Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh trái tim của Hội VHNT Thanh Hóa
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh trái tim của Hội VHNT Thanh Hóa

Trong bản tham luận được trình bày tại buổi lễ kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa (1974-2022), tôi đã có dịp phát biểu cảm tưởng về Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Phải khẳng định ngay rằng, tôi vô cùng biết ơn Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, trước kia cũng như bây giờ đã nuôi dưỡng khát vọng, ý chí, nghị lực từ bước đầu chập chững cho đến khi vỗ cánh bay cao, bay xa. 
Có người gọi Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội; có người gọi là sân chơi của các văn nghệ sỹ; có người gọi là ngôi nhà chung, mái nhà của các văn nghệ sỹ xứ Thanh. Cách gọi nào cũng có ý nghĩa đặc biệt của nó. Riêng tôi, tôi muốn gọi Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là trái tim của Hội VHNT Thanh Hóa. Ban Chấp hành Hội VHNT, đứng đầu là Chủ tịch Hội là bộ não của Hội VHNT; còn Ban Biên tập, đứng đầu là Tổng Biên tập là trái tim của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Mỗi con chữ, mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của mỗi tác giả là mỗi hồng cầu, là mỗi tia máu từ khắp mọi miền dồn về tim. Trái tim lại đưa từng hạt hồng cầu, từng giọt máu ấy đi nuôi sự sống tươi mới từng giờ, từng phút khắp mọi miền đất nước. Nếu một Hội VHNT không Tạp chí, có thể nói, Hội VHNT ấy không có trái tim.
Mấy chục năm nay, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh không ngừng phát triển. Phát triển liên tục. Phát triển cả về số lượng. Phát triển cả về chất lượng. Ban Biên tập bây giờ của Tạp chí biết kế thừa tinh hoa, thành tựu của Tạp chí đã khẳng định được từ nhiều năm trước, lấy đó làm nền móng, cơ sở vững chắc để đặt nền tảng tư duy mới, tìm tòi sáng tạo mới. Tạp chí đã xác định được hướng đi chắc chắn, rõ ràng, tự tin, ổn định. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tiếp tục giữ vững được cái tốt đẹp cũ, đồng thời năng động đổi mới nội dung, hình thức, khẳng định nét riêng, bản sắc riêng, sự độc lập tự chủ, nhưng không khô cứng. Đó là một sự vận động mạnh mẽ, chủ động hòa nhập trong dòng chảy hiện đại của đời sống văn học nghệ thuật của cả nước.
Về hình thức, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh không thay đổi trang bìa là bao. Cỡ chữ và mẫu chữ Xứ Thanh, tên Tạp chí đến lô gô vẫn giữ nguyên. Tạp chí vẫn giữ khổ 16x24cm. Từ tháng 12 năm 2022, số lượng trang mỗi số đã tăng từ 80 lên 100 trang, sự thay đổi tích cực này đã nói lên tư duy và sự nỗ lực rất lớn ở thế hệ lãnh đạo mới của Tạp chí. Cách trình bày nội dung bên trong vẫn thể hiện được một tạp chí có tính chuyên nghiệp cao. Chỉ khác một chút ở trang bìa. Trước kia, tranh, ảnh, minh họa, bìa một được để trong khung. Hai chữ Xứ Thanh được để riêng một khung phía trên. Nhiều người vẫn thích kiểu trình bày này. Nó đã tạo ra được một phong cách rất riêng của Tạp chí Xứ Thanh. Có thể chưa thấy chữ Xứ Thanh, chỉ cần nhìn thấy phần mầu vàng bên trên là đã nhận ngay ra Tạp chí Xứ Thanh. Bây giờ, bìa Tạp chí được trình bày theo phong cách mới. Tranh ảnh bìa, nền bìa được thiết kế để tràn ra hết mặt trang. Cách trình bày này thoáng, cởi mở, thân thiện, không gò bó. Nó thể hiện phong cách phóng khoáng, hoà nhập, tươi mới. Sức sống tràn ra, lan tỏa. Bên trên hai chữ Xứ Thanh còn ghi rõ: TẠP CHÍ VĂN NGHỆ. Một thông điệp minh định rõ ràng chức năng, nội dung của một ấn phẩm mang màu sắc văn học nghệ thuật. Đó là nét mới. 
Từ khi Nhà Lý luận phê bình Thy Lan làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đến nay, đặc biệt là mấy năm gần đây, các cuộc thi trên Tạp chí liên tục mở ra. Có năm hai cuộc thi song hành. Năm nay thi thơ. Sang năm thi truyện. Thi truyện rồi ký. Có năm, Tạp chí vừa thi truyện ngắn, vừa thi thơ. Cuộc thi này nối cuộc thi khác. Mỗi cuộc thi một chủ đề. Các nhà văn, nhất là các cây bút trẻ vừa có sân chơi, vừa được trải nghiệm, vừa được dịp khẳng định mình. Nhiều tài năng được phát hiện qua các cuộc thi. Có người được kết nạp vào Hội VHNT Thanh Hóa. Có người được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh có nhiều tìm tòi, nhiều hướng đi tự đổi mới về nội dung lẫn hình thức. Với sức trẻ năng động, sáng tạo, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã phát hiện, bồi dưỡng các cây bút mới, các cây bút trẻ trong tỉnh. Không có tâm, không có tầm, không có tình yêu nghề nghiệp sâu sắc, không có trách nhiệm lớn thì không thể có những hoạt động ấy.
Hàng loạt những cây bút mới, những gương mặt mới được Tạp chí phát hiện, bồi dưỡng, chắp cánh. Có thể kể ra một số cái tên như: Hoàng Quốc Cảnh, Trịnh Vĩnh Đức, Phạm Đăng Sương, Nguyễn Huy Miên, Cao Nguyên Quyền, Nguyễn Thanh Xuyết, Lê Vạn Quỳnh, Nguyễn Huy Súc, Trần Huỳnh, Trần Tất Trừ, Bùi Xuân Tứ, Vũ Quang Trạch, Phong Lan, Hà Thuỷ Phong Lan, Vũ Tuyết Nhung, Đoan Trang, Trịnh Oanh Lan, An Thư, Trần Thị Thu Hà, Cao Tỵ, Bùi Hương Thảo, Nguyễn Kim Cúc, Lê Anh Thơ… Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là cái nôi, cái bàn dậm nhảy cho nhiều cây bút vươn xa hơn, rộng hơn được nhiều Tạp chí, nhiều tờ báo các tỉnh bạn trân trọng giới thiệu như: Phạm Đăng Sương, Phạm Văn Dũng, Cao Nguyên Quyền, Vũ Tuyết Nhung, An Thư... sự cố gắng của các tác giả là cơ bản nhưng không thể không nhắc đến sự nâng đỡ tinh thần, vun đắp nghị lực, ý chí và niềm tin của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ngay từ lúc chập chững ban đầu.
Một nét mới đáng ghi nhận nữa là, Tạp chí đã mạnh dạn giới thiệu chùm thơ cho các tác giả mới, các tác giả trẻ. Cách đây mươi năm về trước, rất ít khi các nhà thơ được giới thiệu một trang cá nhân gồm ảnh, tiểu sử, tác giả, tác phẩm và một chùm thơ. Phải là người dày dạn rồi, nổi tiếng rồi may ra mới được Tạp chí giới thiệu một lần. Có người sáng tác rất nhiều tác phẩm, rất nhiều đầu sách nhưng đến già vẫn chưa được giới thiệu trang trọng trên Tạp chí lần nào. Bây giờ khác, rất khác. Các cây bút rất trẻ, rất mới, được Tạp chí ưu ái giới thiệu cả ảnh, tác giả, tác phẩm và một chùm thơ. Cách làm này tạo hưng phấn cao, niềm khích lệ lớn đối với các cây bút mới. 
Sự rộ lên về tác giả, tác phẩm đã tạo nên một làn gió mới, một môi trường mới, một niềm cảm hứng mới đối với văn nghệ sĩ xứ Thanh nói riêng và bè bạn yêu văn nghệ xứ Thanh nói chung. Có thể nói, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đang thăng hoa trong phát triển đội ngũ cộng tác viên. Chưa bao giờ đội ngũ cộng tác viên đông đảo và hưng phấn như bây giờ. Bên cạnh cái ưu điểm ấy, tất yếu nảy sinh một số hạn chế. Từ sự thu hút, phát triển mạnh mẽ đội ngũ cây bút mới, đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, việc biên tập không thể kỹ càng, không thể mỹ mãn. Chỉ riêng về thơ, đôi khi vẫn có bài in lên Tạp chí còn dễ dãi, chưa tinh, chưa trong, chưa cô đọng, hàm súc. Tính phong trào nhiều hơn văn chương, nghệ thuật, học thuật. Rõ nét nhất là thơ trong Tạp chí các số tết. Nếu biên tập kỹ, biên tập mạnh dạn, một số bài sẽ không thể có mặt trong Tạp chí nói chung, các số tết nói riêng. Vì mục đích thu hút cộng tác viên, đôi khi bạn đọc hiểu sang một khía cạnh khác về năng lực của đội ngũ biên tập. Điều này không có lợi cho Tạp chí.
Không có Tạp chí nào, không có tờ báo nào nhỏ. Chỉ có tác giả không đủ tầm để lớn. Một Tạp chí, một tờ báo lớn là một tờ báo tạo ra một sức sống, một sức lan tỏa, sức truyền cảm hứng, sức lôi cuốn mãnh liệt, hấp dẫn đối với cả đội ngũ sáng tác lẫn người đọc. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh hiện nay đang thể hiện được sức sống, sức lan tỏa, sức truyền cảm hứng, sức lôi cuốn rất mạnh mẽ. Nhiều cây bút khắp mọi miền đất nước rất muốn được xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Đây là dấu hiệu của một Tạp chí, một tờ báo lớn. Mong sao, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, các biên tập viên cẩn thận hơn, công phu hơn, bản lĩnh hơn, chuyên nghiệp hơn trong khâu biên tập để không phụ lòng ngưỡng mộ, tin cậy của độc giả, của cộng tác viên đối với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.
                                  

9-2023
                                  NGUYỄN MINH KHIÊM


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 8580
 Tổng số truy cập: 7547129
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa