Đến Quảng Trị, xúc động về mảnh đất đau thương, anh dũng một thời chiến tranh ác liệt, Lê Quang Sinh không cầm được nước mắt, anh đã sáng tác nên bài thơ Nghĩa trang sông mang âm hưởng bi tráng, bi hùng để tưởng nhớ những người chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên quê hương được mệnh danh là vùng đất lửa anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ.
Trong muôn vàn địa danh và cảnh vật, Lê Quang Sinh chọn sông Thạch Hãn làm nền cảnh điển hình cho việc xây dựng hình tượng và khái quát nghệ thuật của bài thơ. Nhà thơ xin được làm người ca hát về sự trong xanh và ca hát về những người anh hùng đã nằm lại dưới lòng sâu mát lành của dòng sông Thạch Hãn:
Nếu một lần tôi được như sông
Được như nước trong hết lòng để vỡ
Được làm lời ru dọc hai triền gió
Chảy dịu dàng giữa tên tuổi tươi xanh.
Chính Quảng Trị là nơi đã diễn ra trận chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt mà ở đó “có trên mười một ngàn người, tức một sư đoàn có thừa quyết tử và đã hy sinh”. Các anh đã nằm lại giữa lòng thị xã không có một nấm mồ nguyên vẹn, các anh bị vùi lấp dưới lòng địa đạo, dưới lòng đất và lòng sông bởi sức cày xới huỷ diệt của khối đạn bom tương đương với bảy quả bom nguyên tử. “Phố cổ, Thành cổ Quảng Trị đồng nghĩa với Hirôsima, Nagasaki hoặc một Bôlônhơ khác của Ý... Khi nước nhà thống nhất, tất cả đều được phát hiện thông qua con đường sản xuất, xây dựng và mọi kế sinh nhai khác của người dân”. Nhưng còn lại biết bao nhiêu liệt sĩ “sẽ vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, chẳng còn có cơ may nào về nghĩa trang an giấc ngàn thu nữa” (Trích bút ký Sông hoa in trong tập bút ký Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay! của Y Thi, Nxb Hội Nhà văn, 2018). Chính sự thật đau lòng này đã làm nhức nhối lương tri nhân loại, lay thức lòng người để họ yêu thương và căm giận.
Lê Quang Sinh đã từ sự thật này để hình thành tứ thơ, hình tượng thơ và ngôn từ thơ cho Nghĩa trang sông. Những con người yêu nước vô danh trong chiến tranh vệ quốc giờ đây cần phải được tôn vinh với danh nghĩa là những anh hùng bất tử. Và tác giả tự nguyện làm một trong những người như thế để xoa dịu nỗi đau:
Những An, những Thành… Bao tên chìm lấp
Nâng giọt nước trong ngàn bóng anh hùng!...
Nếu một lần tôi được như sông
Khỏa lấp lại tiếng gà trưa tháng hạ.
Cũng trong bút ký Sông hoa, nhà văn Y Thi đã cho biết có một nghĩa trang sông nơi Thành cổ Quảng Trị: “Ngoài những khuất lấp trên mặt đất như đã nói, ở Thành cổ vẫn còn có một “nghĩa trang sông” khác. Nơi đó hẳn chúng ta đều biết, có vài ngàn người hy sinh ngay giữa dòng sông lúc vượt sang bờ Nam chiến đấu hoặc lúc chiến đấu bị thương được đưa về tuyến sau rồi hy sinh nằm lại dưới đáy sông, cũng không loại trừ tử thi của các liệt sĩ đã được bó trong tăng võng đưa về tuyến sau”. Để giờ đây, nhân dân Quảng Trị luôn tưởng nhớ họ cùng các loài hoa nở thơm dọc hai bờ sông Thạch Hãn: “Trên những quả đồi bát úp dọc triền sông mọc rất nhiều sim mua tím biếc, bông trang đỏ và nhiều loài hoa dại không tên khác. Đó là những loài hoa mà dân chúng đôi bờ sông Thạch Hãn quê tôi cùng hàng ngàn học sinh tự hái, rồi các chị tiểu thương gom hết hoa ở chợ Thị xã cùng vào cuộc. Một quảng sông từ trên phía cầu Thạch Hãn, chốt cầu Ga qua chợ Quảng Trị, xuống cầu Rì Rì xanh trong, nơi từng nhuốm máu đào các anh trong tám mươi mốt ngày đêm dập dềnh hương hoa… Lại một người khóc và nhiều người khóc, cả một sông Hoa cùng khóc. Ơi các chàng lính trẻ ngày ấy qua sông chưa học hết cấp 3, má hồng phúng phính lông tơ, giọng chưa vỡ òa. Các anh không về để lại ở khúc sông này danh phận dòng sông Hoa. Đâu đó giữa dòng sông các anh có thấy những bờ vai các cô gái trẻ đồng trinh rung lên trong sắc áo dài nữ sinh trong trắng nói với người khuất mặt niềm tiếc thương vô hạn. Đâu đó giữa dòng sông các anh có thấy cái chết của các anh thức tỉnh mạnh mẽ người dân quê tôi tự hoàn thiện lương tri của mình. Hẳn các anh đã mỉm cười nơi dòng sông Hoa ấy!..”.
Trước khi sáng tác bài thơ Nghĩa trang sông, Lê Quang Sinh có lẽ đã đọc và xúc động với bài thơ Đò xuôi Thạch Hãn của Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Từ đó, anh muốn góp một tiếng nói thi ca khác để tôn vinh những chiến sĩ bất tử bằng tình cảm tiếc thương và ngưỡng vọng của một người hậu thế. Nhà thơ muốn đồng hiện/ hoàn nguyên gương mặt các anh trong quan hệ với những người thương yêu nhất - đó là hình ảnh những bà mẹ bao nhiêu năm vẫn ngồi dáng người thượng cổ bên bậu cửa ngóng trông con trong cạn khô nước mắt:
Tôi sẽ hoàn nguyên lại từng khuôn mặt
Hơn mấy chục năm bậu cửa mẹ ngồi
Tôi sẽ hong mau bao nhiêu giọt mắt
Mây trắng mát lành trên mỗi nụ môi!
Nếu nói thơ có khả năng thanh lọc và nhân đạo hóa tâm hồn con người thì những câu thơ trên đã góp phần: “Hong mau bao nhiêu giọt mắt/ Mây trắng mát lành trên mỗi nụ môi!”. Chỉ vậy thôi cũng đã là chân thành và nhân hậu, góp một khúc ru nghĩa tình cho những người mẹ khổ đau.
Các liệt sĩ mãi yên nằm dưới lòng sâu sông Thạch Hãn và đêm đêm sẽ hiện lên từng gương mặt đẹp trên dòng nước dập dềnh để ngắm mây trời và ngắm hai bờ sông xanh thơm mát. Từ cuộc đời cao đẹp và rực rỡ của các anh, dòng sông hoa sẽ thơm mãi bốn mùa, khiến thiên nhiên và con người cũng xôn xao, lay động. Những bông hoa đa sắc màu nhân dân luôn kết thành vòng hoa lửa, thành vòng tròn bất tử dâng tặng các anh mỗi độ xuân về trong sớm tinh sương dọc hai bờ sông nước:
Nghĩa trang không cây chỉ trong màu nước
Ngàn vạn tuổi tên trên sóng dập dềnh…
Người về Thạch Hãn dâng hoa lửa
Sương trời tròn hạt rỏ lặng thinh.
Quả là đầy yêu thương và nhân đạo hóa đối với người đã khuất và cả những người đang sống!
*
Bài thơ triển khai theo mạch tình cảm chân thật và xúc động. Giọng điệu của diễn ngôn đã biến thành giọng điệu nội tâm, thể hiện thành những cung bậc trữ tình: tiếc thương, tự hào và ân nghĩa. Khép lại bài thơ, tưởng vẫn còn nghe những giọt sương rơi khẽ trên mặt nước, thấy những vòng hoa lửa đỏ rực mỗi ban mai để đón chào các anh và đón chào một ngày mới trên quê hương Quảng Trị - nơi ngày xưa các anh đã chiến đấu và gửi lại tuổi hoa niên tuyệt đẹp của mình cho sự sống tươi mới hôm nay. Nghĩa trang sông, nghĩa trang hoa, dòng sông hoa luôn rạng rỡ và bất tử trong lòng nhân dân và Tổ quốc, bất tử trong mắt nhìn nhân loại, làm xao xuyến cả cỏ hoa trên mặt đất, lay động trăng sao trên bầu trời.
HỒ THẾ HÀ