Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Trầm hương của góa phụ (Đọc tập thơ Thì thầm của Trịnh Oanh Lan)
Trầm hương của góa phụ (Đọc tập thơ Thì thầm của Trịnh Oanh Lan)

Mỗi lần được đọc những bài thơ, tập thơ của một góa phụ là tôi nghĩ đến cây giấy dó và trầm hương. Rừng có hàng ngàn loài cây, cây nào khi bị vết thương, đặc biệt là những vết thương sâu, thì cũng phải chịu đựng nỗi đau, chống chọi để tồn tại, may ra còn hồi phục và phát triển. Khi vết thương lành thường để lại những cái sẹo không mong muốn. Riêng cây giấy dó, vết sẹo đó lại vô cùng quý giá: trầm hương!
Người phụ nữ nào khi thành lập gia đình cũng mong muốn một mái nhà êm ấm, vợ chồng gắn bó trọn đời, nếu không “bách niên giai lão” thì cũng “đầu bạc răng long”. Chuyện “đứt gánh giữa đường”, bất ngờ người chồng qua đời để lại vợ trẻ là nỗi kinh hoàng lớn nhất đối với người phụ nữ. Nhưng cũng có không ít người phụ nữ trở thành nhà thơ từ nỗi kinh hoàng này. Nguyễn Du từng viết: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”. Nghĩa là lòng có “ngổn ngang trăm mối” thì mới sinh ra “câu tuyệt diệu” được, mà thử hỏi có lòng ai “ngổn ngang trăm mối” bằng người góa phụ, nên họ viết được những câu thơ hay, bài thơ hay và trở thành nhà thơ cũng không có gì lạ. Có thể có người hỏi: đất nước ta qua mấy cuộc chiến tranh, góa phụ có hàng chục vạn, sao nhà thơ nữ lại ít thế? Dễ trả lời thôi: tỷ lệ những người phụ nữ sẵn tâm hồn thi ca so với toàn bộ phụ nữ cũng giống như tỷ lệ những cây giấy dó so với cây rừng. Trầm hiếm và thơ hay cũng như nhà thơ không nhiều vì lẽ đó.
Từ nhỏ tôi đã được nghe rồi thuộc lòng một bài ca truyền khẩu nói về tâm tình của người mẹ góa: “Đêm nằm than thở cùng con/ Thương tình kể nỗi nước non đường dài”... Nội dung bài ru là lời trách duyên trách phận, trẻ trung phải gánh chịu cô đơn, nhớ thương người quá cố và chống chọi với sự tấn công của những người đàn ông để giữ trọn “tiết hạnh khả phong”. Nhìn chung, đó cũng là nội dung chủ yếu trong tác phẩm của các góa phụ ở những tập thơ đầu tay của họ, tuy nhiên thời thế thay đổi, nội dung thơ cũng thay đổi đi nhiều.
Tôi đinh ninh rằng, những bài thơ đầu tiên người phụ nữ sáng tác sau khi trở thành góa phụ là viết về người chồng quá cố với dạt dào nỗi nhớ, niềm thương và bộn bề kỷ niệm. Nhưng thời gian qua đi nhiều năm, có biết bao công việc và mối quan hệ ùa vào đời sống thường nhật, tất nhiên nỗi thương nhớ đó không còn thường trực nữa, mà chỉ xuất hiện trong những ngày đặc biệt như ngày sinh nhật, ngày giỗ của chồng, hoặc có khi đêm vắng tỉnh dậy nghĩ đời mình:
Duyên trời se kết cùng anh
Nửa đường gẫy gánh, em thành đơn côi 
Bao đêm thổn thức bồi hồi 
Nhớ anh đã mấy năm trời không yên…
            (Có nghe)
Bất ngờ đứt một nửa anh
Nửa em đứng lại để thành đơn côi!
Giật mình nhìn bóng mình ngồi
Tưởng như chiếc lá xé đôi trong màn.
            (Tự nhiên lại ước)
Nhớ anh nội ngoại ngậm ngùi
Khói hương chẳng nói hết lời trái tim
Em như sợi chỉ không kim
Mong anh thấu hiểu lòng em tháng ngày.
            (Khấn anh ngày giỗ)        
Nghĩa là người góa phụ dần dà làm quen dần với sự thiếu vắng của người chồng, nhưng nỗi cô đơn thì muôn hình vạn trạng, thường nhật phải đối diện, và cũng là chủ đề quan trọng của tập thơ. Khó mà thống kê hết những khổ thơ diễn tả nỗi cô đơn, trống trải trong “Thì thầm”:
Ngồi buồn đếm giọt chuông chùa
Đếm thanh xuân rụng đếm mùa trăng rơi
Dấu hôn lửa táp vành môi
Cháy năm tháng cũ, cháy lời thương yêu.
            (Đếm giọt chuông chùa)
Xé đêm làm mảnh khăn quàng
Mà đếm vẫn lạnh, lá vàng vẫn bay
Trải yêu làm tấm thảm dày
Trải thương làm gối như ngày bên nhau.
            (Sông mơ)
Quanh ta mùa đông vây bọc
Tìm đâu hơi ấm đêm nay
Lén mở cửa phòng thật khẽ
Sợ chăn gối vạ buồn lây.
            (Vu vơ)
Có bao nỗi lạnh đơn côi
Đêm nay thấm cả vào tôi buốt lòng
Thơ buồn vật vã gối không
Chữ lăn chữ lóc mênh mông nửa giường
Người ơi sao chỉ gió sương…
            (Lời yêu là thật hay đùa)
Đọc những dòng thơ này, ngoài việc liên tưởng tới cái lạnh trong ca dao: “Lạnh lùng thay, láng giềng ơi/ Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều”, tôi chợt nhớ lại một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đầu đề “Dạ hành”, viết về một người đi đêm, có câu “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân”: trên con đường nhỏ, gió lạnh dồn hết vào một người. Còn ở đây, trên chiếc giường rộng, người góa phụ chịu “bao nỗi lạnh đơn côi”! Mà lạnh cô đơn còn đáng sợ hơn gió lạnh, bởi “Lạnh trời còn dứt từng cơn/ Lạnh lòng cứ dữ dội tuôn bốn mùa”!
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều), người lạnh, cảnh cũng lạnh, góa phụ nhìn cây bàng mùa đông mà nghĩ đến thân phận của mình:
Cây bàng một mình góc phố vào đông
Cơn buốt lạnh hăn hắt qua cành lá
Nghiêng hết mình phía nào cũng gió
Lá xạc xào thon thót tiếng xuân rơi.
Nhưng từ cây bàng, trong lòng chị bắt đầu nhen một tia hy vọng: “Mở hết cửa chờ tia nắng mới/ Thắp cạn mình đợi tiếng chân quen” (Đợi).
Thì ra cái gì cũng có giới hạn, kể cả sự cô đơn. Con người có thể chịu đựng đến một mức nào đó, một lúc nào đó, dù chỉ mới trong ý nghĩ, trong tình cảm, họ đã muốn phá bỏ sự giam cầm, nhưng lý trí ngăn họ lại, bắt họ tiếp tục chịu đựng:
Thu tàn mình vẫn không nhau
Heo may trở chứng quất đau nỗi chờ
Gió lay giật cửa khép hờ
Ngỡ tay ai vịn xuống bờ vai sương
Mòn đêm dõi một con đường
Muốn lao ra khỏi chiếu giường để yêu
Một mình cũng cuộn thủy triều
Nhấn chìm đêm bởi những điều khát khao.
            (Không nhau)
Điệp khúc “không nhau” này còn trù mật trong những tiếng “Thì thầm”, qua đó, người đọc đồng cảm với tác giả, thông cảm sự chịu đựng, và cả sự “nổi loạn tức thời” như “Muốn lao ra khỏi chiếu giường để yêu”!
   Trong bài Giặm dân gian “Lời mẹ góa ru con”, sau khi than thở với con về cảnh cô đơn mình phải gánh chịu, người mẹ nói về việc mình phải cư xử như thế nào khi những người đàn ông có tình ý với mình: “Mẹ thấy người ta chờm chợ/ Mẹ thủ tiết lòng son/ Mẹ ngồi lại nuôi con..”. “Chờm chợ” là một từ cổ chỉ chuyện những người đàn ông chọc ghẹo, tán tỉnh… những góa phụ. Người mẹ trong bài dân ca thì “thủ tiết lòng son”, còn tác giả “Thì thầm” thì sao?
Khi có một người đàn ông có tình cảm với chị, ngỏ ý muốn đến thăm nhà, chị đã chối khéo:
Lâu rồi nhà vắng đàn ông
Xin anh đừng trách em không mặn lời
Khách nhà chỉ phụ nữ thôi
Mấy người cùng cảnh ghé chơi tầm phào…
            (Lâu rồi nhà vắng đàn ông)
Đoạn sau của bài thơ là lời giải thích: vì lâu không có khách đàn ông, nên chè thuốc không có để tiếp anh, nhưng thực chất là ngại tiếp đàn ông rồi sinh dị nghị…, mặc dù em cũng muốn có khách như thế! Đọc kỹ bài thơ thì thấy lời từ chối này cũng có ý mở đường cho khách tìm đến, đồng thời “lâu rồi nhà vắng đàn ông” không chỉ nói chuyện mình ở góa đã lâu, mà muốn thông tin cho người khách này biết là mình chưa có khách nam nào đến nhà! Giá như người đàn ông kia không “đọc” được ý đó, rồi đoạn tuyệt ý định tìm đến nhà chị thì sai lầm chẳng kém gì chàng trai trong bài thơ “Em bảo anh đi đi/ Sao anh không đứng lại”!
“Lâu rồi nhà vắng đàn ông” cũng là cánh cửa mở ra những bài thơ tình trong tập này. Đại từ nhân xưng “Anh” xuất hiện nhiều lần trong nhiều bài, ở những hoàn cảnh khác nhau. Có khi đại từ đó chỉ một người cụ thể trong một mối tình cụ thể, nhưng không loại trừ đó chỉ là một chữ “Anh trữ tình” do tác giả nghĩ ra để nói tình cảm, cũng như thái độ của mình trong tình yêu. Bạn đọc không nên cố phân biệt rạch ròi mối tình nào là thật, mối tình nào do hư cấu, tưởng tượng nên, mà nên mừng vì gặp ở đây những câu thơ hay:
Người ơi sao chỉ gió sương
Càng ghì níu chặt càng thương tim mình
Cháy lòng nuôi một chữ tình
Càng nuôi hy vọng càng thành cô đơn
            (Lời yêu là thật hay đùa)
Hay: 
Anh mới nghe gió thoảng mùi hương
Mới nhìn thấy gió lay làn tóc rối
Anh chưa thấy khi gió xô đổ núi
Làm ngả nghiêng lật đắm những con tàu
            (Anh làm sao mua nổi gió dậy thì)
Hoặc:
Anh bảo tình ta như hoa gạo
Khát vọng tình yêu nở rực trời
Nụ hôn bừng cháy hình ngọn lửa
Bông hoa nào cũng trái tim thôi

Lời yêu thuở ấy còn vỗ sóng
Vỡ vào tim em những cánh hồng
Đêm qua em cháy thành hoa gạo
Rơi mảnh ngày xưa bỏng rộp lòng.
            (Hoa gạo)
“Thì thầm” là tập thơ thứ hai của Trịnh Oanh Lan đã xuất bản, nghĩa là chị sáng tác đã nhiều. Vậy nên ngoài chuyện bộc bạch lòng mình trong nỗi cô đơn trong tình yêu, chị còn viết về gia đình, quê hương và xã hội… Ở những bài thơ này, một phần ta thấy được tình cảm của tác giả đối với những người thân trong gia đình, trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, xã hội. Mặc dù về mặt nghệ thuật, phần thơ này không có gì nổi trội, không mượt mà, tinh tế như khi chị tả cảnh mùa thu: 
Gót chiều dào dạt sóng lay
Đã nghe Thu đến ngập đầy lối qua 
Vườn ai lạc mấy tiếng gà 
Khói lam mấy dải vắt qua nắng chiều…
            (Gửi thu)
Chỉ có cây giấy dó mới biến vết thương lòng thành trầm hương, cũng như chỉ có người phụ nữ ủ sẵn tâm hồn thi ca mới biến nỗi đau góa phụ thành thi ca. Tất nhiên số lượng, chất lượng trầm hương sản sinh từ mỗi cây giấy dó khác nhau, cũng như sự khác nhau về thi phẩm của các nhà thơ góa phụ.
Trịnh Oanh Lan viết nhiều thể thơ, nhưng hình như Lục bát là sở trường của chị. Là một người có tâm hồn hướng nội, nên chị viết về chuyện của bản thân mình hay hơn khi viết về người khác. Ngôn ngữ thi ca của chị giản dị, nhưng khá chắt lọc trong thể lục bát. Và, hình như chị là người có cá tính mạnh, có khi quyết liệt, mới tạo ra những câu thơ ấn tượng như “Tiếng thì thầm vỡ ngực phía không nhau” và: 
Anh không đủ can đảm nuôi một ngọn gió đâu
Lồng ngực anh không phải buồng của gió
Chỉ đủ chỗ xếp vài ba lá cỏ
Anh làm sao nuôi nổi gió dậy thì!
Chắc trận “gió dậy thì” ấy đã thổi “Anh” ấy ra xa, còn chúng ta ở lại thưởng thức sản phẩm trầm hương này và chúc mừng sự thành công của chị! 
                            

Hà Nội, tháng 5-2023  
                                VƯƠNG TRỌNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 209
 Hôm nay: 1499
 Tổng số truy cập: 9243666
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa