Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Cánh chim không mỏi
Cánh chim không mỏi

Thoáng thấy ông đạp xe qua, mọi người vồn vã: 
- Bác Mai Kiên!
- Bác Kiên ơi, mời bác vào uống nước.
- Bác Kiên, Bác Kiên...
Thấy bà con gọi tíu tít, ông dừng xe lại, nở nụ cười hiền hậu rồi bắt tay từng người thật thắm thiết. Thế rồi mọi người quây quần bên ông cùng trò chuyện hoặc để được ông tập hát. Đó chính là hình ảnh bình dị, gần gũi hằng ngày của nhạc sỹ Mai Kiên. Nhìn ông, người ta thấy bóng dáng một thầy giáo mẫu mực, tận tụy vì học sinh thân yêu bởi ông đã có 10 năm là giáo viên trường trung học cơ sở huyện Thọ Xuân, trước khi là nhạc sỹ.
Quê hương ông ở hữu ngạn sông Chu, thuộc huyện Thọ Xuân, nơi có Khu di tích lịch sử Lam Kinh, đền thờ vua Lê Hoàn, có trò diễn dân gian Xuân Phả và nhiều danh lam, thắng cảnh cùng các địa danh lịch sử... đã bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách của Trưởng phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân: Mai Kiên. Từ giảng dạy trong trường trung học cơ sở, chuyển sang hoạt động văn hóa, tuyên truyền là ngã rẽ mới của ông, nhất là khi được vào học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ năm 1975. Sau khi tốt nghiệp ra trường, trở về quê hương công tác, Mai Kiên là Phó Trưởng đoàn ca múa dân tộc Thanh Hóa. Giai đoạn 1984-1994, ông là Trưởng phòng Biên tập Văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa. Ông là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam; hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa; Trưởng Ban Âm nhạc - Hội VHNT Thanh Hóa khóa I, khóa VI; Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Thanh Hóa khóa I. Nhiều năm là Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa.
Với tình yêu âm nhạc vô bờ, qua mấy chục năm hoạt động nghệ thuật, nhạc sỹ Mai Kiên đã sáng tác trên 500 ca khúc, xuất bản 3 tập ca khúc: Mùa hội mặt trời (năm 1995, gồm 33 ca khúc), Về Lam Sơn (năm 2005, gồm 50 bài), Về Lam Kinh ngày hội (năm 2019, gồm 150 ca khúc). Ông đã tổ chức 3 đêm nhạc cá nhân tại Thành phố Thanh Hóa vào các năm: 2000, 2005 và 2010. Các ca khúc của ông đã được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 1978. Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, các đoàn ca múa... cũng đã sử dụng nhiều ca khúc của ông để dàn dựng và phát sóng chương trình. Không những thế, các ca khúc của ông còn được lan tỏa đến tận địa bàn các huyện, các xã, các thôn. Nhạc sỹ Mai Kiên như cánh chim không mỏi, rong ruổi trên khắp các nẻo đường quê hương, đất nước để ghi lại, chép lại những truyền thống hào hùng của cha ông, những trang vàng lịch sử chói lọi đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, những nét đẹp diệu kỳ trên từng thôn xóm, bản làng bằng những nốt nhạc để từ đó ông lan truyền cảm xúc và thăng hoa qua từng ca khúc.
Âm nhạc của nhạc sỹ Mai Kiên bắt nguồn từ truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước. Đó là: “Về Lam Kinh ngày hội”, “Về quê hương Lê Hoàn”, “Trên đỉnh Am Tiên”, “Tấm gương Bà Triệu”, “Hàm Hạ quê tôi”... Những ca khúc đó đã ghi lại và nhắc nhớ về một thời của cha ông đã dựng cờ khởi nghĩa để lập nước và dùng gậy gộc, giáo mác để giành và giữ chính quyền cho con cháu có núi sông liền một dải như ngày nay. Những truyền thống đó không thể tách rời vai trò của những người cộng sản kiên trung như Lê Chủ, anh hùng Nguyễn Thị Lợi... và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Những ca khúc: “Lê Chủ - người cộng sản kiên trung”, “Bên tượng đài anh hùng Nguyễn Thị Lợi”, “Quê Thanh nhớ Bác”,... đã khắc ghi công lao của các bậc tiền bối để giáo dục con cháu luôn giữ gìn và phát huy truyền thống của cha ông, của quê hương, đất nước.
Chính vì bắt nguồn từ truyền thống, âm nhạc của Mai Kiên là bài ca bất tận về tình yêu quê hương, đất nước. Từ nhạc của ông, ta nghe tiếng suối reo róc rách ngày đêm như lời tự tình của núi non sơn cước; nghe tiếng mõ trâu lóc cóc vọng ra từ lưng núi; thấy thấp thoáng những cô sơn nữ trên lưng đèo hoa mận tinh khôi...; Hàng trăm ca khúc về dân tộc, miền núi của Mai Kiên đã ra đời từ những chuyến đi thực tế của ông. Từ “Khúc hát làng Giao” đến “Nhớ về Bến En”, hoặc “Tình ca Pù Luông” rồi “Nổi chiêng lên bản Mường ơi”...; đã chép lại bằng nhạc về những bản làng trù phú, tươi đẹp đang từng ngày đổi mới và phát triển, và ở đó, chỉ bằng những nốt nhạc đằm thắm nhất mới có thể làm say lòng người qua vẻ đẹp diệu kỳ trong lao động, sinh hoạt và văn hóa của cư dân vùng cao mỗi độ xuân về.
Tạm biệt núi rừng với những bản làng, âm nhạc của Mai Kiên đưa ta đến với những cánh đồng lúa chín vàng, những thôn xóm đang náo nức cùng nhau xây dựng nông thôn mới ở khu vực trung du và đồng bằng. Những ca khúc của ông đã bám sát từng nhịp đập của cuộc sống để phản ánh như: “Hương mía tình em”, “Tình người dệt chiếu”, “Đất mẹ thân thương”... Nghe nhạc của Mai Kiên, người ta thấy hiện lên hình ảnh cần mẫn của bà con nông dân đang hăng hái thi đua lao động sản xuất và làm giàu trên những vùng mía, vùng lúa, vùng rau năng suất và chất lượng cao. Những ca khúc: “Bừng sáng Nghi Sơn”, “Thức với Bỉm Sơn”, “Thành phố tôi yêu”... là những nét chấm phá về quá trình chuyển mình và vươn lên tầm cao mới của quê hương trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới trong khu vực. Đồng thời, nhạc sỹ Mai Kiên còn dành thời gian, tình cảm để viết về hình ảnh các chiến sỹ Biên phòng (ca khúc “Bước chân Biên phòng”), viết về những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ đảo xa (ca khúc “Gửi người lính đảo”, “Sóng gió Trường Sa”) và viết về các chiến sỹ công an nhân dân (ca khúc “Một ngày không thể thiếu các anh”)… bằng cả tâm huyết, tấm lòng của mình trong những ca khúc giàu hình ảnh với những giai điệu đằm thắm, thiết tha. Một đề tài không thể không nói đến trong gia tài âm nhạc của nhạc sỹ Mai Kiên đó là hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Những ca khúc về Bác như: “Quê Thanh nhớ Bác”, “Luồng quê Thanh xanh bên lăng Bác”, “Tháng năm nhớ Người”, “Trống đồng Đông Sơn dâng quê Bác” đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng người nghe về hình ảnh kính yêu của vị cha già dân tộc, tình cảm của quân dân cả nước nói chung và xứ Thanh nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu. Trong đó, ca khúc “Trống đồng Đông Sơn dâng quê Bác” đạt giải và được Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng Bằng khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Mười năm là giáo viên rồi đi học để miệt mài nghiên cứu, say mê sáng tạo nghệ thuật, bước chân nhạc sỹ Mai Kiên đã đi nhiều nơi, đến nhiều nẻo. Đến đâu ông cũng quan sát, tích cóp, ghi chép lại rồi thổi vào đó linh hồn những “Đo, Re, Mi, Fa, Sol…” hòa quyện, đan xen, lãng mạn và giàu hình ảnh cùng ngôn từ mộc mạc với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng để sáng tạo nên những ca khúc quyến rũ lòng người. Từ “Tình yêu từ cánh đồng Chum” đến “Quan họ lên Sa Pa” rồi “Con gái sông Lam”... đã rộn vang khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, nhạc sỹ Mai Kiên đã phổ thơ rất thành công hàng trăm ca khúc mỗi khi cảm nhận được ý nhạc trong thơ hoặc đồng cảm với nhà thơ về nội dung hay chủ đề của bài thơ. Từ đó ông đã chắp cánh cho những vần thơ bay lên cùng âm nhạc. Vì thế âm nhạc của Mai Kiên đã lan tỏa khắp mọi miền và thường xuyên được đăng tải trên tạp chí của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và tạp chí văn nghệ các địa phương.
Những thành quả miệt mài lao động và sáng tạo nghệ thuật của nhạc sỹ Mai Kiên đã nhận được những phần thưởng xứng đáng. Tiêu biểu như: Huy chương Bạc tại Hội diễn văn công chuyên nghiệp toàn quốc năm 1982 với ca khúc “Khúc hát làng Dao”; Giải B Tiếng hát Hoa phượng đỏ của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1991 với các ca khúc “Giấc mơ bé lái vệ tinh” và “Hàng cây trường em”; Giải Nhì cuộc thi sáng tác mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú năm 2004 do Sở Văn hóa - Thông tin tặng; Giải Nhì ca khúc “Hát trên cầu cảng Vũng Tàu” nhân kỷ niệm 25 năm Vietsopetro; 02 Giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2007 và 2013; 02 Giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003 và 2005; Giải A của Hội VHNT Thanh Hóa với tập ca khúc tuyển chọn gồm 150 bài “Về Lam Kinh ngày hội”; 07 giải B Giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội VHNT Thanh Hóa trong các năm: 1991, 2000, 2001, 2002, 2004, 2005, 2010; 07 giải C Giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong các năm: 1996, 1997, 1998, 2003, 2012, 2014, 2016; 02 giải C Giải thưởng VHNT 5 năm do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng với tập ca khúc “Mùa hội mặt trời” năm 1996-2000 và tập ca khúc “Về Lam Sơn” năm 2000-2005. Quá trình công tác ông đã được tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp phát triển dân tộc và miền núi, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Những phần thưởng nêu trên đã phản ánh quá trình miệt mài khổ luyện, say sưa với nghệ thuật cùng nhiệt huyết cháy bỏng của nhạc sỹ Mai Kiên trên con đường sáng tác âm nhạc mấy chục năm qua.
Không dừng lại ở đó, nhạc sỹ Mai Kiên đang tiếp tục đam mê trên con đường nghệ thuật để sáng tạo và không ngừng phát triển, nâng cao. Ông như cánh chim không mỏi, cứ mải miết bay trên khắp mọi miền để tìm cảm xúc, để nuôi dưỡng những cung bậc rồi nâng lên thành ca khúc. Từ đó, những giai điệu, bài ca của ông trở lại phục vụ bà con, phục vụ cuộc sống, đúng như ông tự bạch: “Quan điểm của tôi là ca khúc phải xuất phát từ cuộc sống của quần chúng, phục vụ quần chúng”.
                                                                     

 Thanh Hóa, tháng 4-2021
                                                                                    V.D.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 169
 Hôm nay: 1169
 Tổng số truy cập: 7612271
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa