Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   NỬA THẾ KỶ DẤU ẤN NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT XỨ THANH
NỬA THẾ KỶ DẤU ẤN NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT XỨ THANH

NỬA THẾ KỶ DẤU ẤN NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT XỨ THANH

Họa sĩ PHẠM DUY PHƯƠNG
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa

Cách đây hơn nửa thế kỷ, thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa, ngày 06 tháng 12 năm 1969 Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 15H TG/UBTH cho phép thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh gọi tắt là Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Để hiện thực hóa Quyết định này, Ban Vận động thành lập Hội được thành lập với 7 thành viên:
- 01 Trưởng ban: 
+ Ông Võ Quyết - Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh.
- 03 Phó ban gồm: 
+ Ông Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ty Văn hóa.
+ Ông Hà Khang - Nhà sáng tác kịch bản.
+ Ông Minh Hiệu - Trưởng phòng Văn nghệ dân gian.
- 03 Ủy viên gồm: 
+ Ông Mai Ngọc Thanh - Trưởng phòng văn thơ Ty Văn hóa.
+ Bà Thanh Hương - Phó đoàn chèo Ty Văn hóa.
+ Ông Phạm Vương Túc (Vương Anh) - Cán bộ Ty Văn hóa.
Trải qua 5 năm hoạt động tích cực, đầy nhiệt huyết của Ban Vận động, ngày 27 tháng 6 năm 1974, Đại hội lần thứ nhất, Hội VHNT Thanh Hóa đã được tiến hành tại Thị xã Thanh Hóa (nay là Thành phố Thanh Hóa), với sự tham dự của 92 hội viên thuộc các chuyên ngành: Văn, Thơ, Sân khấu, Nhạc, Mỹ thuật, Lý luận - Phê bình và Văn nghệ dân gian. Qua 3 ngày làm việc Đại hội đã bầu ra BCH gồm 21 thành viên, đại diện cho 7 chuyên ngành đầu tiên của Hội. Tại kỳ họp lần thứ nhất, BCH đã bầu ra Ban Thường vụ Hội gồm: 
- Chủ tịch: Ông Võ Quyết.
- 03 Phó Chủ tịch gồm các ông: Hà Khang, Nguyễn Văn Nhã, Minh Hiệu.
- Tổng Thư ký: Ông Mai Ngọc Thanh.
- 02 Ủy viên gồm các ông: Vương Anh, Lê Quỳ.
Hội VHNT Thanh Hóa ra đời là sự kiện chính trị, văn hóa thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đồng thời, chúng ta cũng không quên ghi nhớ công lao to lớn, những đóng góp tâm huyết, đầy hiệu quả của Ban Vận động thành lập Hội. Nhắc đến tên họ lúc này cũng là dịp chúng ta được nói lời tri ân đến tất cả các vị tiền bối đã có công xây dựng làm nên diện mạo Hội VHNT Thanh Hóa hôm nay.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hội VHNT Thanh Hóa không ngừng phát huy truyền thống Văn hóa của quê hương, không ngừng học hỏi, tự hoàn thiện và ngày càng xứng đáng là ngôi nhà chung của giới VHNT Thanh Hóa.
Sau đây, tôi xin thay mặt Hội VHNT Thanh Hóa báo cáo một số kết quả mà 50 năm qua Hội đã không ngừng phấn đấu và phát triển.
I. NHỮNG KẾT QUẢ
1. Về công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ hội viên
Ban đầu, từ 92 hội viên sáng lập với 7 Ban Chuyên ngành, đến nay Hội VHNT Thanh Hóa đã có 494 hội viên sinh hoạt tại 11 Ban Chuyên ngành gồm: Ban Văn, Ban Thơ, Ban Lý luận - Phê bình, Ban Văn nghệ dân gian, Ban Âm nhạc, Ban Múa, Ban Mỹ thuật, Ban Nhiếp ảnh, Ban Sân khấu, Ban Điện ảnh, Ban Kiến trúc. Trong đó có 241 người là hội viên các Hội Chuyên ngành Trung ương. Hội hiện có 04 Câu lạc bộ hoạt động gồm: Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh, Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Lam Sơn, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ và Câu lạc bộ Thư pháp Thanh Hoa.
Là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, nhiều năm qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã được Đảng đoàn và Ban Chấp hành Hội VHNT Thanh Hóa quan tâm hàng đầu. Hội thông qua những hoạt động thực tế, các lớp học tập Chính trị do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức để bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm công dân, lòng yêu quê hương, đất nước cho các hội viên. Từ đó giúp văn nghệ sĩ tạo ý tưởng, hình thành những tác phẩm văn học nghệ thuật mang hơi thở của cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đồng thời, bổ sung kiến thức, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu, phát triển đội ngũ các nhà quản lý, lãnh đạo Hội. 
Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng về VHNT trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; và thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hội vừa khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng đối với văn nghệ sĩ, với sự nghiệp văn học nghệ thuật, vừa tiếp tục định hướng cho văn nghệ sĩ Thanh Hóa tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sáng tạo VHNT.
2. Về công tác xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên
2.1. Về xây dựng tổ chức Hội
- Căn cứ Điều lệ Hội, để điều hành hoạt động chung của Hội, các kỳ Đại hội Hội VHNT bầu ra Ban Chấp hành. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ, Thường trực (gồm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch). Đại hội lần thứ X, (nhiệm kỳ 2022-2027) vừa qua bầu Ban Chấp hành gồm 16 thành viên đại diện cho 11 Ban Chuyên ngành và các cơ quan chuyên trách của Hội. Ban Thường vụ có 04 thành viên, gồm: Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Kiểm tra và Chánh Văn phòng Hội.
- Bộ máy Hội VHNT Thanh Hóa hiện nay gồm: Văn phòng Hội và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh với 14 biên chế, 01 hợp đồng 68, trong đó trình độ chuyên môn gồm (01 Thạc sĩ; 11 đại học; 02 trung cấp), trình độ lý luận chính trị (03 cao cấp, 05 trung cấp).
- Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh vừa là cơ quan ngôn luận của Hội, vừa là nơi giới thiệu các sáng tác mới về VHNT ra công chúng, nơi trao đổi học thuật, định hướng sáng tác, giao lưu VHNT giữa các hội viên địa phương lẫn các hội viên cả nước.
- Hoạt động Văn phòng Hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường trực Hội triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức, hậu cần phục vụ các hoạt động VHNT.
- Hoạt động của Ban Kiểm tra và Hội đồng nghệ thuật là để giám sát, đánh giá, thẩm định giá trị tác phẩm VHNT, cũng như các hoạt động của Ban Chấp hành bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho hội viên, tuân thủ điều lệ, nghị quyết của Hội cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Hoạt động của Hội nhìn chung 50 năm qua đã từng bước đi vào chuyên sâu, đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch, nhân văn nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo công bằng và quyền lợi chính đáng của hội viên.
2.2. Công tác phát triển hội viên
Tổng số hội viên của Hội hiện tại là 494 người, trong đó nam là 400, nữ là 94. Có 241 hội viên Chuyên ngành Trung ương, 272 hội viên là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trên 50% hội viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có có 03 Phó Giáo sư, 10 Tiến sĩ, 80 Thạc sĩ. Nhiều văn nghệ sĩ có tầm vóc quốc gia và khu vực.
2.3. Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT
Công tác hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm từ nguồn quỹ Hỗ trợ sáng tác VHNT của Chính phủ được tổ chức công khai, nghiêm túc, chặt chẽ. Hội thông báo đến hội viên nộp tác phẩm vào quý 2 hàng năm, sau đó thành lập Hội đồng chuyên môn từng chuyên ngành tiến hành xét chọn, tiếp theo Ban Chấp hành thẩm định, cuối cùng là ký hợp đồng với các hội viên.
Hội cũng đã hỗ trợ in các đầu sách của Ban Văn nghệ dân gian như “Văn thơ thời Lý và dấu ấn Thanh Hóa năm 2019”, sách thơ Thanh Hóa, Âm nhạc Thanh Hóa...
Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để hội viên được hỗ trợ khi tham gia thực hiện tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân.
2.4. Giải thưởng VHNT hàng năm của tỉnh và công tác thi đua khen thưởng của Hội
Hội kết hợp với các Ban, Sở, Ngành của tỉnh, tổ chức thành công Giải thưởng hàng năm của Hội VHNT với số lượng hàng trăm tác phẩm dự giải thưởng. Đây là một giải thưởng uy tín, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tác giả đạt giải, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền VHNT tỉnh nhà.
Hội VHNT Thanh Hóa đã giới thiệu các tác phẩm, các công trình của 11 Ban Chuyên ngành dự xét Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Năm nào Hội cũng đạt từ 3 đến 8 giải thưởng.
Đặc biệt Giải thưởng 5 năm về VHNT đã được khôi phục với tên gọi là Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông (Trước đây tên gọi Giải thưởng hàng năm là Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông, từ năm 2019 đổi thành Giải thưởng VHNT hàng năm).
3. Những thành tựu nổi bật của Hội VHNT Thanh Hóa 
Từ ngày thành lập đến nay các thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều tác phẩm VHNT phản ánh kịp thời, sinh động đời sống xã hội và thành tựu đổi mới của quê hương. Nhiều công trình, tác phẩm có quy mô lớn, có giá trị nghệ thuật cao góp phần tạo nên diện mạo phong phú VHNT xứ Thanh.
Đã có 4.500 đầu sách gồm: Tiểu thuyết, Trường ca, Truyện ngắn, Thơ, Nhiếp ảnh, Ca khúc, Kịch bản Sân khấu, Kịch bản Điện ảnh, v.v... của hội viên ở mọi lĩnh vực được xuất bản.
Có 29 số Người bạn văn hóa, 345 số Văn nghệ Thanh Hóa và Tạp chí Xứ Thanh được ấn hành.
Gần 100 tuyển tập gồm: Lý luận phê bình, Sưu tầm nghiên cứu Văn nghệ dân gian, Tuyển tập Ca khúc chọn lọc, Tuyển tập Thơ Lục bát xứ Thanh, Giao mùa, Sách ảnh, Mỹ thuật, Tuyển tập truyện ngắn Người Thanh Hóa được hỗ trợ xuất bản.
Chuyên ngành Sân khấu đã dàn dựng và biểu diễn hàng trăm tác phẩm về các đề tài lịch sử, cách mạng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng con người mới, v.v... Nhiều tác phẩm lấy chủ đề từ truyền thống hào hùng của quê hương, nhiều vở diễn do chính hội viên của Hội là tác giả kịch bản và đạo diễn.
Hàng trăm chương trình ca múa nhạc được sáng tác dàn dựng, phục vụ nhân dân khắp mọi miền trong tỉnh.
Tổ chức trưng bày hàng trăm cuộc triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc của các tác giả, nhóm tác giả và của các Ban Chuyên ngành. Các hoạt động này đã góp phần quảng bá nhiều tác phẩm VHNT kịp thời tới công chúng.
Hội đã phối hợp với các Hội VHNT Chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT địa phương, khu vực Bắc miền Trung, 5 vùng Kinh đô tham gia các hoạt động liên hoan Ảnh nghệ thuật, triển lãm Mỹ thuật, Âm nhạc, hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác.
Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tổ chức thành công cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc xứ Thanh” hai năm 2017, 2018. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật “Uống nước nhớ nguồn” tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7.
Hội VHNT Thanh Hóa đã phối hợp với Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh và Uỷ ban nhân dân 11 huyện miền núi trong tỉnh mở 16 lớp bồi dưỡng sáng tác cho 109 tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số. 
Hội thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh như Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, các huyện Hà Trung, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, Thạch Thành, v.v... tổ chức nhiều đợt đi thực tế sáng tác, nhiều cuộc thi theo từng chuyên đề, nhiều loại hình nghệ thuật.
Phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các Hội Chuyên ngành Trung ương tổ chức cho các hội viên đi dự các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng chuyên môn giúp hội viên có thời gian, cơ hội được học hỏi, nâng cao trình độ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Hội có 08 hội viên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT (Gồm: Nhà nghiên cứu Minh Hiệu, nhà văn Kiều Vượng, nhà thơ Vương Anh, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, NSND nhạc sĩ Hoàng Hải, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ); 09 hội viên là Nghệ sĩ nhân dân và 47 hội viên là Nghệ sĩ ưu tú. Một số hội viên của Hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 106 hội viên được nhận giải thưởng các Hội Chuyên ngành Trung ương. 114 lượt hội viên được nhận Giải thưởng VHNT 5 năm của UBND tỉnh. 601 lượt hội viên được nhận Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông hàng năm. 207 hội viên được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc mà hội viên đạt được qua các kỳ liên hoan, các đợt hội diễn.
Từ các hoạt động trên Hội VHNT Thanh Hóa đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tặng các Bức trướng cho các thời kỳ, tặng Bằng khen cho tập thể và nhiều cá nhân đạt thành tích trong lao động sáng tạo VHNT. Năm 2013, nhân dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hội VHNT Thanh Hóa là một trong 36 đơn vị và có 5 cá nhân trên tổng số 8 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Gần đây nhất trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ-23 của Bộ chính về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, tập thể Hội VHNT và 11 văn nghệ sĩ đã được nhận bằng khen có cống hiến xuất sắc cho lĩnh vực VHNT (giai đoạn 2008-2023) của Chủ tịch UBND Tỉnh trao tặng. 
4. Đánh giá chung
Chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển Hội VHNT Thanh Hóa luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp. Sự cổ vũ, động viên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và đông đảo bạn bè đồng nghiệp yêu mến VHNT trong tỉnh. Hội cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, sự hợp tác của các Hội Chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT các tỉnh thành trong cả nước, các hoạt động của Hội ngày càng được cải tiến. Vị thế của Hội không ngừng được củng cố và nâng cao.
II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Qua quá trình hoạt động thực tiễn, Hội VHNT Thanh Hóa nhận thấy một số vấn đề có ý nghĩa chiến lược cho quá trình phát triển VHNT tiếp theo của tỉnh nhà cần đề đạt lên lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo:
+ Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng người đông, có nền VHNT phát triển lâu đời, là một trong những cái nôi của văn hóa Việt Nam. Thanh Hóa cần phải có một Bảo tàng văn học nghệ thuật. Đây là nơi sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và những tác phẩm VHNT đặc sắc của người Thanh Hóa. Bảo tàng văn học nghệ thuật Thanh Hóa vừa là nơi lưu giữ, bảo quản vừa là nơi quảng bá, giáo dục các giá trị nhân văn đến công chúng. Có thể nói Bảo tàng văn học nghệ thuật Thanh Hóa sẽ là nơi có tác dụng giáo dục quan trọng trong quá trình xây dựng nhân cách con người Việt Nam mới XHCN.
+ Hội VHNT Thanh Hóa là một trong những Hội có số hội viên đông (gần 500 hội viên). Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ấn hành hàng tháng với số trang còn khiêm tốn (100 trang/cuốn) nên rất khó cho việc cập nhật các tác phẩm VHNT của các hội viên. Hội VHNT Thanh Hóa đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý cho Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh xây dựng Tạp chí điện tử, góp phần đưa hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh đất và người xứ Thanh thông qua các tác phẩm VHNT được quảng bá, lan tỏa sâu rộng đến công chúng trong tỉnh và cả nước.
 + Đề nghị lãnh đạo tỉnh cùng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam triển khai hiệu quả việc quy hoạch, bảo tồn khu di tích lịch sử VHNT Quần Tín - chiếc nôi của văn hóa cứu quốc. Sớm lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa cấp Quốc gia.
Nửa thế kỷ qua, Hội VHNT Thanh Hóa đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, cách mạng, tích cực kế thừa, vun đắp, bồi tụ kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc quê hương xứ Thanh và đạt được những thành tựu hết sức phấn khởi, tự hào trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật Thanh Hóa - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, đồng thời là cái nôi văn hóa kháng chiến; các văn nghệ sĩ với phẩm chất và tài năng quý báu, đã không ngừng lao động, sáng tạo vì nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước trong suốt hai cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại và bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng như công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển ngày nay. Trước yêu cầu đổi mới của quê hương đất nước, văn học nghệ thuật vẫn kiên trì thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết sáng tạo được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật giàu giá trị tư tưởng, giá trị giáo dục, nhân văn và khẳng định chất lượng nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy của nền văn học nghệ thuật nước nhà.
                                                                                 

    P.D.P


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 140
 Hôm nay: 755
 Tổng số truy cập: 8916857
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa