệm khám phá những hoạt động xã hội, một bức tranh riêng biệt, những đối thoại nội tâm trực ngôn hay ẩn ý, có khi tác giả mượn nhân vật để bộc lộ ý tưởng của mình, chất giao du lãng tử man mác trong các bài thơ. Ta biết anh đi nhiều, đọc nhiều, giàu con chữ, mang thiên chức thơ rất sớm. Xuất phát điểm, hay mặt bằng thơ Trần Tất Tiến là điều bạn đọc ghi nhận và rất mừng cho anh. Nhiều suy nghĩ gợi mở bất ngờ đem lại cho người đọc những phản ứng tích cực về cuộc sống. Ngay ở tập thơ đầu các bài thơ bộc lộ tuyên ngôn, khát vọng của nhà thơ, có lúc như khêu gợi sự quậy phá, bung nở, không chấp nhận cái gò bó, chừng mực:
Chú cá nhỏ bơi trong ao bèo lạnh
Cũng quậy lên xao động khóm hoa thềm
Thì hãy sống một lần đi - phá cách
Của đam mê và say phách ngang trời.
(Chừng mực)
hay:
Ta người đồng hành không báo trước
Vẫn cố leo lên chiếc thuyền đã chật
Những buồn đau những cỗi cằn của đất
Mong vượt miền
Về phía mảnh phì nhiêu
(Trò chuyện với nhà thơ nhả chữ)
Nổi bật trong các tập thơ là những “mảng” tư duy, giàu suy tưởng, những triết lý nhân sinh đa dạng, lối viết phóng khoáng, không gò bó, anh đặt ra nhiều giả thiết, nhiều tâm trạng về “thế thái nhân tình”, nhiều dự cảm với trí tưởng tượng phong phú được thể hiện bằng ngòi bút tài hoa… Nhiều câu thơ bay bổng và lãng mạn đi thẳng từ trái tim nhà thơ tới bạn đọc mà không phải “dền dứ”, đắn đo... Một số bài viết theo lối thơ “cổ phong” - một lối thơ xưa không hạn chế về câu chữ, ít gò bó về âm luật… thơ Haiku, thơ hai câu… Thơ lục bát và tứ tuyệt của anh ngập tràn hương vị Đường thi, nhưng câu chữ hay nhất vẫn là những ngôn từ khai thác chất dân dã chứ không phải ngôn ngữ “tân thời”:
Cửa ngoài bóng xế lên song
Gió man mác gió, chiều long bong chiều
Tóc mây che nửa dáng kiều
Ngẩn ngơ em thả cánh diều sang thu
(Không đề 2)
Hay:
Đường rừng một khúc ve ngân
Mà như bản nhỏ nghe gần đâu đây
Ô kìa khói bếp lên mây
Thì thùm cối nước, chiều rây nắng vàng
(Đường rừng chiều)
Cũng với thể thơ này, những câu lục bát hay của anh về quê hương, về mẹ:
Lá lang ngọn đỗ tháng ngày
Còn in bóng mẹ luống cày mưa giăng
(Thanh minh)
Có thể tìm câu thơ hay, cặp đôi câu thơ hay chứ ít khi tìm được một bài thơ hoàn chỉnh cả nội dung và âm vận. Không phải riêng thể loại lục bát, các bài thơ theo thể loại khác tác giả cũng thể hiện một bút pháp già dặn:
Gió bốc cuối trời, người đi phất phơ tóc bạc
Sóng dồn góc bể, ta về mặn nhạt với thơ xanh
(Hay: Xuân đến bảy mươi, tóc bạc càng vò càng rối/ Cõi về tám chục, lệ xanh càng gạt càng sầu - Thơ hai câu).
Sông Chu quen thuộc hiện lên say đắm và yêu thương qua một bài tứ tuyệt:
Sông Chu chảy mùa xanh ngăn ngắt mía
Phù sa ôm con nước đã no nê
Vó bè cất lưng trần chân góc bể
Cho người về dào dạt khúc sông quê.
Người đọc thấy anh là người nói nhiều về thơ và cũng làm nhiều bài về thơ. Một người rất ý thức về con đường đi của mình. Con đường như lời anh: “Chuyện văn chương đi gió về mây”. Đúng là: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” (Kiều). Đọc những tâm sự của anh những người làm thơ có thể cảm nhận được nhiều cung bậc “hay, dở”, ít ra cũng giật mình “xem lại mình”. Ta hãy nghe anh “Tự trào”:
Đọc lại những bài thơ mình đã in
Hoan ca, tả tình, tả cảnh
Những câu thơ đầy ắp tính từ
Những câu thơ
đánh cắp ca dao
say mê thuyết giáo
tô vẻ đẹp phấn son…
Những bài thơ không thơ
Những bài thơ đọc xong là hết
Hay trong bài “Đọc thơ người đã khuất”, anh dẫn lời “Nhà thơ già”:
Đôi khi
Đọc thơ của người quen biết
Thấy khuôn mặt họ
Hiện lên theo câu thơ
Như diễn kịch
Đặc biệt Trần Tất Tiến có cả một tập thơ viết về chủ đề này, có tên “Những bài thơ còn lại”. Đây là chủ đề mà tác giả muốn đề cập như một hình thức giao cảm, giãi bày những hiện tượng, những suy nghĩ, vừa đối thoại với mình, vừa đối thoại với bạn đọc. Đây là một vấn đề lý thú xung quanh chuyện bếp núc của người cầm bút, thiết nghĩ cũng rất bổ ích! Mỗi bài thơ đều có số phận riêng của nó tùy thuộc vào thơ ấy có vào và neo được trong lòng người đọc hay không:
Có những bài thơ lặng im
Sống trọn kiếp cô đơn
Mang cốt cách thi nhân
Có thể như núi cao
Có thể như sông dài
Nhưng có thể chỉ là hạt bụi
Trôi miên man trong bao la…
Nỗi niềm nhà thơ là nỗi niềm không than thở
Về kiếp thơ quăng quật với roi đời.
Đối tượng của thơ là bạn đọc, nhiều người có thể đồng ý với anh khi anh đưa ra nhận xét:
Ngày nay
Người đọc thơ hiếm hơn người làm thơ
Thơ không có bạn đọc
Như xây nhà bỏ hoang
Cỏ gai mọc…
Suy cho cùng thơ là thú chơi! Tác giả đã có những suy nghĩ và cảm nhận đẹp về thơ, cả những đánh giá thẳng thắn, nghiêm túc về nó. Dư luận chắc còn nhiều tranh luận và đây luôn là một vấn đề thú vị!
Theo tôi trường hợp nhà thơ Trần Tất Tiến lặng lẽ lao động, miệt mài sáng tác thơ cho đến nay đã có tới sáu, bảy tập thơ ra mắt bạn đọc, đã có những thành công nhất định, đồng thời anh đã gia nhập Ban Thơ Hội VHNT Thanh Hóa. Xin chúc mừng anh!
Điều ấy chứng minh rằng: có nhiều cách để đến được đam mê của mình. Tuy nhiên anh cũng có những thiệt thòi, ít ra là mất đi sự cổ vũ kịp thời, những hoạt động văn học, kích thích từ bạn viết. Việc cập nhật cuộc sống xã hội với những định hướng tiến bộ tạo cho người viết cảm xúc cũng như điều chỉnh kịp thời những sáng tác của mình theo hướng chân - thiện - mỹ... Dân gian có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”, khi thành lập các Hội nghề nghiệp, có lẽ Nhà nước đã nhằm tới mục đích đó!
Thơ Trần Tất Tiến ngoài những cái “được” theo ý người viết, còn những hạn chế mà một trong những nguyên nhân như đã nói ở trên các bài viết theo lối kể chuyện hay dựa theo truyền thuyết, truyện dã sử (Đêm Ai Cập, Giấc mơ lá đỏ, Cô gái gõ cửa trong đêm)… một mô típ thơ không còn mới nữa. Có bài kết cấu lỏng lẻo, dàn trải, ít bổ ích. (Ngày xuân lan man chuyện lão (Tập: Lan man cánh buồm)... Anh đã có những bài thơ hàm súc với ý và tứ thơ chặt chẽ! Hi vọng sẽ được đọc những tập thơ mới giàu sức sáng tạo, nhất là mảng thơ về “nghề rừng” của anh!
Mỗi nhà thơ đều có miền thơ, vùng cảm xúc, vùng thơ riêng theo thế mạnh của mình, đấy là nơi hoạt động phù hợp với thi pháp mỗi người, là môi trường hoạt động hấp dẫn, ổn định… Trong vùng thơ ấy nhà thơ mặc sức “thâm canh” sáng tác để có những tác phẩm mong muốn. Ta mừng vì Trần Tất Tiến mới mở ra các hướng đi như để thể nghiệm, để lựa chọn tìm ra hướng đi chính trên cơ sở những cái mạnh, cái còn hạn chế. Chúc anh thành công!
T.N.D