Trường ca đại sự Một công trình quý hiếm về văn nghệ dân gian của dân tộc Thái Thanh Hóa (Lời giới thiệu cuốn sách Trường ca đại sự của Hà Văn Thương, NXB Hội Nhà văn, tháng 9 năm 2020) - Lê Xuân Giang
Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, có núi cao, trung du, đồng bằng và biển đảo, là nơi sinh sống lâu đời của 8 dân tộc anh em trong đó, ngoài dân tộc Kinh chiếm trên 2/3 dân số, còn các dân tộc thiểu số sống lâu đời ở đây phải kể đến dân tộc Mường và dân tộc Thái.
Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay việc sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá văn nghệ dân gian của dân tộc Mường ở Thanh Hóa được nhiều người quan tâm và đã có những thành tựu có giá trị. Đó là những công trình sưu tầm, nghiên cứu của Vương Anh, Hoàng Anh Nhân, Cao Sơn Hải… Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, Thanh Hóa còn có nhà thơ Vương Anh và nhà văn Hà Thị Cẩm Anh, người dân tộc Mường, đã công bố hàng chục tác phẩm viết về dân tộc Mường xứ Thanh. Vì vậy, văn hóa nói chung trong đó có văn nghệ dân gian nói riêng của dân tộc Mường được sưu tầm và quảng bá khá rộng rãi.
Trong lúc đó, việc sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá văn nghệ dân gian dân tộc Thái ở Thanh Hóa lại còn rất khiêm tốn. Vào những năm nửa cuối thế kỷ XX, có một người con dân tộc Thái đã sưu tầm và nghiên cứu văn nghệ dân gian của dân tộc mình ở các huyện vùng cao xứ Thanh, nhưng công trình chưa kịp công bố anh đã đột ngột qua đời.
Đến bây giờ, năm 20 của thế kỷ XXI, ở Thanh Hóa lại xuất hiện một người con dân tộc Thái miệt mài, cần mẫn sưu tầm và giới thiệu một công trình văn nghệ dân gian của dân tộc mình, đó là nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hà Văn Thương với tác phẩm “Trường ca đại sự”. Thế mới biết khát vọng muốn được khẳng định sự hiện diện của dân tộc mình trước bàn dân thiên hạ thời 4.0 của người Thái Thanh Hóa mạnh mẽ đến nhường nào.
Nhà nghiên cứu Hà Văn Thương sinh năm 1953 trong một gia đình người Thái có truyền thống cách mạng tại bản Bút, xã Nam Xuân, huyên vùng cao Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Bố anh, ông Hà Văn Ban tham gia bộ đội từ kháng chiến chống Pháp, trong chống Mỹ làm đến Tỉnh đội phó tỉnh đội Thanh Hóa, sau giải phóng miền Nam làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Phát huy truyền thống gia đình, nhà nghiên cứu Hà Văn Thương từng học ở trường cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, tốt nghiệp về làm thầy giáo vùng cao xứ Thanh, rồi Bí thư huyện đoàn huyện Quan Hóa, Năm 1985 đi tu nghiệp tại trường Đại học Wi hem píc Cộng hòa dân chủ Đức,1987 tốt nghiệp về làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa. Năm 1991 theo học chương trình Đại học Xây dựng Đảng và Quản lý nhà nước khóa I tại Thanh Hóa, tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Chính trị. Từ năm 1995 đến khi nghỉ hưu 2013, nhà nghiên cứu Hà Văn Thương kinh qua các chức vụ: Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Huyện ủy huyện vùng cao Quan Sơn, Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Nhìn vào quá trình công tác mới thấy, gần hết thời gian tham gia cách mạng của nhà nghiên cứu Hà Văn Thương gắn bó với vùng cao xứ Thanh, với đồng bào của dân tộc mình. Trong “Lời của người biên soạn”, Hà Văn Thương viết: “Để biên soạn được cuốn sách này, tôi mất hơn 36 năm ghi chép, gặp gỡ nhiều trí thức bản địa…”. Một người hoạt động chính trị lại sớm có ý thức giữ gìn văn hóa của dân tộc mình như nhà nghiên cứu Hà Văn Thương là rất hiếm, rất đáng quý. Và có lẽ, các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái Thanh Hóa nói riêng, nhờ có những người con như Hà Văn Thương mà văn hóa của dân tộc họ, không những không mai một đi mà còn được quảng bá rộng rãi ra công chúng trong thời mở cửa.
Trong quá trình sưu tầm và biên soạn, nhà nghiên cứu Hà Văn Thương không chỉ biết ghi chép một cách miệt mài mà anh còn biết tìm ra những giá trị chân quý của dân tộc mình để gìn giữ. Anh tâm sự: “Có một số từ có trong tiếng Thái nhưng tiếng Việt không có từ tương ứng nên tôi giữ nguyên và có chú thích”. Đây là một phương pháp nghiên cứu khoa học, có trách nhiệm với cha ông mình, chứ không tùy tiện suy luận làm sai lệch đi hồn cốt của chữ Thái cổ mà cha ông để lại.
Cuốn “Trường ca đại sự” dày trên 600 trang, được chia làm 3 phần:
1. Phần một: Chữ Thái cổ Thanh Hóa
2. Phần hai: Dùng chữ Quốc ngữ để phiên âm tiếng Thái Thanh Hóa
3. Phần ba: Dịch ra tiếng Việt.
Việc chia cuốn sách ra làm 3 phần như trên càng chứng tỏ tác giả có ý thức giữ gìn văn hóa cổ của người Thái Thanh Hóa rất cao. Hồn cốt của người Thái nằm trọn ở phần một, phần chữ Thái cổ, được tác giả giữ lại nguyên bản. Phần này được cố định lại như một thỏi vàng ròng, để từ đó phần phiên âm và dịch ra tiếng Việt có thể có nhiều phiên bản khác nhau, miễn là lột tả hết hồn cốt của người Thái trong thỏi vàng ròng này. Trong cuốn “Trường ca đại sự”, phần chữ Thái cổ là phần sưu tầm, phần phiên âm và dịch ra tiếng Việt là phần nhà nghiên cứu Hà Văn Thương biên dịch, hiệu đính có giá trị như một dịch giả.
Về lịch sử, người Thái ở Thanh Hóa có quan hệ gần gũi và chặt chẽ với người Thái ở Tây Bắc, nhưng di cư đến miền núi Thanh Hóa lâu đời nên ngoài những tập tục chung của người Thái cả nước còn có những tập tục riêng của người Thái xứ Thanh.
“Trường ca đại sự” mà tác giả Hà Văn Thương trình bày trong cuốn sách này là trường ca nói về những công việc theo tập tục của người Thái Thanh Hóa khi trong bản có một người chết. Theo tác giả, bài “Trường ca đại sự” này chỉ mang tính đại cương và được biên soạn cho một tình huống cụ thể: Người chết là đàn ông, chết già, ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, quê hương anh. Nói như vậy để, nếu người chết là nữ hoặc người trẻ, không ở bản Bút mà ở một bản nào khác thì lời ca ông Mo sẽ vận khác đi cho phù hợp.
Chúng ta thấy, trong tình huống cụ thể này, nhà nghiên cứu Hà Văn Thương đã trình bày từ khi trong bản có người chết đến lúc đưa được hồn vía người chết lên đến trời, lên nhà Chao ở với tổ tiên. Đó là những công việc như: Đi mời ông Mo, lo cơm cúng, lo cỗ hòm, đi tìm nơi đặt mồ v.v… việc nào cũng trải qua biết bao khó khăn vất vả. Qua đó để bày tỏ tấm lòng của con cháu, dâu rể và những người sống đối với người đã khuất.
Và hình như việc ông Mo nói với người chết chỉ là cái cớ để người Thái bộc lộ trí tưởng tượng phong phú theo nhận thức của dân tộc mình trước thần linh, trời đất và vũ trụ, nên ở đây, có lực lượng thần bí của ông Mo, có ma quỷ, có đường ra biển, có đường lên trời, có nhà Chao. Tưởng tượng ra “nhà Chao” là nơi ở chung với tổ tiên của người chết, nơi ấy cũng có ruộng rẫy để làm ăn... là một sáng tạo tuyệt vời của người Thái Thanh Hóa trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam.
Việc nói chuyện với người chết thông qua vía của họ cũng là một sáng tạo. Ai cũng biết người đã chết thì không chuyện trò được nữa, chỉ có vía của họ còn sống mãi, nên nói chuyện với người chết thông qua vía là hợp lý, theo quan niệm người chết có hồn vía, một quan niệm không chỉ có ở người Thái mà còn có ở các dân tộc khác, kể cả người Kinh.
Ngoài việc kể lại lai lịch của người chết khi còn đang sống và lý do dẫn đến cái chết, ông Mo còn kể về lai lịch con lợn, con bò giết để làm mâm cúng, lai lịch cỗ hòm để người chết nằm, xem vía người chết đã ưng chưa? Ưng rồi mới bưng cỗ lên cúng, mới mời người chết vào nằm. Việc kể lai lịch thế này là sự coi trọng người đã khuất, có lẽ chỉ người Thái mới có.
Theo nhà nghiên cứu Hà Văn Thương, ở Mường Ca Da quê anh, người chết là dân thường thì đường lên Trời đi từ nhà ra sông, rồi xuôi theo sông Mã ra biển để đi lên trời, còn đối với tầng lớp trên thì đi ngược sông Mã ra Mai Châu (Hòa Bình), lên Mường Hung, Mường Hăng (Sơn La) sang Lào rồi mới quay về đất Việt, ra biển, lên trời. Có lẽ việc phân biệt giai cấp ở người Thái xuất hiện khá sớm và tồn tại cho đến ngày nay.
Cuốn “Trường ca đại sự” của nhà nghiên cứu Hà Văn Thương dẫu chỉ mang tính đại cương, vận vào một tình huống cụ thể nhưng đã khái quát được, không chỉ việc ứng xử của người sống đối với người chết mà còn thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của đồng bào người Thái xứ Thanh với vũ trụ và con người trên thế gian này.
Nếu tôi không nhầm thì đây là cuốn sách sưu tầm về văn nghệ dân gian dân tộc Thái Thanh Hóa đầu tiên được xuất bản và quảng bá rộng rãi trên phạm vi cả nước.
L.X.G