Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Những khúc ca của yêu thương
Những khúc ca của yêu thương

Hàng chục năm trở lại đây, trên văn đàn và trên các báo chí Trung ương, địa phương, chúng ta thấy xuất hiện cái tên Thy Lan thật quen thuộc, gần gũi. Mới đây những người yêu thơ, được đón nhận tập thơ “Mắt bà ở phía khơi xa”, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành (5-2023). Tập thơ mang một dấu ấn rất riêng: cách viết ân cần, mộc mạc mà tinh tế. Mỗi vần thơ đều là những câu chuyện và hình ảnh đẹp, nhiều câu thơ, bài thơ đã lay thức, ám ảnh tâm trí rất nhiều bạn đọc.
Tập thơ “Mắt bà ở phía khơi xa”, với hơn một trăm bài thơ, trong đó có hai phần ba là thơ thế sự, còn lại là thơ trữ tình. Lời thơ chân thực, giọng thơ lắng lại ngọt ngào, cảm xúc dâng trào khiến tác giả viết những lời thơ thăng hoa như trên đôi cánh lãng mạn: “Ta trao nhau tưng bừng không hối hận/ Men thanh tân và hoa trắng thanh xuân!/ Ta trao nhau trời cao xanh bất tận/ Miên man trôi những giai điệu thánh thần” (Hạt sương và mặt đất). Càng đọc tôi càng ngạc nhiên, thích thú về những hình ảnh táo bạo và cái hay của bài thơ này.
Dường như Thy Lan sinh ra là để viết văn, làm thơ. Nói là mộc mạc, hồn nhiên, nhưng khi cần, thơ của chị cũng nồng nàn, da diết đầy nữ tính, thể hiện khát khao được vươn tới cái đẹp nhân ái, bao dung: “Em cứ tưởng rằng xuân là tươi mãi/ Nhìn mỗi mùa đào thắm lại tàn phai/ Em cứ tưởng đời ấm như ngọn đuốc/ Ai nào hay giông bụi má hồng”. Chất thi sĩ căng tràn dẫn dắt những câu thơ, bài thơ cất cánh. Cảm xúc chân thực, ngôn ngữ thơ giàu mỹ cảm nên rất ám ảnh. Lời thơ tiếp tục khắc họa hình ảnh: “Anh” và “Em”- tình yêu đẹp như mơ. Nhưng dù có mơ mộng bao nhiêu, cuối cùng tác giả biết giấu đi những khao khát, để rồi tự ru mình bằng những thanh âm thánh thiện: “Anh cứ nói rằng em như ánh chớp/ Yêu như mơ và cháy sáng bất ngờ/ Em lại nghĩ tình yêu là biển rộng/ Mênh mông không biết bến bờ!”. Những câu thơ như chép lại một giấc mơ hạnh phúc: “Em đã sống hết mình yêu là vậy đó!/ Xuân bốn mùa tươi mãi tự lòng nhau/ Mỗi bông hoa cháy lên rồi khuất lấp/ Hương còn thơm dù đã bạc mái đầu” (Xuân bốn mùa tươi mãi tự lòng nhau). Đọc thi phẩm này càng thấy rõ hơn lời dặn của tiền nhân: Thơ, trước hết cần phải đẹp. Đừng hỏi thơ đang chạy hay đang đi. Cũng không hẳn thơ đang múa. Thơ như lửa, như rượu, nhưng nó chỉ cháy lên khi có sự đồng điệu của tâm hồn nhà thơ và bạn tri âm…
Có lẽ vì thế, thơ của Thy Lan luôn kết hợp chất thực cuộc sống và ngôn ngữ đa dạng, vừa có tính sáng tạo, không ngừng đổi mới nên thơ chị có nét hiện đại: “Tổ quốc ơi! Xin chào đất mẹ/ Nâng lên tay biết là ruột gan mình/ Đảo xa cách, đảo thành phên giậu/ Đảo thành cung nỏ cuộc trường sinh” (Đảo Mê nơi ấy gọi về).
Sự thông minh trong quan sát và sự tinh tế trong cảm nhận khiến chủ thể trữ tình khắc họa chân dung người mẹ sống động với những âm tiết: “Núi biết cao; biển biết thẳm mình; Tre biết truyền đời…”… để nâng cao tầm vóc người mẹ trước công lý quang vinh: “Tổ quốc ơi, ta sinh ra có mẹ/ Núi biết cao lên, biển biết thẳm mình/ Tre biết truyền đời cho măng mọc thẳng/ Công lý quang minh bật gốc những mưu đồ” (Nơi đầu sóng ngọn gió).
Nhà thơ lắng nghe những mạch ngầm của cuộc sống, chị thấu hiểu được từ sâu thẳm của thời gian. Chị nghe thấy trong từng nhịp thở của cuộc sống trong quá khứ cũng như trong hiện tại sự trường tồn của sức mạnh dân tộc, của linh hồn dân tộc. Đồng thời, điều nhà thơ muốn gửi gắm ở đây là tư thế, trách nhiệm của người giữ biển đảo, khúc nhạc trái tim thơ vẫn vang khúc trầm hùng là thế!
Dù viết văn hay làm thơ, Thy Lan cũng đem đến cho độc giả những âm thanh dịu nhẹ, cái nhìn tinh tế, sâu sắc, đôi khi như là những luận đề nhưng đã cố kết được với chất sống tươi nguyên, có xu hướng nghiêng triết lí đời sống: “Thời gian như trang sách/ Gấp mở những buồn vui/ Thôi hãy làm giọt mắt/ Cho tình yêu xanh rờn” (Điều giản dị). Giọng thơ Thy Lan rất giản dị, câu thơ ngày càng được chăm sóc tỉ mỉ. Tình cảm lứa đôi chín dần trong nỗi thấm thía nội tâm: “Em sẽ đợi anh, sẽ chờ anh/ Như xuân đang độ khúc giao cành/ Tơ non thêm nữa, tơ non mãi/ Mùi dạ đồng chiêm hoang hoải xanh”.
Sự đồng điệu giữa tâm hồn và lòng nhân ái đã đem đến cho thơ Thy Lan một sự bao dung, dâng hiến: “Em như nong mỏng mong ngày cạp/ Ngày nắng đường mây thắt quấn quanh” (Tết ngâu). Sự thấu cảm đạt tới mức độ sâu sắc tri kỷ, thi nhân như hiểu chính lòng mình. Bằng biện pháp tu từ ẩn dụ khiến ngôn ngữ thơ giàu hình tượng: “Tơ non thêm nữa, tơ non mãi…”. Những câu thơ trên, tác giả đưa người đọc vào niềm rạo rực vô cùng, không thể khác được!
Như đã đề cập ở phần trên; tôi xin nhấn mạnh thêm rằng: Thơ Thy Lan luôn mang đến những vẻ đẹp, những mới mẻ bởi ngay từ lúc bắt đầu viết chị đã chọn viết bằng những gì trung thực nhất, bình dị nhất, gần gũi và thuần hậu nhất. Về mặt hình thức, Thy Lan không xa lạ một thể loại nào. Có khi là lục bát, có khi thất ngôn, thơ tự do… Dù ở thể loại nào chị đều viết phóng khoáng: “Anh có nghe thu gõ nhịp sang ngày/ Em hồi hộp giữa sắc trời tím biếc/ Cô đơn, yếu mềm, đắm say, quyết liệt/ Em mận nồng như bông điệp đa đoan” (Thu chín). Rồi một chút “ngả nghiêng”, một chút nồng ấm làm nhân lên cái mơ mộng, nhớ nhung, nhắc nhở: “Ta trao nhau tưng bừng không hối hận/ Men thanh tân và hoa trắng thanh xuân!/ Ta trao nhau trời cao xanh bất tận/ Miên man trôi những giai điệu thánh thần !” (Hạt sương và mặt trời).
Cứ thế, Thy Lan đã “chạm” đến tâm tư nhiều bạn đọc vì chị đánh thức được những kỷ niệm thầm kín bằng hình tượng gợi cảm. Mà len lỏi vào những mạch ngầm cảm xúc, làm sống động giác quan, khơi gợi, chiêm nghiệm và đồng cảm của bạn đọc.
Thông thường, thi sĩ là người đi đến tận cùng của cái đẹp mà mình đã nhìn thấy. Thy Lan cũng không ngoại lệ. Ngôn ngữ thơ giàu hình tượng, người đọc như trải nghiệm cùng nỗi cô đơn và đau cùng nỗi đau của nhân vật. Bài thơ như một câu chuyện kể có chi tiết, tình huống… nhưng lại giàu chất thơ: “Ông đen nhẻm với những ngày nhớ vợ/ Những đêm suông chỉ còn biển với người/ Trời quá rộng cho những gì thương nhớ/ Bão bất thường đỏng đảnh thói rong chơi” (Mắt bà ở phía khơi xa). Một tứ thơ giản dị ngỡ khó giản dị hơn. Những câu thơ bộc trực, chất phác ấy trở nên ám ảnh, cuốn hút hơn. Nếu không có kiến thức uyên thâm, khả năng tinh lọc và khái quát cao thì nhà thơ khó mà chinh phục người đọc. Những câu thơ khái quát đã nhấn mạnh tấm lòng của “Bà” yêu thương “Ông” vô bờ: “Bà thương ông đỏ quạch ngọn đèn dầu/ Xóm ven biển những đêm trời trở gió/ Sóng đánh vào vách đá/ Rát bỏng mắt bà phía xa khơi” (Mắt bà ở phía khơi xa).
Người ta là hoa của đất. Sinh ra và lớn lên tại huyện Nga Sơn, quê hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận để Thy Lan gửi đến bạn đọc lời tự tình quê hương, nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn. Lời thơ Thy Lan chân chất, nhẹ nhàng đi vào lòng người một sự thủy chung với quê hương, đất nước, vốn tiềm ẩn trong kí ức mỗi chúng ta. Chị cảm khái về quê hương với trái tim cộng sản trẻ tuổi với chiều kích cuộc đời đi qua lửa đạn chiến tranh, bừng thức một cảm giác mới lạ. Mới lạ mà vẫn đong đầy thân ái, thương mến về những chiến sỹ cách mạng: “Tôi sinh ra giữa đồng đất Nga Sơn/ Vị chiêm mặn xót trong từng thớ thịt/ Bát cơm độn chan mồ hôi quặn chát/ Tát cạn mùa lam lũ để nuôi nhau”; Thế nhưng, dù khó khăn, gian khổ, những người chiến sỹ cách mạng vẫn trung kiên với Đảng, vẫn sống trọn cuộc đời thảo thơm, khi là mồ hôi có khi là máu phải đổ xuống. Trong tâm thức của mình, hình ảnh: “ông - bà”, những người thân yêu của tác giả, đã sống hết mình với một thời đại hùng vĩ: “Ông bà tôi một đời đi kháng chiến/ Một đời theo Đảng vân vi/ Chân bật móng mấy lần, áo sờn vai cỏ úa/ Lòng không cùng thơm thảo nghĩa nhân!” (Ông nội là nguồn sông). Hình ảnh ông bà trở đi, trở lại trong sáng tác của chị chứng tỏ một tình yêu vô bờ bến, hình như chính là ngọn nguồn trong cảm xúc văn chương của chị. Đọc thơ chị, người đọc như gặp lại tuổi thơ của mình, một thời vất vả nhưng trong sáng, hồn hậu, đáng nhớ.
Đời người, mỗi khúc quanh luôn có những điều đơn giản mà nếu ta bỏ qua sẽ làm nghèo đi tâm hồn của chính mình. Ở đây, người đàn bà, người mẹ và các em bé luôn là một nỗi ám ảnh trong thơ chị, và thơ chị đã vang lên những vần thơ đầy xúc động. “Khi làm mẹ, cây như thêm vòm lá/ Lúc mưa rơi, nắng dội lửa xuống đầu/ Khi làm mẹ bàn chân cần rắn rỏi/ Mệt mỏi lặn vào sâu, ánh mắt hóa vì sao” (Làm mẹ). Phải là người từng lặn ngụp giữa bao thế thái nhân tình, tác giả mới đồng cảm được sâu sắc, tái hiện chân thật được nỗi lòng của người mẹ đến thế! Qua thi phẩm này, ta có thể thấy tình mẹ con ở thời nào cũng vậy đều hiện lên với vẻ đẹp muôn đời không đổi: vất vả, hy sinh, bao dung, nhẫn nại…, cho đến một ngày mẹ không còn nữa thì khoảng trống ấy mãi mãi không thể lấp đầy: “Mẹ ơi thế giới mênh mông/ Mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang/ Vinh quang không bằng có mẹ” (Mẹ tôi - Nhạc và lời Trần Tiến). Nghệ thuật dùng lối nói ví von, so sánh, liên tưởng: “khi làm mẹ cây như thêm vòm lá”, “mưa rơi, lửa trên đầu…”. Cách tiếp cận của Thy Lan, cứ tự nhiên như hạt mưa xuân thấm vào đất để tích nhựa, cho cây nảy lộc đâm chồi. 
Và thế rồi chuyện đời, chuyện tình, chuyện xã hội, chuyện văn chương buộc vào thơ, như những câu chuyện tình ám ảnh, không kém phần lãng mạn: “Về Sầm Sơn đi anh/ Nơi con sóng lặn vào đáy mắt/ Nơi tình yêu thấm vào biển mặn/ Lời sóng tràn vành môi”, để : “Vòng trầm đan thêm/ Vui buồn nếm trải/ Khúc ca xưa/ Lời yêu còn mãi/ Bùa ngải nào cho em nhận lại/ Mùa đông không lạnh đến hai người” (Về Sầm Sơn đi anh). Đến đây ta càng nhận rõ hơn: thơ Thy Lan đa sắc, đa thanh nhưng nhất quán trong phong cách, luôn có sự trải nghiệm, hồn hậu, nhân ái được gửi vào trang đời những gì đẹp nhất. Phong cách ấy của chị, không bị ảnh hưởng của nhiều nhà thơ nữ lớp trước và cùng thời. Chị luôn thể hiện trong lời thơ chân thành, chân thật giàu cảm xúc, làm cho người đọc không chán, không bị khô cứng…
Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của tác giả. Bởi đó là nơi để nhà thơ gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người và về cuộc đời. Dưới con chữ sáng tạo của nhà thơ là biết bao xúc động, biết bao tình yêu trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Bởi cái đích hướng tới của văn chương đâu chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện thực mà qua đó các nhà văn, nhà thơ đều gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với xã hội và con người.
Đọc “Mắt bà ở phía khơi xa”, ta thấy thơ Thy Lan thiên về xúc động trước hiện thực đời sống hay những hoài niệm của bản thân. Thơ chị “chạm” đến tâm tư nhiều người đọc, đánh thức được những kỷ niệm thầm kín bằng hình tượng gợi cảm. “Anh bảo đưa em tới tận trời xa/ Nơi chỉ hai con tim, chúng mình là tất cả!/ Nơi con sóng buổi đầu xô hối hả/ Nơi gieo gặt tình yêu ở phía không lời” (Nơi bắt đầu). Cứ thế, Thy Lan đã thổi hồn vào “con chữ”, làm cho tác phẩm thêm lung linh, sống động và những “con chữ” ấy, lại hiện lên lớp phù sa văn chương màu mỡ để chị tiếp tục thăng hoa trong sáng tạo của mình, góp cho đời những gia vị ngọt trong đời sống văn học hiện nay.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nói thêm rằng: Thy Lan đến với bạn bè văn chương, hay những người “cùng hội cùng thuyền”, bằng sự sẻ chia, giúp đỡ, động viên. Chị luôn cho đi bằng tấm chân tình nên nhận về thật nhiều ấm áp, mến yêu. Đây cũng chính là nguồn năng lượng đẹp cho tâm hồn thi ca của Thy Lan cất cánh.
Cuộc sống cũng như văn chương, vẫn đang diễn ra với biết bao khát vọng sáng tạo. Các nhà văn, nhà thơ vẫn đang lao động miệt mài hết mình đầy thăng hoa và cảm hứng, những tác phẩm văn học vẫn chào đời… Chính sự sáng tạo không ngừng nghỉ đó là điểm tựa chắc chắn để chúng ta có quyền hy vọng nhiều hơn nữa ở Thy Lan; chúc cho chị tiếp tục đạt thứ “nhan sắc” của cảm xúc, với tất cả sự trẻ trung cần thiết, tạo nên những sinh thể văn chương sáng giá. Như chị đã viết: “Tơ non thêm nữa, tơ non mãi…”.
                          

     7-2023
                                                                                    V.G


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 119
 Hôm nay: 935
 Tổng số truy cập: 7665672
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa