Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Thơ... nghiêng của người đàn bà đi... ngược gió (Ba đoản khúc về Ngược gió, tập thơ của Trần Thị Thu Hà)
Thơ... nghiêng của người đàn bà đi... ngược gió (Ba đoản khúc về Ngược gió, tập thơ của Trần Thị Thu Hà)

Em đi ngược gió tìm anh
Rất gần sao cứ mong manh hỡi người! 
Em đi ngược gió tìm đời
Đời bên em cứ xa vời như mơ!
Em đi ngược gió tìm thơ
Chàng thơ phiêu lãng đợi chờ đón em!
Tôi tự nhận mình là người không sành thơ, phê bình thơ không phải là sở trường, nếu cứ liều chạm vào có khi thành sở đoản. Nhưng đọc bản thảo tập thơ thứ hai “Ngược gió” của tác giả Trần Thị Thu Hà, tôi bỗng nhiên không còn đắn đo, liền cầm bút viết bình thơ. Thử một lần xem sao?!
Đi ngược gió có khó khăn?
Thường khi trời đất nổi cơn gió (bụi), người ta phải đi ngược chiều gió theo lối quay lưng lại (bằng cách đi lùi) để tiến về phía trước, hoặc giả đi nghiêng nghiêng như loài sơn dương chạy từ trên núi xuống bao giờ cũng chạy cheo chéo như một bản năng thường trực. Nhưng người đàn bà này khác thường, cứ hướng mặt về phía gió (bụi) mà bước tới chẳng quản khó khăn, thậm chí không hề nhíu mắt. Qua thông tin ít ỏi từ nhà thơ Thanh Thảo bình về bài thơ “Đất nước tôi” của Thu Hà đăng trên Thời Báo Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tôi sơ qua biết gia cảnh của cô giáo dạy văn Trần Thị Thu Hà. Thật đáng khâm phục với nữ nhi... mà không thường tình. Người ta vẫn thường nói, làm thơ là phải đau đớn, vật vã, đôi lúc phải rỉ máu. Nhưng với Trần Thị Thu Hà, tôi cảm thấy, mọi chuyện nhẹ tựa lông hồng. Ôi! Sao lại có người đàn bà kiên cường đến nhường ấy. Mỗi ngày đi - về bằng ô tô bus từ nhà đến trường dạy học trên quãng đường hơn tám mươi cây số. Riêng chuyện đi về, tôi nghĩ, đã lấy hết sức lực của một người đàn ông có sức vóc bình thường, đừng nói đến phụ nữ chân yếu tay mềm. Chồng ốm đau bệnh tật, con cái, bếp núc... Còn công việc chuyên môn, giáo án, chấm bài... Biết bao nhiêu sự vụ ở đời! Thế nhưng không có chuyện nào lỡ dở. Tất cả đều hanh thông. Luôn hài hước, vui vẻ, yêu đời, ham sống, yêu nghề, yêu thơ. Thật là một người phụ nữ hiếm gặp! Tôi đồ rằng, con người này đa đoan, đa sự, đa tình. Nên mới kết được với Nàng Thơ. Rõ ràng là phải biết cách thuần hóa những nỗi đau thì mới sống an nhiên, tự tại, sống chậm lại để làm thơ trong khi đời sống cứ sôi sùng sục. Con số 50 bài thơ trong tập “Ngược gió” của Trần Thị Thu Hà là bằng chứng của văn chương không lâm nguy trong khi đâu đó đã và đang vang lên tiếng kêu cứu “Văn chương lâm nguy” (!?). Tôi cứ thầm mong, đời sống dẫu bể dâu thế nào thì vẫn luôn luôn có những người như cô giáo dạy văn Trần Thị Thu Hà, người biết cách chữa lành những vết thương lòng, chắt chiu niềm vui sống, dâng trọn tình yêu, cái đẹp cho đồng loại bằng... thơ ca.
Thơ… nghiêng và trang thơ… thẳng?
Tại sao nói thơ... nghiêng? Tôi cảm nhận trong 50 bài thơ tập “Ngược gió” của Trần Thị Thu Hà, có đến tám mươi phần trăm là thơ... nghiêng, còn lại hai mươi phần trăm là thơ... thẳng. Quý vị độc giả cứ bình tĩnh chia sẻ với tôi bình chú thơ... nghiêng và thơ... thẳng của cô giáo dạy văn độc đáo này. Nói thơ Trần Thị Thu Hà là thơ... nghiêng hẳn phải có bằng chứng : “Bóng chiều... nghiêng niềm nhớ/ Thì thầm... nghiêng lời thơ/ Dòng sông... nghiêng làn sóng/ Tình yêu... nghiêng con đò/ Cánh hoa... nghiêng ngẩn ngơ/ Ngọn gió... nghiêng hoang hoải/ Áng mây... nghiêng chiều dại/ Nụ hôn... nghiêng đất trời/ Yêu thương... nghiêng cuộc đời/ Nỗi buồn... nghiêng góc bể/ Vòng tay... nghiêng ngấn lệ/ Ôm em... nghiêng giấc mơ/ Gặp nhau... nghiêng hơi thở/ Bối rối... nghiêng mắt trao/ Trái tim... nghiêng nhịp đập/ Thổn thức... nghiêng vào nhau” (Nghiêng). Đây là bài thơ, theo xúc cảm của tôi, là một trong những bài thật hay trong tập “Ngược gió”. 
Đọc thơ Trần Thị Thu Hà, ta còn thấy nàng thơ này nghiêng về tình yêu, nghiêng về mùa hạ, mùa thu, có lẽ vì chủ thể là cô giáo dạy văn, mùa hạ với hoa phượng đỏ và tiếng ve râm ran (như là một giai điệu đặc trưng), mùa thu ngọt ngào... bao giờ cũng gợi nhớ dĩ vãng, đôi khi thành “dĩ vãng phía trước”. Nói như thi sỹ Xuân Diệu: “Không gì gợi nhớ dĩ vãng bằng một mùi hương và một giai điệu”. Những bài thơ... nghiêng về mùa hạ trong tập “Ngược gió”, đặc trưng cho điệu hồn trong thơ Trần Thu Hà (Mùa hạ ơi, Tình khúc mùa hạ, Níu chân mùa hạ). Thơ... nghiêng về mùa thu dịu ngọt thiết tha (Tình thu, Dịu ngọt trên môi, Giọt thu ngọt ngào). Thơ... nghiêng của Thu Hà kết tinh trong bài “Ngược gió” được dùng làm nhan đề tập thơ: “Em đi ngược gió tìm hoa/ Hoa chưa thấy đã đậm đà ngát hương/ Em đi ngược gió tìm sương/ Sương từ đâu đã vấn vương vai gầy/ Em đi ngược gió tìm mây/ Giang tay em đón mây bay về mình/ Em đi ngược gió tìm anh/ Rất gần sao cứ mong manh hỡi người/ Em đi ngược gió tìm đời/ Đời bên em cứ xa vời như mơ/ Em đi ngược gió tìm thơ/ Chàng thơ phiêu lãng đợi chờ đón em…”. Người ta hay nói “Nàng Thơ”, còn tác giả thì gọi đó là “Chàng Thơ”. Chắc (tôi đoán vu vơ) phải có một nhân vật trữ tình “Anh” nào đó bảng lảng mà cận kề, vô hình mà hữu hình, là niềm vui mà cũng có thể là nỗi đau thầm kín, tạo nên một “nỗi buồn đẹp” rất cần thiết cho nghệ thuật thi ca. Chính “Anh” đã gây nên những cơn bão lòng của nhân vật trữ tình “Em” và gợi thi hứng?!
Còn thơ... thẳng thì sao? Đó là những bài thơ viết theo cảm hứng trữ tình - công dân. Nghiêm ngắn, hào sảng, phấn chấn, động viên, khích lệ người khác đọc thơ mình để nhân lên những tình cảm cao quý với quê hương, đất nước, đồng bào, đồng chí; thơ trong sáng mang tính “đại khí”, “hùng khí” như: Bạn hãy một lần đến đất nước tôi, Bài ca xuân nhớ Bác, Đất nước tôi, Cuộc chiến không tiếng súng, Tình yêu người lính đảo xa, Đất nước mùa xuân, Tự hào Việt Nam - Tổ quốc tôi, Chuyện tình nhà báo, Yêu người yêu nghề. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng bình luận về thơ Thu Hà (Đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật): “Bài thơ Đất nước tôi cô viết từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, được đăng trên báo Thanh Hóa, là một cách cảm nhận và biểu thị tình cảm của mình về cuộc chiến cam go “chống dịch như chống giặc” mà Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành và toàn dân ta đã và đang nỗ lực hết mình...
Tôi mong được đọc nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về đất nước mình, đồng bào mình, về những tấm gương đang ngày đêm chịu vất vả, hy sinh để dập dịch, về những người lính y tế đổ gục ngất xỉu do lao động liên tục trong thời tiết nóng bức và phải chịu những quy định rất khắt khe khi chống dịch. Đó là những người lính đang trong cuộc chiến, và họ xứng đáng được động viên, ca ngợi, ủng hộ bởi tất cả những người Việt Nam yêu nước, yêu nhân dân mình. Xin cảm ơn cô giáo Trần Thị Thu Hà với bài thơ nhỏ trong tình yêu nước lớn. Việt Nam là như vậy, không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào!”. Đó là một trong những bài thơ... thẳng, hào hùng, mà tôi muốn nói tới của cô giáo Thu Hà.
Thơ hay cũng giống như người con gái đẹp
Các nhà phê bình thơ thường minh định một bài thơ hay trước hết phải có “tứ”, tứ sẽ gợi hình ảnh, hình ảnh sẽ kiến tạo câu chữ và nhịp điệu. Thơ Trần Thị Thu Hà nghiêng về nội cảm, đã đành, lại còn tạo hấp lực bằng sự bện quấn giữa “nội cảm” và “ngoại cảm”. Bài Hương thiên nhiên, theo tôi, rất đặc trưng cho mảng thơ đẫm chất “trữ tình riêng tư”: “Tóc em thơm hương bưởi/ Nụ cười ngát hương sen/ Ánh mắt em dịu hiền/ Hương hoa cau thoang thoảng.(...)/ Em tắm hương cỏ mật/ Hoa lá của đất trời/ Quyện trong em tuyệt vời/ Ướp cuộc đời dịu ngọt”. Nhận định sau đây từ lâu được coi như một định đề/ tiên đề trong toán học: “Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật”. Quả thật giữa những ngày nóng bức đôi khi ngột ngạt, giữa đại dịch Covid-19, mỗi người trên mảnh đất hình chữ S đang căng mình trong cuộc chiến đấu “Chống dịch như chống giặc”, sẽ thấy như được hạ nhiệt khi đọc thơ hay, như những bài thơ trong tập “Ngược gió” của nhà thơ Trần Thị Thu Hà. Bây giờ thì tôi tin tưởng gọi Trần Thị Thu Hà là nhà thơ trong ý nghĩa đích thực của từ này. Thiết nghĩ, không lời bình chú thơ nào có thể thay thế việc đọc trực tiếp thơ. Quý vị yêu văn chương/ thơ ca hãy đón đọc sự ra mắt của “Ngược gió”, theo tôi, sẽ là một tập thơ đứng vững và có thể chịu được sự thử thách của thời gian, trên mặt bằng thơ bao la, bát ngát hiện nay.
                              

BÙI VIỆT THẮNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 79
 Hôm nay: 4798
 Tổng số truy cập: 9241988
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa