Vài nét nghiêng soi "Mình khuất bóng mình" - Thơ Phạm Văn Dũng - Vĩnh Đức
Tôi biết Phạm Văn Dũng đã khá lâu. Tôi và anh, hai nhà chỉ cách xa nhau vài ngọn núi, một dòng sông, mênh mông một khoảng cánh đồng. Tưởng xa nhưng thực lại rất gần. Cái gần ấy, chính là sự đồng cảm về văn chương, đặc biệt là thi ca. Cái mảng thơ mà ở thời buổi này, thơ tràn ngập khắp mọi nơi mà có nhiều người thường nói vui: “Ra ngõ đã gặp thơ rồi/ Xin anh cứ gặp đừng mời tặng thơ”. Thế mới biết thơ có phần ồ ạt thâm nhập vào đời sống xã hội và lấn át các thể loại khác như thế nào. Dẫu là thế, nhưng thơ vẫn có sức mạnh vô hình neo lại trong lòng người đọc khi đón nhận những tập thơ hay. Trong trường hợp ấy, Phạm Văn Dũng là một trong những nhà thơ được bạn đọc chú ý chờ đợi mỗi khi tác phẩm thơ của anh xuất hiện.
Phạm Văn Dũng là nhà thơ được biết đến đầu tiên với tập thơ Cánh thơ nâu, xuất bản năm 1999 khi anh là sinh viên Sư phạm, trường đại học Hồng Đức. Thơ đến với anh như nhựa sống căng đầy của một thời tuổi trẻ mộng mơ. Năm tháng đi qua, người đọc vẫn yêu mến thơ anh qua nhiều bài viết trên báo và tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Riêng tôi lại càng chú ý đến anh hơn, bởi trong cuốn sách Lý luận phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay của Ban Lý luận phê bình thuộc Hội VHNT Thanh Hóa do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đã xếp anh trên diễn đàn thơ trong thời kỳ đổi mới cùng các nhà thơ xứ Thanh với cái tên Phạm Văn Dũng. Điều ấy như đã định danh tên anh vào cái nghiệp thơ đầy duyên nợ ở vùng đất học xứ Thanh yêu dấu.
Tập thơ Mình khuất bóng mình xuất bản năm 2019. Một thời gian khá dài sau 20 năm trở lại nhưng vẫn không làm cho tác phẩm của anh mất đi sự yêu mến của bạn đọc. Thực tế, anh đã có lý khi dành thời gian sinh nở cho đứa con tinh thần của mình vào độ thích hợp. Thời gian như tích vốn rồi nhã chữ, tập thơ đã có nhiều bài thơ hay, được độc giả mến mộ.
Với 87 bài thơ trong tập được trải dài ở nhiều chủ đề khác nhau nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn được chia đều cho nhiều mảng. Đáng chú ý là mảng thơ thế sự gắn với đời tư có nhiều chiêm nghiệm, nhiều suy nghĩ lớn lao trong cuộc đời mà anh trăn trở.
Càng đọc càng thấy không gian thi ca trong thơ anh có nhiều nét tươi mới, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Sức sáng tạo trong ý tưởng lập nên cấu trúc thơ có biên độ khá dày dặn về mặt thi pháp. Anh là nhà thơ rất kén chọn hình tượng nghệ thuật. Thể hiện trong cách xây dựng cấu trúc tổ chức sắp xếp chặt chẽ các hệ thống ngôn ngữ. Chính điều này tạo cho người đọc dễ nhận diện và yêu mến phong cách thơ anh nhiều hơn. Nếu như tập thơ đầu tay Cánh thơ nâu có sức lan tỏa trong giới trẻ trên giảng đường đại học trước đây có nhiều bài thơ được các bạn sinh viên thuộc thì tập thơ Mình khuất bóng mình không còn là sự thể nghiệm trong bút pháp mà đã có sự vững chãi về mặt thi pháp, mang phong cách thơ Phạm Văn Dũng không lẫn với riêng ai.
Tập thơ Mình khuất bóng mình mang vẻ đẹp tiềm ẩn. Điều tôi tâm đắc chính là cái tình gửi vào con chữ, bật lên tâm sự nỗi niềm trước cuộc sống bộn bề trong cõi nhân gian, từ đó tìm ra ngã rẽ cho mạch sống xanh non đầy khát vọng. Thơ anh chan chứa nỗi đời, nỗi người được đan xen trong nhiều câu chuyện thế sự đời tư. Bóng dáng của câu chuyện ấy có cái riêng và cái chung, nó như một bức tranh sinh động phản ánh thực tế đời sống đang được mọi người quan tâm hiện nay. Anh nhìn cuộc sống không phải bằng lăng kính màu hồng mà có sự chiêm nghiệm sâu sắc. Bài thơ Mình khuất bóng mình và bài thơ Bóng thời gian quan niệm con người là một tiểu vũ trụ, khi nhìn nhận thế giới vô cực thì mình là bé nhỏ. Nhưng con người có thể tìm ra những điều khác lạ của thế giới mà cả chính mình làm được vẫn chưa nhận ra. Sự băn khoăn của anh, hình như cũng đồng cảm với bao người. Có khi vượt qua cả chính mình “Chợt nghĩ ra/ Cũng có khi mình khuất mình/ Dễ hiểu”. Trong mối quan hệ tương sinh, tương khắc giữa cái còn và cái mất, cái cho đi và cái nhận về đều phải đưa về trạng thái cân bằng. Bằng lối viết giàu chất suy tưởng, anh lấy thời gian làm thước đo cho con người trong chuyển động đời sống. Bởi trong vận động của sự vật và hiện tượng đều mang tính quy luật của nó “Bóng thời gian dịch chuyển/ Ta đổ vào ta tròn chỉnh một vòng đời”. Với anh, miễn sao sống trong vòng đời phải giữ được chữ tín, chữ nhân với mọi người trong xã hội, chữ nghĩa với bạn đời, chữ hiếu với cha mẹ, chữ trung với Tổ quốc là quý nhất. Và chỉ có thời gian theo mạch chảy là nhân chứng mới thấu tỏ lòng người. Từ quan niệm này, các chùm thơ tiếp theo đã đưa Phạm Văn Dũng đến với nhiều bài thơ thấm đẫm chất nhân văn, giàu sáng tạo, mang tính triết luận.
Anh đã tìm thấy trong bức tranh hiện thực đời sống nhiều điều bất cập để anh trải lòng tâm sự. Bài thơ “Bảy dòng họ trong làng” đáng chú ý với lối viết khá hiện đại, làm bật lên những trầm tích để cho đời hiểu thêm giá trị nguồn cội văn hóa theo nghĩa rộng. Câu chuyện khá thuyết phục, với nhiều câu thơ tự sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc: “Làng tôi có bảy dòng họ/ Với bảy cuốn gia phả khá dày/ Cùng bảy cây đa chứng tích của ngàn năm lập ấp”. Và thế rồi cứ dẫn dắt người đọc chiêm nghiệm, suy tư những việc đã làm có chiều sâu của đạo nghĩa. Mỗi dòng họ có những nét riêng, nhưng họ vẫn giữ được nền nếp, tập tục văn hóa lâu đời, không quên nơi yên nghỉ của ông bà tổ tiên. Bài thơ “Pho sử sống của làng” rất giản dị nhưng đó là tất cả cảm xúc mà Phạm Văn Dũng có được khi viết về tấm gương của các bậc cao niên trong việc gìn giữ vốn văn hóa viết sử cho làng. Cái nét quê gốc rễ từ làng vào thơ Phạm Văn Dũng có cái chất riêng trong phong cách viết, vừa đậm tình sâu lắng vừa ấm áp trữ tình. Trong những bài thơ viết về làng, về những con người và cảnh vật quê hương ta bắt gặp những giọng thơ hay của Nguyễn Minh Khiêm “Làng cong xuống dáng tre già trước tuổi”, còn Lê Bá Thự trong tâm tưởng không quên tiếng thở dài như báo động, khi vẫn còn một chút hi vọng nghĩ về làng trong thời cảnh hiện nay “Vẫn còn hình bóng ngày xưa/ Bê tông cốt thép vẫn chưa nuốt làng”. Riêng Phạm Văn Dũng, anh có cái nhìn đặc trưng hơn với những câu thơ tài hoa: “Về làng để nhận ra mình/ Bao năm xa cách lênh đênh mịt mờ/ Bụi đời lấm láp màu gio/ Chậm nguồn con nước dừng đò nghiêng soi/ Về làng để chẳng lẻ loi/ Bao năm chìm khuất cõi đời phù hoa/ giữa ngàn khói sóng bao la/ Hạt bụi tôi chẳng tách ra từ làng”. Chỉ có tám câu lục bát đã giúp người đọc nhận ra một Phạm Văn Dũng viết về làng có tư duy về thơ khá ưu điểm. Bởi ngôn từ được dùng lấp lánh hình tượng nghệ thuật. Tất cả được chưng cất từ ý tưởng sâu sa nguồn cội trong đời sống, có giá trị giáo dục mọi người không bao giờ được phép quên nơi sinh ra ký ức của mình.
Trong chùm thơ viết về thế sự, nói đến các bậc sinh thành cha mẹ, tình bạn, người thân, những người trong xã hội, Phạm Văn Dũng có quan niệm theo cách nhìn khá sâu sắc. Hồn thơ của anh bay bổng, hiện lên sắc màu hiện thực sống động. Trong mạch cảm những bài thơ thế sự đậm chữ hiếu có bài Dạy con hãy biết vâng lời. Bài thơ thấm đẫm lời yêu thương cháy bỏng tình yêu vô bờ trong tình phụ tử mênh mông. Có lẽ, anh đã thấm ngấm từ mạch nước của làng, từ những lời ông bà cha mẹ dạy, nên thơ anh có chất liên tưởng đến thời gian, không gian mang sức gợi lớn. Ai cũng có một thời kí ức. Với Phạm Văn Dũng còn có kí ức của một thời sinh viên mơ mộng. Sẽ là thiếu khi nói về thơ anh nếu không nói về mảng thơ thời sinh viên. Vì đây là những bài thơ tiêu biểu, thể hiện năng khiếu bước đầu đến với thơ khi anh đang là sinh viên đạị học kể cả những bài thơ trong tập Cánh thơ nâu mang một sắc thái mới, tươi trẻ ngọt thơm như tờ giấy trắng. Trở lại 20 năm sau, vẫn theo mạch cảm xúc chủ đề ấy, nhớ tới bạn bè, anh có bài thơ Đặt tên cho mùa gợi về một miền kí ức rung cảm mộng mơ khi “Hàng hàng thiếu nữ thiết tha/ mùa thu sao mà lạ mắt/ Nắng nghiêng từng sợi mặn mà”. Rồi bài thơ Quãng nhớ viết cho sinh viên K1 trường đại học Hồng Đức đã khẳng định sự cứng cáp, vững chãi trong nghĩ suy về cuộc đời, về sự nghiệp trong hành trình cuộc sống. Anh vẫn không quên hình ảnh cây phượng già, những lời dặn dò của các thầy, các cô đi theo mãi mãi: “Mười lăm năm giữa cuộc đời biển động sóng trao/ Thấm vị nắng vị mưa và gió trời nồng nhiệt/ Để mạch gân vững bền cho ngày mai tiếp bước/ Cây phượng ứa nhựa vàng sẽ còn là chứng tích của chúng em”.
Thơ Phạm Văn Dũng có lối tư duy linh hoạt trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình. Anh gửi tình cảm của mình vào con chữ với bài thơ Miền em vừa mơ mộng vừa chất chứa cõi lòng: “Giờ anh thấy khi nào trời trong biếc/ Là nơi anh đang thả những mộng mơ/ Còn khi nao trời đầy bão táp/ Là nơi anh quặn nỗi nhớ mong chờ”.
Trong bài thơ Em cứ là em với thể thơ năm chữ, Phạm Văn Dũng lấy hình tượng thiên nhiên, nắng, mưa, mây, gió để khơi nguồn cho cảm xúc. Dù có thế nào chăng nữa mong ước nhất là trở về với cuộc sống bình an. Đây cũng là thông điệp cho nhận thức trong mảng thơ tình của anh.
Chạm đến mạch sóng, đến những rung cảm thẫm mĩ khi nhắc đến đề tài tình yêu là chạm vào thế mạnh trong thơ anh. Phạm Văn Dũng có chùm thơ về chủ đề tình yêu khá hay. Hay ở ngôn ngữ ở cách tìm tứ. Kể cả xây dựng nhân vật trữ tình biểu lộ cảm xúc: “Anh là gã lực điền/ Chỉ biết yêu em/ như đường cày dài vô tận… Anh là gã lực điền/ Uống gió đồng nên thật thế thôi em”. Lời thơ giản dị nhưng biểu hiện một phong cách khá đậm nét làm cho người đọc càng yêu thơ anh hơn. Có những lúc nhà thơ thả hồn vào cả những giấc mơ để rồi bật lên những câu thơ ngọt ngào ý vị làm mất đi vẻ thô ráp để nhường chỗ cho cái đẹp non tơ: “Ta gói hương vào sen/ Cho em nhiều mơ ngọt/ Ta gói em vào mây/ Hóa nàng tiên trắng muốt”. Khi đến với tình yêu, bao giờ chẳng có thổn thức nhớ nhung và những giận hờn. Trong tâm trạng ấy anh viết rất thành công, đặc biệt cách tìm tứ hay, sử dụng lối thơ giàu chất biểu cảm có pha hương vị chất thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. Bài thơ Hẹn mùa sau có nhiều câu lục bát sử dụng từ ngữ gợi hình đáng nhớ:
Hẹn mùa sau phải không em
Anh về đếm lá trước thềm buông rơi
Bữa nay gió thoảng mây trôi
Cây buông vài sợi thả nơi lặng thầm.
Trong cách sử dụng ngôn từ, Phạm Văn Dũng chứng tỏ sự tinh tế trong điểm nhìn nghệ thuật. Bài thơ Tự bạch cùng em mang âm hưởng chất liệu ca dao đã ngấm vào thơ anh trở thành khúc hát ru xưa đậm đà miền nhớ: “Thưa em anh vốn thật thà/ Nói một bằng một, nói xa khác gần/ Thật thà nên chẳng phân vân/ Không mặc cả, chẳng đo cân đếm gì”. Lời yêu tỏ tình của anh cứ mộc mạc như cây lúa, củ khoai, không hào nhoáng nhưng có sức mạnh không gì thay thế được. Nhân vật trữ tình có thể chiến thắng mọi đối tượng, vì cái tính thật thà đã đem lại sự tinh tế trong tình yêu. Dẫu trời có bão giông thì cái tính thật thà đã chinh phục được trái tim em, làm cho em nghiêng ngả. Quả là giọng điệu thơ của Phạm Văn Dũng rất lạ và có cái riêng: “Mây mù bốn phía phủ giăng/ Thì anh vẫn cứ thưa rằng với em/ Vốn anh thật cả với đêm/ lời yêu gửi hết trăng rằm ngà say/ Giờ anh ngồi ngắm trời mây/ trăng đâu vẫn thấy/ Thật đây vẫn còn”. Tôi cho đây là một bài thơ hay. Vừa có kết cấu chuyện, nhiều thi ảnh ý vị, vừa phảng phất chất ca dao đằm thắm, ngọt ngào. Chính yếu tố này đem đến sự thành công trong biểu hiện ý tưởng cần biểu đạt. Hơn nữa, những vần thơ ấy cứ man mác thấm dần vào hồi ức, in đậm trong sắc thái cảm xúc nhiều hơn. Bài thơ Chuyện tình yêu với thể lục bát có nhiều từ rất gợi: “Gập ghềnh nắng gập ghềnh mưa/ gập ghềnh sóng nước cho vừa lòng yêu/ Ngổn ngang chảy phía trời chiều/ Tiếng chim hót làm liêu xiêu cõi lòng”. Phạm Văn Dũng không quên chọn lọc những từ ngữ làm cho thơ đậm nét hình tượng nghệ thuật. Quan niệm về nhân tình thế thái không chỉ là cái nhìn thực tế mà thông qua những ý tưởng của mình, nhà thơ thể hiện trách nhiệm với cuộc sống bằng những tâm sự mang tính triết lý nhân sinh. Thực tế anh đã gửi hồn mình vào cái tình thi sĩ để thể hiện quan điểm của mình. Có những lúc niềm vui chợt đến rồi chợt đi như một quy luật, nhưng điều quý hơn cả, đó là thái độ nhân văn trước cuộc sống đa dạng sắc màu mà anh biểu hiện cách nhìn thấu cảm.
Trở về với lòng mình, anh bao giờ cũng thao thức về mẹ. Hình bóng mẹ chính là thi ảnh gợi cho anh nhiều cảm xúc trong thơ. Đây cũng là mạch cảm lô gíc mà các nhà thơ thường sử dụng khi viết về mẹ. Song với Phạm Văn Dũng đã thốt lên bằng những câu thơ rất cảm động “không giấu nỗi bàn tay vẹt mòn thời gian của mẹ/ Đánh lừa ngôi sao bằng thổn thức thâu đêm”. Hiểu được nỗi cực khổ của mẹ “Mồ hôi mẹ đẫm bao lời yêu thương” đã tạo cho con có thêm nghị lực bước đi trong trường đời. Hành trình cuộc sống như một ký ức. Với mùa xuân anh có chùm thơ 4 bài. Mỗi bài có một sắc thái riêng. “Tôi vẽ mùa xuân trong tươi mát của trời/ Bằng giọt mồ hôi ấm đôi vai mẹ gánh/ Trơn trượt bánh xe thồ của cha cơn mưa chiều chưa tạnh/ Lam lũ người ơi cho ta vẽ giấc mơ hồng” (Kí họa xuân tươi). Anh đã thả cái tình vào xuân như một nét vẽ gợi lên nhiều âm giai của nhạc. Bài thơ “Tình xuân” như một khúc ca dạt dào âm sắc, vọng vào xuân một khúc nhạc vui: “Ta cầm trên tay một nhành xuân/ Hát lên nhịp mưa phùn xanh lên miền tươi mát/ Mẹ ủ tôi như ủ niềm thương hạt thóc/ Gần bốn chục năm qua ngấm yêu mến đời này”. Theo nhịp điệu của mùa xuân, anh đã ủ “men xuân” trên “lá xuân” để làm nên vũ điệu mùa xuân. Có thể nói, chùm thơ xuân anh viết, chất thơ gợi nhiều lắng đọng như những giọt mưa xuân thả xuống một miền non tơ ấm áp xao động tình người “Dắt vào lời yêu của mỗi khúc ca”. Cái đẹp từ “Men xuân ủ lên bao mơ ước/ Về ngày mai thong thả một nốt trầm/ Về ngày mai âm vang câu hát/ Về ngày mai mềm mại một khúc ngâm”.
Thơ Phạm Văn Dũng quan niệm về hạnh phúc rất giản dị. Anh cho rằng “Hạnh phúc giản đơn” không giống như nhiều người định nghĩa. Với anh, “Hạnh phúc là mỗi sớm mai thức dậy/ thấy cha mẹ vẫn khỏe trên đời”. Câu thơ như có gì lạ như một sự trải lòng mà có thể nhiều người nhắc về hạnh phúc quên điều này. Những ý tưởng xuất hiện trong thơ anh về hạnh phúc là một thông điệp bằng thơ rất đặc trưng.
Tuy nhiên, thơ Phạm Văn Dũng vẫn còn một vài bài cần phải xây dựng tứ chặt hơn nữa. Vẫn còn những hạt nhỏ li ti về cách chọn từ ngữ cho thơ, đến cách ngắt nhịp xuống dòng, nhất là những câu kết theo hướng mở để tạo trường liên tưởng lớn hơn. Dẫu thế, phải khẳng định rằng: Tập thơ Mình khuất bóng mình là tập thơ có nhiều bài hay, rung cảm người đọc. Thơ là loại hình cho ta đi vào thế giới nội tâm của con người để tìm đến thế giới của cái đẹp. Một nhà thơ có sắc thái, có chuyên môn, có tâm, có tầm là không ngừng vươn tới sáng tạo với dấu ấn cá nhân để làm đẹp cho đời, cho thi ca. Phạm Văn Dũng đã có được điều ấy.
Nhìn trong tổng thể, thơ Phạm Văn Dũng trong cách viết không gò bó trong cảm xúc. Có lúc anh sử dụng thơ có vần hoặc sử dụng thơ không vần vẫn dạt dào cảm xúc, trọn vẹn trong ý tưởng. Riêng thể lục bát anh tỏ ra khá điêu luyện trong cách gieo vần, có nhiều ý thơ hay trong sáng tạo nghệ thuật. Thơ anh không chỉ bày tỏ một tấm lòng trước những chuyển động đời sống, mà còn góp thêm một làn hương mới, tạo thêm sắc màu mới cho thi ca, trong nhịp điệu sôi động của đời sống văn học hiện nay. Đọc thơ anh, ta có cảm tưởng giải tỏa được một điều mà người đời cần nhất, đó là tư tưởng vươn tới những điều tốt đẹp, nhân bản.
Tôi hi vọng, tập thơ Mình khuất bóng mình của nhà thơ Phạm Văn Dũng với nhiều mảnh ghép khác nhau trong nhiều mảng màu cuộc sống sẽ đem đến cho người yêu thơ xứ Thanh và bạn đọc cả nước những tình cảm trân quý nhất. Và âm hưởng của nó xứng đáng có một vị trí thi ca trên diễn đàn văn học nghệ thuật hiện nay.
V.Đ