Học Bác Hồ suốt đời từ những điều nhỏ nhất
Tôi luôn nghĩ về việc học tập tấm gương sáng là trên tinh thần tự nguyện. Sức thu hút của nhân vật nào đó vào bản thân đến từ sự hấp dẫn, lan tỏa. Vì lẽ đó, học Bác Hồ không phải vì hưởng ứng phong trào, mà đó là mong muốn tự thân, xuất phát từ sự khâm phục, thấm ngấm tư tưởng, phong cách, tâm hồn của Bác. Học Bác chính từ những điều nhỏ nhất. Sức hấp dẫn của việc học tập đó luôn luôn xuất phát từ nhu cầu tiến bộ, nhân văn và hạnh phúc.
Là một người con sinh ra ở xứ Thanh, một vùng quê tươi đẹp, có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng. Xứ sở đã sinh ra nhiều đời vua chúa và tướng lĩnh hào kiệt. Truyền thống tốt đẹp đó hun đúc nên cốt cách con người xứ Thanh: Cần cù, nghị lực, cá tính, tư duy tiến bộ… Thiết nghĩ việc học tập Bác Hồ chính là một cách để tiếp thu nguồn mạch tinh hoa của dân tộc thấm vào xứ Thanh từ đó góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp, cao quý của người Thanh Hóa. Trong vô vàn những điều cần phải học đó thì đầu tiên, trước nhất tôi nghĩ thứ cần học ở Bác là cách xây dựng, gìn giữ hình ảnh và phẩm giá con người. Nghĩa là chúng ta phải loại bỏ trong mình những tính xấu, cách học sai, việc làm xấu. Một tỉnh Thanh Hóa đẹp thì hình ảnh, phẩm giá của mỗi người Thanh Hóa phải đẹp trước. Một tỉnh Thanh Hóa kiểu mẫu thì “… chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu…”. Trong lời căn dặn Thanh Hóa xây dựng kiểu mẫu, tư tưởng của Người luôn bắt đầu từ cái nhỏ, cái cá nhân. Khi mỗi cá nhân đã là kiểu mẫu thì cái đại cục, cái tập thể ắt hẳn sẽ thành kiểu mẫu.
Tôi nhớ trong một lần họp báo, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát biểu khái quát về tỉnh ta với ba ưu thế: Thứ nhất điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ban tặng rừng vàng, biển bạc. Thứ hai là điều kiện về truyền thống văn hóa - lịch sử có bề dày, vẻ vang. Thứ ba chính là con người, đây được xem là điều kiện quyết định (trong mở cõi, trong đấu tranh ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước). Từ việc nói lên niềm tự hào đó, đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu thời đại mới là quan tâm đến nhân tố cán bộ, quan tâm xây dựng phát triển con người. Trong việc phát triển nhân tố con người thì tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực như đào tạo cán bộ, giáo dục các cấp học, giáo dục chuyên đề… Và phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động đã được triển khai rộng khắp trong nhân dân. Cùng với đó là rất nhiều những tổ chức, cá nhân là tấm gương tiêu biểu trong học theo Bác được báo chí tuyên truyền sâu rộng nhằm lan tỏa và thấm ngấm trong nhân dân. Nhiều tác phẩm đạt giải thưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã được các đơn vị tặng giấy chứng nhận, giấy khen… Nhiều tác phẩm, tác giả, các đơn vị đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen. Học Bác bằng cách nêu gương cũng là việc làm hiệu quả và có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Bao năm qua, dù là khi còn làm nhân viên hay giờ đây làm công tác quản lí, Bác Hồ luôn là niềm cảm hứng vô tận với tôi. Bài học về trách nhiệm với công việc, tinh thần nêu gương trong công việc cũng như trong cuộc sống, bài học về tu thân dưỡng tính từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc tư đến việc công… tôi luôn mang theo. Là một nhà báo, một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tôi luôn tự nhủ rằng mỗi bài viết, mỗi câu chữ, mỗi tác phẩm khi được công bố nghĩa là một lần tôi được góp phần bé nhỏ của mình vào việc nâng cao dân trí, từ đó mà độc giả của mình biết thêm, hiểu thêm về tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, của Bác trong mong cầu “đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”. Nhiều năm qua, tôi cùng tập thể Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh luôn tìm mọi cách làm sao để tuyên truyền được nhiều nhất và có hiệu quả nhất. Thông qua những bài báo, những bức tranh, bài nhạc, truyện ngắn, bài thơ, bức ảnh… mỗi chúng ta lại thêm nhớ và học Bác, làm theo Bác một cách tự nguyện, chuyên tâm. Thiết nghĩ rằng mỗi người luôn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao trong chức trách, công việc, thì không kể việc nhỏ hay lớn đều góp phần làm nên thành công chung của tập thể, đơn vị. Từ công việc chúng ta sẽ nhận ra thêm được nhiều điều thú vị, khám phá thêm được những phần năng lực của bản thân chưa được cày xới tới và đặc biệt khi chúng ta hăng say lao động, tận tụy cống hiến thì ngay lúc đó ta đã và đang làm theo Bác, đang học Bác một cách tự nhiên và tự thân nhất.
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã ra sức phấn đấu học tập để có bằng cấp cao. Nhưng đến khi đi làm thì lại nóng vội, thiếu kỹ năng rèn luyện thực tiễn, điều này chứng tỏ học chưa đi đôi với hành. Nhiều người trẻ không chịu được sức ép vật chất mà đánh mất năng lực tự vệ trước cám dỗ, bị ảo tưởng bởi “làm giàu không khó”, thiếu bản lĩnh người cộng sản, tư tưởng lập trường không vững vàng, muốn thành công nhanh, muốn kiếm tiền nhiều nên không ít người đã sa ngã vào vòng lao lý, vì tiền, vì quyền mà quên tu thân, dưỡng tính. Điều đó làm mất lòng tin của đồng nghiệp và nhân dân. Có nhiều người hôm nay còn là “tấm gương học Bác”, chẳng bao lâu sau lại là “tội đồ” đứng trước vành móng ngựa. Sở dĩ có hệ lụy khôn lường đó là do chủ quan với việc rèn luyện bản thân, thiếu tính kỷ luật và trách nhiệm trong công việc, thiếu tinh thần vì cộng đồng, ích kỷ hẹp hòi, máy móc, tự mãn. Từ thực tiễn đó có thể thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ có ý nghĩa rất lớn đối với những người trẻ nói riêng. Bởi lấy việc học tập Bác sống giản dị, ngay ngắn, trách nhiệm và vì mọi người thường xuyên là một cách để tu thân, để trưởng thành mà tránh được những va vấp không đáng có. Mỗi cá nhân cần phải nhận thức được việc học Bác là cần thiết, vận dụng sáng tạo tư tưởng Bác phù hợp với thực tiễn chính là nhân lên trong đời “những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chính trị lỗi lạc, đồng thời cũng là một nhà báo, nhà văn, biết vẽ tranh, biết đóng kịch… có hiểu biết sâu rộng các nền văn hóa, văn học nghệ thuật từ kinh điển, lãng mạn đến hiện đại, nói được nhiều ngoại ngữ trên thế giới. Bác là con người vĩ đại nhưng giản dị. Từ việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc đến những việc đời thường như trồng rau, dạy trẻ… Người đều để lại những kinh nghiệm quý báu.
“Học tập suốt đời” có lẽ là điều đầu tiên, cơ bản nhất, tiên quyết nhất mà mỗi người cần học ở Bác. Cuộc đời của Bác là một quá trình: vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời để chúng ta noi theo.
Chỉ nói riêng việc Bác tự học ngoại ngữ để thấy chúng ta cần học Bác điều gì. Thời Bác sống đâu có giấy bút sẵn như chúng ta hiện nay. Cần học chữ nào Bác viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa học. Đến cuối ngày chữ mờ đi cũng là lúc Bác nhớ được hết. Những năm bôn ba hải ngoại làm đủ nghề để sống, Bác vẫn tranh thủ thời gian để học một cách kiên trì. Sau này trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước Bác vẫn tự học trong sách báo, trong thực tiễn, trong nhân dân. Bác khuyên mọi người “Học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
Để thực hiện việc học tập suốt đời, Bác đã chỉ ra phương pháp:
Một là, “lấy tự học làm cốt”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn coi tự học là cách tốt nhất để làm giàu trí tuệ và nhân cách của mình. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Người dạy: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao tiếp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng.
Hai là, học mọi lúc, mọi nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Chính việc thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Theo Người, cuộc sống là một trường học thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học.
Bác chỉ ra rằng, học tập suốt đời là mỗi ngày phải học hỏi thêm được những điều mới mẻ; học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó. Trong lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn, và phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Người còn nhắc nhở cán bộ ở các cơ quan “mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ” và xem việc cán bộ, đảng viên lấy lý do vì bận việc mà xao nhãng chuyện học tập là “một khuyết điểm rất to”.
Thực tế bản thân tôi và chúng ta đều thấm ngấm điều Bác dạy là chí lý. Càng khiêm tốn học hỏi sẽ thấy mình còn thiếu nhiều kiến thức, thiếu nhiều kinh nghiệm. Bác có quan điểm rất rành mạch về sự học “Siêng học tập thì mau biết, siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến”; “kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, quyết tâm phải ba phần”; “học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy phải học thêm…”.
Bác Hồ trong quá trình lãnh đạo đất nước đã quan tâm đến việc học của mọi tầng lớp nhân dân. Đối với đảng viên, Bác yêu cầu: Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Đối với phụ nữ Bác khuyên: Gắng học tập chính trị, học văn hóa kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Với thanh niên Bác nhắc: Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đối với thiếu nhi Bác nêu lên những đức tính cần thiết: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt lao động tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt; khiêm tốn, thật thà dũng cảm. Bác động viên mọi người: “Học không bao giờ cùng”, vì “phải học thì rất khó khăn và tinh vi”. Nhưng không vì thế mà nản: “Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi”. Bác còn căn dặn: “Không sợ khó, có quyết tâm, không biết thì cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”. Quan điểm của Bác còn là: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để hành”. Bác nói về sự quan trọng của học và hành: “Một người học xong Đại học có thể gọi là tri thức. Song không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết làm việc khác… thế là mới có tri thức một nửa”. Vì thế Bác luôn nhắc mọi người muốn có hiệu quả công việc thì học phải đi đôi với hành. Kinh nghiệm của Bác luôn là kim chỉ nam cho mỗi chúng ta trên con đường học tập đầy gian nan của mình.
Là thế hệ trẻ, việc học Bác khó hay dễ? Câu trả lời rằng học Bác là việc tưởng dễ, nhưng khó làm thường xuyên, khó học kiên trì như Bác. Học Bác càng nhiều, thành công tỉ lệ thuận với việc học. Vậy nên học Bác chỉ dễ khi bản thân mỗi thanh niên chúng ta quyết tâm cao mới thực hiện được. Việc học đó phải thực hiện nghiêm khắc trên các phương diện sau: 1. Rèn luyện sức khỏe. 2. Tu dưỡng đạo đức, sống trung thực, thẳng thắn, có chí tiến thủ và khiêm tốn. 3. Điều quan trọng quyết định thành công của tuổi trẻ nữa là có hoài bão, tự tin, có lý tưởng sống cao đẹp. 4. Chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập, biết sáng tạo, nhạy bén với cái mới, tích cực học hỏi, chủ động hội nhập. 5. Có tinh thần tự giác, tình nguyện, trách nhiệm trong công việc và giúp đỡ mọi người, sẵn sàng hy sinh vì tập thể.
Học tập và làm theo tấm gương của Người là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Học tập Bác, chúng ta học từ những điều giản dị nhất, học về đạo đức trong sáng, cách đối nhân xử thế, ứng xử với bạn bè, đồng chí, với người thân, với cán bộ, nhân dân; học đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống giản dị, khiêm tốn… Chủ tịch Hồ Chí Minh cần để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống giản dị, trong sáng. Học và làm theo gương Bác, mỗi tập thể và cá nhân đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của mình... Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị. Đối với mỗi người, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên việc học tập và làm theo Bác nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất.
05-12-2022
T.L