Thơ Phạm Tiến Triều mang lại một hương vị mới, cái mới của sự chất phác, hồn hậu với những tin yêu của đất và người miền ngược. Kể từ năm 2014 đến nay anh đã xuất bản được 4 tập thơ(*) thể hiện được thành công nhất định và chọn được hướng đi riêng. Những câu thơ thể tự do được anh sử dụng như những lời bộc bạch vừa thoáng chất hoang sơ, tự nhiên như hơi thở của rừng, của bản, lại vừa có nhịp thở từ con tim yêu của trai trẻ thời hiện đại. Phạm Tiến Triều vượt bao nhiêu gian khó, sắt son với quê hương và rồi ươm nở những ý tưởng trên mảnh đất mình ở, gieo vào đời những câu thơ mang bản sắc dân tộc. Tự cho mình là “người trên núi làm thơ”, anh bộc bạch:
Người trên núi làm thơ
Không hay gọt câu, múa chữ
Câu thơ tự chảy ra như nước trong nguồn
(Người trên núi làm thơ)
Là kẻ rong ruổi tìm mình, không chấp nhận thói hư vinh trong sự học, những lời giả dối trong thơ ca. Anh từng nhắc mình:
Thơ phải chắt ra từ máu thịt
Thơ phải đi từ nỗi đau cất lên
Thơ phải chảy từ trái tim yêu thương con người mà có
(Tìm mình)
Anh luôn cảm thấy day dứt, mắc nợ vì nhận ơn huệ từ bầu sữa quê hương, từ biết bao công ơn của cha mẹ. Đối với anh, những gì anh làm vẫn là chưa bù đắp được công ơn đó.
Chưa cho mẹ được tấm áo thơm
Mắt người đã mong manh như lọn khói lưng chiều
Được đi học cái chữ
Chưa cho quê được điều gì
(Nợ quê hương)
Là nhà giáo, đồng thời là nhà văn, nhà thơ, những trải nghiệm công việc khác nhau đã chắp cánh cho thơ Phạm Tiến Triều, giúp anh “tìm mình” trong hành trình tìm ý nghĩa của thơ, của cuộc đời. Phạm Tiến Triều bước vào làng thơ với tình yêu con chữ từ trẻ, thổi bừng lên niềm yêu thơ chân chính, đặc biệt là mang tới cho độc giả quan tâm đến văn học miền núi những kỳ vọng mới. Thơ anh gieo vào lòng người những gì chân thành và tự nhiên, cái tự nhiên của câu xường, điệu ví, âm sắc của núi, của mường. Bằng tình yêu chân thành, chất phác của chàng trai dân tộc Mường, anh đưa vía ta về tắm mát nơi cánh rừng, ngọn đồi, khe suối, nương theo những vất vả và hạnh phúc bình dị của người Mường xứ Thanh. Núi rừng là nơi anh cõng chữ, là hồn cốt trong anh, cũng là cội rễ mạch nguồn hạnh phúc của anh. Nơi đó có ánh mắt chan chứa yêu thương chờ đợi của cha mẹ, của những mầm non yêu dấu. Phạm Tiến Triều gọi thành quả công việc dạy học của mình là “từng vạt chữ anh trồng”, đó là chút quà anh “trả nợ” ân tình cho quê hương, anh “trả nợ” một cách lặng lẽ, chân thành và miệt mài trong hành trình nhiều cam go. Nhiều người thích phiêu trong các chuyến phượt tới miền Tây xứ Thanh, nhưng sống, bám trụ với nghề tại miền ngược là khó khăn, vất vả. Là người bản địa, Phạm Tiến Triều thấu tỏ việc gieo trồng con chữ nơi vùng cao cực nhọc như đi trên dốc núi, bởi học trò vùng cao thích bám rừng hơn chữ, để những đứa trẻ quen dần mặt chữ thì công việc dạy học của anh không khác gì phu chữ - cật lực, dày công.
Không sá gì dốc núi
Ta cõng chữ về mường
Núi cao như dáng chữ
Ta chất đầy trên lưng.
(Đường trên núi)
Ưu tư của nghề nghiệp, khát khao được xây dựng hạnh phúc khiến thơ anh luôn có đôi mắt trẻ thơ, lúc thì ngơ ngác, khờ khạo, lúc trong veo, lấp lánh. Trong bài “Khúc thời gian”, với kết cấu giống như một thước phim, anh đã cho ta thấy hành trình của cuộc sống, những nhọc nhằn của người làm cha, làm mẹ, trong những gian khó ấy luôn lấp lánh niềm vui, sự trong sáng của trẻ thơ: “Đêm về/ Tiếng trẻ bi bô đọc chữ/ Vang cả xóm đồi/ Vọng cả thung sâu”.
Tình yêu của anh gắn bó với tình yêu những đứa trẻ nơi miền đất anh sống và làm việc. Ta thấy, có một chàng trai yêu chân thật, say đắm mà vẫn giữ được vẻ tao nhã, một ngày nọ chàng quên lời cha mẹ dặn, bởi một lý do thật dễ thương:
Gặp cô gái tóc dài như tóc mẹ
Đôi mắt trong như nước suối mường mình
Làm vía con lạc
Quên đường,
Quên lối
(Lạc vía)
Và rồi sau lúc lạc vía, tìm kiếm sự đồng điệu, chàng từng xin sự tỏ tường với người mình thương:
… Anh sẽ dìu em về chốn bình yên trú ngụ
Nơi lũ trẻ ê a bên vạt chữ anh trồng
Được không?
(Được không)
Mong muốn ấy, sự bày tỏ ấy thật thà, dung dị như đồng nà, e ấp và tha thiết như câu xường, dịu dàng như ánh trăng chảy nơi suối nguồn anh từng uống. Đối với anh, đưa người mình thương đến với công việc hiện tại, với tương lai gieo chữ là bình yên. Phạm Tiến Triều cho ta thấy một chàng trai si tình nhặt nhạnh những tình yêu, những kỷ niệm, hồi ức:
Ta nhặt nụ hôn chiều ấy bỏ quên
Trên triền nhớ suối mường em ngày nắng
Lỡ say lời ngọt ngào
Lỡ say câu xường ru trẻ nhỏ
Ta mơ giấc ca dao.
(Nhặt)
Khi yêu, ai cũng mong đến được cùng nhau, có một gia đình ấm cúng, một sự trọn vẹn, chàng trai của “Bùa lá” cũng vậy, vì rất yêu, rất tin, anh còn muốn vượt lên những chướng ngại của ngày cũ, hy vọng cùng người ấy “nhặt vụn vỡ ngày cũ” để chắp cánh tương lai. Tuy vậy, người ấy luôn đẹp và xa xôi, lấp lánh một “nụ cười em ngập nắng”, khiến chàng trai cảm thấy mình như kẻ hành khất khát yêu. Phạm Tiến Triều cho ta biết một kẻ thất bại trong tình yêu nhưng vẫn tự biết lập trình. Hóa ra, yêu rất yêu, say rất say, đau rất đau… nhưng chàng đều biết giữ một ranh giới, bởi chàng thấm thía lời dặn của ông cha: “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
“Người trên núi làm thơ” - Phạm Tiến Triều đã thành công trong việc gieo vào lòng người lý tưởng cao đẹp, tình yêu trong sáng trong từng “vạt chữ” của riêng anh. Phạm Tiến Triều thể hiện sự gắn bó máu thịt với quê hương, bằng những gì thiện lành mà anh lý tưởng và gieo trồng tại quê hương. Những giá trị cốt lõi của sáng tạo được Phạm Tiến Triều thẩm thấu trong hành trình ươm những câu thơ, hành trình tìm lại chính mình, mang lại sự hồn hậu mà mẫn tiệp trong một sắc thái Mường đương đại.
H.L
(*) Những tập thơ đã xuất bản của Phạm Tiến Triều từ năm 2014 gồm: “Ta là người của núi” (xuất bản năm 2014, NXB Văn hóa dân tộc), “Mùa bông trăng” (xuất bản năm 2016, NXB Thanh niên), “Người mường Trại” (xuất bản năm 2019, NXB Hội Nhà văn) và “Bùa lá” (xuất bản năm 2019, NXB Hội Nhà văn).