Hơn mười hai giờ đêm, tôi vừa chợp mắt thì có chuông điện thoại reo:
- Anh ơi, em là Nguyệt vợ anh Sơn.
- Nguyệt hả, sao gọi khuya thế em?
- Anh Sơn chào các anh, anh ý vừa đi rồi. Một tiếng nấc nghẹn. Nhưng rồi em vẫn cố nói: Anh làm cho anh Sơn một cái ảnh thờ anh nhé. Rồi tiếng khóc òa ra, không nghe nói gì nữa.
Tiếng khóc giữa đêm khuya làm tôi cũng xúc động không nói được gì. Trấn tĩnh hồi lâu, tôi mở máy vi tính tìm ảnh của Sơn. Tôi chụp cho Sơn rất nhiều ảnh, vì anh em sinh hoạt trong Ban Biên tập tuyển chọn thơ Câu lạc bộ Hàm Rồng. Cứ nhìn thấy ảnh Sơn trên máy, nước mắt tôi lại trào ra. Sơn cùng tôi đi thực tế sáng tác; Sơn cùng tôi trao đổi về một bài thơ hay của hội viên. Anh đọc cho tôi nghe một bài thơ anh vừa sáng tác để tôi góp ý. Ở đâu Sơn cũng cười hỷ xả, vô tư; khi nào Sơn cũng sống nhiệt tình, hết trách nhiệm với bạn thơ, với tập thể của mình. Cái tình, sự nhân ái nhân văn luôn đầy đặn trong lồng ngực Sơn.
Năm ngoái Sơn tìm đến nhà tôi lật đật nói: “Anh Đàm chụp cho em một bức ảnh chân dung để em in vào tập thơ mới, tập thơ Đồng vọng”. Tôi chụp cho Sơn cả một seri ảnh chân dung. Bây giờ nghĩ lại thấy như có một cái điềm chẳng lành đã báo trước. Nhìn bức ảnh chân dung ấy tôi đã khóc òa lên. Sơn ơi! Ảnh mày đây mà mày đã đi rồi. Chú em thân thiết hàng ngày của ta đã đi rồi!
Biết là Sơn trọng bệnh nhưng tôi vẫn bàng hoàng; vẫn không tin là Sơn đã ra đi. Cho đến khi tôi ôm ảnh chân dung Sơn đặt lên bàn thờ của anh. Anh ngồi đó, tươi vui chào mọi người ra đi trong thanh thản như vừa cày xong thửa ruộng. Ra đi, người lính, người thầy, nhà thơ Lê Đăng Sơn để lại bao niềm thương nhớ, mến yêu và cả những trang thơ chan chứa tình yêu quê hương, tình yêu đồng đội, đồng nghiệp.
Năm 1972, chàng sinh viên Lê Đăng Sơn đang học trường đại học sư phạm Vinh thì cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước sang giai đoạn quyết liệt. Lê Đăng Sơn cùng bao nhiêu sinh viên gác bút nghiên lên đường đánh giặc. Bước chân chàng sinh viên ngày đêm hành quân vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Những địa danh Bầu Bàng, Chơn Thành, Dầu Tiếng; những Bình Long, Bình Dương bất khuất. Bao hố bom loang lổ, bao đêm sốt rét rừng, bao ngày ngủ dưới hầm chờ thời cơ công đồn đánh giặc. Từ một cậu sinh viên non tơ Lê Đăng Sơn đã trở thành người lính chiến, theo gót chân Phù Đổng. Và, trong gian khổ ấy đã hun đúc Sơn thành con người cứng cáp xông pha trận mạc. Cũng từ đó, hồn thơ trong người lính xuất hiện. Một mảnh giấy vỏ bao thuốc lá và cây bút chì đã ghi lại những vần thơ toát lên từ tâm hồn người chiến sĩ:
... Hai sáu tháng ba trận đánh Chơn Thành
Chúng mình chôn Hải trong tấm tăng
Vào lúc trời gần sáng
Tiểu đội xếp hàng ngang
Rừng miền Đông mênh mang
Mắt đứa nào cũng ướt...
Và:
... Hai sáu tháng ba mình nhớ quá
Tiểu đội chín thằng trong chiến tranh
Cứ vơi dần trong từng trận đánh
Nụ cười và áo lính rất xanh
(Không bao giờ quên)
Trong chiến tranh, giữa hai trận đánh, những người chiến sĩ trẻ măng ấy lại nhớ về quê hương, nhớ cha mẹ và nhớ một người da diết:
... Xin giữ trong lòng
Hòn than xa cách hừng trong nỗi niềm
Xin vầng trăng một lưỡi liềm,
Gặt niềm thương nhớ hai miền tâm tư...
(Không nói)
Năm năm ở lính, chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, trên người còn những vết thương, còn vi rút sốt rét rừng, còn hơi ấm tình cảm thân thương của đồng đội, đồng bào Nam bộ, Lê Đăng Sơn lại khoác ba lô trở về trường đại học học tiếp.
Tốt nghiệp đại học, anh trở thành một giáo viên công tác ở tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định bây giờ) - nơi cuộc chiến vừa đi qua; nơi còn ngổn ngang vết tích chiến tranh với trăm ngàn bộn bề thiếu thốn. Lê Đăng Sơn không ngại ngần, không từ nan. Anh nói: “Đây cũng là một trận tuyến mới - trận tuyến mang con chữ và ánh sáng văn hóa đến với đồng bào và con trẻ hơn hai mươi năm bị đế quốc Mỹ và bọn ngụy quân ngụy quyền giày xéo, đọa đày”. Người lính, người thầy ấy lại xa quê hương vào Nam, trở lại với một trọng trách mới, với mặt trận không tiếng súng; và hồn thơ của người thầy lại vang lên. Anh viết một tập thơ dành cho thế hệ học trò của mình nhan đề “Mùa vũ hội”:
Chị Đào muốn nói điều chi
Gửi hương cho gió thầm thì lâng lâng
Chị Bồ câu đứng tần ngần,
Làm rơi cọng lá trước sân nhà Gà.
Giật mình chị Cải rụng hoa,
Còn anh Gõ Kiến xa nhà bắt sâu.
Chị Cau đánh thức chị Trầu,
Chị Sương thơm xuống mái đầu chị Hoa...
(Bài ca Mặt trời)
Bên cạnh hàng trăm bài thơ ca ngợi quê hương giải phóng, miền Nam trung dũng kiên cường, Lê Đăng Sơn vẫn đau đáu nhớ về đồng đội:
Quên làm sao những trận đánh trong đời
Bàu Bàng, Chơn Thành, Dầu Tiếng
Trung đoàn mình sắc như mũi kiếm
Tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam
Cả tháng trời hành quân gian nan
Cả tháng trời đạn bom không nghỉ
Những thằng bạn phải thành liệt sĩ
Nằm đơn sơ ở những cánh rừng...
Và:
Đồng đội ơi, tháng tư lại đến
Dẫu chẳng gặp nhau nhưng lòng cảm mến
Trong sáng đời mình, năm ấy tháng tư...
(Nhớ đồng đội tháng tư)
Hàng trăm bài thơ anh viết về đồng đội, viết về sự hy sinh vô bờ bến của những người lính Cụ Hồ. Những câu thơ đầy nước mắt:
Đồng đội ơi, tôi chẳng giấu lòng mình
Giọt nước mắt chẳng ghìm rơi xuống mộ
Hương khói nồng nàn quặn trong nỗi nhớ
Chiến trận qua rồi, anh yên nghỉ ở đây
Hàng mộ vô danh nghĩa trang miền Tây
Những người lính nằm đây trong đội ngũ
Ánh mắt thức như nói lời nhắn nhủ
Hãy nghiêng mình ấp ủ trọn tình yêu...
(Khúc bi tráng chiến tranh)
Thơ của người lính Lê Đăng Sơn từ mặt trận trở về, ngồn ngộn ký ức, đau đáu tình yêu thương. Ngòi bút Lê Đăng Sơn như khẩu súng AK luôn nhả đạn vào đầu thù. Những lời thơ của anh lại thức tỉnh bao con tim hãy nhớ về cuộc chiến tranh, nhớ về sự hy sinh mất mát của bao người chiến sĩ mới có ngày hôm nay, phải sống thế nào cho xứng đáng. Ta đọc một bài thơ quặn thắt của anh:
… Chai rượu này mày hãy uống cùng tao
Trời thì cao có trăng sao làm chứng
Chắc chắn là mày không thể đứng
Thì cứ nằm, để tao đổ tràn môi
Tao thương mày, thương tao quá Hùng ơi
Chiến trận miền Đông mùa khô ngày ấy
Tao thì sốt chân tay còn lẩy bẩy
Mày đưa tao chiếc gậy dẫn tao đi…
Và:
… Nghĩa trang về chiều mình tao ngồi đây
Bi đông cũ lại đầy bao nhiêu rượu
Tao biết là mày chẳng bao giờ túng thiếu
Thì hãy uống cùng tao
Những giọt đắng phiêu diêu...
(Chiều uống rượu bên mộ bạn)
Những vần thơ dễ làm người đọc rơi nước mắt. Cuộc tâm tình của Lê Đăng Sơn với một người bạn chiến sĩ đang nằm dưới lòng đất. Sơn kể lại những kỷ niệm ngày bạn còn sống đã cùng cười, cùng khóc, đã nâng đỡ nhau khi hoạn nạn. Bây giờ bạn hy sinh nằm đó nên “Mày cứ để tao đổ tràn môi”, câu thơ đắng đót, đau thương đến tột cùng.
Rồi người thầy Lê Đăng Sơn lại được điều về quê Thanh dạy học ở khoa Văn trường đại học Hồng Đức. Dạy học và làm thơ, thầy Sơn nói: “Muốn dạy người, trồng người trước hết người thầy phải dạy chính mình để mình có được đạo đức, có lương tâm người thầy”. Chính cái ý nghĩ đó đã dẫn đường chỉ lối cho người thầy Lê Đăng Sơn một cách sống hỷ xả, luôn vì mọi trò, mọi người, luôn là tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo. Thầy Sơn nói: “Văn là người, thơ là máu trong tim của người làm thơ tuôn chảy ra. Máu ấy phải đỏ tươi và trong sạch”. Vì thế thơ anh chỉ có một mạch chảy từ tình yêu quê hương, Tổ quốc, yêu con người và mạch sống làm người trong sạch và thanh thản: Mưa bụi/ Tiếng chim rơi/ Chơi vơi cành lá biếc/ Mùa xuân/ Thông điệp xanh/ Nảy lộc đâm chồi/ Những cánh én chơi vơi/ Đi xa bây giờ trở lại/ Nắng vàng hoa cải (Khúc hát xanh).
Rồi thầy giáo Lê Đăng Sơn được điều về làm trưởng phòng văn hóa - văn nghệ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tuyên giáo là một công việc nghiên cứu, tìm hiểu và hướng dẫn mọi người sống và hoạt động theo chủ trương, đường lối của Đảng. Muốn nói để mọi người nghe được, trước hết người đó phải trong sạch và mẫu mực. Lê Đăng Sơn đã có sẵn tố chất ấy. Chất sư phạm trong người nhà giáo Lê Đăng Sơn luôn đỏ tươi, đằm thắm. Trong quãng đời mấy chục năm anh nói và viết toàn những lời tâm huyết. Tâm huyết với Đảng, với dân, với các tầng lớp văn nghệ sĩ. Khi nào anh cũng được yêu mến, tín nhiệm.
Anh đã cho ra mắt bạn đọc 8 tập thơ tâm huyết: Hoài niệm mùa thu - 1991; Hai vòng tròn - 1994; Mùa vũ hội - 1997; Khúc hát xanh - 2012; Nơi chim hạc bay về - 2007; Trái chín còn xanh - 2002; Với thời gian - 2016 và tập thơ cuối cùng Đồng vọng - 2022.
Thơ Lê Đăng Sơn viết về chiến tranh ta như được nghe thấy tiếng đùng đoàng của bom đạn; tiếng khóc thảm thiết của người dân thương tiếc anh giải phóng quân vừa hy sinh; nghe như tiếng ì oạp của người lính trong những cánh đồng lầy miền Đông Nam bộ; lại như tiếng chim hót trong cánh rừng xà nu. Anh không có thời gian để chọn lọc mà cứ trải hết ruột gan mình tràn lên các trang viết.
Thơ về tình yêu của Lê Đăng Sơn cũng không chải chuốt, mượt mà, bay bướm mà nó cứ thẳng tuột như vừa rót rượu từ chai ra chén. Thơ cứ thật thà, thủng thỉnh như con người anh. Có những trang thơ như bài giảng, như những câu chuyện thời sự khi anh đứng trên bục giảng bài, cứ rót vào tai người những phải trái ưu tư, những được mất của cuộc đời.
Những bước chân ngàn dặm của thầy giáo Lê Đăng Sơn đều ghi dấu bằng những bài thơ thầy để lại; thơ thầy am tường về lịch sử đất nước; những tấm gương của cha ông ngàn năm vọng lại bằng thơ; những cảnh quan tươi đẹp của mọi miền đất nước.
Những chặng đường đổi mới của đất nước đều có trong thơ Lê Đăng Sơn và đọng lại nhiều hơn, sâu sắc hơn vẫn là những vần thơ về Thanh Hóa địa linh nhân kiệt.
… Chúng tôi lớn lên trong vang vọng trống đồng
Từ làng cổ Đông Sơn bên dòng sông Mã
Vượt Trường Sơn bao gian nan vất vả
Vẫn hát khúc quân hành thương nhớ cấy sáng trăng...
Người lính, người thầy, nhà thơ Lê Đăng Sơn đã ra đi về cõi trời. Nhưng ông đã để lại cho nhân thế những áng thơ đầy tính nhân văn, một tình yêu đằm thắm, góp vào nền thi ca xứ Thanh những viên gạch tốt để xây lâu đài thơ xứ Thanh mãi sáng trên thi đàn thơ Việt Nam.
Xin nghiêng mình vĩnh biệt một hồn thơ Lê Đăng Sơn.
T.Đ