Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Phê bình sự phê bình - tác phẩm “Tri âm cùng con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức
Phê bình sự phê bình - tác phẩm “Tri âm cùng con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức

Có khi nào chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Đời sống văn học cần nhà phê bình để làm gì? Chúng ta có thể không cần nhà phê bình hay không? Rõ ràng, rất ít người chú ý đến điều đó khi bước chân vào phê bình. Bởi lẽ, tâm lý mong muốn tự bộc lộ, bối cảnh tự do của việc in ấn xuất bản đã cho phép người đọc trình bày, công bố cách đọc, khả năng đọc của mình. Đôi khi, việc trình bày này được đánh đồng với phê bình văn học như một hoạt động chuyên nghiệp. 
Thế nào là một nhà phê bình chuyên nghiệp, một hoạt động phê bình chuyên nghiệp? Theo tôi, một nhà phê bình chuyên nghiệp là người xác lập phê bình như là chuyên môn của mình, từ đó học tập, đào tạo, bồi dưỡng và theo đuổi công việc một cách chuyên tâm, bền bỉ. Nhà phê bình chuyên nghiệp là người có phương pháp, có quan niệm riêng và vững chắc về giá trị, có khả năng thích ứng với các động thái văn chương mới, đồng hành với đời sống văn học đương đại. Nhà phê bình chuyên nghiệp không chỉ bày tỏ quan niệm giá trị của mình mà còn biết cụ thể hóa, khái quát hóa, thậm chí là mường tượng - dự báo các giá trị, đang và sẽ xuất hiện trong đời sống văn chương nghệ thuật, đưa đến cho công chúng (người đọc khác - số đông) những thực đơn lựa chọn. Dẫu sao, đó cũng chỉ mới là một cấp độ của phê bình chuyên nghiệp. Ở cấp độ cao hơn, có thể xem là tối cao, nhà phê bình chuyên nghiệp là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa. Việc trưng dụng các hiện tượng văn học chỉ như một công cụ, phục vụ cho quan niệm giá trị, cho tư tưởng mà nhà phê bình theo đuổi. Ở đây, câu chuyện sáng tác có trước hay phê bình có trước được đặt ra và vẫn chưa có lời phân giải sau cùng. Không phải là chuyện quả trứng hay con gà, mà là câu chuyện điều gì nảy sinh từ hư vô, trong tâm tưởng, tinh thần, suy tư của người viết? Nhà phê bình thực hành cụ thể hóa tư tưởng thẩm mĩ - mĩ học của mình thông qua việc khảo xét các tác phẩm văn học, từ đó khẳng định hay làm sáng rõ quan điểm mĩ học của họ. Khi đã có một hệ giá trị, hệ mĩ học riêng, việc lựa chọn tác phẩm, khám phá, sử dụng dẫn liệu hoàn toàn là các thao tác đến sau. 
Trở lên, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về cuốn sách “Tri âm cùng con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức (Nxb Hội Nhà văn, 2021) bằng việc tìm ra điều gì xuất phát trước tiên trong hành động phê bình của tác giả. Đây là hành trình ngược, lần lại điểm khởi đầu, hay đúng hơn là một cách đọc vào âm bản của diễn ngôn phê bình, nó khá giống với phương pháp “giảm trừ hiện tượng luận”, vốn là cơ sở cho phép chúng ta nhìn nhận hiện tượng trong tính uyên nguyên của nó, trước khi bị bao bọc bởi các lớp nghĩa từ quá trình diễn giải. Thì đây, “tri âm” chính là động thái nguồn cội của những gì Trịnh Vĩnh Đức sẽ viết. Tri âm không truy cứu một cách ráo riết đến phương pháp, cũng không đặt nặng vào việc sẽ trưng dụng một lý thuyết cụ thể nào trong quá trình đọc - diễn giải. Cách đọc của Trịnh Vĩnh Đức dựa trên kinh nghiệm cá nhân (dĩ nhiên, kinh nghiệm đó đã được tôi luyện từ quá trình học tập, nghiên cứu, thâu nạp lâu dài của tác giả. Nó làm nên chân trời đón nhận riêng của anh mà tiếng nói tri âm là sợi chỉ căng ra làm dấu cho một cách đọc). Tri âm cùng con chữ, như vậy, là một cách cụ thể hóa những “tiếng lòng đồng vọng”, từ/ của Trịnh Vĩnh Đức và các văn bản văn học mà anh có dịp hội ngộ. 
Bao giờ cũng thế, trong một cuốn sách có “n” nhân vật, hình tượng tác giả là nhân vật thứ “n + 1” ẩn giấu trong cấu trúc chữ nghĩa, văn bản. Đọc “Tri âm cùng con chữ”, qua 18 tiểu luận, chúng ta nhận ra những gương mặt tác giả - tác phẩm như là đối tượng khảo sát, đồng thời cũng nhận ra hình tượng “tác giả hàm ẩn” sau từng con chữ. “Tri âm cùng con chữ” tập trung phần lớn vào các tác giả văn học đương đại Thanh Hóa (ba trường hợp không thuộc không gian văn học này là: Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Văn Giá). Sự lựa chọn này nói lên phổ quan sát của tác giả tập tiểu luận. Có thể thấy, từ Hà Minh Đức, Chu Văn Sơn (đã mất), Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Minh Khiêm, Lê Xuân Soan, Trần Đàm, Huy Trụ, Lê Xuân, Lê Xuân Đồng, Phạm Văn Dũng, Thy Lan… Trịnh Vĩnh Đức đã cố gắng để nhập vào con chữ, nhập vào cấu trúc của văn bản, hình tượng, nhằm gọi ra những thanh âm mà tâm hồn anh có thể cảm nhận, thẩm thấu và chia sẻ được. Họ - những tác giả, tác phẩm được lựa chọn là những gì đang diễn ra gần gũi trong không gian văn học mà Trịnh Vĩnh Đức có cơ hội được trải nghiệm. Lựa chọn ấy là thích đáng, bởi người ta luôn biết mình có lợi thế ở điểm nào khi đứng trên vạch xuất phát. Lối đọc tri âm sẽ được tương trợ khá nhiều khi đối tượng là những gì thân thuộc với chủ thể đọc.
Phải nói ngay rằng, truyền thống đọc tri âm ở Việt Nam có một lịch sử không hề mỏng. Từ trung đại đến hiện đại, việc “lấy hồn ta để hiểu hồn người” (Hoài Thanh) đã trở thành một kiểu phê bình đem đến cho người đọc những khoái cảm nhất định cùng những hình dung về đối tượng thông qua ấn tượng được mô tả của người viết. Có thể thấy rất rõ điều này qua những cảm nhận của Trịnh Vĩnh Đức. Chẳng hạn, anh luôn gọi được tên ấn tượng của mình ngay từ tiêu đề bài viết: Nguyễn Minh Châu - Tư duy nghệ thuật về cái đẹp trong truyện ngắn sau 1975; Hồn quê trong chất thơ Nguyễn Bính; Đọng mãi “Lời yêu”; Tiếng lòng trong thơ lục bát Lê Xuân Đồng; Huy Trụ - Chất thơ trữ tình sâu lắng… Cách đọc tri âm hướng đến sự đồng cảm, đồng điệu với những gì được gửi gắm trong văn bản. Chính vì thế, cái khó của việc đọc này là ấn tượng phải sâu, đậm, đến mức có thể gọi được thành tên, lập được thành tứ, định hình thành các chủ điểm, nhằm có thể diễn giải, minh định. Quả như vậy, phải đọc kỹ Nguyễn Bính thì mới nhận ra “hồn quê” đằng sau cảnh quê, phong tục quê, lời quê, điệu quê và thể lục bát dân gian trong thơ Nguyễn Bính. Chỗ này, Trịnh Vĩnh Đức tỏ ra tinh nhạy, và có ý thức đối sánh với những tên tuổi thi sĩ khác cũng được xếp vào dòng thơ quê (Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp…). Với Nguyễn Minh Châu, Trịnh Vĩnh Đức tập trung vào ấn tượng “tư duy nghệ thuật về cái đẹp” trong tác phẩm. Như vậy, cái đẹp là đối tượng trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Lẽ thường, sáng tạo nghệ thuật nói chung là hướng đến các giá trị thẩm mĩ, thông qua giá trị thẩm mĩ để kiến tạo các giá trị nhân văn. Điểm đáng ghi nhận trong ấn tượng của Trịnh Vĩnh Đức chính là anh đẩy tư duy nghệ thuật về cái đẹp (hành vi) đến việc làm phát lộ các giá trị nhân bản (mục đích) trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu. Rõ ràng, dù đặt ra những câu chuyện đầy trăn trở, giày vò lương tâm, trí não con người, nhưng sau cùng, Nguyễn Minh Châu vẫn thắp sáng lên những hy vọng về phía cái đẹp, cái thiện lương, cái nhân văn sâu thẳm của đời sống con người (Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa…): “Với tôi, qua sự đọc trong một góc nhìn về Nguyễn Minh Châu, ông chính là người đưa tư duy nghệ thuật cái đẹp văn chương đến với người đọc để tìm về các giá trị nhân bản” (tr. 29). Cái đẹp ở đây nên được hiểu là một biểu tượng. Sự sống, cái sống là cái đẹp. Văn chương, dẫu có thác mình vào muôn hình tướng thì vẫn phải giữ lấy cốt lõi là cái đẹp nhân bản ấy. 
Lối đọc tri âm vừa có thể xem là ý hướng tiếp cận, vừa có thể xem là thái độ của Trịnh Vĩnh Đức đối với các hiện tượng văn học mà anh lựa chọn. Động thái này tập trung ghi nhận một cách trân trọng cái được, cái hay, cái gây ấn tượng tốt đẹp mạnh mẽ, ít hoặc không chú ý đến cái dở, cái chưa được của đối tượng. Tri âm đưa đến sự đồng điệu, nghĩa là cả người đọc và đối tượng gặp gỡ nhau trong cùng một trường nhịp của cảm xúc và suy tư. Muốn như thế, người đọc tri âm phải nỗ lực để nắm bắt từng tín hiệu ẩn giấu hoặc truyền gửi trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Tôi cho rằng, trong 18 tiểu luận của mình, Trịnh Vĩnh Đức đã cố gắng để làm được điều đó bằng sự trọng thị nhất có thể. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tinh thần ấy đọng lại trong bài viết “Chu Văn Sơn - người ra đi văn chương còn mãi”. Ở đây, Trịnh Vĩnh Đức phát hiện ra, Chu Văn Sơn là người đánh thức những giá trị tinh hoa trong văn chương, là một nhà phê bình tiếp nối được sự “sắc sảo diệu hoạt” của Hoài Thanh. Tôi cũng thích cách Trịnh Vĩnh Đức hình dung ra một Từ Nguyên Tĩnh, “đủng đỉnh nhưng đậm đà”, “phong tình nhưng rất gần với đời sống thực”, thể hiện khá rõ cốt cách, tâm tính con người xứ Thanh. Với Huy Trụ, đọng lại trong nỗi lòng tri âm của Trịnh Vĩnh Đức là “chất trữ tình sâu lắng”, “tình quê, tình đất, tình người sâu nặng lắm”. Với Lê Xuân Soan, những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục, văn chương, như “dòng sông chở nặng phù sa” là liên tưởng giàu ý nghĩa. Với Thy Lan (trong tư cách một nhà phê bình), Trịnh Vĩnh Đức đọc ra một “văn phong sáng, không rườm rà, quanh co, phức tạp”, cùng với đó là một thái độ “thẳng thắn nhưng chân tình”.
Đọc tri âm trong trạng thái hưng phấn tột độ của nó đẫm tinh thần Dionysos. Khác với tinh thần ánh sáng của Apolo, Dionysos đại diện cho niềm hoan lạc, say mê, phóng túng. Tuy nhiên, như một sự chất vấn lại ở đỉnh cao của tinh thần Dionysos vẫn là sự ngưng đọng của một tiến trình thẩm thấu tinh tế, gắn với tri thức và sự rung động sâu xa của trái tim con người. Tôi tin rằng, trong cách nhìn nhận này, Trịnh Vĩnh Đức đã có được những khoảnh khắc thăng hoa như vậy. Anh viết về Nguyễn Bính, Chu Văn Sơn, Từ Nguyên Tĩnh, Huy Trụ, Lê Xuân Đồng, Trần Đàm, Nguyễn Minh Khiêm… với cảm hứng khá say sưa. Dẫu vậy, tác giả vẫn không quên các thao tác nghị luận nhằm cụ thể hóa các ấn tượng của mình thành luận điểm, nhằm đẩy câu chuyện đến giới hạn sáng rõ hơn. Không chỉ là mô tả (như thế nào?) mà Trịnh Vĩnh Đức có ý thức lý giải (tại sao?) và rút ra những nhận xét, đánh giá (có tác dụng, hiệu quả gì?). Đây là quá trình làm gia tăng lòng tin đối với độc giả về những ấn tượng (tri âm) của mình. Chẳng hạn, khi đọc trường ca của Nguyễn Minh Khiêm, Trịnh Vĩnh Đức nhận ra: “Anh bám rễ khá sâu vào mạch sử thi hùng tráng với niềm hứng khởi mãnh liệt về quê hương xứ sở, con người. Sắc thái xứ Thanh như một căn cước để Nguyễn Minh Khiêm trải lòng cùng non sông, khắc tạc dáng hình, tư thế của con người, như là mẫu hình trong các biến cố trọng đại của quốc gia, dân tộc, lịch sử” (tr.121). Ấn tượng nảy sinh trong trí tưởng, cảm xúc, dẫn người đọc về nguồn mạch sử thi hùng tráng - bi tráng của dân tộc. Nhưng để làm hiện hình ấn tượng ấy, Trịnh Vĩnh Đức buộc phải tham chiếu đến các khái niệm, các tác giả, tác phẩm khác (làm phông nền, phối cảnh), và trung tâm là những trường ca của Nguyễn Minh Khiêm (Trường ca Ba mươi tháng tư, Hát nơi cửa sóng, Lê Lợi mài gươm). Đó là căn cứ cho diễn giải, đánh giá. Có thể nói, từ tri âm đến trình hiện ấn tượng, Trịnh Vĩnh Đức đã mang đến cho đời sống văn học một tiếng nói đầy trân trọng, không kém phần nhạy bén. 
Trở lại với những câu hỏi đã nêu lên ở đầu bài viết, liệu đời sống văn chương nghệ thuật có cần nhà phê bình không? Để làm gì? Câu trả lời vốn đợi sẵn chúng ta trong thực tiễn đang tồn tại của hoạt động phê bình bên cạnh sáng tác. Nếu không cần thiết, dĩ nhiên, các hiện tượng sẽ tự tiêu vong. Khoa học văn học được cấu thành nên bởi lịch sử văn học, lý luận văn học và phê bình văn học. Chính cơ cấu đó đã định hình một tình thế tồn tại của văn học (như một khoa học) bên cạnh các hoạt động sáng tác. Tập tiểu luận “Tri âm cùng con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức, đã cung cấp cho người đọc một hệ thống ấn tượng - diễn giải từ hành trình đọc của tác giả. Mang đầy dấu ấn cá nhân (thực ra thì, sự viết nào cũng là một tự thuật), nhưng rõ ràng, đó là những gợi ý cho việc lựa chọn đọc của công chúng, đồng thời tạo nên tiếng nói đối thoại trong đời sống văn học. Không trau chuốt, mĩ miều về mặt văn phong, những trang viết của Trịnh Vĩnh Đức có được sự chân thành, nồng hậu. Đó là phẩm chất cần thiết của người viết, nhất là khi chúng ta ý thức được rằng diễn ngôn kiến tạo nên bản sắc chủ thể, kiến tạo thế giới. Trịnh Vĩnh Đức tin tưởng vào sự đọc của mình, tin tưởng vào ngôn ngữ và khả năng diễn giải của mình, điều đó đáng quý, nhưng không phải không ẩn chứa những cạm bẫy đến từ sự tư biện. Ấn tượng trong cõi lòng tri âm có lúc vấp phải các giới hạn của diễn giải, khiến cho đôi chỗ các thuật ngữ, khái niệm, lập luận bị chênh vênh, gợi cảm giác cần phải được “gia cố” thêm nữa. Dẫu như vậy, “Tri âm cùng con chữ” đã trình ra một thế giới nơi có những gương mặt, những chân dung, những điểm nhấn về giá trị văn chương nghệ thuật.
Phê bình sự phê bình vốn không phải là một điều gì quá mới mẻ khi tư duy phản biện, tái nhận thức, giải cấu trúc là động lực chính của sự vận động. Các diễn ngôn luôn chứa đựng nhu cầu và khả năng đối thoại nhằm kiếm tìm cơ chế thương thỏa hướng đến chân lý (tiệm cận với chân lý). Tập tiểu luận của Trịnh Vĩnh Đức là tiếng nói tri âm của người viết với những gặp gỡ trên đường văn chương. Động thái ấy giải trừ những khuôn khổ lý thuyết hay phương pháp để dung hòa trong sâu thẳm ấn tượng cá nhân. Tri âm là tấm vé thông hành cho phép người ta tung tẩy trong miền chữ nghĩa, miễn sao nói cho được ấn tượng chủ quan của mình khi thông tri cùng tha nhân. Những cách đọc khác, phương pháp, lý thuyết khác sẽ mang đến những hình dung khác về cùng một đối tượng. Nhưng, tri âm vẫn là một cách để mở hồn ta mà đón nhận hồn người, để cùng rung lên những xúc cảm, những suy tư về giá trị văn chương, nghệ thuật và cuộc đời.
                                                            

N.T.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 9011
 Tổng số truy cập: 7664435
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa