Sức mạnh của lòng nhân hậu trong truyện "Một nửa của người đàn bà" - Viên Lan Anh
Một nửa của người đàn bà là tiêu đề truyện ngắn nhà văn Hà Cẩm Anh chọn đặt tên cho cả tập truyện ngắn có dung lượng gồm chín truyện, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2013. Câu chuyện được nhà văn Hà cẩm Anh kể với tâm thế dồn nén mọi cảm xúc để những con chữ bật lên mang thanh âm, hình ảnh, mầu sắc đặc biệt của vùng thung lũng Si Rồ ở Mường Chiềng - những địa danh quen thuộc trong văn Hà Cẩm Anh, nhưng sống động và đậm đặc màu sắc vùng miền. Các nhân vật trong truyện mang rõ tính cách, hình dạng, nhân tướng rõ ràng để cốt lại một nội dung xuyên suốt về sức mạnh lòng nhân hậu của một người đàn bà nghèo khó, thiệt thòi đã cứu rỗi cuộc đời nhân vật và đứa con máu mủ của mình trong một hoàn cảnh éo le, đau khổ cùng cực. Đó là vẻ đẹp thầm lặng như bạt ngàn lá rừng trong thung sâu, năng tính đó đã tạo nên một tia sáng xuyên qua cánh rừng mù sương, dày đặc tuyệt vọng để dọi thẳng vào cuộc đời ấm áp, tin yêu.
Mở đầu câu chuyện, nhân vật khách thể xưng tôi để kể về nhân vật chủ thể xưng danh là chị và con gái chị, đó là việc con Đậu đang giận chị nên bỏ lên trường học. Nguyên nhân là nó gần cưới chồng, nó cần gặp một người: Cha nó, Hà Cẩm Anh viết: “Chị xinh đẹp thế. Lũ con trai Mường Chiềng xếp hàng theo chị cả hàng dài… Hồi ấy, học hết cấp ba ở Mường Chiềng được mấy mươi người? Học hết cấp ba chị không thi đậu đại học như mong muốn của bố, mế rồi chị vội vã lấy chồng… Chín tháng sau ly dị, chị sinh con Đậu. Nhưng chồng chị đi làm cơ quan, không mấy khi về thung lũng Si Rồ. Con Đậu cũng chẳng giống anh chút nào…”. Chỉ có ít dòng giới thiệu ban đầu đã cho bạn đọc biết về sự bất thường trong mở đầu câu chuyện. Một đứa con gái hơn hai mươi tuổi mà chưa biết mặt cha vì sao vậy? Chồng của chị - Một nửa của người đàn bà ấy là ai? Là ai mà chị phải im lặng không cho ai biết? Chị đã từng cưới chồng, sau đó chồng chị ruồng rẫy chị vì tin đồn con Đậu không phải con của chồng chị! Chẳng lẽ một người đàn bà quanh năm úp mặt xuống nương rẫy, uống nước suối, ăn quả rừng, ngủ trên sàn Mường, không đi xa khỏi chín bậc cầu thang thì làm sao có thể làm việc gì động trời được? Với giọng văn trầm, buồn, nhẩn nha. Hà Cẩm Anh tung dần những chứng cứ dẫn đến cuộc hôn nhân tan vỡ, manh nha các thông tin về cha của Đậu: “Dù công việc nương rẫy bận rộn, chị vẫn đẹp như một chiếc lá trên cành… suốt đêm hôm đó chị không ngủ,chị kể với tôi: Đã rất nhiều lần con Đậu đòi gặp cha nó… Mế à? Cha con có phải người đó không? Xuống phố huyện trọ học, con muốn tìm ông ta hỏi cho rõ ràng”… “Em à, chị không phải là người đàn bà “trốn chúa lộn chồng” mà…”.
Trong quá trình đi tìm nguyên nhân, em gái của chị đã dần hiểu ra nỗi oan khiên mà chị âm thầm chịu đựng trong suốt hơn hai mươi năm qua với sự im lặng nặng trĩu của đất Mường Chiềng, tưởng như những cơn gió trong thung lũng Si Rồ cũng không thể kể với ai, vì câu chuyện đó nó bỉ ổi quá, quá bất nhân, trong tưởng tượng người ta khó tưởng tượng ra và nhiều câu hỏi cùng lúc nảy sinh, rằng vì sao người đàn ông, chồng có cưới hỏi của chị lại đang tâm dựng nên một kịch bản xấu xa, đê tiện để lừa cấp trên, lừa dối chị, nhằm đạt được địa vị, tiền bạc. “Một nửa của người đàn bà”, cụ thể là chồng chị bộc lộ rõ là một gã đàn ông bất tài nhưng lắm mưu hèn, kế bẩn đang tâm hãm hại chị. Nếu trong truyện ngắn này, Hà Cẩm Anh dụng công nhiều hơn để xây dựng nhân vật chồng chị sắc nét hơn nữa, thì bóng dáng của một Xuân Tóc Đỏ đại diện cho kiểu người đàn ông thèm khát vinh hoa, tiền bạc đến mức đánh mất cả nhân tính, sẵn sàng dâng hiến, đánh đổi cả vợ mình để có trong tay tất cả những thứ phù phiếm sẽ hiện về ở thế trạng cao hơn. Tác giả viết: “Chị hỏi: Mang rượu làm gì? Hắn nhìn chị rất tình tứ rồi cười: Chả mấy khi vợ chồng đi chơi riêng với nhau, đem theo một chút càng thêm hương vị ngọt ngào. Chị rất ngạc nhiên khi thấy hắn lấy chai rượu ấy ra tiếp bạn. Hắn chuốc cho gã đàn ông kia uống rất nhiều, còn hắn chỉ uống một loại rượu tây của khách sạn… Ăn chưa xong chị đã buồn ngủ díp cả mắt. Hắn dìu chị lên phòng, ném chị vào một cái giường nệm trắng tinh. Chẳng biết lâu mau gì thì chị tỉnh giấc vì nghe tiếng chửi rủa, tiếng lạy lục van xin. Chị choàng mở mắt và kinh hoàng thấy gã đàn ông mà chồng chị giới thiệu bạn học cũ đang nằm gọn trên bụng mình. Hắn giơ máy ảnh lên chụp choanh choách rồi xô gã đàn ông ra, giang thẳng cánh tay tát bôm bốp vào mặt chị. Vừa đánh, hắn vừa gọi chị là “đồ con đĩ”… Gã giờ đã bình tĩnh lại nhìn thẳng vào mặt hắn và nói: Thôi được, không nói thêm nhiều. Dài dòng văn tự cũng chỉ có thế thôi. Cái ghế chủ tịch huyện Mường Dồ sắp được thay chủ mới. Tôi muốn ngồi vào đấy, anh thu xếp đi”. “Giống nhau cả thôi anh bạn ạ. Tôi thích ngủ với đàn bà, còn anh khát khao được ngồi vào ghế, một chiếc ghế cao. Khát đến nỗi đem cả vợ mình ra dâng cho người khác. Thằng nào bỉ ổi hơn thằng nào chắc anh biết rõ hơn tôi. Đúng không nào?” (tr101). “Nói xong gã đàn ông điềm tĩnh bước ra khỏi phòng, còn hắn nằm vật ra gường phá lên cười”. Chị đã làm gì? Khi chứng kiến chồng mình giờ hiện nguyên hình là con quái thú kinh tởm, chị đã nhổ nước bọt vào mặt hắn như nhổ đi một cục đờm ghê tởm đến buồn nôn bấy lâu bám víu vào cuộc đời thanh cao của chị. Chị nhìn nó cười như kẻ điên vì đắc ý với mưu hèn kế bẩn mà hắn tự cho là đắc mưu, đắc túc nên hắn đã “nằm vật ra giường phá lên cười”. Lúc này chị không đau đớn mà chỉ ghê tởm. Hóa ra cái thằng chồng chị bấy lâu chị và gia đình chị tự hào vì nó có học, có hành, có làm quan, thế mà bất tài, vô dụng đến mức phải dựa vào cái “lá vông” của chị để thăng tiến thì thật thảm bại. “Chỉ trong chớp mắt, chị đã giật phăng cái máy ảnh liệng qua cửa phòng khách sạn. Chị cũng chộp luôn tờ giấy mà gã đàn ông kia đã viết đang để trên bàn. Chị nhanh tay đến nỗi hắn lúc này còn chưa hết bàng hoàng… Chị đóng sập cửa lại và bước thẳng ra ngoài…”.
Tài văn của Hà Cẩm Anh không phải là tạo ra những mâu thuẫn trong câu chuyện phân tuyến Hiền - Ác mà hiền, ác hoặc một ai đó hoàn toàn trong sáng kể cả ở ngay trong những con người tưởng chừng từng được xã hội trọng vọng vì vị trí địa vị của họ. Nhưng đã nhờ một thứ “dung môi” đem thử mà phản ứng hóa học xảy ra để lộ nguyên hình con người ác tâm của kẻ bấy lâu chui trong vỏ học trí thức, cán bộ, đó là vị trí các ghế ngồi trong dây chuyền lãnh đạo và tiền bạc, lợi ích. Tiếp tục đi xa hơn, đẳng văn cao hơn, khi chị để nhân vật gần xuất hiện mâu thuẫn với nhau. Những mâu thuẫn, luật Nhân - Quả không báo ứng liền tức thì mà nó chìm khuất vào đời sống con người để khi hội đủ điều kiện nó xuất hiện rõ mồn một như mầm cây mọc ra khỏi mặt đất đòi ánh sáng. Và để biết bố con Đậu là ai - Tên cái kẻ “nằm trên bụng chị ở khách sạn lần ấy”, nhân vật khách thể xưng tôi đã được nhân vật chủ thể đưa ra một tờ giấy. Tờ giấy chính là cái giấy chị đã vơ vội trên bàn ở khách sạn nhiều năm trước chị còn giữ tới giờ: “Tôi chỉ có vài giây để kịp nhận ra chữ ký của chồng mình rồi toàn thân tôi lạnh toát. Hàm cứng lại. Tôi ngất đi. Nhiều giờ sau tỉnh lại. Tôi thấy chị đang ngồi khóc” (Tr105).
Cuộc đời người đàn bà ở thung lũng Si Rồ một khi bị người thân cũng đang tâm hãm hại mình thì những ngọn lá ngón rung rinh xinh đẹp ngoài cửa sổ sẵn sàng giúp chị đi tới một nơi không còn khổ đau, không còn bất công, độc ác, nhẫn tâm và lừa dối, nhưng chị không thể làm vậy. Chị không thể làm vậy vì đứa con vô tội trong bụng đang dần tựa nên hình hài từ sau thời gian dài chồng chị không về nhà cho đến hôm câu chuyện sảy ra ở khách sạn và vì chị còn muốn sống để tận kiến Nhân - Quả báo ứng kẻ ác đó ra sao?! Việc còn lại của chị là âm thầm cam, nhẫn vì đứa con mà cắn răng sống để dõi con mắt lương tri được thắp sáng từ búi bùi nhùi cuộn trong tâm hồn chị đang chằng chịt những nỗi đau để theo sát kẻ ác mà nhìn ngắm nó trong những bước thăng tiến quan lộ tới tiền bạc, vinh hoa… Và cái kết là kẻ tham lam đó đã phải tù tội và người đàn ông tham sắc kia phải sống với những năm tháng bị dày vò trong ân hận.
Sức mạnh của lòng nhân hậu trong truyện Một nửa của người đàn bà của Hà Cẩm Anh đã ngợi ca tính thiện lương của người phụ nữ với lòng nhẫn nại và đức yêu thương, bao dung, độ lượng mà người phụ nữ chịu đựng trong thời gian dài để nuôi con trưởng thành đã cứu rỗi một sinh linh, đồng thời cứu rỗi lòng tin cho tất thảy rằng nhân quả luôn đi liền trong đời sống con người.
V.L.A