Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Nhịp điệu núi
Nhịp điệu núi

Vang vọng từ phía núi, nơi 11 huyện miền Tây xứ Thanh với 7 dân tộc anh em sinh sống, những gương mặt thơ trẻ đã cất lên tiếng thơ - tiếng lòng về căn cốt, cội nguồn, hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên, độc đáo văn hóa truyền thống... Giữa vườn thơ trẻ xứ Thanh, những cái tên như: Phạm Tiến Triều, Bùi Xuân Tứ, Phạm Tú Anh, Lê Huyền, Lâu Văn Mua... góp thêm hương sắc độc đáo, hấp dẫn.

Tác giả Bùi Xuân Tứ - “Thơ đến tôi là một sự tình cờ, là sự bày tỏ nỗi lòng trước những hiện thực cuộc sống”

Bùi Xuân Tứ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số, hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa sinh ra và lớn lên trong mạch nguồn văn hóa Mường, trên mảnh đất Ngọc Trung, Ngọc Lặc. Có lẽ, chính những âm điệu ngọt ngào của lời rang, áng xường hay rộn ràng sắc bùa, sôi nổi lễ hội Pôồn Pôông đã lắng đọng, bồi đắp, trở thành mạch nguồn cảm hứng trong các sáng tác thơ của Bùi Xuân Tứ. Từ tập thơ “Tiếng đàn núi” (in chung, 2018), “Lời ru đá” (tập thơ, 2019) hay ở nhiều tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm báo, tạp chí, thơ Bùi Xuân Tứ luôn mang đậm sắc thái văn hóa Mường. Với Tứ, quê hương, nguồn cội vừa là điểm khởi đầu vừa là hành trình vươn tới: 
Đêm qua tôi thấy con chim Păng Póp
Bay qua giấc mơ tôi
Con chim hát cho tôi nghe
Lời xường đẻ đất - đẻ mường
Lời xường dựng nhà, đắp bếp
Lời xường nên lứa nên đôi 
[...] 
Ơi con chim Păng Póp ơi
Tôi muốn về tìm lại lời ru
Trong hơi ấm miếng trầu nồng vôi của mẹ
Cho đám nương lại xanh ngô, xanh lúa
Cho bếp nhà sàn đỏ lửa ngày đêm
Hội mùa xuân rộn rã tiếng chiêng vui
Tôi vít cần uống từng lời ru của mẹ
Trong lời ru tôi vẫn là đứa trẻ
Vịn câu xường mạnh mẽ lớn lên
        (Tìm về lời ru)
Là người con của bản Mường, cất tiếng thơ về dân tộc mình - về những điều mình gần gũi, thân thuộc nhất, tưởng dễ mà lại chưa hẳn đã dễ. Bùi Xuân Tứ chia sẻ: “Chính những điều thân thuộc, gần gũi lại là những điều khó mở lời nhất. Như việc chúng ta rất yêu mẹ mình nhưng mấy ai nói ra lời được rằng: con yêu mẹ lắm. Việc làm thơ về dân tộc mình cũng vậy, làm sao để nói những điều quen mà vẫn mới, dung dị, đời thường mà vẫn đủ sức hấp dẫn bạn đọc là cả một quá trình tìm tòi, thể nghiệm”: Mế gieo lời ru vào đá/ Ruột đá tai mèo trổ hoa/ Nương gần cho tới nương xa/ Đợi mùa đơm lên no đủ/ Lưng mế, con say giấc ngủ/ Lành ngoan như những hạt mầm/ Áo mế mồ hôi ướt đầm/ Che giấc mơ con dài rộng/ Trong giấc mơ con có thấy/ Hạt giống tách vỏ cựa mình/ Vươn lên đón ánh bình minh/ Đợi ngày nắng vàng mẩy hạt/ Mế thương con như khúc hát/ Về những hạt mầm trên đồi/ Mong con khôn lớn thành người/ Con thành người gieo cái chữ (Mùa gieo hạt).
Bởi vậy, khi đọc thơ Bùi Xuân Tứ, bạn đọc vẫn được thỏa thê chìm đắm trong không gian văn hóa Mường đặc trưng nhưng cũng nhận thấy ở đó nhiều vấn đề trăn trở. “Thơ là sự trải lòng của mình về cuộc sống, về những điều đã qua và những gì đang đến. Ở đó, chúng ta không bao giờ được phép lãng quên đi nguồn cội mình, dân tộc mình. Nhiều nếp nhà sàn, nghề và làng nghề, những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Tôi muốn bày tỏ những yêu thương, trăn trở của mình qua thơ, mong muốn tiếng thơ lan tỏa đến mọi người, khơi dậy ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc ấy”.
Bùi Xuân Tứ vẫn nhiệt thành, đam mê bước đi trên con đường thơ. Anh tự nhận mình chỉ là “người tay ngang”, thơ đến như một duyên tình, là sự bày tỏ nỗi lòng trước những hiện thực cuộc sống. Với tư cách là một tác giả trẻ, việc cân bằng giữa công việc và đam mê sáng tác chẳng phải điều dễ dàng. Trên hành trình thơ đầy mê lực, hấp dẫn ấy, đa dạng thanh âm, rực rỡ sắc màu ấy, những nhà thơ trẻ như Bùi Xuân Tứ làm sao để định vị mình và “giữ mình”? Bùi Xuân Tứ chân thành chia sẻ: “Theo tôi, đánh mất mình hay không, thì mỗi tác giả với tư cách là người cầm bút phải có trách nhiệm với những điều mình muốn truyền tải, có rất nhiều tác giả dùng ngôn từ rất hiện đại nhưng lại truyền tải được nội dung rất miền núi và ngược lại có nhiều tác giả cố gắng dùng từ ngữ “có vẻ” miền núi nhưng lại rất sáo. Với tư cách là một tác giả trẻ, một người tay ngang như mình, điều cốt lõi vẫn là bám lấy hồn cốt văn hóa của dân tộc mình để làm chủ đạo trong sáng tác. Bởi vì chỉ khi mình được sống trong cái nôi ru mình lớn, mình mới là chính mình”.

Tác giả Lê Huyền - “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền biển nhưng đất và người vùng cao đã dung dưỡng hành trình thơ của tôi”

Tác giả Lê Huyền, hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa là một người yêu thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thích đọc, sưu tầm những bài thơ hay. Từ khi ra trường, trở thành cô giáo, chị bắt đầu viết những trang thơ đầu tiên, những bài viết chỉ được chép trong sổ tay hoặc viết trên báo tường vào các ngày lễ, kỷ niệm. Từ những niềm vui nho nhỏ như thế, đến nay, tác giả Lê Huyền đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều độc giả, là cộng tác viên chất lượng của nhiều tờ báo, tạp chí chuyên ngành trong và ngoài tỉnh. Tập thơ “Tình như chiếc lá” (2020, Nhà xuất bản Hội Nhà văn) ra mắt bạn đọc, ghi dấu mốc trên hành trình thơ của chị. Trong đó, những vần thơ viết về vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số của tác giả Lê Huyền là đặc sắc hơn cả: “Về đi anh/ Giọt sương long lanh trong buổi sáng mùa xuân/ Ngọt như bờ môi thiếu nữ/ Sẽ chẳng chờ anh lâu/ Hạt bắp mẹ trồng/ Khẽ cựa mình sau lớp đất nâu/ Xòe đôi cánh xinh/ Mỉm cười đón gió /Bếp Mường em than hồng, lửa đỏ/ Xôi ngũ sắc em đồ thơm chín bậc cầu thang/ Anh về đi/ Về ngắm cánh hoa bông trăng nở khắp non ngàn/ Hái bông bưởi đun nước thơm/ Em ngồi hong tóc biếc/ Về khua chiêng cho em say trong điệu Pôồn Pôông/ Ta hòa cùng một nhịp/ Về với câu xường mang tình em tha thiết/ Suối Mường mình thơm thảo một dòng xanh/ Về đi anh” (Về đi anh).
Nhiều người yêu thích những vần thơ trong trẻo, mượt mà, mang đậm sắc thái vùng cao của tác giả Lê Huyền sẽ có đôi chút ngỡ ngàng khi biết rằng: Chị vốn là con gái vùng biển Nghi Sơn mộng mơ, đầy nắng và gió. Vì điều kiện công tác, chị Huyền đã có hơn 7 năm gắn bó với miền rừng, nơi có những bản làng đằm mình trong sương sớm, những đứa trẻ hồn nhiên đến lớp, đồng bào dân tộc chân chất, thật thà... Chị Huyền bộc bạch: “Chính vẻ đẹp miền sơn cước, không gian văn hóa truyền thống, tấm lòng dân bản, sự dễ mến của “đàn em thơ” đã gieo thương nhớ, ân tình trong những vần thơ của mình tự lúc nào không rõ”. Trong những câu thơ ấy chan chứa tình cảm yêu thương, gắn bó với đất và người vùng cao: “Em hát một khúc xường/ Ru cầu thang chín bậc/ Em hát một khúc thương/ Cho lòng tôi khao khát/ Này là xôi ngũ sắc/ Thơm nức mái sàn tranh/ Hoa bông trăng cài tóc/ Cho tôi ươm mộng lành/ Tôi say men rượu cần/ Bao mùa trăng em ủ/ Tôi thương con suối Mường/ Trong veo qua mùa lũ/ Hương rừng thơm em ủ/ Trên môi ngoan hé cười/ Hay sao rơi đáy mắt/ Cho tim tôi rối bời/ Gió ướp mùi con gái/ Vương trên má em hồng/ Cho tôi về bên ấy/ Làm rể bản được không? (Cho anh làm rể bản).
Giọng thơ trữ tình, mượt mà, bình dị mà sâu lắng, ngôn ngữ thơ trong sáng, cảm xúc dạt dào... là những ấn tượng đầu tiên khi đọc thơ của Lê Huyền. Bản sắc văn hóa vùng cao được Lê Huyền khắc họa đậm nét. Những “ID nhận diện tộc người” trở thành những thi ảnh độc đáo, không một chút khiên cưỡng, hời hợt hay gượng gạo. Dường như, Lê Huyền đã là người con của bản mường, nối cuống nhau với cội nguồn, bản sắc ấy mà làm nên hành trình thơ.
Phạm Tiến Triều, Bùi Xuân Tứ, Phạm Tú Anh, Lê Huyền, Lâu Văn Mua..., những gương mặt thơ trẻ dân tộc và miền núi đã và đang nỗ lực cất lên tiếng thơ, làm đẹp, đa dạng, phong phú thêm cho văn học xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, so với vùng chất liệu, dư địa và lực lượng sáng tác thơ hùng hậu, sao vẫn thấy mảng văn học trẻ dân tộc và miền núi xứ Thanh còn thưa vắng, mỏng mảnh. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho điều này. Bùi Xuân Tứ cho rằng: Lực lượng tác giả trẻ ở miền núi xứ Thanh cũng không ít, nhưng để thành công trong việc khai thác đề tài dân tộc và miền núi, có bản sắc riêng, bước đầu ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc thì chưa nhiều. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các tác giả ở lĩnh vực này chủ yếu khai thác văn hóa Mường, Thái, Mông còn các dân tộc khác chưa được khai thác nhiều. Đó cũng là điều đáng tiếc”. Tác giả Lê Huyền cho biết: “Mảng văn học trẻ viết về đề tài dân tộc và miền núi của miền núi vẫn còn thưa vắng do các tác giả là người sống trên địa bàn miền núi còn quá ít. Các tác giả là người miền xuôi thì sự tiếp cận với không gian văn hóa, bản sắc tộc người cũng có hạn chế, thiếu sự thấu hiểu cặn kẽ, sâu sắc”.
Để mảng văn học trẻ viết về đề tài dân tộc và miền núi phát triển, các tác giả đều có chung nhận định: Việc quan tâm, tạo điều kiện, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố tiêu biểu, tạo nguồn và bổ sung lực lượng cho mảng văn học này là rất quan trọng thông qua “các kênh” khác nhau: tổ chức các cuộc thi sáng tác, liên kết với các nhà trường, các hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa giới thiệu... Với vai trò, chức năng của mình, Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cần mở rộng sân chơi, tổ chức các cuộc thi, các cuộc giao lưu, gặp gỡ, thực tế sáng tác gắn với mảng đề tài này. Và lẽ dĩ nhiên, bản thân mỗi tác giả phải luôn nỗ lực sáng tạo, giới thiệu và khẳng định mình bằng chính những tác phẩm chất lượng, mang đậm dấu ấn cá nhân, sắc thái văn hóa vùng cao...
                                

B.H.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 280
 Hôm nay: 272
 Tổng số truy cập: 9246183
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa