Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Giáo sư Lê Viết Ly và “Kỷ niệm cuộc đời”
Giáo sư Lê Viết Ly và “Kỷ niệm cuộc đời”

Ai về Hoằng Hóa mà coi
Chợ Quăng một tháng ba mươi phiên chiều
Trai mĩ miều bút nghiên đèn sách
Gái thanh tân chợ búa cửi canh
Trai thì nhất bảng đề danh
Gái thì dệt cửi vừa lanh vừa tài.
Hoằng Hóa từ xa xưa được biết đến với chợ Quăng, với những “gái thanh tân”, trai bút nghiên đèn sách. Nơi đây còn có di tích lịch sử Quốc gia Bảng Môn Đình là nơi vừa thờ Thành hoàng và cũng từng là nơi hội tụ của các nho sinh xưa, là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của con người nơi đây. Lúc bấy giờ có những ngôi làng được gọi là “làng khoa bảng”, làng có nhiều người đỗ đạt cao, được vinh danh, người đã tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương. Giáo sư Lê Viết Ly người làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang là một trong những người như thế. Khi ví cuộc đời mỗi người là một cuốn sách, năm tháng qua đi cùng những trải nghiệm là các trang sách thì Giáo sư Lê Viết Ly là người đã tóm lược nó bằng gần 400 trang của cuốn “Kỷ niệm cuộc đời” dù trước đó ông không có ý định viết nó.
Giáo sư Lê Viết Ly: Sống là cho…
Nếu nói về hưu là để nghỉ ngơi thì với Giáo sư Lê Viết Ly lại khác: Về hưu là bắt đầu cho một cuộc sống mới với công việc mới, niềm vui mới. Năm 2002 sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông đã chọn sự “nghỉ ngơi” đặc biệt theo cách của riêng mình đó là vẫn tiếp tục tham gia đào tạo sau đại học trong nước cũng như các dự án quốc tế và tập trung cho hoạt động thiện nguyện công tác khuyến học của tỉnh nhà.
Năm 2003 gia đình Giáo sư Lê Viết Ly cùng Tập đoàn Sun Group (Ông Lê Viết Lam, con trai của Giáo sư là người sáng lập và nguyên là Chủ tịch HĐQT Sun Group) lập quỹ khuyến học của gia đình. Trước tiên phải kể đến việc xây dựng trường Tiểu học xã nhà (Tiểu học Hoằng Quang). Với phương châm “sống là cho”, ông và gia đình đã nhận được sự cảm phục và tri ân sâu sắc của người dân tỉnh nhà, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục cũng như các sinh viên, học sinh. Tính đến nay, Tập đoàn Sun Group của gia đình và cá nhân ông đã chi hơn 37 tỷ đồng cho công tác khuyến học. Có hơn 6000 học sinh và hơn 400 sinh viên được nhận học bổng. Tính trung bình mỗi năm Giáo sư Lê Viết Ly cùng Tập đoàn Sun Group đã chi hơn 1 tỷ cho những người làm quản lý giáo dục, các giáo viên và học sinh, sinh viên giỏi. Gia đình ông còn tài trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường trong tỉnh như: tài trợ thiết bị âm thanh, ánh sáng cho hội trường trường THPT Chuyên Lam Sơn, cải tạo nhà truyền thống thư viện trường THPT Chuyên Lam Sơn. 
Trường THPT Đào Duy Từ, tiền thân là THPT Chuyên Lam Sơn là ngôi trường vinh dự được Giáo sư cùng Tập đoàn Sun Group tặng số tiền hơn 10 tỷ đồng cho việc cải tạo nhà thi đấu đa năng (Khu giáo dục thể chất). Có thể nói gia đình Giáo sư Lê Viết Ly đã mang lại cơ hội học tập tốt hơn cho nhiều học sinh, sinh viên. Một trong số những em học sinh nhận được học bổng của gia đình Giáo sư là em Lê Viết Quyết (hiện là kỹ sư phần mềm thuộc Tập đoàn Sam Sung) đã nhắc lại câu nói của Giáo sư Lê Viết Ly: “Số tiền này trao cho người không cần đến thì rất nhỏ, nhưng trao cho người cần thì bác tin rằng một mai các cháu có thể làm được những điều lớn lao…”.
Có những người làm việc tốt rất tự nhiên như chính bản thân họ vậy, không phải để được biết đến hay ngợi ca. Điều này thật đúng với Giáo sư Lê Viết Ly.
Giáo sư Lê Viết Ly qua cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời”
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói ý rằng trang viết của những người lấy việc hành đạo làm mục đích giúp đời, giúp người tất đời sống của họ cũng sẽ phong phú như văn chương. Đó không phải vẻ đẹp kiểu “bồn hoa chậu cảnh” mà là vẻ đẹp của đồng xanh nghìn mẫu, nước bạc muôn trùng. “Kỷ niệm cuộc đời” của Giáo sư Lê Viết Ly là như thế. Bằng trải nghiệm của bản thân, ông đã ghi chép, hồi tưởng và cảm nhận về cuộc đời mình. Nội dung đó đã cho cuốn sách có hình thức của một tuỳ bút, cũng có thể xem như một cuốn tự truyện. “Kỷ niệm cuộc đời” có 4 phần chính: Quê hương và gia đình; Quá trình học tập và khởi nghiệp; Mở rộng tầm mắt ra thế giới; Một số hoạt động trong nước. 
Trong lời mở đầu cuốn sách tác giả viết rằng được sự động viên cũng như mong muốn của con cháu, bạn bè nên ông ghi lại những kỷ niệm đời mình xem đó là món quà dành tặng những người thân yêu và tặng cả chính mình… Đọc chậm từng trang, từng phần ta như cảm được một cuốn phim quay chậm theo dòng hồi tưởng, quá khứ và hiện tại có lúc đồng hiện.
Tình yêu, niềm tự hào về quê hương và gia đình
Ở phần 1 của cuốn sách, ông viết về quê hương, gia đình bằng tình cảm tự nhiên, chân thành. Nguyệt Viên làng ông thuộc xã Hoằng Quang, Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa không những là đơn vị hành chính riêng, một miền quê riêng, làng có nhiều người đỗ đạt cao mà nó còn thấp thoáng hình ảnh của bất kỳ một ngôi làng nào, là một phần, một hình ảnh thu nhỏ của xã hội, của đất nước ta lúc bấy giờ. Ông dẫn câu ca:
Nguyệt Viên lắm bạc nhiều tiền
Có con sông hiền tắm mát thảnh thơi.
Hay ông tự hào về cái làng khoa bảng:
Nguyệt Viên mười tám ông nghè
Ông đội nón dấu, ông che lọng vàng.
Phải gắn bó, phải yêu thương nhiều lắm mới viết như vậy. Âm thanh cuộc sống, âm vang xóm làng dội vào tâm tưởng và trở thành ký ức còn mãi với thời gian. Nguyệt Viên nơi có dòng sông Bút (nhánh của sông Mã) gắn liền với thăng trầm của đất nước với các sự kiện nạn đói năm Ất Dậu 1945 ông viết rằng “mở cửa ra thấy thây người chết đói ngay trước sân và ở ngoài đường…”, rồi Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp 1946-1954, cuộc giảm tô 1953, những năm chống Mỹ… Viết về cây cầu Hàm Rồng trong những năm chiến tranh không thể chân thực hơn, khốc liệt hơn khi ông hồi tưởng: “Núi Ngọc ở bờ Bắc bị bom dội trắng xóa do đá bị nung đốt thành vôi”…
Viết về gia đình, ông chỉ kể đôi nét về dòng họ và gia đình nhưng người đọc thấy được gia đình ông có nền tảng giáo dục tốt, gia đình Nho học, lấy đạo làm gốc. Người xưa có câu “cây tốt tươi nhờ gốc” hay “cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Từ đời ông cha đến đời của Giáo sư Lê Viết Ly đều coi trọng giáo dục gia đình “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” thật đáng trân trọng và cảm phục. Ông nội (Lê Viết Tạo) là phó bảng khoa Kỷ Mùi 1919. Bố ông, thầy Lê Viết Liêu nổi tiếng là người trí thức, chính trực, lấy tâm đãi người, lấy tài năng và đức độ để dạy dỗ các học trò. Cuốn sách có đoạn ông kể rằng bố ông từng phạt cậu ấm con quan lớn nhưng rồi ông quan nọ biết chuyện liền đưa con đến xin lỗi thầy. Như vậy chẳng phải tình yêu thương, đạo làm thầy ở người cha của ông đã có sức lan tỏa lớn đến những người xung quanh hay sao? Dù chỉ điểm qua nhưng những thành viên như ông chú tú tài hay anh trai của ông đều là người tài giỏi, đức độ. 
Giáo sư là người luôn tiết chế cảm xúc, tập trung cho sự nghiệp, lấy gia đình làm điểm tựa. Đọc những đoạn ông kể rằng ông chở con gái bé bỏng trên chiếc xe đạp cả hơn trăm cây số đến nơi ông công tác khi vợ ông cần được nghỉ ngơi để điều trị bệnh, hay đoạn nhận tin con trai đi học xa nhà ông vội vã từ Bình Định đón tàu ra Bắc chỉ để dặn dò, tiễn chân con rồi lại tất tả vào Nam ta thấy được ông luôn dành cho con những gì tốt nhất.
“Kỷ niệm cuộc đời” còn khiến người đọc ấn tượng về những người phụ nữ quan trọng trong đời ông. Đó là người mẹ, người chị gái và đặc biệt là người vợ xinh đẹp. Chỉ đôi dòng thôi nhưng ở đó có tình yêu, sự thủy chung thấu hiểu và đặc biệt là sự sẻ chia, trân trọng của người chồng đối với vợ. Những cuộc hẹn hò trên cánh đồng lúa ngọt xanh thì con gái. Đọc đến đây ta thấy Giáo sư Lê Viết Ly không theo nghiệp văn chương nhưng trong ông luôn thường trực những rung cảm tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên và con người. Nhìn những bức ảnh, những hoạt động của ông sau nghỉ hưu cho thấy ông luôn đồng hành và luôn muốn sự hiện hữu của người bạn đời bên cạnh mình mọi lúc có thể. 
Lấy hài hòa, khiêm nhường làm trọng. Trong quan hệ xóm giềng mới biết ông mực thước, có vị thế nhưng không xử vị thế mà lấy tình người, lấy chân thành để đối đãi. Ông kể vợ chồng ông đã sống được 10 năm ở ngôi nhà nhỏ trong ngõ, hàng xóm là một tay Chí Phèo nhưng gặp ông, Chí Phèo cũng trở nên biết điều, sẵn sàng cởi mở với ông. Ông nói gia đình ông không cãi nhau, không lớn tiếng… luôn nhận thiệt thòi về mình, luôn thua vì biết rõ có cãi nhau cũng thua.
Tấm gương về học tập, khởi nghiệp và làm “một mùa xuân nho nhỏ” cho mùa xuân lớn của dân tộc
Giáo sư Lê Viết Ly xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho học, học hành thi cử đỗ đạt rồi đi lưu học, trở về nước nhận công tác, có thể nói như vậy là thuộc “công danh đường mây”. Nhưng phải thấy rằng bản thân ông đã thừa hưởng trí tuệ và đạo đức từ truyền thống của gia đình và chính ông đã tạo nên giá trị cho bản thân. Năm 1954 ông thuộc lớp trí thức đầu tiên được nhà nước gửi đi học ở Hoa Nam (Trung Quốc), sau này trở về nước có đầy đủ điều kiện thuận lợi, có nền tảng để có thể ở lại Hà Nội công tác, nhưng ông đã lên với Tây Bắc rồi vào với Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Trong rất nhiều những ngành nghề, ông chọn lĩnh vực nông nghiệp theo mảng chăn nuôi. Thời điểm đó hơn 90% dân số hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, còn nhiều lạc hậu, thủ công nhưng ông thích sống giữa thiên nhiên, gần gũi với muôn vật, muôn loài. Ở đó ông tìm được ý nghĩa cuộc sống và ông thấy hạnh phúc.
Là người có nhiều công trình nghiên cứu và áp dụng thực tiễn hiệu quả, có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà. Nhiều dự án hợp tác khoa học về nông nghiệp với các nước cũng như các tổ chức quốc tế, xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học. Việc đi nhiều nước, biết nhiều thứ tiếng như Trung, Pháp, Anh… khiến cho ông có điều kiện và cơ hội để trải nghiệm học tập, nghiên cứu, thực nghiệm nhiều công trình dự án nông nghiệp. Như vậy có thể nói so với sự hữu hạn của một đời người thì Giáo sư Lê Viết Ly đã đi nhiều nước, từ các nước tiên tiến, văn minh để học hỏi, tích luỹ được kinh nghiệm cho cuộc sống nói chung cũng như lĩnh vực nông nghiệp chăn nuôi nói riêng. Ông từng tham gia Hội nghị chăn nuôi quốc tế ở Nhật, tham gia tổ chức FAO ở Thái Lan… công việc đòi hỏi và tạo cơ hội cho ông được đến với các nước Trung Quốc, Bungari, Phần Lan, Ấn Độ… Cùng với đó phải kể đến một số hoạt động trong nước như tham gia tổ chức FAO ở Thái Nguyên, Tuyên Quang…; góp công sức và trí tuệ vào xây dựng luật đa dạng sinh học của Bộ Nông nghiệp, xây dựng đề án “bảo tồn nguồn gen vật nuôi” đó là những đóng góp lớn của ông cho nền nông nghiệp nước nhà.
Là người lan tỏa năng lượng sống tích cực
Ở cái tuổi ngoài tám mươi nhưng Giáo sư Lê Viết Ly là người có tư tưởng và lối sống rất hiện đại. Quan điểm không lãng phí thời gian và tiền của vào hội họp, lễ lạt rồi mời lãnh đạo, thủ trưởng đến dự, mất thời gian của đôi bên. Trong cuộc sống, ông giữ và phát huy giá trị bản thân nhưng không quên tôn trọng cái riêng của mỗi người, luôn nghĩ cho người, đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ. Đọc đoạn ông viết rằng kỷ niệm 50 năm ngày cưới, ông không tổ chức tiệc cưới vàng mà hai ông bà trốn con cháu để đi du lịch là vì thấy bản thân mình may mắn được trường mạnh và hạnh phúc đến hôm nay nhưng còn có những người thân, bạn bè lẻ chiếc…
Là người luôn có suy nghĩ, có nguồn năng lượng tích cực, lối nói chuyện chậm rãi, khúc chiết pha chút hài hước. Ông kể rằng mình là người luôn cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng dịch vụ trên các phương tiện như xe buýt, tàu hỏa, máy bay… nhưng có lần “được chăm sóc kĩ quá” do người ta thấy cả ngày ông chưa ăn gì nên cứ chào mua đồ ăn, ông đành “mua cái đùi gà luộc để ăn cho họ biết rằng tuy là cán bộ nhưng tôi cũng có ít tiền và vẫn còn khỏe mạnh…” có một thời như thế! Hay ông dẫn câu chuyện về vị Đại sứ quán Việt Nam kể chuyện một người ăn một bát cơm không no nên kết luận cơm ăn không no, ăn thêm chiếc bánh cũng không no nên nói bánh ăn không no và đến khi ăn thêm củ khoai nữa thấy no và cho rằng khoai ăn mới no mà không biết để ngay từ đầu ăn luôn củ khoai đỡ mất công. Không chỉ vậy, dù là những chi tiết nhỏ trong câu chuyện của vị Giáo sư đáng kính, nhưng ta dễ dàng nhận thấy ở ông sự tinh tế, lịch thiệp. Những ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm ở Bungari, ông được 2 nữ công nhân hỗ trợ công việc, vì cảm quý tấm lòng mà ông đã mời họ - những người phụ nữ có “thân hình quá khổ” nhảy cùng ông qua những bản nhạc khiến họ rất cảm động. Tôi nghĩ đó là một nhân cách, một lối sống đẹp.
Được gặp gỡ, trò chuyện với Giáo sư Lê Viết Ly ở đời thực cũng như qua cuốn sách “Kỷ niệm cuộc đời” của ông, ta nhận thấy ở ông có một tâm thái tĩnh lặng, an nhiên. Có lẽ hạnh phúc lớn nhất với ông không phải khi là một nhà nông học được Quỹ Crawford của Australia vinh danh mà hạnh phúc ấy ông từng cảm được rất thực ở sự sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh của các giống vật nuôi, hạnh phúc khi được sống giữa thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên “là người gắn bó với nông thôn và nông dân”. Và hiện kể từ sau khi nghỉ hưu thì hạnh phúc đó là những gì ông và Tập đoàn Sun Group đã làm được cho công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh nhà. Ông luôn nói mình là người may mắn, nhưng ta cũng hiểu được rằng chính ông đã không ngừng nỗ lực và tự lực để xây dựng giá trị cho bản thân cũng như có sức ảnh hưởng lan tỏa ấm áp đến những người xung quanh.
                                                         

Thành phố Thanh Hóa, tháng 1-2023
                                                                             LÊ THỊ ĐÁNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 60
 Hôm nay: 4728
 Tổng số truy cập: 9241918
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa