SÁNG TÁC, QUẢNG BÁ TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VỀ ĐỀ TÀI CÁCH MẠNG, GÓP PHẦN GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC Ở TỈNH THANH HÓA
Thanh Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đất và người Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trên quê hương Thanh Hóa, những trận "đụng đầu" quyết tử với giặc Mỹ ở Hàm Rồng, Lạch Trường, Phà Ghép,... khiến hàng trăm tên "giặc trời" kinh hồn, bạt vía trên đất lửa Hàm Rồng, đã trở thành biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ XX của quân và dân Thanh Hóa. Truyền thống đáng tự hào của quê hương là mạch nguồn cảm hứng và chất liệu phong phú để văn nghệ sĩ xứ Thanh tích cực sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) về đề tài cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận", trong thời gian qua, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới", tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, trong đó đề tài cách mạng tiếp tục là dòng mạch chủ đạo.
Hoạt động sáng tác được thực hiện với vai trò chủ đạo là đội ngũ hơn 480 văn nghệ sĩ là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa. Trong 15 năm qua, với tài năng và nhiệt huyết sáng tạo, văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đã sáng tác hàng ngàn tác phẩm về đề tài cách mạng, trong đó nhiều văn nghệ sĩ từng là những người lính, là thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh hoặc là đang công tác trong lực lượng quân đội,... nên hiện thực cuộc sống đã trở thành chất liệu sinh động để tác giả sáng tác ra nhiều tác phẩm VHNT về đề tài cách mạng. Nhiều văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đã say mê sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, được tặng giải thưởng cao của Nhà nước và các ban, bộ ngành Trung ương, như: Nhà văn Kiều Vượng với tiểu thuyết "Vùng trời thủng" (Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2017); Nhạc sĩ Thế Việt với tác phẩm "Tình Bác với quê Thanh" (Giải C về Sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2020); Vở chèo "Đất liền và biển cả" và vở Cải lương "Điều còn lại" đều đạt giải Vở diễn Xuất sắc tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022; tác phẩm "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư" của Họa sĩ Lê Thị Thanh (Giải B toàn quốc Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động),...; nhiều tác giả được tặng Giải thưởng VHNT hằng năm của tỉnh Thanh Hóa, như: Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh với tác phẩm "Đồng đội"; Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm với tác phẩm "Trường ca Ba mươi tháng Tư "; Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh với tác phẩm "Ngày bình thường của chiến tranh"; tác phẩm điện ảnh "Người bệnh binh giàu nghị lực" của Nhà biên kịch Nguyễn Thanh Hải; tập thơ "Hồn trinh nữ" của Nhà văn Viên Lan Anh; vở kịch nói "Vòng tay người lính đảo" của tác giả Vũ Thiêm, ca khúc "Hang Co - Phường ngày ấy không quên" của tác giả Mạnh Thống,... Các tác phẩm VHNT về đề tài cách mạng không dừng lại ở việc tái hiện những hy sinh, mất mát của chiến tranh đầy tính bi thương, khô cứng, mà các tác giả đã tinh tế, khéo léo khai thác hình tượng nghệ thuật, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Song song với hoạt động sáng tác, hoạt động quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề cách mạng được quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, các phương tiện thông tin đại chúng và xuất bản phẩm. Trong thời gian qua, hàng ngàn chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, triển lãm tranh, ảnh, sách, tư liệu,... để tuyên truyền các tác phẩm VHNT về đề tài cách mạng nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của quê hương. Cùng với hoạt động trong tỉnh, trong giai đoạn 2016-2021, nhiều nghệ sĩ đã tích cực tham gia hoạt động quảng bá do các bộ, ngành Trung ương tổ chức, như: Họa sĩ Lê Thị Thanh tham gia Triển lãm “Bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân” do Quân chủng Hải quân tổ chức; 07 tác giả tham gia Triển lãm Mỹ thuật “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh Cách mạng” do Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) chủ trì tổ chức; Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh và Họa sĩ Lê Hải Anh tham gia Triển lãm “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh Cách mạng, giai đoạn 2016-2020” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam,...
Tuy nhiên, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về đề tài cách mạng ở tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định, đó là: Hoạt động sáng tác chưa trải rộng ở nhiều ban chuyên ngành; tác giả sáng tác phần lớn là văn nghệ sĩ cao tuổi, chưa thu hút nhiều tác giả trẻ; hoạt động quảng bá chưa được quan tâm tổ chức thường xuyên, liên tục, mới chỉ tập trung chủ yếu vào các sự kiện kỷ niệm cách mạng; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài cách mạng còn hạn hẹp, chưa thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa,...
Công tác giáo dục truyền thống yêu nước thông qua các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về đề tài cách mạng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thêm hiểu biết, tự hào và trân trọng những giá trị tốt đẹp của các thế hệ ông, cha đã dày công xây đắp, nổi bật là: Lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa; tinh thần đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, can trường, bất khuất; ý chí tự lực, cần cù, sáng tạo; ứng xử nhân ái, nghĩa tình,...
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá thông tin đã, đang và sẽ tác động nhiều chiều đến đời sống văn học, nghệ thuật. Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Nhận thức được giá trị truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước là sức mạnh, là điểm tựa tinh thần quý báu cho các thế hệ người dân Thanh Hóa, nhất là thế hệ trẻ; hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về đề tài cách mạng trong thời gian tới cần tiếp tục được quan tâm thực hiện có hiệu quả, nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến của người Thanh Hóa, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hiện đại và kiểu mẫu như mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã xác định; góp phần xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
NGUYỄN ÁNH TUYẾT