Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Dấu ấn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu văn học miền núi Thanh Hóa
Dấu ấn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu văn học miền núi Thanh Hóa

Hướng tới 50 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (1974-2024), nhìn từ không gian văn học xứ Thanh hiện đại trong 50 năm trở lại đây, văn học miền núi Thanh Hóa không ngừng phát triển. Nó đã bổ sung vào diện mạo, đặc điểm văn học hiện đại Thanh Hóa và làm tròn nghĩa vụ cầm bút của các nhà văn người dân tộc thiểu số Thanh Hóa.
Những gương mặt tiêu biểu đầu tiên để lại dấu ấn trên văn đàn phải kể đến Vương Anh. Ông là nhà văn đóng góp nhiều tác phẩm văn học cho xứ Thanh trên diễn đàn văn học cả nước. Ông đã dịch thiên sử thi “Đẻ đất đẻ nước” ra tiếng Việt. Vương Anh có năng khiếu văn chương từ ngày còn rất trẻ. Năm 17 tuổi học Trung cấp Sư phạm, Vương Anh đã có truyện dài đầu tay “Khăn tay tặng người yêu”. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam khá sớm. Ông có tác phẩm đạt giải của Tuần báo Văn nghệ từ năm 1969 gồm 4 tác phẩm: “Hoa trong Mường”, “Tình còn tình chiêng”, “Theo những dấu chân”, “Một đoạn đường ta qua”. Tác phẩm thơ tiêu biểu của Vương Anh có Trường ca “Sao chóp núi” viết trước các tác phẩm thơ đạt giải trên Báo Văn nghệ. Tuy nhiên “Sao chóp núi” (1968) chưa thể khẳng định thành tựu nổi nhất của Vương Anh vì chưa có tiếng vang trong lòng độc giả. Với lòng đam mê và chịu khó học hỏi sáng tạo thơ, Vương Anh được các nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng như Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nông Quốc Chấn góp ý về thi pháp thơ trong quá trình sáng tác, từ đó ông đã có bước chuyển mạnh mẽ, cho ra đời nhiều thi phẩm hay. Giọng thơ Vương Anh sôi nổi, đằm thắm, dẫu nội dung có bề bộn nhưng cứ ánh lên chất nhạc vang xa với những thanh âm trầm bổng: Boong, boòng, boòng boong! Phùng khuôm, phùng khuôm! Nhớ chiêng em cầm/ Nhớ cồng em mang. Dùi bọc da nai/ Gõ sang/ Dùi mang da hươu/ Gõ tới/ Nhớ… ơ, nhớ lũ trai bộ đội!
Thơ Vương Anh nổi bật nhất là không khí sử thi. Ông đã vận dụng chất Mường vào từng câu thơ để làm sáng lên hồn Mường. Tính âm hưởng cổ xưa vang lên vọng âm quá khứ thường ẩn chứa trong thơ. Ông có tài sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh gợi tình sâu lắng. Được sinh ra và lớn lên từ núi rừng, thơ Vương Anh có tiếng nói thầm thì, gợi được hồn cốt quê hương, gợi được dấu ấn văn hóa đi qua bao dấu mòn lịch sử: Suốt thời trai săn đuổi giữ cồng chiêng/ Khi bắt gặp giàn ba mươi chín chiếc/ Có thể tóc đã chen bông cỏ bấc/ Ngoảnh tìm ai chênh vếch ngọn Vọng Phu!/ Cuồn cuộn bàn tay vỗ tạc khuôn cồng/ Tiếng ngân vọng thác ghềnh khoe nhịp thở/ Đi chưa cạn mùa đông, lại mùa xuân gõ cửa/ Tìm cồng chiêng gìn giữ vạn nghìn năm (Đi tìm cồng chiêng - Vương Anh).
Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến năm 2008 nhà thơ Vương Anh đã ra liên tiếp nhiều tập thơ. Đó là các tập: Rượu mặn (1993), Lá Đắng (1996), Một thoáng Hủa Phăn (1996), Hoa ban tím (2000), Tình Viên Chăn (2000), Trăng cài then (2001), Sương mơ Tà kóm (2002), trường ca Hồn chiêng gánh núi (2008). Đây cũng là những sáng tác khẳng định tầm vóc thơ của ông được định vị trong làng thơ xứ Thanh cũng như trong dòng chảy văn học nước nhà. 
Thơ Vương Anh biểu lộ cái tôi trữ tình trong cái ta rộng lớn. Đó là bản Mường xinh đẹp, là những cô gái Mường dịu dàng nết na, thuần khiết, là những lời hẹn vào những đêm trăng sáng của đôi lứa yêu nhau, là những lần đưa tiễn người con trai vào trận tuyến chống Mỹ của những cô gái đang tuổi trăng tròn. Đặc biệt nhất trong mảng thơ viết về cội nguồn văn hóa, ông đã có những câu thơ khắc vào danh tích tạo dấu ấn không mờ. “Hàm Rồng núi uốn vẽ tranh/ Chín mươi chín ngọn tung hoành rồng bay/ Ngày xưa truyền mãi hôm nay/ Đường lên núi vẫn đắm say cõi tình” (Đường lên núi - Vương Anh). Thơ Vương Anh đậm chất tinh thần, có nhiều bài mang tính triết học. Ba trường ca của Vương Anh viết về chính dân tộc mình được phủ bóng bằng chủ đề khá lôi cuốn. Tất cả đã vươn tầm, chạm đến mạch nguồn sức sống để thơ tỏa sóng.
Riêng lĩnh vực văn xuôi, Vương Anh là tác giả miền núi của Thanh Hóa có nhiều tác phẩm khẳng định năng lượng viết đa năng về đề tài miền núi. Các tác phẩm đã xuất bản: Vườn tía lạc vào cổ tích (Đồng thoại - 1990); Chuyện lạ ở xóm Gà Lôi (Đồng thoại - 2000); Ngỗng Ngoàng hóa đá (Đồng thoại - 1999); Lên trời lấy lửa (Đồng thoại - 1997); Lòng thung (Truyện ký in chung - 1973); Núi khát (Tiểu thuyết - 1971)…
Truyện ngắn Vương Anh mang nét đặc trưng, tính cách đẹp đẽ, hồn hậu của con người miền núi. Vừa chân chất, vừa giản dị, đậm chất folk-lore, mà không kém phần hiện đại. Vượt lên thời gian, Vương Anh đã không quản khó khăn, ông dồn tâm sức cho nhiều tác phẩm tâm huyết. Người yêu văn chương cảm nhận được ở ông tính kiên trì, bền bỉ. Ngoài viết tác phẩm về thời kỳ đổi mới, ông vẫn giành cả một mảng văn xuôi bề thế để khai thác vốn văn hóa Mường bằng những tác phẩm dịch tiếng Mường ra tiếng Kinh như: “Đẻ đất đẻ nước”, “Mo sử thi dân tộc Mường” và sưu tầm biên soạn nhiều truyện cổ dân gian khác. Ông là nhà văn xứ Thanh có nhiều cống hiến cho văn học nước nhà nói chung, văn học Thanh Hóa nói riêng. Từ những thành tựu trong cuộc đời sự nghiệp văn học, nhà thơ Vương Anh đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017 với tác phẩm Xường cài hoa dân tộc Mường.
Nghiên cứu văn hóa Mường, ngoài nhà thơ Vương Anh, người Thanh Hóa và giới yêu văn chương không quên nhắc đến Cao Sơn Hải, một nhà giáo, một nhà thơ, một nhà văn và đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông sinh ra ở huyện miền núi Cẩm Thủy, đã dành cả một đời để tập hợp, sưu tầm, biên soạn nhiều sách viết về nét đẹp văn hóa, văn học dân tộc Mường.
Cao Sơn Hải là nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian xứ Thanh. Sau khi rời chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh ủy về nghỉ hưu, ông đã giành toàn bộ tâm huyết cho văn học miền núi. Đến nay, nhà thơ Cao Sơn Hải đã có 25 tác phẩm, trong đó có 11 tập thơ và 14 tập nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian. Trong dòng chảy Văn học hiện đại, ông như con ong cần mẫn hút nhụy tinh túy những bông hoa rừng để kết thành tác phẩm văn học mang hương sắc bản Mường xinh đẹp. Thật rực rỡ, khi những năm tháng ông miệt mài bên trang sách là những năm tháng mà ông đã cho ra nhiều tập thơ có giá trị. Trong thơ ông, người đọc chú ý nhất là tác phẩm Tháng năm dịu ngọt (1996), Hoa bông trăng (1999), Trên cánh nương xa (2005), Thương nhớ tiếng chim (2012). Gần đây, ông đã xuất bản tiếp tập thơ Giọt nắng chiều và tập thơ Chọn lọc. Nhiều tác phẩm của Cao Sơn Hải đã thể hiện sự tinh tế trong tư duy nghệ thuật. Từ đây, những câu chuyện của hiện thực đời sống, của lòng người, những nỗi niềm nhân sinh thế sự, vui buồn, tốt xấu, cứ lẳng lặng đi dần vào tâm thức người đọc qua những vần thơ da diết hoài vọng. Những câu chuyện lịch sử đến những khúc cua thu nhỏ được tạo nên sắc thái riêng biệt trong thơ Cao Sơn Hải. Mỗi tác phẩm của ông, dù thơ hay văn xuôi, cứ thấm dần vào cõi người, mang nét đẹp trong tâm hồn người dân vùng sơn cước. Ông có ý tưởng như nhà thơ Vương Anh, với cái tâm của người nghệ sĩ, Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải đã giới thiệu nền văn hóa của dân tộc mình ra cả nước, xem đó là viên ngọc của chung, là niềm tự hào của người dân miền núi Thanh Hóa. Sự nghiệp văn học của nhà nghiên cứu, nhà thơ Cao Sơn Hải trong mấy chục năm qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng của Hội Văn học dân gian Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước danh giá về VHNT cho 3 tác phẩm: “Những bài ca đám cưới Mường Thanh Hóa”, “Lễ Pồn Pôông Eng cháng” (song ngữ), Truyện thơ “Nàng Út lót - Đạo Hồi Liêu” (Tình ca dân tộc Mường - song ngữ). Hiện nay ông đang làm bản thảo hai cuốn sách chữ Mường và Từ điển Mường.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải xứng đáng như ngọn núi cao trong lòng người dân tộc thiểu số Thanh Hóa. Văn chương do ông nghiên cứu và viết hàng ngày vẫn bung tỏa như dòng suối trong mát ngày đêm vẫn chảy. Và những dòng nước tinh khiết ấy, cứ chảy dần qua miền văn hóa đặc sắc bản địa, để rồi tạo nên dấu ấn một vùng núi Thanh Hóa lung linh tươi đẹp.
Đi dọc miền Tây Thanh Hóa, đất và người nơi đây như một nhà văn có tiếng đã từng nói: Đến vùng đất này đã thấy ánh lên chất thi ca nhạc họa lấp lánh chạy dài cho đến vùng biên. Thơ ca miền núi có dấu ấn của nhiều nhà thơ gắn bó với thi ca từ ngày còn trẻ đã được nhiều độc giả biết đến. Sẽ là thiếu sót, nếu như không nói đến nhà thơ Bùi Nhị Lê, một nhà thơ người dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy. Ông là lớp người có ngay từ những ngày đầu kết nạp vào Hội VHNT Thanh Hóa năm 1974, có nhiều tập thơ được xuất bản như: Gương suối (1976), Hát quanh bếp lửa (1996), Ru bước chân mình (2021). Và một số bài thơ tiêu biểu được nhiều người biết đến gần đây như: Làm mặc, Đón khách quí, Lợn cỏ, Nhìn dáng cây nghĩ về chiến sĩ...
Về văn xuôi, ông đã có một số tác phẩm nghiên cứu văn nghệ dân gian (viết chung). Đáng chú ý Bùi Nhị Lê có một số tác phẩm viết cho văn học thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Năm 2020 ông in Tổng tập văn học thiếu nhi, được tặng thưởng giải A của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Giải Nhì cuộc thi thơ cuối thế kỷ, Giải B Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, giải A VHNT cho tập thơ “Ru bước chân mình” năm 2022. 
Tiếp đến là nhà thơ Bùi Kim Quy, quê Thạch Thành, người dân tộc Mường, từ năm 1996 đến năm 2002 ông đã xuất bản 5 tập thơ. Ông có 3 tác phẩm đạt giải từ Khuyến khích đến giải B (Lê Thánh Tông).
Nhà thơ Trương Thị Mầu, là bác sĩ nhưng sự nghiệp thi ca đã gắn bó với chị như một cái duyên. Thơ chị đằm thắm, đáng yêu nhất là những vần thơ viết về tình yêu nghề, yêu người, yêu quê hương đất nước. Thơ chị có nét riêng, vừa giản dị chân thành, vừa mộc mạc suy tư, như cây rừng biết hát. Với Bá Thước quê chị là nguồn thi liệu được thốt ra từ con tim nói lên tất cả thế mạnh của nhà thơ Trương Thị Mầu. Tác phẩm đã xuất bản gồm có các tập thơ: Nghiêng, Bóng núi, Mùa dậy sấm, Người dưng, Níu bóng nhà sàn. Trong đó có các bài thơ được nhiều người tâm huyết đọc, đó là: Níu bóng nhà sàn, Bà nội tôi, Chòm măng, Mường Ống. Chị đã đạt giải Khuyến khích Hội VHNT các Dân tộc thiểu số cho tập thơ Người Dưng.
Viết về đề tài miền núi, nhà thơ Phạm Tiến Triều đã cho ta một sắc diện mới về thơ anh. Thơ anh có thổn thức nồng nàn của cô gái trẻ thức dậy trước nắng mai, hay nép sau “mùa bông trăng” để tìm một lối thu về trong tâm thức rạo rực của “Bùa lá” tươi non. Xa hơn, khi nhìn về một miền ký ức của quê hương, nơi bản làng ẩn trong những làn sương sớm, vẫn âm vang những câu xường, vọng tiếng sáo cùng trăng hò hẹn. Thơ Phạm Tiến Triều có âm hưởng dư ba, cồn cào nỗi nhớ. Nhất là giọng điệu, ngôn ngữ, nảy mầm xanh biếc, làm cho người đọc yêu đến lạ lùng. Vì con chữ anh dùng cho thơ, bao giờ cũng trung thành với sắc thái đậm chất trữ tình xen tự sự. Có nhiều bài thơ anh viết theo thể tự do, thể hiện hàm ý bộc lộ cảm xúc sâu sắc của lòng mình trước thế sự. Với anh, mảng màu trong hiện thực đời sống văn học luôn thường trực trong suy nghĩ của mình để rồi chắt lọc và tinh luyện ngôn từ, tạo nên chất thơ hay.
Đường thơ của Phạm Tiến Triều còn rộng dài lắm, bởi anh viết với tâm thế từ những câu thơ phải có sự chọn lọc tinh tế trong điểm nhìn và cách sử dụng ngôn ngữ tinh lọc nhất. Tính từ năm 2002 đến năm 2020 Phạm Tiến Triều đã xuất bản 5 tập thơ gồm: Thơ tình gửi mùa đông (2002), Ta là người của núi (2014), Mùa bông trăng (2016), Thơ tuyển chọn, Người Mường Trại (2019), Bùa lá (2020). Với 5 tập ấy, càng chứng minh cho con đường dấn thân vào sự nghiệp thi ca của Phạm Tiến Triều nhiều năng lượng. Anh sinh 1979, dẫu tuổi đời còn trẻ so với lớp nhà thơ thế hệ đi trước, nhưng đọc thơ Phạm Tiến Triều ta thấy có độ vững chắc về thi pháp. Cao hơn là thơ rất có hồn, bởi thơ anh có chất riêng. Cái hay và quí là chỗ ấy. Đôi khi không dừng lại ở một điểm mà còn mở rộng đường biên, nâng  giá trị văn hóa lên tầm khái quát. Điều cốt lõi là luôn giữ được giá trị trong nội hàm của những câu thơ có tính nhân văn và ưu việt.
Có khi lòng người gặp gỡ, tụ về, giao cảm qua những bài thơ đi theo năm tháng, rồi cũng chính những bài thơ hay làm ta thêm gắn bó với mảnh đất quê hương. Nhà thơ Cao Nguyên Quyền đã mang đến cho người đọc những trạng thái, cảm xúc đầy đặn như thế. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ ông có nhựa sống căng đầy, thao thức một vùng quê đậm chất Mường. Đọc thơ ông dễ nhớ, bởi âm vần nhuần nhuyễn, tứ hay, từ bố cục đến ngôn ngữ giọng điệu được chọn lọc tinh tế. Bài thơ: Chiều chạm về vùng xưa đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội là những lời thơ hóa nhạc. Tôi có cảm giác thi sĩ Cao Nguyên Quyền là một nhà thơ già dặn trong nghệ thuật sáng tác. Ngôn ngữ thơ ông chạm đỉnh một vùng rừng núi non xanh, để rồi tìm về cái mong mỏi của một đời người luôn ấp ủ khát khao tìm đến: Lặng một hoàng hôn, chiếc thuyền dẫn về xanh rừng trong nước/ Thung Nham thẳm đầy miên man, ngực thức, nắng vuột qua ngày… Những câu thơ cứ tự nhiên như thế không quên sà xuống đánh thức cảm xúc trỗi dậy đưa Cao Nguyên Quyền tìm đến thế giới của tự nhiên vừa thực vừa mơ. “Những bãi bồi gối nhau thành cõi/ Em chỉ nhìn mà bồi đắp lòng ta”. Đặc biệt, thơ Cao Nguyên Quyền không bó hẹp trong vần điệu. Khi cảm xúc bung tỏa, thơ ông cứ thế mà bay, đem theo giá trị của một nhà thơ yêu đạo lý, nghĩa tình. Đọc tập thơ Riêu sương Cẩm Thủy càng quý ông hơn ở tấm lòng luôn khát khao và gắn bó với hồn Mường, với những gì mà giá trị văn hóa bao đời của ông cha để lại. Tôi cho rằng những trang thơ đầy tình của Cao Nguyên Quyền hiện đã hoàn toàn thuyết phục được người đọc. Ông xứng đáng được xướng tên trên thi đàn văn học Việt Nam hiện nay.
    Cùng với các nhà thơ nêu trên, nhà thơ Phạm Kim Khánh lại có giọng điệu khác hơn đôi chút. Ở thơ Kim Khánh có chất của hồn Mường được gọi về từ quá khứ để làm đẹp thêm vẻ đẹp cho thơ, mang chất thơ tự do hiện đại. Kim Khánh đã có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Trong đó có bài thơ “Lời trai bản” được nhạc sĩ Ngọc Khuê phổ nhạc. Bài thơ có dấu hiệu nghệ thuật đáng được chú ý, ở đầu bài thơ có những câu thơ rất gợi. Vừa thật vừa yêu. Một cách nói mộc mạc như bản chất của người thiếu nữ đang độ xuân thì thường biểu lộ trong một cách nói mang đặc trưng của người Mường không trộn lẫn với riêng ai. “Về với anh nhé, em nhé…” đã được nhạc sĩ Ngọc khuê thổi hồn bằng chất nhạc du dương, tạo nên một lát cắt, cho ra một cảm xúc gợi nhớ dễ thương, đồng thời tạo đà cho lời thơ phát triển thành cao trào của một ca khúc hay. Khai thác về thơ Kim Khánh, nếu nhìn từ phương diện thi pháp học để khám phá, soi rọi tìm ra cái hay, cái đẹp, có lẽ cần phải đọc kỹ và dùng phương pháp so sánh với một số nhà thơ khác sẽ thấy thơ Kim Khánh có dáng nét của một nhà thơ nữ người Mường khá vững chắc trên con đường sáng tạo. Kim Khánh đã bắt đầu xuất bản từ năm 2014 đến năm 2021 có 4 tập thơ ra đời. Tác phẩm gồm: Vườn tháng giêng (2014), Hai ngọn gió (2016), Cõi vọng (2018), Mùa lá (2021). 
Phạm Tú Anh một nhà thơ xinh xắn và thông minh. Chị sinh ra tại đất Mường. Thơ của Tú Anh dễ thương, đọc rồi cứ muốn níu ta đọc lại, để rồi ngẫm nghĩ từ câu chữ trong thơ Tú Anh đậm hồn Mường tha thiết. Chị có tập thơ Bùa trời. Dường như nghe tên tập thơ đã lôi cuốn sự tò mò. Phải chăng, tên tập thơ đã có gì đậm sắc thái gợi cho người đọc thích thú muốn tìm kiếm cái lạ trong thơ chị. Bên cạnh nhan sắc, tôi thích Phạm Tú Anh vì có nhiều bài thơ hay lôi cuốn. Hay ở câu chữ như những câu xường giăng mắc vào thơ, làm bật lên thi ảnh xanh mướt của bóng núi, của tiếng chim thao thức gọi đàn, của dòng suối róc rách như tiếng đàn cất lên trong đêm trăng chờ bạn. Thật là rung động khi thơ Tú Anh cất giọng: Đường em đi sương giăng mặn lối/ Điệu pồn pông lẻ bước anh, em tội…/ Lửa cháy trong mắt nhau thành giông bão tơi bời/ Vò rượu say bao người/ Cồng chiêng vui bao người/ Chỉ hai ta giấu mặt vào khói cay mà khóc/ Con chim chèo pheo bên đồi rí rức/ Vẫn gọi tên anh như mấy mùa lỡ hội/ Lỡ nhịp xường yêu lần cuối/ Ngày vơi (Gỡ lời bùa ngải)
Người xưa nói văn là người. Quá đúng, thơ Tú Anh đã nói hộ bao người những nét đồng cảm mãi nhớ bâng khuâng.
Dù có đi đâu vẫn nhắc nhở nhau về/ Thơm bao nhiêu mới qua hết một phận người/ Mẹ nấu nước cho khói lên hương để thỏa thuê cơn nhớ/ Biết rồi thương để tận đến mùa sau (Hoa vườn cũ).
Trong số các nhà thơ người dân tộc thiểu số Thanh Hóa, còn có một số nhà thơ trẻ hơn như Bùi Xuân Tứ, Lâu Văn Mua. Tuy các tác giả này mới chỉ dừng lại ở tập thơ xuất bản đầu tay nhưng cũng đã thể hiện được sự phát triển trong tương lai với một số bài thơ đáng được chú ý. Bùi Xuân Tứ có tác phẩm Lời ru trên đá. Lâu Văn Mua có tác phẩm Tôi bay vào mắt em. Dẫu sao, hai nhà thơ này cũng là sự bổ sung cần thiết để tăng thêm lực lượng sáng tác trẻ trên địa bàn vùng cao Thanh Hóa. Văn học miền núi Thanh Hóa còn có một nhà thơ dân tộc Thái là Hà Văn Thương. Sự nghiệp thơ ca cũng như nghiên cứu văn học dân gian của ông được nhiều bạn đọc chú ý. Ông có bài thơ “Chữ Thái cổ trong tôi” hiện rõ tấc lòng của một người luôn hoài cổ và mong muốn gìn giữ vốn văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Hình như, bấy lâu ông vẫn giữ tấm lòng vời vợi, như mong ước một điều gì đó, để tìm về giá trị văn hóa nguồn cội.
Về văn học miền núi Thanh Hóa, có một Hà Thị Cẩm Anh. Nếu nói Vương Anh là nhà thơ xuất sắc người xứ Mường quê Thanh in dấu ấn nổi bật trên thi đàn văn học cả nước, thì Hà Thị Cẩm Anh là nhà văn người dân tộc Mường đã khẳng định được chỗ đứng trên văn đàn Thanh Hóa. Chị đã có nhiều tác phẩm đạt giải của tỉnh và có 3 giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, 8 giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhiều giải thưởng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
 Hà Thị Cẩm Anh là người khắc họa bức tranh hồn Mường bằng lối viết nhiều sáng tạo. Chị đã khai thác nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Mặc dù không ồn ào, gây “hót” trên văn đàn như Cầm Giang, Nguyễn Huy Thiệp, Y Phương… nhưng cứ lặng lẽ thấm dần vào đất, để rồi bật lên chất mường trong trẻo khát khao, hướng đến giá trị thẩm mỹ, lay thức bao người. Trong các thao tác nghề viết, chị là người có ý thức xây dựng nhân vật để làm sống dậy nét đẹp cuộc sống, văn hóa được kết tinh từ xa xưa mà cha ông để lại. Chị có thế mạnh viết truyện ngắn. Truyện ngắn: Cưới chạy, Trăng rằm, Nước mắt đỏ, Con tấc, Một nửa người đàn bà, Của hồi môn, Cuộc đời bị đánh cắp, Đối thoại với sự bất tử, Giải vía… là những truyện hay. Thế giới nghệ thuật mà chị tạo dựng trong tác phẩm của mình, người đọc có thể tìm thấy tính cách người Mường ở mỗi câu chuyện, mỗi lời thoại. Với tiểu thuyết, chị là người dân tộc miền núi Thanh Hóa đi tiên phong trong sáng tác tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Tiểu thuyết “Lửa Đỏ”, Hà Thị Cẩm Anh không quên men theo con đường ấy để sáng tạo nghệ thuật thành công. Chị xứng đáng là một trong những nhà văn Thanh Hóa tiêu biểu góp hồn mình vào bức tranh văn học miền núi Thanh Hóa không ngừng tỏa sáng.
Có thể nói, văn học miền núi Thanh Hóa thời kỳ hiện đại, trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, đã không ngừng tiến bộ trên con đường hội nhập với văn học miền núi cả nước. Dẫu vẫn còn một số tác giả viết dễ dãi, câu từ chọn lọc chưa tinh tế, nhất là thơ, chưa đa dạng các chủ đề. Song về cơ bản, xứng đáng được ghi nhận những thành tựu đạt được đối với nền văn học hiện đại tỉnh nhà. Chắc chắn, nó sẽ tiếp tục không ngừng bồi tụ, vun đắp những hạt phù sa văn chương để văn học Thanh Hóa ngày càng xanh tươi kết trái. 
                                

TRỊNH VĨNH ĐỨC


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 1176
 Tổng số truy cập: 7548997
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa