Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   TỔNG KẾT CUỘC THI TRUYỆN NGẮN “TIẾNG VỌNG THỜI ĐẠI” NĂM 2022 TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
TỔNG KẾT CUỘC THI TRUYỆN NGẮN “TIẾNG VỌNG THỜI ĐẠI” NĂM 2022 TRÊN TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH

Quyết tâm làm…
Những năm gần đây Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã luôn nỗ lực để tổ chức nhiều cuộc thi như: cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018, cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” năm 2019; cuộc thi ký văn học “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020; cuộc thi thơ “Linh thiêng Tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” năm 2021 và cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022. Chính chất lượng từ các cuộc thi này mà uy tín của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ngày một được nâng cao hơn, tạo ra sức hút ngày một lớn đến công chúng yêu văn học nghệ thuật trên cả nước. Đặc biệt, nếu như các cuộc thi từ năm 2021 trở về trước bị bó hẹp về số lượng trang, dung lượng chữ thì cuộc thi truyện ngắn được tổ chức năm 2022, vào giai đoạn “về đích” đã có phần “dễ thở” hơn khi số trang của tạp chí được nâng từ 80 lên 100 trang. Trong công tác quảng bá, Ban Biên tập tạp chí vừa đăng tải nội dung thể lệ cuộc thi trên tạp chí giấy phát hành hàng tháng, vừa đăng tải thể lệ cuộc thi lên Trang thông tin điện tử của tạp chí, liên kết với các đơn vị báo chí trong và ngoài tỉnh để đưa tin về cuộc thi; đồng thời tận dụng triệt để các trang mạng xã hội như face book, zalo để nội dung thể lệ cuộc thi có sức lan tỏa rộng hơn, đến gần hơn với những người có tình yêu văn chương, những người có khả năng và đam mê viết văn trên cả nước. 
“Tiếng vọng thời đại” là sự hồi đáp, là cảm nhận ở hiện tại về thời khắc đã qua. Trong quá trình sáng tác tác phẩm người viết thể hiện được nỗi niềm, quan điểm, cá tính của mình. Đồng thời thông qua những kiếp người, phận người, các tác giả viết lên những trang đời giàu chất nhân văn, hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn ở hiện tại và tương lai. Chủ đề “Tiếng vọng thời đại” là một chủ đề mở, Ban Tổ chức cuộc thi mong muốn các nhà văn chuyên cũng như không chuyên, các cây viết lâu năm hay những người viết trẻ đều có cơ hội ngang nhau khi thể hiện cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của mình về đời sống. Dù là xưa hay nay, thời đại nào cũng ăm ắp những tiếng vọng lan truyền sức sống và tình yêu thương mãnh liệt. 
Nhất định được
Với hơn một trăm tác phẩm gửi dự thi, Ban Biên tập tạp chí đã chọn được ba mươi sáu truyện ngắn của hai mươi tám tác giả để đăng tải trên tạp chí trong một năm qua. Các tác phẩm đã thể hiện được quan điểm và phong cách của người viết trong việc phản ánh muôn màu, muôn vẻ cuộc sống. Có khi đó là tiếng vọng từ thời đại của những người anh hùng đứng lên bảo vệ quê hương, đất nước, để rồi khi chiến tranh kết thúc họ lại âm thầm trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến với bệnh tật, đớn đau do di chứng của chiến tranh để lại. Và tiếng vọng của thời hiện đại, thời đại bình yên và phát triển, nhưng đầy cám dỗ, đầy những vấn đề nhức buốt về văn hóa, đạo đức do chịu tác động mạnh mẽ bởi chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”. Qua các tác phẩm người đọc nhận ra thời đại nào giá trị nhân văn cũng luôn cao cả, đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy, tình người mới là thứ tồn tại vĩnh hằng… đó chính là tác dụng, là sứ mệnh thiêng liêng của văn học, hướng con người đến cái đẹp, đến yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ của mỗi người ngày một lớn lên. Đặc biệt, các tác giả trẻ tham gia cuộc thi này đã thể hiện được cái nhìn sâu sắc và nhiều góc cạnh về đời sống hiện đại. Điều đó chứng tỏ người trẻ không hề sống hời hợt, họ vẫn trải nghiệm nó, sống với nó bằng tất thảy mọi giác quan và sự chiêm nghiệm rất nghiêm túc. Bên cạnh đó, những nhà văn gạo cội, những người viết chuyên nghiệp vẫn cho thấy sự đằm thắm trong các tác phẩm, khéo léo trong xây dựng, xử lí tình huống truyện, và song song với sáng tạo ngôn ngữ là trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cuộc sống đa sắc thái với ngồn ngộn sự kiện vẫn hiện lên trong tác phẩm của họ với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố… vượt lên tất cả là sức mạnh nội tại bên trong con người, giá trị vượt lên mọi thứ tầm thường chính là tình người, niềm tin về “đức năng thắng số” vẫn hiện hữu trong mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện… điều đó thể hiện được chiều sâu trong cách nhìn, cách nghĩ, cách viết của tác giả. Có lúc, có khi đọc truyện của họ ta như thấy mình trong đó, thậm chí ta thấy từng chuyển động, từng nụ cười hay những giọt nước mắt rơi rất đời, rất thật, nếu không đủ tài và tâm thì khó có thể viết được như vậy.
Có thể nói, 25 tác phẩm của 22 tác giả vào Chung khảo thực sự đã đạt được đến độ chín về văn phong cũng như nội dung. Mặc dù, chưa phản ánh đầy đủ mọi mặt đời sống nhưng các tác giả đã cho người đọc thấy được những góc cạnh điển hình, những sắc màu chủ đạo của đời sống từ quá khứ đến hiện tại, từ miền núi, đồng bằng đến biển đảo, biên cương, từ những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” đến những người lao động bình thường “ráo mồ hôi là hết tiền”; đặc biệt là đề tài viết về trẻ em và bảo vệ môi trường được các tác giả khai thác một cách khéo léo và gửi gắm nhiều thông điệp, ý niệm sâu sắc.
Cuộc sống hiện đại, đối diện với nhiều vấn đề, trẻ em và môi trường sống là đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều tác động tiêu cực. Các tác giả đã dành sự quan tâm nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn, nhiều trăn trở và xúc cảm hơn để góp tiếng nói của mình vào quá trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng như môi trường trước sự xâm lăng đáng sợ của đời sống hiện đại vốn thực dụng và vô cảm. Tiêu biểu có thể kể đến các tác phẩm: Thông trên núi Sơn Viện của tác giả Lê Đình Trung, Thằng Hoang của tác giả Nguyễn Đại Duẫn, Dưới vòm trời xanh của tác giả Cao Tỵ, Đi qua cơn bão của tác giả Nguyễn Cẩm Hương,…
Bên cạnh đó các đề tài về người lính, dân tộc miền núi, sự chuyển mình của nông thôn, muôn mặt của cuộc sống thành thị… vẫn được các tác giả khai thác triệt để với cái nhìn mới, lối viết mới. Tiêu biểu có thể nhắc đến các tác phẩm: Rỗng làng của tác giả Nguyễn Văn Học, Máu rừng của tác giả Mai Hương, Mưa từ đỉnh núi Vầu của tác giả Sơn Trần… 
Truyện ngắn “Ngàn cánh hạc” của tác giả Ngô Diệu Hằng được tất cả các thành viên trong Hội đồng Giám khảo cả Sơ khảo và Chung khảo đánh giá cao. Một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng rất sâu lắng. Câu chuyện giản dị, tình tiết truyện không quá căng thẳng, lên gân nhưng lại lấy được sự đồng cảm của người đọc. Một bài học vỡ lòng mà mỗi người lớn cần phải học để biết cách yêu thương, quan tâm, sẻ chia với con trẻ, những tâm hồn non nớt cần được chở che và dìu dắt. “Cuộc sống này nếu không có tình yêu thương và sự trìu mến thì sẽ trở nên vô vị và bế tắc... đó là cách chúng ta dìu nhau bước đi trong cuộc đời”, đây thực sự là một tuyên ngôn sâu sắc về tình yêu thương và là thông điệp về bảo vệ và chăm sóc trẻ em mà tác giả Ngô Diệu Hằng muốn gửi gắm tới mỗi người.
Truyện ngắn “Thông trên núi Sơn Viện” của tác giả Lê Đình Trung là tiếng vọng từ quá khứ, sống dậy trong người con gái mang tâm hồn vụn vỡ, ký ức là những mảnh ghép đau thương chắp vá, vì không đủ mạnh mẽ để đối diện, cô chọn cách trốn chạy đau buồn trong suốt mười năm mới trở lại thăm quê. Truyện lên án tư tưởng trọng nam khinh nữ, cái tư tưởng lỗi thời, lạc hậu nhưng vẫn bám rễ ăn sâu vào nết ăn lối nghĩ của người nhà quê, sự ám ảnh của tư tưởng ấy như ngọn lửa thiêu rụi đi lương tri, sự tỉnh táo cần có của một con người. Sau tất cả những đớn đau, những biến cố, tình người là thứ còn lại duy nhất để xoa dịu, chữa lành những vết thương sâu hoắm, nhức buốt. “Thông trên núi Sơn Viện” là một truyện ngắn cảm động và giàu nhân văn, tuy nhiên đôi chỗ tác giả xử lí có phần còn non tay làm cho cảm xúc truyện chưa đạt đến độ sâu cần thiết, mạch cảm xúc có lúc, có khi bị ngắt quãng đột ngột tạo ra cảm giác hụt hẫng với người đọc. Lê Đình Trung là một cây bút trẻ vẫn cần thêm thời gian để trưởng thành, chúng ta có quyền hy vọng vào một Lê Đình Trung chắc chắn, đĩnh đạc và sâu sắc trong tương lai.
Truyện ngắn “Đất thiêng” của tác giả Nguyễn Huy Súc là truyện ngắn viết về nhân vật lịch sử của xứ Thanh. Cái được của truyện này là văn chương kỹ càng, hoài cổ, có dụng công trong tìm đọc tư liệu và chú giải rõ ràng. Tác giả đã khéo léo lồng ghép huyền tích lịch sử và các mảng màu văn hóa làng xã vào trong truyện. Thủ pháp dựng truyện khá nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố huyền thoại làm cho không gian truyện trở nên linh thiêng, huyền bí và giàu sức hút. Tuy nhiên truyện nếu đầu tư hư cấu nghệ thuật và kết truyện công phu hơn hẳn sẽ còn gây ấn tượng sâu sắc hơn nữa cho người đọc.
Tác giả Trần Đoan Trang với tác phẩm “Cô giáo dạy môn sinh”, tác giả Cao Tỵ với tác phẩm “Dưới vòm trời xanh” và tác giả Nguyễn Đại Duẫn với tác phẩm “Thằng Hoang”, đều có điểm chung là gửi gắm thông điệp về cách sống tử tế, sống có ước mơ, hoài bão và quyết tâm theo đuổi đam mê bằng một thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp, dám đương đầu và vượt qua thử thách thì sớm muộn thành công sẽ đến. Mỗi tác giả có cách xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật và cách xử lí tình huống truyện khác nhau nhưng đều có điểm chung là muốn thông qua văn học để làm cho cuộc sống trở nên nhân văn hơn, tươi đẹp hơn. Xét về mặt ý nghĩa xã hội các tác phẩm này đã đạt được những giá trị nhất định nhưng về mặt chuyên môn các tác phẩm vẫn còn nhiều điểm chưa làm thỏa mãn người đọc cũng như các nhà chuyên môn.
Cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022 trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là một cuộc thi mở, không giới hạn đề tài, thể loại nên đã thu hút được số lượng lớn các tác giả tham gia, có tác giả gửi một lần nhiều bài, có tác giả gửi nhiều bài nhiều lần, điều đó khẳng định vẫn còn rất nhiều người tha thiết, đam mê và dành tình yêu lớn cho văn chương. Tuy chất lượng các truyện ngắn còn nằm ở nhiều cung bậc khác nhau, tùy thuộc vào tài năng của từng tác giả nhưng tựu chung đều thể hiện được tình yêu, nỗi trăn trở và khát vọng của người cầm bút trong một xã hội phức tạp và đầy biến động. Có không ít truyện ngắn hay, gây xúc động, để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Nhiều tác phẩm công phu, giàu cảm xúc, gửi gắm nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện được sự tinh tế và sâu sắc của tác giả. Song cũng có những truyện nhàn nhạt cả về đề tài lẫn cách viết, điều đó cho thấy đam mê thôi chưa đủ, các tác giả vẫn cần phải tích lũy vốn sống nhiều hơn, tự đọc và tự học nhiều hơn để tìm ra cho mình một phương pháp, một lối đi phù hợp.
Nếu như cuộc thi sáng tác văn học trẻ năm 2018 trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, ở phần dự thi truyện ngắn, Thanh Hóa chỉ có 3 tác giả tham gia trong tổng số 24 tác giả dự thi, thì đến cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022, trong 25 tác phẩm lọt vào Chung khảo có tới 9 tác phẩm của các tác giả Thanh Hóa, trong đó có 4 tác giả trẻ, và tổng kết cuộc thi Ban Tổ chức trao 10 giải thì có tới 6 giải thuộc về các tác giả Thanh Hóa, trong đó có 3 tác giả trẻ. Kết quả đó đã phản ánh sự tiến bộ vượt bậc cả về chất và lượng của văn học tỉnh nhà, đây không chỉ là niềm vui của các tác giả đạt giải mà còn là niềm vui của những người có trách nhiệm đối với công tác phát triển VHNT tỉnh Thanh Hóa.
Nhìn lại để vững vàng bước tiếp…
Bên cạnh những thành công kể trên, chúng ta cũng cần nhìn lại một vài điều về cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022 để bản thân các tác giả có thêm kinh nghiệm từ đó trưởng thành hơn trong việc chọn lựa đề tài cũng như cách thức thể hiện tác phẩm. Đồng thời Ban Tổ chức cuộc thi cũng nhìn nhận, rút ra hạn chế để khắc phục, từ đó nâng cao hơn chất lượng các cuộc thi sau.
Cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022, đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình vẫn chiếm số lượng nhiều nhất (8/25 truyện vào Chung khảo) nhưng ít truyện gây được ấn tượng mạnh; cốt truyện, mâu thuẫn, kịch tính, nhân vật đều cũ; giọng văn không có gì mới; cách thể hiện chưa thực sự sắc sảo, cuốn hút; cách xây dựng và phân tích tâm lý nhân vật cũng chưa nhạy bén, tinh tế và cảm động. Cuộc thi mang tên “Tiếng vọng thời đại” nhưng ít giọng văn mới, trẻ, hiện đại, hầu như không có biểu đạt phá cách, không có nhiều truyện khai thác đề tài mới. Tác phẩm phần nhiều bình bình, mặt bằng khá đồng đều, không mấy nổi trội. Chọn ra top 10 là những truyện nhỉnh hơn một chút chứ không hẳn là xuất sắc, vượt trội. Ít truyện viết về đề tài xứ Thanh, về phát hiện mang tính địa phương Thanh Hóa.
Thông qua cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022 trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh có thể thấy một số tác giả người Thanh Hóa, đặc biệt là hội viên Ban Văn xuôi thuộc Hội VHNT Thanh Hóa chưa thực sự thể hiện được nhiều vai trò tiên phong, dẫn dắt, đặc biệt là vai trò tìm kiếm, phát hiện, động viên, khích lệ những người trẻ có năng lực sáng tác ở các địa phương trong tỉnh tham gia viết bài dự thi. Ngay cả trong Ban một số nhà văn vẫn chưa nhiệt tình tham gia dẫn đến việc tác phẩm dự thi của tác giả người Thanh Hóa viết về Thanh Hóa chưa nhiều. Hy vọng các cuộc thi sau sẽ đón nhận được nhiều hơn sự nhiệt tình tham gia của các hội viên Ban Văn xuôi, điều này không chỉ có tác dụng củng cố danh tiếng cho các nhà văn mà còn khẳng định vị thế cũng như vai trò tiên phong của những người sáng tác văn xuôi trong tỉnh.
Cuộc thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022 do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức đã thành công tốt đẹp. Để có được những kết quả như vậy, trước hết phải khẳng định vai trò to lớn trong công tác lãnh, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của Thường trực Hội VHNT Thanh Hóa luôn quan tâm kịp thời và sát sao, cộng với sự năng động của Ban Tổ chức và Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, sự công tâm, khách quan, trách nhiệm của Ban Giám khảo và sự tham gia nhiệt tình của các tác giả trong cả nước đã gửi bài dự thi, hưởng ứng và cổ vũ cuộc thi. Cuộc thi đã góp phần khơi dậy ngọn lửa đam mê, tình yêu mạnh mẽ của những người yêu văn học nghệ thuật cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng góp phần không nhỏ vào việc quảng bá rộng rãi bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của đất và người xứ Thanh đến bạn bè trong nước và nước ngoài.
                                                                                         

T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 129
 Hôm nay: 8910
 Tổng số truy cập: 7483642
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa