Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   ĐOÀN KẾT - TRÁCH NHIỆM - SÁNG TẠO - CỐNG HIẾN, VÌ MỘT NỀN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC, CÓ NHIỀU TÁC PHẨM GIÁ TRỊ CAO, GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH
ĐOÀN KẾT - TRÁCH NHIỆM - SÁNG TẠO - CỐNG HIẾN, VÌ MỘT NỀN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC, CÓ NHIỀU TÁC PHẨM GIÁ TRỊ CAO, GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH

ĐOÀN KẾT - TRÁCH NHIỆM - SÁNG TẠO - CỐNG HIẾN,  VÌ MỘT NỀN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ  BẢN SẮC DÂN TỘC, CÓ NHIỀU TÁC PHẨM GIÁ TRỊ CAO,  GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH

Tiến sĩ ĐỖ TRỌNG HƯNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa

Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước, thì văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh cho con người. 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn học, nghệ thuật, trân trọng và động viên đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Trong Thư gửi anh em họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người khẳng định "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"(1), “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(2) và thực tiễn cho thấy, văn học, nghệ thuật đã trở thành mặt trận quan trọng, mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đã khích lệ, cổ vũ lòng yêu nước, huy động sức mạnh to lớn trong Nhân dân, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xứ Thanh là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có nền văn minh Đông Sơn rực rỡ, từng là cái nôi của văn hóa kháng chiến - nơi Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam) và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng đương thời hoạt động tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, ngay từ năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, tỉnh ta đã quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Đó là tiền đề, sự chuẩn bị tích cực để ngày 27/6/1974, Đại hội lần thứ Nhất Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa được tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và các văn nghệ sĩ.
Nhìn lại nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, chúng ta vui mừng nhận thấy, sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh; Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng củng cố và mở rộng tổ chức, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động. Từ 92 hội viên ban đầu khi mới thành lập; đến nay, Hội đã quy tụ được gần 500 hội viên sinh hoạt tại 11 Ban Chuyên ngành và 04 câu lạc bộ, thực sự trở thành “mái nhà chung” ấm áp, nơi tập hợp, đoàn kết thống nhất, nơi phát huy tài năng, trí tuệ của văn nghệ sĩ Thanh Hóa phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, nhiều văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã ra mặt trận, vừa cầm bút vừa cầm súng. Trong đội ngũ ấy, có người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng. Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các anh, các chị tiếp tục nhiệt huyết lao động sáng tạo, tích cực tham gia trên mọi mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…; đồng hành, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, tích cực đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, lên án những mặt xấu, hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện. 
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh, Hội đã duy trì tốt các hoạt động nghề nghiệp, mở các trại sáng tác, bồi dưỡng năng khiếu, nâng cao chất lượng tác phẩm, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của hội viên, văn nghệ sĩ. Hàng ngàn tác phẩm có giá trị về văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… được sáng tác, đã khắc họa sinh động đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đất và người Thanh Hóa. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, như: Tác phẩm “Vùng trời thủng” của cố nhà văn Kiều Vượng; “Mối tình chàng Lung Mù” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh; cụm tác phẩm “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu”, “Lễ Pồn Pôông Eng Cháng” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải; Trường ca “Lê Lợi mài gươm”, “Mạch đất hồn trống đồng”, “Hát nơi cửa sóng” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm,… đã góp phần tôn vinh những giá trị tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh. Các sáng tác của các văn nghệ sĩ Thanh Hóa gắn bó chặt chẽ với dòng chảy văn hóa, văn học, nghệ thuật của cả nước, trở thành bộ phận không thể tách rời và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Thanh Hóa tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển, ngày càng chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. 
Với những nỗ lực không ngừng trong lao động sáng tạo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều văn nghệ sĩ được tặng thưởng các danh hiệu cao quý, trong đó, có 09 nghệ sĩ nhân dân, 47 nghệ sĩ ưu tú, 02 nghệ nhân ưu tú; có 08 tác giả vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa sâu rộng đang tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn nghệ nước nhà; bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, sự bùng nổ của các phương tiện, nền tảng số tác động cả tích cực và tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, tác động sâu sắc tới sự hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân. Mặt khác, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hoà bình”, nhằm tạo ra sự “tự diễn biến” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đạo đức. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” tiếp tục khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam". Trước yêu cầu đó, cần phải đẩy mạnh phát triển toàn diện văn học, nghệ thuật, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao để định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, xây dựng con người, góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành "một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước".
Để đạt được mục tiêu lớn lao đó, theo chương trình công tác toàn khóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX đã xây dựng, bàn thảo kỹ lưỡng và sẽ trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết “về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới” vào cuối tháng 6/2024. Đây là nội dung hết sức quan trọng, định hướng sự phát triển của văn hóa, con người Thanh Hóa trong nhiều năm tới. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tỉnh nhà phải đóng vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu trong việc tổ chức thực hiện, đưa nhanh Nghị quyết đi vào cuộc sống. Muốn vậy, Hội cần xây dựng chiến lược phát triển, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm công tác, có giải pháp, bước đi cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Tiếp tục quan tâm làm tốt vai trò định hướng cho văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn, gắn bó với cuộc sống Nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tích cực tuyên truyền, quảng bá các thành tựu phát triển của tỉnh; khuyến khích sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc trong xây dựng con người mới, hướng tới giá trị chân - thiện - mĩ, tương xứng với tầm vóc một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, đang trên đà phát triển đi lên, góp phần lan tỏa hình ảnh về đất và người xứ Thanh với những nét đẹp truyền thống, là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của bạn bè gần xa. Cùng với đó, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tới hội viên, đội ngũ văn nghệ sĩ các quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; tích cực đấu tranh, phê phán những tiêu cực, cản trở sự phát triển của tỉnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại, xây dựng môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh, đa dạng. 
Đảng đoàn Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với các ban của Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 14/6/2024 của Ban Bí thư về đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức hội vững mạnh toàn diện, để Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thực sự là mái nhà chung, là nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ Thanh Hóa sáng tạo, nghiên cứu, phê bình. Tiếp tục làm tốt công tác phát triển hội viên mới, nâng cao chất lượng hội viên, chú trọng tập hợp hội viên tham gia sáng tác ở các chuyên ngành, lực lượng sáng tác ở các câu lạc bộ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ trực tiếp sáng tác; khuyến khích, động viên đội ngũ sáng tác bám sát thực tiễn đời sống xã hội để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm nét văn học, phản ánh hơi thở của cuộc sống trong quá trình phát triển.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày 21/9/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người". Tin tưởng rằng, bằng tình yêu và trách nhiệm, tài năng và sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ Thanh Hóa sẽ tiếp tục theo đuổi "khát vọng", bồi đắp "hoài bão", phát huy "sức sáng tạo" để sáng tác những tác phẩm hay, có giá trị lớn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (27/6/1974 - 27/6/2024), xin gửi tới cán bộ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và toàn thể trí thức, văn nghệ sĩ tỉnh nhà lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc sự nghiệp văn học, nghệ thuật xứ Thanh có bước phát triển mới, đầy khởi sắc và nhiều thắng lợi!
                                  

Đ.T.H


(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 246.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 138
 Hôm nay: 764
 Tổng số truy cập: 8916866
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa