Tôi được nghe Nguyễn Ngọc Quế đọc thơ từ khi thầy còn dạy Toán ở trường THPT Đào Duy Từ và sinh hoạt tại Ban Thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Nhưng diễn đàn lúc đó không phải ở một trong hai địa chỉ vừa nêu mà là ở Đêm thơ của trường Đại học Hồng Đức. Từ hồi đó cho đến bây giờ, trường Đại học Hồng Đức, mà nòng cốt là khoa Khoa học xã hội, tuy không có nhiều người làm thơ hay, nhưng sứ mệnh nghiên cứu và giảng dạy văn học luôn thôi thúc việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật. Tôi lúc ấy chỉ đóng vai trò khán giả. Cảm nhận đầu tiên của tôi là thơ thầy ngắn gọn, cô đúc, giàu chất trí tuệ. Về sau, có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về thầy, tôi mới biết thầy đã yêu thơ và làm thơ từ thời còn là sinh viên ngành Sư phạm Toán ở trường Đại học Vinh.
Từ cảm nhận ban đầu đó cho đến hôm nay, tôi vẫn không có tham vọng viết về toàn bộ thế giới nghệ thuật trong thơ của tác giả Nguyễn Ngọc Quế. Lí do là vì sáng tác của thầy gồm nhiều loại, tiêu biểu là thơ, thơ thiếu nhi và truyện thơ cho thiếu nhi, gần đây còn có cả chân dung văn học, đã được nhiều người quan tâm phê bình ở những khía cạnh nhất định, nhưng để nói cho cặn kẽ, đầy đủ thì cần có một công trình chuyên sâu, toàn diện. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ nói mấy điều tâm đắc.
Trước hết, thơ Nguyễn Ngọc Quế thể hiện một tâm hồn trong sáng, hồn hậu, giàu lòng yêu thương con người và cuộc sống. Và cũng giống lẽ thường, tình yêu lớn nhất là tình cảm thầy dành cho gia đình, quê hương, cho sự hoài niệm về thời thơ ấu, thời sinh viên, cho bạn bè, đồng nghiệp... nhưng cảm xúc thì có lẽ không giống số đông:
Biển thơ anh là biển quê anh
Gió gọi triều lên theo từng con nước
Không bãi cát trăng soi, không hàng dương ca hát
Ngấn phù sa hồng ngọn sóng mênh mông
(Đất bãi quê hương)
Đó là những vần thơ Nguyễn Ngọc Quế viết từ năm 1971, khi đường thơ chưa rõ nét như những đường hình học trong sách vở của một sinh viên ngành Toán. Sau này, khi đã thành danh trong đời sống thơ ca hiện đại, thầy viết:
Nhà tranh dựng ở bãi bồi
Thông thênh cửa đón một trời gió tươi
Bữa cơm thơm thảo tình người
Canh cua biển, chén rượu mời gọi môi
Hoàng hôn chầm chậm buồm trôi
Cói đồng xanh óng, nắng phơi chiếu màu
Nghiêng trời vành nón trắng phau
(Ở làng lấn biển Nga Sơn)
Thì vẫn là những cảnh vật ấy, dù đã nhiều lần quan sát, ngợi ca với cảm xúc dạt dào yêu thương, tự hào, nhưng giọng thơ thì đã khác: uyển chuyển, tinh tế, giàu chất thơ trong một khuôn khổ lục bát tưởng dễ mà rất khó để được người đọc chấp nhận. Thơ Nguyễn Ngọc Quế đã có những bước chuyển mình như thế trong bút pháp, còn cảm hứng thì dường như ít thay đổi. Vậy nên dù “rời bỏ ngôi nhà mái rạ”, “con đường vẹt gót trẻ thơ” khá sớm, nhưng vùng quê Nga Sơn - Thanh Hóa với nhiều dấu ấn văn hóa cổ xưa, nhiều thắng cảnh và những người thân yêu, những kỷ niệm thời thơ ấu luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt của thơ Nguyễn Ngọc Quế. Ông làm thơ về động Từ Thức, làng Thần Phù, về vùng biển Nga Sơn... với tất cả sự gắn bó và tự hào. Cảm nhận về cảnh vật và cuộc sống thôn quê, dù là một vùng cụ thể với chợ Bạch, chợ Ro, chợ Rún, chợ Lò..., ông vẫn đánh thức cả một miền ký ức dấu yêu trong người đọc (Dáng quê). Đôi vần thơ tình của ông có lối bày tỏ tình cảm mới mẻ, mãnh liệt, làm rung động trái tim không chỉ một người:
Thôi em đi cho nỗi nhớ anh theo
Anh là biển, là bờ cát đấy
Là con đường em qua sớm tối
Trăng vỡ òa theo dấu chân son.
(Người về với biển)
Thơ Nguyễn Ngọc Quế có hai mảng khá rõ rệt: một là quá khứ gắn với quê hương, người thân, kỷ niệm ấu thơ; một là cuộc sống hiện tại trong môi trường đô thị đông đúc, chật chội, xô bồ. Nếu quá khứ luôn hiện diện trong tình cảm sáng trong, thuần hậu, thì hiện tại thường khiến con người trĩu nặng ưu tư. Ưu tư về sự hiện diện của mình:
Thành phố hơn năm triệu dân
Thêm chúng tôi một ngọn cỏ
Thành phố có chật hơn
...
Ngã tư người nêm cối
Bớt chúng tôi - một ngọn cỏ
Thành phố có buồn không?
(Thêm và bớt)
Băn khoăn về lí lẽ của những tồn tại: “Người bán hàng rong tiếng rao khô khan/ Len vào ngõ/ […] Ngã bảy, ngã ba chập chờn xanh đỏ/ Em bịt mặt chỉ còn đôi mắt/ Nhọc và mệt như vệt nắng rớt cuối trời/ [...] Những chiếc xe hãnh tiến phì phì khói/ Về đâu? Những chiếc hộp ướp lạnh” (Chiều thành phố). Thoáng buồn khi nhận thấy nét quê/ nét xưa phai nhạt trong xô bồ phố thị là tứ thơ không mới, nhưng cách diễn đạt của Nguyễn Ngọc Quế cũng có những thành công đáng ghi nhận trong “Mùa thu thành thị”. Với dòng thơ ngắn (bốn chữ), khổ thơ gọn (hai dòng), bài thơ gợi cảm xúc tiếc nuối, bâng khuâng khi sự trong trẻo, nguyên sơ, chân mộc đang tan loãng trong ngột ngạt, bụi bặm, ồn ào. Có đôi khi muốn ngắm quê ở phố, Nguyễn Ngọc Quế tìm đến làng ven đô, ở đó ông thiết tha hoài niệm:
Tôi về tìm lại làng tôi
Quán bia nhạc gõ lấp lời mẹ ru
Đâu rồi ngọn gió mùa thu
Mõ chùa rung ánh trăng lu đâu rồi.
Em tôi xa tận chân trời
Tôi về tìm giậu mồng tơi năm nào
Tìm con sóng vỗ cầu ao
Em về giặt tấm khăn đào ngày xưa.
(Làng ven đô)
Cũng trong trường quan sát về những tồn tại quanh mình, ông phát hiện ra nghịch lí đầy rẫy trong cuộc sống thường nhật đô thị: “Đập núi, nung xi măng/ Ta đắp một hòn non bộ”, “Phá đại ngàn rừng/ Ta trồng một cây bon sai”, “Thắp nghìn bóng Neon/ Ta mơ vầng trăng cổ tích”... Xã hội càng văn minh, con người càng cô đơn trong thế giới của chính mình, không phải chỉ vì văn minh vật chất làm cho khoảng cách giữa người với người trở nên rộng ra, mà vì ngay trong sự tiến bộ, con người vẫn thiếu những thứ mà vật chất không thể thay thế được, vẫn luôn mơ về “một thời đã mất”. Trong thế giới nhỏ bé của mình - chiếc màn hình tivi 14 inch, nhà thơ như thấy cả nhân loại sục sôi và đầy biến động:
Em nhỏ kia vừa ở nhà tôi
Cùng ăn bữa cơm nghèo công chức
Giờ đi trên đất cằn châu Phi
Đói và khát
Bệnh dịch và súng nổ
Như lũ chuột, lũ gián, lũ muỗi
Sục sạo cả đêm trên trái đất gầy.
(Thế giới nhỏ bé)
“Trái đất gầy”, “Thế giới đang già nua/ Chiến tranh, bệnh tật, khủng bố”... bởi con người ngày càng có quá nhiều tham vọng. Thế nên, nhìn cháu nội bước vào lớp một với chiếc cặp nặng trĩu, ông không nén được tiếng thở dài:
Đôi bàn tay bé xíu
Ôm cặp sách như ôm trái đất
Các cháu tôi như mầm cây non
Bước vào lớp một.
(Các cháu tôi đi học)
Thơ Nguyễn Ngọc Quế thường trĩu nặng tình đời, tình người theo những cách như thế. Đó không phải chỉ là thói quen quan sát của người làm thơ, mà là suy tư, trí tuệ, là sự thông minh để nhìn ra nghịch lí, và từ nghịch lí, ông cấu trúc thành các tứ thơ. Bởi thế, thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Ngọc Quế có cả phần rung động tự nhiên, có cả những khái quát thành các luận điểm cô đọng, hàm súc. Và tôi thấy ở ông chất thơ của một tư duy toán học.
Từ yêu thơ, Nguyễn Ngọc Quế yêu quý và gắn bó với các nhà thơ Việt Nam nhiều thế hệ: Hữu Loan, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Anh Chi, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Nguyễn Hoa... Tình yêu mến không chỉ thể hiện trong những dấu ấn ảnh hưởng đậm nhạt/ ít nhiều, ông còn viết chân dung về họ. Viết chân dung cũng như viết truyện, làm thơ, Nguyễn Ngọc Quế luôn giữ một chất giọng chân thật, mộc mạc nhưng không vì thế mà kém hấp dẫn. Cái chất thơ có sẵn trong tâm hồn được ông phát huy để cảm nhận, sẻ chia, cùng với những am hiểu về thơ ca ngày càng sâu sắc khiến cho những bức chân dung thơ mà ông vẽ trở nên có hồn, dễ đọc, dễ đồng cảm. Ở độ tuổi gần thất thập, Nguyễn Ngọc Quế vẫn chưa ngừng viết, chưa ngừng bày tỏ tình yêu, niềm say đắm với văn học nghệ thuật. Và tình yêu đời, yêu văn chương ấy ở ông ít nhiều có sức lan tỏa, góp phần tạo nên một đời sống văn học lành mạnh trong bối cảnh văn hóa đọc và viết đang đứng trước nhiều nguy cơ.
Thanh Hóa, tháng 6 năm 2020
L.T.A