Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Nghệ sĩ Tuyết Chinh với cây đàn violon trên sân khấu xứ Thanh
Nghệ sĩ Tuyết Chinh với cây đàn violon trên sân khấu xứ Thanh

Đôi lần tôi được xem nghệ sĩ Tuyết Chinh độc tấu violon nhạc phẩm “Sơn nữ ca” một sáng tác của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, hay nhạc phẩm “Triệu đóa hồng” một nhạc phẩm của nước Nga..., tôi thấy khán giả trong khán phòng lúc thì rạo rực, lúc thì lặng lẽ với những cung bậc thăng trầm, réo rắt của cây đàn violon… Vì vậy tôi gọi nghệ sĩ Tuyết Chinh là “người truyền lửa” thông qua cây đàn violon cho người yêu âm nhạc xứ Thanh.
Cây đàn violon hay còn gọi là cây đàn vĩ cầm có xuất xứ từ các nước phương Tây nhưng đã trở nên thân thuộc với khán giả xứ Thanh trong nhiều năm qua, đặc biệt tiếng đàn violon của nghệ sĩ Tuyết Chinh đã được rất nhiều chị em văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa yêu mến. Tôi tự hào về chị - người đã có gần 60 năm gắn bó với một loại nhạc cụ được mệnh danh là “Bà chúa trong dàn nhạc giao hưởng”. Mặc dù chị đã từ giã sân khấu chuyên nghiệp trên 10 năm nhưng tiếng đàn của chị vẫn luôn ngân vang, réo rắt trên nhiều sân khấu, trong những cuộc giao lưu văn nghệ, tiếng đàn của chị làm say đắm người nghe, nhất là khi chị thể hiện những nhạc phẩm viết về đất nước Việt Nam và quê hương Thanh Hóa.
Năm 1966, chị Tuyết Chinh trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khi chị mới bước sang tuổi 14. Sau khi nhập trường, căn cứ vào năng khiếu bẩm sinh và điểm thi tuyển, chị được phân công học loại nhạc cụ violon (loại nhạc cụ mà rất nhiều sinh viên khi trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội mơ ước được phân công học loại nhạc cụ này). Nhạc cụ violon là loại nhạc cụ thuộc hệ dây, không phím, chủ yếu thể hiện phần giai điệu chính trong dàn nhạc với nhiều kỹ thuật khác nhau… Vì vậy nhạc công violon phải là người thực sự có năng khiếu, đặc biệt phải có khả năng cảm âm, nhất là khả năng thẩm âm tốt thì mới có thể điều chỉnh chính xác về cao độ âm thanh, trường độ âm nhạc…
Khơi nguồn!
 Nghệ sĩ Tuyết Chinh quê ở Thọ Xuân - một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Chị là nhạc công violon duy nhất của Thanh Hóa được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội từ năm 1970 đến nay. Chị kể, khóa sinh viên nhạc cụ violon 1966 -1970 của Nhạc viện Hà Nội thời đó có 15 sinh viên, thế mà sau khi ra trường không đầy 10 năm thì rơi rụng hết, cho đến nay chỉ còn chị là người đam mê với cây đàn, tiếng đàn đến cùng. Niềm đam mê ấy khơi nguồn từ lần chị theo chân các anh, các chị trong phố Tứ Trụ đi xem Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam biểu diễn phục vụ bộ đội sân bay Sao Vàng (nay là sân bay Thọ Xuân), nhìn các anh, các chị nghệ sĩ biểu diễn đã làm chị mê mẩn, chị mơ ước được trở thành nghệ sĩ violon để phục vụ bộ đội... ước mơ đó của chị cứ lớn dần theo năm tháng... 
Đam mê!
 Trong âm nhạc bác học, piano được xem là “ông vua”, còn violon được xem là “bà chúa” của dàn nhạc, bởi lẽ trong dàn nhạc giao hưởng bộ dây (gồm: violon, sello, contrabass) thì nhạc cụ violon giữ vai trò quan trọng bậc nhất, luôn  thể hiện phần giai điệu chính của tác phẩm với nhiều cung, quãng và kỹ thuật đa dạng mà nhiều nhạc cụ khác không có, như: kỹ thuật Vivace (hoạt bát, sôi nổi, nhanh), Tremolo (vê tiếng đàn), Cadenza (đoạn trổ kỹ thuật, kỹ xảo trong các chương Côngxecto)… Loại nhạc cụ độc đáo này khi về xứ Thanh đã nhanh chóng hòa nhập ăn ý, nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, sáo trúc, đàn tam thập lục… khi thể hiện trong nhạc nền cho múa, trong tổng phổ ca cảnh “Tình rừng” (của nhạc sĩ Lê Yên), “Cánh buồm đỏ” (của nhạc sĩ Ngô Huỳnh), “Mai An Tiêm” (của nhạc sĩ Đỗ Nhuận)… và các ca khúc mang âm hưởng dân ca bản địa: “Hò sông Mã” với giai điệu và tiết tấu khỏe khoắn; các bài hát viết trên âm hưởng dân ca Thái, dân ca Mường, hát ru Tĩnh Gia, các khúc hát trong tổ khúc múa đèn Đông Sơn… đều có độ luyến láy cao. Để thể hiện được nét đặc trưng đó, người nhạc công phải có sự tinh tế, xử lý sự sáng tạo trong quá trình thị tấu, vận dụng các kỹ thuật đặc trưng của cây đàn violon để tạo nên những âm thanh, âm sắc độc đáo là điều cần thiết của người nghệ sĩ. 
Trong những năm 1971-1994, với vai trò là đội trưởng đội nhạc của Đoàn Ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), nghệ sĩ Tuyết Chinh không những làm tốt công tác quản lý mà còn không ngừng phát huy kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn, điều đó được thể hiện rõ nhất khi xem và nghe chị độc tấu nhạc phẩm “Sơn nữ ca” (của nhạc sĩ Trần Hoàn), “Đêm đông” (của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương)… nhiều đoạn nhạc trong tác phẩm chị đã sử dụng kỹ thuật Pulse (nhấn, đập), Tremolo (vê tiếng đàn), Pizzicato (búng dây đàn), Cadenza (biến tấu ngẫu hứng)… tạo nên sự biến hóa hấp dẫn cho người nghe, người xem. Bên cạnh việc sử dụng khá thành thạo kỹ năng, kỹ thuật nhạc cụ violon, mỗi lần ra sân khấu trình diễn nghệ sĩ Tuyết Chinh luôn chú trọng về phong cách, phong thái, biểu đạt, biểu cảm nhạc phẩm để thu hút, truyền lửa cho người nghe, người xem - đó là nét đặc trưng nổi trội của nghệ sĩ Tuyết Chinh so với nhiều nghệ sĩ khác, lần nào xem chị trình diễn tôi đều cảm nhận sự “Truyền lửa” không những về giai điệu, tiết tấu hay nói một cách khác là chị đã chuyển tải được hồn cốt của một tác phẩm mà còn thu hút người xem, người nghe bởi phong cách, phong thái trình diễn của chị. Xem chị trình diễn tôi thoáng nghĩ: “Chị sinh ra ở một vùng quê Tứ Trụ, trong thời kỳ đất nước có chiến tranh mà lại có thể học và sử dụng được nhạc cụ violon thì chắc chắn đó phải là duyên nợ”.
Sự nghiệp!
 Sau khi tốt nghiệp ra trường vào năm 1970, khước từ lời mời của nhiều đoàn văn công danh tiếng thời bấy giờ, chị trở về xứ Thanh yêu dấu. Những ngày tháng khổ luyện đã thay bằng những chuyến rong ruổi cùng đồng chí, đồng nghiệp trên khắp các nẻo đường từ miền xuôi đến miền núi của quê hương Thanh Hóa để biểu diễn cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua lao động, sản xuất và chiến đấu thông qua các bài hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu); “Cô gái vót chông” (của nhạc sĩ Hoàng Hiệp); “Nhạc rừng” (của nhạc sĩ Hoàng Việt); “Tiếng đàn Ta Lư” (của nhạc sĩ Huy Thục); “Quê tôi đây đảo Hòn Mê” (của nhạc sĩ Đức Nhuận); “Thanh Hóa anh hùng” (của nhạc sĩ Hoàng Đạm), “Cây lúa Hàm Rồng” (của nhạc sĩ Đôn Truyền), “Tiếng hát Lốc Toong” (của nhạc sĩ Văn Hòa), “Khúc hát về một kinh thành” (của nhạc sĩ Thanh Nhung),... Những nhạc phẩm đó được hòa quyện giữa âm thanh, giai điệu, giọng ca, tiếng đàn đã trở thành những tác phẩm “đi cùng năm tháng” không thể nào quên của nghệ sĩ violon Tuyết Chinh và các anh, các chị diễn viên, nhạc công Đoàn Ca - Múa Thanh Hóa.
Kể từ năm định mệnh với cây đàn violon - 1966, từ vô thức đến hữu thức chị đã kiên trì học tập, rèn luyện đến khi trở về Đoàn Ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn). Chị đã có những hành trình sự nghiệp đầy gian khó nhưng cũng vô vàn kỷ niệm không quên… Đó là chuyến đi phục vụ bộ đội trên đảo Hòn Mê cùng nhóm xung kích của đoàn Ca múa Thanh Hóa năm 1972. Vào thời gian đó đất nước đang trong cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ, để không bị máy bay địch phát hiện, thuyền chở các anh, các chị nghệ sĩ, diễn viên khởi hành vào 21 giờ đêm, trong lúc mọi người đang trong cơn say sóng “lên bờ, xuống ruộng” thì máy bay địch gầm rú bắn pháo sáng rồi bổ nhào ném bom đánh phá đảo Mê, buộc lòng thuyền đưa đoàn phải tắt đèn mò mẫm giữa biển khơi cho tới gần sáng thì thuyền mới tới đảo. Khi vừa đặt chân lên đảo các nghệ sĩ, diễn viên quên hết mệt mỏi bởi cơn say sóng, bởi trận bom bắn phá của máy bay giặc Mỹ, các anh các chị lại cất cao tiếng đàn, tiếng hát ca ngợi, cổ vũ, động viên tinh thần các chiến sĩ trên đảo. 
Trong những năm tháng chiến tranh, chị không nhớ đã bao lần chị cùng các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn trực tiếp biểu diễn phục vụ chiến sĩ trên các trận địa pháo phòng không: Hàm Rồng, Phà Ghép, Đò Lèn, cầu Hang, cầu Hổ... Những chuyến lưu diễn trên đất Hủa Phăn (Sầm Nưa), Hang Loọng của nước bạn Lào trong các năm 1973 và năm 1974. Mỗi chuyến lưu diễn như vậy, các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn nói chung, cá nhân chị nói riêng chứa chan kỷ niệm, tạo nên những động lực và nguồn cảm hứng bất tận để chị và các nghệ sĩ lấy sự nghiệp biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh làm nguồn vui và sức sống. Chị đã chọn nghề, thủy chung với nghề, lấy tiếng đàn violon xuất xứ từ một vùng đất xa lạ đến với công chúng xứ Thanh là niềm vui của chị.
Giữ lửa!
Sau gần 50 năm đất nước thống nhất và gần 40 năm đất nước thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, mặc dù trong những năm vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đã phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống mai một… nhưng nghệ sĩ Tuyết Chinh vẫn tiếp tục “Truyền lửa” cho người nghe, người xem trên quê hương Thanh Hóa thông qua cây đàn violon trên nhiều sân khấu. Với phương châm “được đàn, được hát là niềm vui”. Đặc biệt gần 20 năm trở lại đây, nghệ sĩ Tuyết Chinh đã cùng với các nghệ sĩ tiền bối của Đoàn Ca - Múa Thanh Hóa và các nghệ sĩ gạo cội trong lĩnh vực nghệ thuật như: NSND Hoàng Hải, cựu ca sĩ Thanh Oai, Uyên Phi, nghệ sĩ múa Kim Chung, Đoàn Thị Huệ, Lê Thị Phương Thảo, nhạc sĩ Thanh Nhung, các doanh nhân: Cty vàng bạc đá quý Kim Chung, Công ty TNHH Sơn Dung, NSƯT violon Công Đại (dàn nhạc giao hưởng Việt Nam), nghệ sĩ violon Ngọc Mỹ (dàn nhạc giao hưởng Việt Nam), nghệ sĩ Piano Ngọc Trâm, Ngô Xuân Tùng, Trịnh Thị Hằng, Dương Tuyết, Đức Minh, nhà thơ Đăng Sương, Lê Hồng Phong… đã lần lượt thành lập các Câu lạc bộ “Chiều tím” (2005), Câu lạc bộ “Hoàng Hôn” (2012), Câu lạc bộ “Cúc Họa Mi” (2018)… Với phương châm “Sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc” hội viên trong câu lạc bộ là những người yêu thơ - ca - nhạc - họa, gặp nhau là đàn, là hát, là ngâm thơ, là nhảy dân vũ… đồng thời nhiều thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên tham gia các show diễn trong tỉnh, ngoài tỉnh, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người xem, người nghe... Trong đó nghệ sĩ violon Tuyết Chinh là hạt nhân nòng cốt. 
Với 71 năm tuổi đời, gần 60 năm tuổi nghề, nghệ sĩ Tuyết Chinh là người phụ nữ không những đảm đang việc nhà mà còn là người ham học, đam mê với nghề nghiệp; là người “Giữ lửa” và “Truyền lửa” cho người yêu âm nhạc xứ Thanh qua cây đàn violon.
                                    

 THY LAN


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 128
 Hôm nay: 6614
 Tổng số truy cập: 7545163
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa