Ba mươi năm Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh với công tác xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã đi qua chặng đường 30 năm (1994-2024) với nhiều tên gọi trước đó: Bạn đường, Người bạn văn hóa, Hành trình, Văn nghệ Thanh Hóa... Trên hành trình ấy, tạp chí đã luôn vận động, phát triển đáp ứng những đòi hỏi, những yêu cầu của độc giả ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Tạp chí không ngừng thích ứng và vươn lên mạnh mẽ, đứng vững trước sức tác động của nền kinh tế thị trường, giữ vững chất lượng tác phẩm và đường lối văn nghệ của Đảng, Nhà nước.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh, với đặc thù là báo văn nhưng vẫn cùng lúc làm tốt hai nhiệm vụ song song đó là vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị (tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng) vừa làm tốt vai trò bà đỡ cho tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó tạp chí còn là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, đại diện cho tiếng nói văn nghệ sĩ, nơi công bố các tác phẩm chất lượng của hội viên, đồng thời làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn tài năng văn học trẻ trở thành lớp kế cận vừa có tâm, vừa có tài.
Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của tạp chí: nhà văn Lê Xuân Giang, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà thơ Mạnh Lê, nhà văn Hoàng Trọng Cường, họa sĩ Thanh Sơn, nhà thơ Lâm Bằng... là những người đầy tâm huyết, xây dựng tạp chí từ những buổi đầu chập chững cho chúng tôi hôm nay - những người kế nhiệm thuộc thế hệ 8x, 9x vững bước trên con đường văn học nghệ thuật gập ghềnh, chông gai. Chúng tôi đã và đang cố gắng làm tròn sứ mệnh mà các thế hệ cha anh đi trước trao lại, bắt nhịp thời đại mình đang sống, đồng hành cùng quê hương đất nước, mang đến cho bạn đọc những bữa tiệc thẩm mỹ giàu chất nhân văn.
Làm thế nào để văn học nghệ thuật trở thành món ăn tinh thần, làm thế nào để mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự là những sản phẩm văn hóa có giá trị? Làm thế nào để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và năng lực cảm thụ văn chương cho công chúng bạn đọc và giới trẻ? Đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy là hành trình của sự nỗ lực, cố gắng không chỉ ở đội ngũ Ban Biên tập mà còn có sự song hành của đội ngũ cộng tác viên. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đang từng bước đổi mới và hoàn thiện mình bằng tất cả sự nhiệt huyết và bản lĩnh với tâm thế là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nhận thức rõ về vị trí, vai trò của cán bộ và công tác tổ chức cán bộ, nhiều năm qua Ban Lãnh đạo tạp chí đã không ngừng củng cố, hoàn thiện dần đội ngũ cán bộ, bổ sung kịp thời nhân lực còn thiếu theo hướng tinh gọn, sàng lọc, phân nhiệm cụ thể, phát huy nguồn lực cán bộ ít nhưng hiệu quả. Bài học kinh nghiệm chúng tôi đúc rút được trong hoạt động quản lý là: Phải thực sự xem cơ quan là mái nhà chung, cán bộ ít nhưng phân công nhiệm vụ hợp lý để vừa chuyên sâu vừa kiêm nhiệm công việc có hiệu quả. Trong lãnh đạo, chỉ đạo vai trò người đứng đầu luôn gương mẫu, trách nhiệm, sâu sát và cùng thực thi công việc với cán bộ, anh chị em cơ quan; chia sẻ kinh nghiệm, cởi mở góp ý sửa sai từ những việc nhỏ, xây dựng môi trường văn hóa công sở làm động lực tinh thần cho cán bộ trong mọi hoạt động để có kết quả tốt. Vì vậy công việc tạp chí khá nhiều nhưng hoạt động nhịp nhàng, trôi chảy, được đánh giá cao. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi vào nói chuyện với văn nghệ sĩ Thanh Hóa đã khẳng định “Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là tốp đầu 6 tỉnh văn học nghệ thuật địa phương hoạt động tốt về lĩnh vực văn học nghệ thuật trong cả nước”.
Trong hoạt động chuyên môn, tạp chí không ngừng học tập các cơ quan báo chí bạn trong tỉnh, các cơ quan báo chí văn nghệ cả nước, vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa làm tròn sứ mệnh tờ báo văn. Một mặt chủ động đề xuất và tiếp thu ý kiến của các cấp lãnh đạo, mặt khác luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài tỉnh để tinh chỉnh tạp chí ngày càng hoàn thiện cả về chất và lượng.
Bên cạnh tranh thủ ý kiến của các cấp lãnh đạo và độc giả, Ban Biên tập tạp chí cũng luôn chủ động và tích cực tìm hướng đi mới bằng những việc làm chi tiết, cụ thể như thường xuyên tổ chức các buổi giao ban tuần, tháng, kỳ qua các cuộc họp Ban Biên tập trực tiếp hoặc trực tuyến. Việc này vừa đảm bảo cho cán bộ, nhân viên tạp chí có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin đồng thời nhanh chóng, kịp thời cập nhật những thông tin mới trong công tác biên tập và khai thác bài vở được diễn ra thường xuyên, liên tục...
Lực lượng cán bộ phóng viên, biên tập của tạp chí khá mỏng, khó có thể nắm bắt và triển khai hết các mặt đời sống trên địa bàn toàn tỉnh cũng như trên cả nước, do đó việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên là vô cùng cần thiết. Gần chục năm trở lại đây chúng tôi thường xuyên tổ chức họp mặt cộng tác viên để trao đổi với họ về tiêu chí, về bài vở, mong mỏi từ những đóng góp của đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là những cộng tác viên ruột, tạp chí sẽ ngày càng chất lượng hơn về mặt nội dung, hấp dẫn hơn, đẹp mắt hơn về mặt hình thức, đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Từ những ý nghĩa đó, Ban Biên tập tạp chí bên cạnh nuôi dưỡng đam mê viết lách của cộng tác viên hiện có, chúng tôi không ngừng tìm tòi, phát hiện những cộng tác viên mới, điều này không chỉ là công tác kế cận mà còn làm cho số lượng đội ngũ cộng tác viên thêm dày, chất lượng bài cao hơn và phong phú hơn về giọng điệu cũng như nội dung đề tài. Trong khuôn khổ tám mươi trang mỗi số, với sự góp mặt đông đủ bài vở của hầu hết các Ban Chuyên ngành thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, công tác lựa chọn bài vở, phân bổ, sắp xếp vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo số lượng và tính hợp lí luôn là bài toán khó. Ưu tiên cho cộng tác viên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà, bên cạnh đó vẫn chú trọng sử dụng và khai thác nguồn bài vở của các tác giả Trung ương, các địa phương ngoài tỉnh có chất lượng một cách linh hoạt để vừa cổ vũ hội viên mình, vừa nâng cao chất lượng tạp chí, là cách làm có tính chiến lược của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ngày hôm nay.
Ba thập kỷ qua Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đồng thời cũng làm tốt vai trò vườn ươm, phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây viết trẻ bổ sung vào lực lượng làm văn học nghệ thuật của tỉnh nhà với số lượng không nhỏ cả về tác giả, cả về tác phẩm. Tạp chí vẫn duy trì thường niên các cuộc thi. Ba mươi năm qua với hàng chục cuộc thi ngày càng bài bản, chuyên nghiệp và gắn liền với đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... của tỉnh nhà. Nhiều năm trở lại đây tạp chí đã tạo sân chơi và cơ hội quảng bá cho đa dạng các lĩnh vực với việc tổ chức thường xuyên, liên tục các cuộc thi không chỉ về văn học mà cả nghệ thuật: Năm 2018 là cuộc thi sáng tác văn học trẻ, trên cả 2 lĩnh vực đồng thời là thơ và truyện ngắn; năm 2019 thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới”; năm 2020 thi ký văn học “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”; năm 2021 thi thơ “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh”; năm 2022 thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” và năm 2023 là cuộc thi ký văn học về chủ đề “Biên cương một dải vững bền”, đồng thời cũng xây dựng kế hoạch và dự kiến kinh phí cho những năm tiếp theo. Nguồn kinh phí cho các cuộc thi của tạp chí hầu hết đều khai thác từ nguồn xã hội hóa, việc các đơn vị kinh tế chịu tác động mạnh mẽ từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho các nhà tổ chức. Tuy nhiên được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo, sự thấu hiểu và chia sẻ của các đơn vị cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của Ban Lãnh đạo tạp chí, những năm qua các cuộc trao giải và mức thưởng cũng như chế độ đãi ngộ vẫn được duy trì, thậm chí có phần cao hơn so với những năm trước. Tháng 11-2022 để chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa khóa X, nhiệm kỳ 2022 - 2027, tạp chí đã mạnh dạn xin tăng trang từ 80 trang lên 100 trang và thí điểm số đầu ngay khi chưa được cấp bổ sung kinh phí và duy trì cho đến nay là sự chắt chiu cả kinh phí và sức lực của tòa soạn để tạo ra cái mới, cái tích cực góp phần vào sự phát triển, tiến bộ chung của tỉnh nhà. Điều này sẽ vừa là động lực khích lệ các tác giả sáng tác nhưng đồng thời cũng tạo ra sức hút, mục tiêu phấn đấu để các tác giả tiếp tục nâng cao, đầu tư nhiều hơn vào chất lượng tác phẩm. Năm 2024 này Ban Lãnh đạo tạp chí rà soát các phần chuyên mục để nâng cao, bổ sung, làm mới, đồng thời tăng nhuận bút cho một số các phần nội dung như: truyện ngắn, ký, lý luận phê bình, văn hóa, nhạc, bìa tranh, ảnh... Từ đó tạp chí thu hút hơn cộng tác viên, đồng thời làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, mặt khác nâng cao uy tín, chất lượng của tạp chí.
Sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, sự ủng hộ, góp sức của đội ngũ cộng tác viên, hội viên… trong suốt 30 năm qua Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh xứng đáng được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013; Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2012; Bằng khen của Tỉnh ủy Thanh Hóa các năm 2013, 2014; Bằng khen của UBND tỉnh các năm 2008, 2010, 2011, 2014, 2018, 2020 và nhiều khen thưởng khác. Đặc biệt nhân Kỷ niệm 30 năm thành lập (20-01-1994 - 20-01-2024), Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam; Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc về công tác nghiệp vụ và hoạt động Hội; Bức trướng với dòng chữ “Đoàn kết - Sáng tạo - Bản sắc - Hội nhập” và có 04 cán bộ tạp chí được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vì đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển Tạp chí. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm, khích lệ đó của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận. Những người làm tạp chí hôm nay xem đó vừa là nguồn cổ vũ tinh thần đồng thời cũng là trách nhiệm trên vai để cố gắng hơn nữa xứng đáng với sự mong mỏi, ghi nhận của Quốc gia, của Tỉnh, của Hội, Sở, Ngành dành cho tạp chí.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bức trướng “Đoàn kết - Sáng tạo - Bản sắc - Hội nhập” của UBND tỉnh tặng Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh
Văn học nghệ thuật cả nước vừa trải qua nhiều sự kiện trọng đại vào năm 2023, đó là là sự kiện 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam”; 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả trong công việc cũng như trong đời sống, góp phần đóng góp vào những kết quả tốt đẹp chào mừng 50 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa (1974 - 2024). Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp đổi mới tạp chí giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 với những bước đi cụ thể và vững chắc:
Không chỉ đổi mới trong cách thức tiếp cận công nghệ, đưa công nghệ vào giải quyết các vấn đề trao đổi nội dung công việc, bên cạnh đó Ban Biên tập tạp chí mạnh dạn đổi mới hình thức. Cải cách về lối trình bày, thiết kế đưa việc quảng bá tranh, ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh ngay từ trang bìa, điều này một mặt có tác dụng quảng bá tác phẩm nghệ thuật cho các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, mặt khác sẽ phản ảnh rõ nét hơn đặc trưng của tờ báo văn nghệ, đồng thời tạo ra sức hút với độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi mỗi tác phẩm tranh, ảnh trước khi được lên trang bìa đã trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng, tỉ mẩn của những người có chuyên môn và uy tín trong từng lĩnh vực.
Nếu trang bìa là bộ mặt, là trang phục cho tạp chí thì nội dung bên trong là khung xương, là hình thể của tạp chí. Vì vậy, nâng cao chất lượng nội dung bên trong của tạp chí là nhiệm vụ sống còn, do đó mỗi thành viên trong Ban Biên tập luôn ý thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của công việc mình đảm nhận. Từ yêu cầu thực tế đó mà mỗi người trong Ban Biên tập luôn tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng thẩm định, lựa chọn và chỉnh sửa các tác phẩm sử dụng đối với tất cả các phần: văn xuôi, thơ, lý luận - phê bình, văn hóa, âm nhạc,… bằng việc tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, ngoài ra còn có các cuộc hội thảo chuyên môn giữa các tạp chí văn nghệ như Bắc miền Trung, 5 vùng Kinh đô...
Trong thời gian tới để giải quyết vấn đề số lượng tác phẩm đến với độc giả bị hạn chế, Ban Lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh sẽ đề xuất cấp trên về việc tăng trang, tăng kỳ, tăng phát hành, nhất là đưa tạp chí đến với các huyện, xã miền núi và các trường học… không chỉ đáp ứng nhu cầu của người đọc mà còn có điều kiện để quảng bá nhiều hơn các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đến với công chúng, đặc biệt là “sân chơi” dành cho các tác giả trẻ, giúp họ có nhiều cơ hội thể hiện mình với độc giả trong và ngoài tỉnh. Việc mở rộng địa bàn, đối tượng phục vụ cũng sẽ mang lại cho tạp chí thêm nguồn kinh phí (dù không nhiều) để tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động văn học nghệ thuật thường niên.
Mỗi một cơ quan báo chí có lực lượng cộng tác viên hùng hậu và chất lượng đứng đằng sau thì sức mạnh và uy tín của tờ báo đó sẽ nhân lên rất nhiều. Vì lẽ đó tạp chí sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng thêm đội ngũ cộng tác viên, củng cố mối quan hệ ấy ngày càng khăng khít bằng tình cảm, uy tín và chế độ đãi ngộ. Song song với việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên hùng hậu thì Ban Lãnh đạo tạp chí sẽ tăng cường mở rộng mối quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp... để có thêm sự tương hỗ trong các hoạt động chuyên môn, tạo không khí lan tỏa văn học nghệ thuật đến với đời sống nhân dân, góp phần mở rộng không gian văn học nghệ thuật.
Thành lập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh điện tử thay cho Trang Thông tin điện tử hiện nay sẽ là hướng đi đúng và cần thiết vào thời đại ngày nay. Bởi nó đáp ứng được nhu cầu công bố tác phẩm và thưởng thức tác phẩm ngày càng cao của cả văn nghệ sĩ lẫn bạn đọc. Khi công nghệ trở thành hơi thở, trở thành công cụ của cuộc sống hiện đại thì với bất cứ ai, bất cứ cơ quan tổ chức nào đứng ngoài đều sẽ trở thành lạc hậu, đó là sự “tự cách ly” ra ngoài dòng chảy của xã hội, của đất nước. Báo chí càng phải là người đi đầu, càng phải dùng công nghệ như một logistics của riêng mình để đến với người đọc một cách nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất. Ban Lãnh đạo tạp chí đang tiếp tục vận động, tranh thủ ý kiến và sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, hoàn thiện về thủ tục hành chính và cơ sở vật chất cũng như năng lực quản lý để đưa tạp chí điện tử vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh những thuận lợi thì Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh vẫn đang từng ngày cố gắng khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động của mình như phương tiện xe ô tô đã thanh lý sáu năm, chúng tôi không được cấp mới, việc đi lại gặp không ít bất lợi trong công tác; nguồn ngân sách tuy có cải thiện hơn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, huy động nguồn xã hội hóa ngày càng khó bởi tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế các doanh nghiệp có xu hướng thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu tài chính đặc biệt là mảng tuyên truyền quảng cáo; cơ quan tạp chí ít người (7 biên chế), cán bộ biên tập mỏng (5 biên tập), cán bộ phóng viên là nam giới mỏng (2 phóng viên) nên khó khăn trong điều hành, công tác. Dù lực lượng mỏng như vậy nhưng những người lãnh đạo tạp chí đã nỗ lực không ngừng để nâng cao sự tin tưởng của đội ngũ cộng tác viên, độc giả cả nước. Từ cán bộ đến những người biên tập của tạp chí không ngừng học tập, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ chính trị. Hiện nay tạp chí đã tương đối hoàn chỉnh bộ máy bằng cách kiêm nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ: có Tổng Biên tập, 1 Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn, 3 cán bộ biên tập viên, 2 cán bộ hành chính, quản trị mạng. Tạp chí nâng cao chất lượng cán bộ, hiện 7 cán bộ trên đã đạt một số tiêu chí có 2 cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo Cao cấp chính trị, 1 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 6 cán bộ là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (trong đó 4 cán bộ được cấp Thẻ Nhà báo), 3 cán bộ đã giành các giải cao của giải thưởng uy tín quốc gia về báo chí và văn học nghệ thuật, còn lại đều đã phấn đấu được các Bằng khen hoặc giải thưởng các cuộc thi của tỉnh Thanh Hóa.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cũng như các cơ quan báo chí khác đang đứng trước rất nhiều thách thức của thời đại. Thuận lợi và khó khăn luôn luôn song hành, đòi hỏi bản lĩnh cũng như trình độ và lòng yêu nghề của mỗi người làm báo ngày một cao hơn. Với đặc thù là tờ báo văn nghệ, nghĩa là cùng một lúc Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phải đảm nhiệm hai trọng trách vừa làm công tác chính trị vừa làm công tác văn nghệ. Để hoàn thành được những yêu cầu đó cán bộ, biên tập, phóng viên của tạp chí đã, đang và sẽ từng ngày nỗ lực bằng tình yêu, trách nhiệm, nhiệt huyết và không ngừng hoàn thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng hơn.
Xây dựng Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh không chỉ tồn tại mà còn là một tạp chí giàu sức sống, giàu sức chiến đấu, nhưng vẫn đậm đà hơi thở cuộc sống trong từng trang viết, trong mỗi tác phẩm khi đến tay bạn đọc. Một bài viết ngắn không thể nói hết nhưng cũng tâm tư đôi điều về Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, mong các cấp lãnh đạo của tỉnh nhà, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tiếp tục quan tâm và hỗ trợ để những dự định và trăn trở của tạp chí được tháo gỡ, những nguyện vọng được trở thành hiện thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển báo chí nói riêng và công cuộc đổi mới, phồn vinh của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh rất mong được sự ủng hộ của tỉnh nhà để chúng tôi có điều kiện cơ sở vật chất, động lực tinh thần góp sức mình nhiều hơn nữa, xây dựng gương mặt Văn học nghệ thuật Thanh Hóa xứng đáng với tầm vóc một tỉnh lớn có bề dày về lịch sử văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng.
THY LAN