Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Gốc lim cô đơn - Những câu hỏi lớn về giá trị, niềm tin và lẽ sống
Gốc lim cô đơn - Những câu hỏi lớn về giá trị, niềm tin và lẽ sống

Đầu Xuân năm nay (Quý Mão - 2023), tôi được người học trò cũ - nhà giáo Bùi Hữu Thược tặng tập truyện ngắn “Gốc lim cô đơn”, cuốn sách dày 256 trang với 12 truyện ngắn. Bây giờ tôi lại biết thêm một Bùi Hữu Thược - nhà văn của tỉnh Thanh Hóa. Với những người cao tuổi, cầm cuốn sách 256 trang trên tay rất dễ có tâm lý... ngại đọc. Nhưng không! Ngay từ những trang đầu cuốn sách tôi đã bị cuốn hút bởi cách hành văn mạch lạc, khúc chiết, cách kể chuyện tỉ tê, cách viết rất hấp dẫn của tác giả. 
Một thầy giáo dạy Toán, một cán bộ chuyên môn của Phòng Giáo dục, thậm chí cho dù một vài năm trước khi về hưu có là một Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, nhưng hầu như phần lớn thời gian công tác cũng chỉ quanh quẩn với những bài toán, những con số, chủ yếu là tiếp xúc với các em học sinh trong trắng, ngây thơ, hoặc những đồng nghiệp cũng là nhà giáo, rồi dự giờ lên lớp, thanh tra kiểm tra trường học, làm công việc “bếp núc” trong UBND thành phố... Ấy thế nhưng qua tập truyện ngắn “Gốc lim cô đơn” ta thấy Bùi Hữu Thược đã đề cập đến rất nhiều lĩnh vực chứng tỏ vốn sống của anh rất phong phú, từ chuyện quản lý nhà nước ở cơ sở (xã, phường) đến cấp vĩ mô; từ giáo dục, y tế, hội họa, ngân hàng, công an, doanh nghiệp đến các lĩnh vực đất đai, buôn lậu, tâm linh... Về thời gian, chuyện kể từ thời chiến đến thời bình, từ những năm đất nước còn bị chia cắt đến ngày thống nhất rồi trải qua thời kỳ bao cấp, thời kỳ đổi mới cho đến những ngày tháng gần đây chống dịch Covid-19... ước tính là trên dưới sáu mươi năm theo tuổi đời của tác giả.
Không gian trong tập truyện chủ yếu đề cập đến xứ Thanh, nhưng cũng rất đa dạng: từ miền núi xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, vùng bãi ngang đến thành thị, rồi Thủ đô Hà Nội. Từ bệnh viện ở Hà Nội đến khu công nghiệp lớn của vùng Bắc miền Trung, từ các nhà trường đến chiến trường miền Đông Nam Bộ mênh mang sông nước Đồng Tháp Mười (Bùi Hữu Thược không đi bộ đội, nhưng viết về chiến tranh, mặt trận và người lính rất khá!). Sông Mã, cầu Hàm Rồng và rừng Thanh Hóa được đề cập khá đậm nét trong tác phẩm của anh. 
Các nhân vật xuất hiện trong tập truyện cũng rất phong phú: từ người lao động bình thường đến một vị quan chức, từ người nhà quê đến người ở phố, từ trẻ con, phụ nữ đến ông bà già, từ người lính ở chiến trường đến những cô gái “bán hoa” trong thành phố... họ đều có tính cách rất rõ nét. 
Kinh tế thị trường phát triển cùng với sự biến động dữ dội của đời sống xã hội, sức mạnh của đồng tiền đã dẫn đến sự tha hóa con người và lối sống, không ít người trong đó có những người có chức, có quyền đã biến chất, dẫn đến bi kịch cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em... và họ tự đánh mất chính mình. Tác giả mạnh dạn vạch mặt một số cán bộ hàng tỉnh, thăng quan tiến chức nhờ đồng tiền và mánh lới, tham ô tham nhũng nhiều tỷ đồng, sống tham lam, sa đọa, ăn chơi trác táng, khoe khoang hợm hĩnh và cuối cùng thì bị trả giá. Đó là những cán bộ: về hưu là hết “từ ngày về hưu không có ai đến chơi, cái ấm cũng không được ấm bao giờ, trước đây còn đi làm xe ra xe vào nườm nượp”. Những thủ đoạn lừa lọc xấu xa cũng bị phơi bày, tác giả gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về một sự bất an đối với con người.
Có những truyện đọc cười ra nước mắt vì những số phận éo le, những bi kịch pha chút bi hài của phong ba bão táp cuộc đời. Con người ta sống được và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ là nhờ có niềm tin, mất tiền mất bạc rồi thì cũng có thể nguôi ngoai, nhưng mất niềm tin là mất tất cả. Những câu hỏi lớn về giá trị, niềm tin và lẽ sống, thân phận con người trước những biến động của xã hội được đặt ra trong tác phẩm của Bùi Hữu Thược. Đó không phải vì “cái móng cầu bắc qua sông chạm long mạch, người ta bảo khi động thổ không cúng thổ địa long thần chu đáo” mà vì những kẻ sa ngã do thiếu rèn luyện, thiếu bản lĩnh trước sự cám dỗ của vật chất. 
Phần lớn các truyện ngắn của Bùi Hữu Thược là gợi nên những nỗi buồn, tuy vậy vẫn bừng lên những tia hy vọng, những niềm vui bởi vì cái tốt như những đốm lửa vẫn lóe sáng trong cuộc đời này. Bên cạnh những kẻ tha hóa, biến chất, vẫn có những con người đôn hậu, vị tha như những ánh lửa của niềm tin không bao giờ tắt. Hai người lính yêu nhau trong chiến trường Đồng Tháp Mười, cô gái hy sinh năm 1972, ông đi tìm hài cốt của cô hơn ba mươi năm không thấy (Truyện ngắn Hoa súng) nhưng hơn ba mươi năm sau ông Phạm Đức Thụ lại được con trai Phạm Đức Thanh cùng con dâu và các cháu nội của mình tìm về. Tôi ngâm nga từng dòng trong truyện ngắn “Ông ngoại” và rơm rớm nước mắt vì cảm phục nhân cách của người lính già đã đi qua hai cuộc chiến tranh, hòa bình thống nhất đất nước lại về với cày cuốc ruộng vườn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất để nuôi vợ, nuôi con, ốm đau đi viện đủ thứ phiền hà nhưng không một lời kêu ca phàn nàn. Trước khi từ biệt thế gian này, người cựu chiến binh chỉ mong con cháu ông giàu nhân phẩm. Tôi liên tưởng ngay tới truyện ngắn nổi tiếng “Tướng về hưu” của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và tự lý giải: Bản chất của những người lính - cựu chiến binh là thế! 
Truyện ngắn “Miếng vá” như một tín hiệu vui về số phận và hạnh phúc của con người bình dân cho dù hạnh phúc đó là chắp vá. Một người vợ liệt sĩ đã phải trải qua bao cay đắng, xót xa, mất mát và oan khuất để cuối cùng được trả lại công bằng tuy rằng có muộn màng... (Người không chung thủy).
Hạ - một tên lâm tặc buôn lậu, là tù nhân vượt ngục nhưng lại sống rất tình người (Gốc lim cô đơn), trái ngược với cái ông tên Tư nguyên trưởng phòng tín dụng ngân hàng vừa mới về hưu cứ lăm le muốn bỏ vợ để chạy theo con bồ kém mình ba mươi tuổi, mà con bồ này lại là đứa... có chửa bốn tháng với chính thằng con trai ông để cuối cùng nhận cái kết là bà Hoài (vợ ông) ra sông... gieo mình tự tử! (Sóng dưới chân cầu ).
Truyện “Thế thời” với cách viết lạ hấp dẫn, thể hiện một góc nhìn bao quát thông qua nhân vật ông Cột điện nhưng đầy ắp những thân phận trói buộc: lúc là thảo dân lúc là tội đồ, lúc là thần tiên,… Vừa trải nghiệm, vừa chứng kiến, vừa phán xét, vừa dự báo thời cuộc… Thể hiện những triết lý nhân sinh sâu sắc của người viết.
Trong tập truyện, niềm vui và nỗi buồn cứ đan xen. Cho đến những dòng cuối cùng ở trang cuối cùng của cuốn sách người đọc mừng vui vì “Hai tháng sau con gái của Lai đã có giấy báo đậu Đại học” nhưng lại xen lẫn một nỗi buồn “Hùng chết vì tai nạn giao thông đã gần một tháng”! 
Đọc tập truyện ngắn “Gốc lim cô đơn” ta hiểu biết thêm về những nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của xứ Thanh, biết thêm về ngôn ngữ đối thoại, cách nói năng mộc mạc, giản dị, chân quê của người Thanh Hóa. Đặc biệt, truyện nào trong cuốn sách cũng mang một thông điệp rõ ràng và kết thúc câu chuyện thường gây bất ngờ cho người đọc bởi những câu rất “đắt giá”. 
Xin được chúc mừng nhà giáo - nhà văn Bùi Hữu Thược với đứa con tinh thần “ Gốc lim cô đơn” của anh. 
                            

  Hà Nội, 03-4-2023
                                P.N.Q


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 320
 Hôm nay: 1098
 Tổng số truy cập: 9247009
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa