Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   NĂM MƯƠI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH
NĂM MƯƠI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH

NĂM MƯƠI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH

Nhà văn TỪ NGUYÊN TĨNH
Nguyên Phó Chủ tịch Hội 
Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh

Thấm thoát đã 50 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (27-6-1974 - 27-6-2024). Từ ngày thành lập với 92 hội viên. Phần lớn là diễn viên, giáo viên, công nhân, nông dân - tay cày tay bút, tay búa tay súng, vừa cầm súng trên trận địa còn nóng bỏng bom đạn, chưa hiểu rõ về “sáng tác văn học nghệ thuật”, nhưng viết với tấm lòng yêu nước cháy bỏng, đã làm nên những tác phẩm tinh khôi, nóng hổi. Là “hội viên” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà. Từ những hội viên ban đầu ấy, trải qua năm mươi năm, nay đã có tới gần 500 hội viên, từ chỗ chưa có hội viên nào là hội viên chuyên ngành Trung ương, nay đã có nhiều hội viên chuyên ngành Trung ương. Từ một khoảng trống, không có những tác phẩm nào giá trị thì nay đã để lại sự mến mộ của bạn đọc trong tỉnh và cả nước.
Thật ra, để ra đời Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa chủ trương đưa văn nghệ Khu về hoạt động ở địa phương, phù hợp với nhiệm vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, trước âm mưu của Mỹ gây hấn ra miền Bắc. Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa được ra đời từ năm 1969. Nhưng trước đó, để tập trung lực lượng cầm bút, từ những năm 1960, đã có tạp chí Người bạn văn hóa, của Ty Văn hóa Thanh Hóa. Cũng là tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa (Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh sau này).
Sau hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), hầu như Thanh Hóa là khoảng trống về lực lượng cầm bút. Lúc xảy ra chiến sự Hàm Rồng, trong hai ngày 3 và 4-4-1965, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Các bài viết in trên các tập “Sông Mã chiến thắng” 1, 2, 3, 4… cũng chỉ ở dạng tin tức, ghi chép rất đơn giản; một ít bài ca dao… của giáo viên, cán bộ tuyên huấn tỉnh đội. Sau này có thêm sự đóng góp của các thầy giáo: Mai Ngọc Thanh, Lê Sĩ Oanh, Nguyễn Xuân Nha, Nguyễn Ngọc Liễn, Vương Anh, Phùng Gia Lộc, Đỗ Văn Phác… Các cán bộ tuyên huấn tỉnh đội như Đình Kính, các phóng viên báo quân khu Ba: Lê Hồng Khê, Lê Lựu… là những người tham gia viết tin bài phản ảnh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Thanh Hóa ở Lèn, Hàm Rồng, Ghép, Bái Thượng, Sao Vàng…
Sự ra đời Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, là sự kiện lịch sử, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị, xã hội của nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ đây hoạt động văn học nghệ thuật trong tỉnh nhà, đã có sự lãnh đạo của Đảng, văn nghệ sĩ đã được tập hợp thành đội ngũ. Được tự do sáng tạo, có sự dìu dắt của những người có chuyên môn, giúp đỡ người còn chập chững đi đúng hướng, có chung ngôi nhà ấm áp tinh thần sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo văn học là công việc độc lập mang tính cá nhân, nhưng sự thấu hiểu, thông cảm, đồng điệu là sự cần thiết.
Cùng với sự ra đời của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa là hình thành 07 ban chuyên môn: Văn, thơ, nhạc, mỹ thuật, sân khấu, văn nghệ dân gian, lý luận phê bình. Để những hạt giống sáng tạo ở địa phương, tỉnh lẻ, xa trung tâm Thủ đô, ở khắp vùng miền trong tỉnh, miền núi, miền biển, nhà máy, trận địa… không bị bỏ sót, bỏ quên. Từ những cây bút, còn tập viết “ăn đong”, “cảm tính” họ đã mau chóng trở thành tác giả. Từ những bài đơn lẻ họ đã ra đời từng tập, và nhiều tập. Gây được dư luận cùng bạn đọc trong cả nước. Tạo ra những tính cách, mang phong vị của xứ Thanh, góp phần vào hình thành nền văn nghệ Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa vỏn vẹn chỉ có hai cơ quan báo chí, báo Thanh Hóa và Đài Truyền thanh Thanh Hóa, nhưng cũng rất khiêm tốn. Báo Thanh Hóa, có bốn trang khổ nhỏ, in tin tức thông tấn là chủ yếu; Đài Truyền thanh Thanh Hóa, hầu như không có chương trình văn nghệ. Hội ra đời, tiếp thu tập san “Người bạn văn hóa” của Ty Văn hóa để lại, Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa ra đời, phổ biến các tác phẩm của hội viên sáng tác tới công chúng trong tỉnh. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, sân khấu, họa sĩ… cũng được dịp dấn thân vào các mặt trận chiến đấu, sản xuất trong tỉnh, hoặc nhập với quân dân binh vào chiến trường, phục vụ chiến đấu.
Nhưng không phải lúc nào, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa cũng đi trên con đường màu hồng. Như quy luật của cuộc sống. Có thời gian Hội mất đoàn kết, kéo dài không đại hội được. Đơn từ kiện tụng gửi khắp nơi. Có lúc người ta đã nghĩ, có nên tồn tại Hội Văn học Nghệ thuật nữa không, hay giải tán nó đi. Được sự quan tâm của tỉnh, mọi khúc mắc, bất đồng, tự do quá chớn đã được dẹp bỏ. Đại hội được tổ chức và Hội hoạt động đi vào nề nếp. Cùng với sự đổi mới, cởi trói của cả nước, Thanh Hóa đổi mới, văn học nghệ thuật cũng chuyển mình tạo nên một diện mạo mới, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cũng chịu nhiều thăng trầm, từ lúc hai tháng một kỳ, giấy phép tạm thời xin ở Ty Văn hóa Thanh Hóa. Lúc có tiền thì in, không xin được tiền thì thôi. Thậm chí có năm chỉ in một, hai số. Văn phòng Hội đông mà công việc không rõ ràng. Tạp chí nằm trong Hội nên việc biên tập cũng trì trệ, mạnh ai nấy làm. Chưa phải là một cơ quan báo chí đúng nghĩa của nó. Mãi đến năm 1997-1998, tạp chí mới tách ra thành một cơ quan báo chí độc lập. Hoạt động dần dần đi vào nề nếp. Các cuộc thi mở ra, phát hiện được nhiều cây bút trong tỉnh và tỉnh bạn tham gia.
*
Thấm thoát đã năm mươi năm. Nhiều lãnh đạo, hội viên sáng lập nay không còn nữa. Các ông Võ Quyết, Minh Hiệu, Huy Sanh, Hà Khang, Mai Bình, Nguyễn Văn Nhã, Trịnh Chơi, Hoàng Anh Nhân, Mai Ngọc Thanh, Lê Quang Nghệ, Nguyễn Ngọc Liễn, Hồ Nguyên Cát, Trần Hiệp, Hoàng Tuấn Phổ, Phùng Gia Lộc, Đỗ Văn Phác, Bùi Tiên, Lê Xuân Đức, Thành Đồng… đem ước vọng sáng tạo về cõi mây xanh. Các thế hệ tiếp theo như: Kiều Vượng, Đỗ Xuân Thanh, Mạnh Lê, Lã Hoan… cũng về trời. Thế hệ hội viên sáng lập như Văn Hòe, Mai Lan, Trọng Quang, Vương Anh, Văn Đắc, Hoàng Hải, Anh Chi, Đặng Ái, Đào Hữu Phương, Đào Phụng, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê, Từ Nguyên Tĩnh, Hải Minh, Nguyễn Ngọc Quế… người già yếu, người ốm đau, bệnh tật. Mới lúc nào còn tráng kiện, nay đã thành lão làng “xưa nay hiếm”. Nhưng họ vẫn không ngừng sáng tạo tác phẩm mới, đóng góp cho đời.
Một niềm tự hào lớn lao, đến hôm nay Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã đào tạo, trui rèn nên một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đúc với nhiều chuyên ngành khác nhau. Hoạt động của Hội không còn ăn đong như những năm đầu mới thành lập. Nhiều cuộc thi sáng tác được tổ chức ở các chuyên ngành. Nhiều cuộc hội diễn ở trong nước đã góp mặt của văn nghệ sĩ, tác giả xứ Thanh. Nhiều tác phẩm văn thơ, hội họa, nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu… của văn nghệ sĩ xứ Thanh ghi được dấu ấn trong công chúng và bạn đọc, bạn viết cả nước. Không thể kể hết tầm ảnh hưởng văn học nghệ thuật Thanh Hóa đến đời sống của nhân dân ta, góp phần tạo nên nền văn hóa mới, mang đậm sắc thái xứ Thanh. Không quên sự dìu dắt của các thế hệ lãnh đạo, văn phòng của Hội. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ngành, đoàn thể; đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Nhà xuất bản Thanh Hóa đã đồng hành, mở rộng biên độ, vườn ươm để các văn nghệ sĩ có điều kiện nẩy lộc đâm chồi. Điều quan trọng và tiên quyết nhất, công chúng bạn đọc xứ Thanh là nguồn cảm hứng để các sáng tác đi vào lòng người. Tạo ra sức sống và mạch nguồn của văn hóa đọc.
Năm mươi năm qua, Văn học nghệ thuật Thanh Hóa thực sự là cái nôi ươm mầm cho nhiều văn nghệ sĩ rèn luyện và trưởng thành. Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh thực sự là “bà đỡ” cho những cây bút còn non nớt trưởng thành, làm nên những tác giả và tác phẩm có giá trị. Họ đã ghi tên mình vào nền văn học nghệ thuật cách mạng của nước nhà.
                                                                             

 Tháng 6 năm 2024
                                                                                       T.N.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 138
 Hôm nay: 792
 Tổng số truy cập: 8916894
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa