Thế giới nghệ thuật phong phú của Từ Nguyên Tĩnh (Nhân đọc Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh - NXB Hội Nhà văn, 2017)
Trong gần bốn chục năm qua, tôi và nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, do được xếp vào nhóm các nhà văn “Bắc miền Trung”, lại từng là lính trước khi đến với văn chương, nên chúng tôi có nhiều dịp đọc tác phẩm của nhau. Từ Nguyên Tĩnh thực sự là lính chiến giữ cầu Hàm Rồng, còn tôi chỉ là “lính không sao” trong đội quân giao thông, nhưng chặng đường hiểm trở lên đèo Mụ Giạ mà tôi bám trụ cũng nổi tiếng như cầu Hàm Rồng, nên dù không ở bên nhau, vẫn cảm thấy gần gũi. Tôi đã hơn một lần viết về các tiểu thuyết và truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh, nhưng khi nhận được “Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh” vẫn thấy bất ngờ về sức làm việc, về thế giới nghệ thuật phong phú, đa đạng của nhà văn xứ Thanh vừa bước vào hàng ngũ các bậc lão thành sắp chạm bát tuần.
Bộ Tuyển tập thật hoành tráng, chứa khối lượng tác phẩm lớn, nhiều thể loại, không ít nhà văn làm được như thế. Gần 3000 trang sách khổ lớn chia thành 5 tập: Tập I và Tập II gồm 100 truyện ngắn; Tập III gồm 2 tiểu thuyết “Mảnh vụn chiến tranh” và “Cõi người”; Tập IV gồm 2 tiểu thuyết “Sống được là may” và “Truyền thuyết sông Thu Bồn”; Tập V gồm 2 truyện vừa, thơ & trường ca…
Bộ Tuyển tập được tác giả thực hiện vào năm tròn 70 tuổi. So với nhiều bạn văn, Từ Nguyên Tĩnh cầm bút khá muộn bởi một lẽ đơn giản: chàng thanh niên sinh năm 1947 Lê Văn Tĩnh (tên thật của nhà văn) vào đời năm 1965 là bước vào cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, mãi đến năm 1975 mới xuất ngũ để tiếp bước đến giảng đường đại học. Tôi gặp Từ Nguyên Tĩnh lần đầu tại Trại sáng tác ở Đà Nẵng năm 1985, khi anh mới co cuốn sách đầu tay - tập ký sự “Hàm Rồng… ngày ấy” (in chung). Trái ngược với dáng vẻ xem ra rụt rè, nói năng nhỏ nhẹ - thì bên những “cây đa cây đề” như nhà văn Nguyễn Văn Bổng cùng dự Trại, “nhà văn trẻ” 38 tuổi khiêm tốn như thế là “phải đạo” - trước mắt tôi là một anh chàng trông khá “dữ tướng” với vóc dáng chắc nịch, da nâu sạm, đầu to, trán hói, cặp mắt như đang… “đâm lê” vậy!
Tôi dùng một từ có mùi súng đạn vì liên tưởng đến những năm Từ Nguyên Tĩnh làm lính cao xạ luôn “nhìn thẳng quân thù mà bắn” trên trận địa Hàm Rồng rực lửa anh hùng.
Với văn chương, đề tài lớn không chắc đã hứa hẹn có tác phẩm giá trị; cũng như uy danh “lính Hàm Rồng” không làm nên tên tuổi nhà văn Từ Nguyên Tĩnh. Về đề tài này, sau cuốn sách đầu tay - Tập ký sự “Hàm Rồng… ngày ấy”, anh còn có “Trường ca Hàm Rồng” (in năm 2000) nhưng hơn trăm truyện ngắn và 7 tiểu thuyết mới thực sự định danh “Từ Nguyên Tĩnh” trong làng văn Việt Nam hiện đại. Truyện ngắn và tiểu thuyết của Từ Nguyễn Tĩnh đã tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật rất phong phú, đa dạng…
*
Với việc xuất bản gần như liên tục 5 tập truyện ngắn: “Mối tình chàng Lung mù” (1992), “Gã nhà quê” (1993), “Mùa yêu đương” (1997), “Người tình của cha” (2001), “Kiếp cầm ca” (2002), Từ Nguyên Tĩnh được bạn đọc chú ý trước hết là truyện ngắn. Không ít tác phẩm đã được giải thưởng (như “Mối tình chàng Lung mù” - Giải thưởng của Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang...), truyện ngắn “Người tình của cha” đã được dựng thành phim vào năm 2006, Tuyển tập “Truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh” đã được NXB Công an nhân dân ấn hành. Không đợi đến “Tuyển tập”, đọc Tuyển truyện ngắn dày gần sáu trăm trang, gồm 45 truyện và trước đó một chút, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn tái bản tiểu thuyết “Cõi người” (NXB Đà Nẵng in lần đầu năm 2004) của anh, cũng dày cộp 656 trang, thú thực là tôi bắt đầu kính nể người bạn văn hình như chưa được giới phê bình “săn sóc” nhiệt tình!
Đã đành, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”- câu thành ngữ chúng ta đã nghe quen không chỉ nhắm đến giới cầm bút mà về mọi sự đời. Riêng với văn chương, thì chữ “tinh”, theo tôi có nhiều cách hiểu. Nhiều người đã dẫn Bà Huyện Thanh Quan với bài thơ duy nhất được thiên hạ nhớ đời “Bước tới Đèo Ngang” như là một “điển hình” về sự “quý hồ tinh”; lại có quan niệm, xem các tác phẩm được giải thưởng này nọ cũng là “tinh”. Từ Nguyên Tĩnh cũng đã “dính” không ít giải thưởng; vậy là vừa “đa”, vừa “tinh”! Thế nhưng tôi còn nghĩ đến sự tinh tế, đến những chi tiết “mới tinh” trong văn xuôi của anh bạn văn “nhà quê” xứ Thanh này.
Chắc là Từ Nguyên Tĩnh không tự ái khi tôi dùng từ “nhà quê”. Chính anh, từng viết: “Mẹ tôi, bà già nhà quê ấy…”. Và những truyện mở đầu “Tuyển tập Từ NguyênTĩnh” như “Họ hàng nông dân”, “Gã nhà quê”, “Đứa bỏ làng”, “Nợ làng quê”, “Mẹ”, “Kiếp cầm ca”… đều viết về người “nhà quê”. Có thể khẳng định, nếu không chất chứa đậm đặc cái máu, cái hồn nhà quê trong lòng mình, không lặn ngụp tới tận cùng những mạch vỉa trầm tích văn hóa mà bao thế hệ “nhà quê” đã tích tụ nên thì đã không có nhà văn Từ Nguyên Tĩnh. Không có chất “nhà quê”, làm sao anh dựng được nhân vật ông Thấu tằn tiện đến mức: “Đi đường đau đái cố nhịn bằng được về đến nhà tiểu kẻo tiếc của. Còn ba cây, cố nhịn không nổi phải chọn một cục đất cày của người ta mà tè, đem về. May mà họ không bắt được...” (Trích từ “Họ hàng nông dân”).
Như tôi biết, cái chi tiết “gửi bãi nước đái vào cục đất cày”, lại còn chút hồi hộp “may mà họ không bắt được” thuộc loại chi tiết “độc nhất vô nhị” nên có thể gọi là “mới tinh” trong văn học Việt Nam. Cốt truyện éo le, hấp dẫn, người viết có thể “bịa” ra dễ dàng và người đọc cũng rất dễ quên, dễ lẫn, nhưng loại chi tiết độc đáo như trên thì in sâu vào độc giả vì nó tiêu biểu cho cách sống, tâm lý một loại người. Đã đành, không phải truyện nào của Từ Nguyên Tĩnh cũng có chi tiết thú vị như thế, nhưng quả là anh có diễm phúc như một nhà khai khoáng đã tìm đúng nơi có mỏ quý. Thử dẫn thêm truyện “Gã nhà quê” viết về lão Cao chăn vịt chột mắt, tuy là người ở trong nhà Chánh Thành nhưng đã dám “ngủ” với Liên (cô gái mà Cao thầm yêu nhưng Chánh Thành đã cưới cho con trai lão) khi cô tắm dưới hồ, để đến nỗi bị cha con Chánh Thành đâm mù mắt. Vậy mà đến thời “Cải cách”, vì quá đói, Thành buộc Liên mò ra lều vịt xin trứng. Lòng căm thù bốc cháy, Cao quát: “Thằng khốn nạn, cởi quần áo vợ mày ra!... Tao ngủ với vợ mày xong thì mày phải ăn hết bãi cứt vịt. Tao cho một thúng trứng…”. Nhưng Cao đau đớn “rùng mình ớn lạnh” khi nhìn thấy thân thể ngọc ngà của người yêu, bảo người yêu mặc lại quần áo, tung chân đạp thằng Thành đang lao đến ôm chân anh như con chó ôm lấy chủ, rồi chỉ đống trứng: “Cho vào thúng mà đội về!”. Thế là Cao mang tiếng “liên quan” với địa chủ và “người ta” không nhắc đến việc cử anh làm chủ tịch xã nữa…
Câu chuyện trần trụi, dữ dội mà lại đầy nhân tính này làm tôi chợt nhớ đến “Chí Phèo” của Nam Cao và “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, dù chúng khác nhau về tình tiết, cách xa nhau về thời gian và không gian.
Trong tiểu thuyết “Cõi người” cũng có nhiều chi tiết đắt giá. Xin dẫn hai chi tiết “nhà quê” tếu táo nữa cho vui (mà có người đã nói: “Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn” thì phải!): Bản - một “chứng nhân” trong “Cõi người” và có thể là hóa thân của tác giả, lúc 6 tuổi thấy ông ngoại viết bằng bút lông đã hỏi: “Ông ơi!... Người ta làm bằng râu hở ông?”. Còn khi nhắc đến gốc cây thị từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm của làng Cõi, Bản nhớ lần vấp ngã đau điếng người vì “cái rễ thị chết tiệt ban ngày bọn Bản vẫn ngồi chơi. Thậm chí đi ị ở vườn quan về còn kịn đít vào cho sạch. Vậy mà quên béng, ngã kềnh ra…”. Kiểu “kịn đít” này cũng có thể là một chi tiết “độc nhất vô nhị” trong văn chương!
Trong “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn, 2020), tác giả tự bạch: “Đến với văn chương có nhiều con đường khác nhau; văn chương cũng khác nhau như mỗi cuộc đời. Cái Tình và cái Nết làm nên giọng nói, học hành cùng cảnh ngộ tạo nên nông sâu làm người đọc nhận ra giọng điệu - cá tính nhà văn…”. Tuy mặc áo lính mười năm, nhưng chàng trai quê làng Bàn Thạch (Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã sớm biết đâu là cội nguồn, là mỏ quý vô tận đối với người sáng tác nên mới có nhà văn Từ Nguyên Tĩnh với “giọng điệu” không giống ai…
*
Nghe đâu trong “hồ sơ” đề nghị tặng giải thưởng hạng cao cho nhà văn Từ Nguyên Tĩnh chỉ ghi tên tập truyện ngắn mà “bỏ qua” các tiểu thuyết. Có thể các tiểu thuyết của anh chưa được giải cao bằng truyện ngắn. Về chuyện các “giải thưởng”, theo tôi, cần có cách nhìn sòng phẳng. Trên công luận, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra giải thưởng và giá trị tác phẩm nhiều khi vênh nhau, do việc xét giải thưởng tùy thuộc vào quan niệm học thuật, cái “gu” thẩm mỹ và “tâm thế” của người tham gia các Hội đồng sơ khảo, chung khảo; đó là chưa nói đến sự chi phối của mục đích, đề tài cuộc thi và cả áp lực “vận đồng hành lang”!
Với Từ Nguyên Tĩnh, theo tôi, cả 3 tiểu thuyết dày dặn là “Cõi người”, “Truyền thuyết sông Thu Bồn”, “Sống được là may” đều rất đáng đọc, mặc dù thuộc loại khó đọc - một kiểu “khó đọc” mà tôi tạm gọi là “thi pháp Từ Nguyên Tĩnh”, chứ không phải do tác giả vận dung các lý thuyết tân kỳ. “Cõi người”, tác phẩm chỉ được “tặng thưởng” (tức là không được xếp hạng cao) trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002-2004, có thể vì sự “khó đọc” của nó! Nghe đâu có nhà văn đã chê là “lôi thôi, luộm thuộm”... Quả là đọc khoảng trăm trang đầu, có cảm giác như lủng củng, loạt nhân vật này vừa xuất hiện chưa gây được ấn tượng gì thì tác giả đã tung ra nhân vật khác; vừa mới nhắc chuyện Cao Biền để sót vài “long mạch nhỏ”, rồi Lê Lợi khởi binh gặp cô gái đẹp như tiên trong miếu… đã “nhảy” sang chuyện quan phủ và công sứ, rồi máy bay Pháp bỏ bom… Cái sự hơi “lộn xộn” này làm người đọc dễ nản, nhất là với những ai quen đọc loại truyện lớp lang rõ ràng, câu chữ trơn tru. Tựa như một lão “nhà quê” vóc dáng khó coi, râu ria xồm xoàm, nói năng lúng túng nhưng chất chứa trong mình vô số kinh nghiệm, tài năng cùng một kho chuyện cổ kim, huyền thoại, bi hài kể mãi không hết, “Cõi người” càng đọc càng thích thú. Chẳng thể tóm tắt được cả “kho” chuyện như thế…
Vậy là thế nào? Có lẽ phải có cách nhìn “mở” về nghệ thuật tiểu thuyết, chẳng nên lấy một tên tuổi hay tác phẩm dù nổi tiếng làm khuôn mẫu. Tôi chợt nhớ, trên “Sao Việt” số 4 (12-2006), khi đề cập đến quan điểm nghệ thuật giữa hai bố con (tức với nhà văn Nguyễn Đình Thi), nhà văn Nguyễn Đình Chính đã nói: “…Về tiểu thuyết, tôi và ông Thi rất lủng củng với nhau. Mặc dù đã cố hết sức nhưng tôi vẫn không thể chịu nổi văn tiểu thuyết chuẩn mực, trong sáng đến quang quẻ của ông”.
Thoạt nghe thấy vô lý (“chuẩn mực… trong sáng” mà lại “không chịu nổi”!) nhưng liên hệ đến “Cõi người” lại thấy có lý. Cuộc sống hiện ra trên hơn sáu trăm trang “Cõi người” khá rối rắm, nhiều khi chẳng theo “chuẩn mực” nào, y như trong đời thật, nên lại tạo được sức hấp dẫn riêng. Trong “Lời giới thiệu”, NXB Đà Nẵng đã viết:
“… Truyền thuyết từ vùng quê đất Việt và thời mở cõi đến sau chiến tranh, mở cửa; từ cải cách ruộng đất đến chống Mỹ và hòa bình được tái hiện sinh động… và đặt ra những vấn đề lớn mà văn học cần phải đề cập đến hôm nay: chiến tranh và hòa bình, số phận và bản lĩnh con người, cách mạng xã hội và quan hệ cá nhân, vấn đề nông thôn và thành thị, truyền thống và hiện đại, nhu cầu vật chất và đời sống văn hóa, tâm linh… Có cảm giác nhà văn “ưa vác nặng” - một sự tham lam thật đáng yêu. Phải chăng chính điều này lại lôi cuốn gây ấn tượng?”.
Và đó là lý do cuốn sách dày trên 600 trang, tác giả thì chưa nổi tiếng, Đà Nẵng vừa in năm 2004, chỉ 2 năm sau, NXB Văn hóa Sài Gòn đã tái bản.
Cũng như với tiểu thuyết “Cõi người”, độc giả dễ có cảm tưởng “Truyền thuyết sông Thu Bồn” (NXB Hội Nhà văn, 2008) hơi bị rối, nhất là đoạn đầu, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhân vật nọ chưa kịp gây ấn tượng đã xuất hiện nhân vật khác, nếu đọc không chăm chú thì quả là “chẳng biết đâu mà lần”! Có thể xem đây là nhược điểm hay chính là “văn phong”, là “thi pháp Từ Nguyên Tĩnh”. Cứ chịu khó xem cho hết sách sẽ có thú vị của người khám phá ra những bí ẩn của số phận các nhân vật. Thì cuộc đời nhiều khi cũng “rối như canh hẹ” chẳng biết đâu mà gỡ đó sao! Nói vậy, nhưng tiểu thuyết không bao giờ “y như cuộc sống thật”. Giá như tác giả chăm chút hơn về bố cục và cả về ngôn từ nữa thì “Truyền thuyết sông Thu Bồn” sẽ thành công hơn.
Tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn” dày gần 400 trang, in bìa cứng sang trọng. Từ Nguyên Tĩnh “khởi công” tác phẩm này từ Trại Sáng tác Đà Nẵng năm 1985, nhưng hơn hai chục năm sau mới công bố. Điều này chứng tỏ tác giả đã phải rất kỳ công, trăn trở, chứ không phải dễ dãi để rồi “chuyện nọ xọ chuyện kia”. Cuốn tiểu thuyết không chỉ viết về chiến công và sự hy sinh to lớn của tiểu đoàn “Đặc công Lam Sơn Thanh Hóa” chi viện cho Quảng Nam - Đà Nẵng mùa xuân 1968 mà còn cố gắng thể hiện một cách nhìn mới về chiến tranh.
Binh chủng đặc công với những chiến công thần kỳ, viết thành chuyện “đơn vị anh hùng” không khó, nhưng dựng tiểu thuyết là một thách đố lớn, nhất là tác giả không phải “người trong cuộc” và khi anh tìm đến chiến trường xưa thì tư liệu đáng kể là danh sách liệt sĩ của Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng!
Tuy vậy, tác giả đã kiên trì bám “mục tiêu” - cũng như hồi nào anh ngồi trên mâm pháo giữ cầu Hàm Rồng - anh đã tìm đến nhiều địa bàn và nhân chứng, đắm mình trong dòng nước Thu Bồn chất chứa chiều sâu lịch sử của vùng đất đã sinh thành nên những người con kiệt xuất của dân tộc như Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… Sau chuyến trở lại “Đất Quảng” năm 2005, với kinh nghiệm thành công qua tiểu thuyết “Cõi người”, Từ Nguyên Tĩnh như một chiến sĩ đặc công đã tìm ra được “đột phá khẩu”, không ngừng thọc sâu, mở rộng “chiến trận”, tạo nên một tiểu thuyết viết về chiến tranh khá thành công. Vào đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã hé mở cách triển khai cả chiều sâu và chiều rộng đề tài: Không phải là cảnh những người lính đặc công Thanh Hóa hành quân vào “Đất Quảng” (nếu như tác giả dùng cách trần thuật thông thường theo trình tự thời gian) mà là chuyện Thư An - con gái Thậm “người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ dòng sông Thu Bồn” - báo tin “sẽ từ Mỹ trở về. Đem cả người chồng sắp cưới về đất này… Chồng của Thư An sẽ đi tìm mộ người cha của hắn đã ngã xuống ở mảnh đất Hòn Kẽm - Đá Dừng”. Tức là tác giả đã chọn điểm nhìn hiện tại và báo hiệu cuốn sách sẽ đề cập những vấn đề phức tạp và nhạy cảm thời “hậu chiến”.
Cùng với cách miêu tả xen kẽ hiện tại và quá khứ từ nhiều điểm nhìn khác nhau, tuy cảm hứng ban đầu là sự hy sinh của đơn vị đặc công Thanh Hóa ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng tác giả đã dành nhiều công sức xây dựng một hệ thống nhân vật sống và hoạt động ở cả hai trận tuyến ngay tại địa phương, nên vừa thể hiện được sức mạnh chiến tranh nhân dân, vừa phản ánh được sự phức tạp của cuộc chiến với một kẻ thù thừa bom đạn và cũng không thiếu mưu mô làm tha hóa, tan rã hàng ngũ cách mạng. Chúng ta thử “khảo sát” gia đình Thư (vợ Thậm) - một nhân vật đẹp của tiểu thuyết và cũng là hình ảnh tiểu biểu của đội quân tóc dài anh hùng hoạt động trong lòng địch: Bà Nhàn, mẹ Thư là người đã bị giặc tù tội từ cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến lúc Mỹ - Diệm lê máy chém tố cộng, chồng là ông Hoan tù biệt tích ở Côn Đảo, nên bà buộc phải nhận lời lấy Châu (bạn học của Hoan hồi nhỏ ở Hội An), mặc dù ông ta hết làm tay chân đắc lực cho Pháp rồi đến Mỹ. Một cuộc tình éo le, nhưng nằm trong âm mưu “nhuộm đen Việt Cộng” của Mỹ. Mối quan hệ địch - ta đan cài với tình cảm mẹ - con, vợ - chồng, rồi con riêng với “dượng Châu”, rồi cuộc giáp mặt đôi bạn cũ, khi Hoan từ Côn Đảo trở về làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố còn Châu là “sĩ quan ngụy” ra trình diện … tạo ra tình thế cho các nhân vật thể hiện tâm lý đa chiều và nhân bản.
Tuy vậy, tác giả không sa đà vào những chuyện riêng tư “bên lề” cuộc chiến. Từ Nguyên Tĩnh đã rất “khôn ngoan” đưa xen kẽ giữa các chương những trang nhật ký vắn tắt của Thậm ghi lại từng trận chiến đấu của đơn vị đặc công đã diệt bao nhiêu địch, bắn cháy bao nhiêu xe ở đâu… - bằng cách này, người đọc thấy được mức độ khốc liệt của chiến trận và tất cả chiến công của đơn vị. Mặt khác, từ điểm nhìn khác nhau của người trong cuộc là Thậm, Thư cùng một số chiến sĩ, cán bộ chỉ huy (Tấn và Kham), tác giả đã miêu tả cuộc chiến tranh ác liệt không chỉ trước bom đạn mà cả với nạn đói khủng khiếp và sự yếu đuối, tha hóa của con người… Một điều cũng cần ghi nhận là tác giả đã có cái nhìn nhân bản trước những số phận éo le, trước cả những kẻ có lúc từng ở bên kia chiến tuyến. Người cách mạng lão thành như ông Hoan có thái độ khoan dung đúng mực với “kẻ thù cũ” đã đành, nhưng với những kẻ như Châu, như Kham, nhà văn cũng không miêu tả họ như thú vật, lương tâm đen kịt, mà đâu đó trong họ vẫn còn le lói chút tình người…
Tiểu thuyết “Sống được là may” (NXB Văn học, 2014) xuất bản sau “Cõi người” và “Truyền thuyết sông Thu Bồn” nhiều năm; nói thế cũng có nghĩa là tác giả đã có đủ thời gian và kinh nghiệm để hạn chế nhược điểm ở 2 cuốn trước mà khi viết giới thiệu “Cõi người”, tôi đã nhắc tác giả rằng có bạn văn chê tiểu thuyết của Từ Nguyên Tĩnh “luộm thuộm”... Kể ra, “Cõi người” cũng như “Sống được là may”, có thể tỉa bớt những chỗ quá rậm rạp không cần thiết lắm, tất nhiên là phải với một đôi tay khéo léo như nghệ nhân cây cảnh có hạng, chứ không sẽ làm hỏng “thi pháp Từ Nguyên Tĩnh”!
Tôi mạnh dạn dùng thuật ngữ khá là sang trọng này, bởi một nhà văn sau khi viết hàng ngàn trang vẫn không thay đổi giọng điệu thì quả thực đó là “thi pháp”. “Sống được là may” dày gần 600 trang, cũng không dễ đọc, nó “búi xờm xờm” như mái tóc quăn của tác giả vậy! Tác phẩm không phải dạng tiểu thuyết viết về một chiến dịch hay một công trình, theo trình tự thời gian, lớp lang rõ ràng kiểu “cổ điển truyền thống”, cũng không viết theo “dòng ý thức”, “huyền ảo” hay “hậu hiện đại” gì gì đó…, mà là một cách viết của riêng Từ Nguyên Tĩnh, thể hiện quan niệm sáng tác của anh: “Đời là thế đó!”
Chuyện đời thì vô cùng vô tận, vừa bao la vừa bí hiểm, nên mặc dù hình như tác giả sáng tác không lệ thuộc theo một trường phái nào, nhưng cuộc đời vốn phong phú, nên tác phẩm vừa có yếu tố “huyền ảo”, vừa có “dòng ý thức”, lại có cả chất “hậu hiện đại” nữa!
Chính vì thế mà “Sống được là may” mới “rối rắm”, “rậm rạp” và rất khó tóm tắt cốt truyện. Điều dễ thấy là tác phẩm có nhiều yếu tố của một tự truyện - tác giả xưng tôi, đưa luôn cả tên thường gọi (Bùi), họ (Lê) quê quán (làng Bàn Thạch, Thọ Xuân, Thanh Hóa), đúng như “trích yếu lí lịch” ở bìa 4 tác phẩm! Cuộc đời người lính pháo bảo vệ Hàm Rồng, rồi chuyện mấy năm cắp sách học đại học khi đã phục viên, được anh chàng “Bùi” kể lại khá chi tiết ở nhiều chương, càng rõ chất tự truyện của tiểu thuyết này. Dù vậy, khó có thể nói Bùi là nhân vật chính mà chỉ là người chứng kiến sự thịnh suy, hưng phế, được mất của cả một dòng họ, một vùng đất có lịch sử lâu đời.
Có thể hiểu mạch truyện của “Sống được là may” dựa theo “dòng ý thức” của Bùi, luôn trăn trở tìm về cội nguồn, tìm cách lý giải lẽ sống và những điều khó (hoặc không thể) lý giải trong cuộc đời của hàng loạt nhân vật mà tác phẩm đề cập đến. Ngay cả những người thân thiết nhất của tác giả (tức nhân vật Bùi) như ông Phó Kén (thân phụ) và ông Liêu - thường gọi là Bạ Liêu, do có thời làm Cai Bạ - người em kế ông Phó Kén, tác giả dò tìm con đường đi của họ từ trang đầu tác phẩm đến cuối sách vẫn chưa thể tỏ tường. Cùng là cháu Cố Cửu - một nhà giàu nhất nhì trong vùng, nhưng Phó Kén bị “kích” lên địa chủ, Bạ Liêu lại là bần nông thời “Cải cách”. Xin thử trích nhặt vài câu theo dòng ký ức của Bùi ở chương 27:
“… Chú đã bán đi một khối lượng đồ sộ tài sản, cũng không cho ai mà để tiêu xài, ăn uống và bài bạc… Chú là ai mà kỳ cục vậy… Mười bảy, mười tám tuổi, chú tôi cầm bằng Prime về trình ông tôi, đó là vào khoảng năm 1931, như người ta thì chú đã xin ông nội tôi học lên Thành chung… Tôi chưa bao giờ hỏi chú, tại sao người ta lại không đụng đến chú… Chú tôi không bao giờ nhắc lại quãng đời phá sản của mình… lý giải, chú sẽ nói với ông tôi: “Thầy ơi! Nếu con mà không bán đi thì số phận cũng có hơn gì anh Ký (tức Phó Kén), chết rồi, người ta lôi vợ ra đấu tố, con cái nheo nhóc… Bí mật của đời chú còn đó mãi mãi…”.
Trên đây là những câu tôi “nhặt” ra từ 6 trang sách. Nói vậy để thấy cái “rậm rạp” của “thi pháp Từ Nguyên Tĩnh”. Với một “bí mật còn mãi” như ông Bạ Liêu, một con người mà ta không dễ hiểu được lẽ sống của họ là gì, làm sao viết gọn gàng, đơn giản được. Ở đây, tác giả lại chứng tỏ một là một cây bút “hiện thực nghiêm nhặt” - tác giả tôn trọng sự phức tạp, “khó hiểu” như cuộc đời vốn có, chứ không “sắp đặt” và … áp đặt ý định, “luận đề” của người viết cho nhân vật, cho câu chuyện có kết cục rõ ràng.
Còn yếu tố “huyền ảo” của tác phẩm xuất hiện ngay từ mấy chương đầu, khi tác giả miêu tả cái vùng đất có lịch sử trước cả thời Lê với những mồ mả vua chúa, đền chùa, lễ cúng tế những Cao Sơn Đại Vương, Công chúa Thủy Bà Vương…; rồi chuyện đào sông bị thần linh chặn dòng… Mãi về cuối sách, chuyện bói toán nửa thật nửa hư đầy bí hiểm của bác Bèo mù lòa cũng có tính “huyền ảo”… Tôi chưa rành lắm về cái gọi là “hậu hiện đại”, nhưng nếu như đặc trưng của “hậu hiện đại” là từ bỏ “đại tự sự” và “giải trung tâm” thì “Sống được là may” cũng đầy chất “hậu hiện đại”. Thì như với ông chú Bạ Liêu, tác giả đã viết: “…Chú không có cái bi hùng của người anh hùng thì cháu phải làm sao? Không thể bịa đặt để nói hay về chú…”. Cả những nhân vật có điều kiện để trở thành anh hùng, thành nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, như Lượng - người anh rể oai phong năm 1945 đã cưỡi con ngựa bạch về làng lãnh đạo cướp chính quyền, hay các chiến sĩ kiên cường tại chảo lửa Hàm Rồng thời đánh Mỹ, cả dì Tư người cán bộ miền Nam tập kết “trên bàn thờ của dì có hai người chồng và 4 đứa con”... nhưng tác giả đều miêu tả họ như những con người bình thường, với những nỗi “đoạn trường” và sự nghiệp dở dang… Thì cuộc đời vốn là như vậy, chứ đâu phải nhà văn học theo “hậu hiện đại”!
Có điều, chính vì thế mà “Sống được là may” không có nhân vật “trung tâm”, nhân vật “điển hình” nhưng lại có rất nhiều chân dung khá sinh động, khiến người đọc cứ mãi ngẫm nghĩ đến lẽ sống, đến sự “được - mất” của đời người.
Có thể nói, chính là với một “thi pháp” không hẳn là tác giả cố tạo nên mà chủ yếu được hình thành do “con đường” đến với văn chương cùng “cái nết… cảnh ngộ” của chàng trai dù sống xa làng Thạch Bàn, Thọ Xuân nhiều năm tháng, vẫn mang đậm tính cách một người “nhà quê” giàu minh triết và… “lắm chuyện”, những tác phẩm của Từ Nguyên Tĩnh đã trình hiện trước bạn đọc một thế giới nghệ thuật thật phong phú, đa dạng, có chỗ đứng đáng kể trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
N.K.P