Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Quê hương và tình yêu trong thơ Lê Quang Sinh - Trần Đàm
Quê hương và tình yêu trong thơ Lê Quang Sinh - Trần Đàm

Mạch nguồn thơ Lê Quang Sinh bắt đầu từ tình yêu quê hương, từ cái làng Nghĩa Kỳ nép bên lưu vực sông Mã; cái làng mà thuở nhỏ cha ông lên Phúc Tường làm thợ rồi gặp mẹ, mẹ là người chân quê. Ngày cưới, đồng làng mùa lũ, cá rô rạch bờ lên đê. Cái làng ấy ghi đậm trong tâm trí chàng trai trẻ hình ảnh:
Mái tranh úp xuống những đời lam lũ
Hạt lúa không kịp chín để thành mùa,
Cái chảo gang rang một đồng ngập nước
Củ chuối ngào cùng con ốc, con cua
Cái làng nghèo ấy chiêm khô, mùa thối, hạt lúa chưa chín để có mùa đã ngập trắng đồng. Ai đã từng thấy cảnh người dân bòn mót từng nhánh lúa còn sữa non, phải đem vào chảo rang lên để "cô lại" cho nó thành hạt gạo nuôi người mới thấy cái cảnh cơ cực của người quê lúa. “Cái chảo gang rang một đồng ngập nước”, câu thơ ấy chắt ra từ tình yêu quê, và cái mạch nguồn ấy cứ rần rật tuôn chảy trong dòng thơ, dòng đời Lê Quang Sinh.
Chúng tôi lớn lên cùng với dân làng
Bằng lá sắn nộm vừng, hạt bo bo.
Con chữ lặn vào người xiêu vẹo.
Thời ấy người làng Nghĩa Kỳ giống như bao nhiêu làng quê khác, người nông dân còn nghèo lắm, chỉ lá sắn nộm vừng với củ chuối, củ mài thay cơm, nhưng làng anh có khác là già trẻ, gái trai dù đói đến mức bước đi "xiêu vẹo" vẫn lấy sự ham học hành, bồi bổ kiến thức làm nền tảng nuôi chí thoát nghèo. Họ hăng say lao động, hăng hái tòng quân khi đất nước có giặc. Họ ý thức rõ rệt về lòng yêu nước về độc lập tự do của dân tộc nên sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích lớn hơn - lợi ích của Tổ quốc, sống trọn nghĩa khí làm người không muốn quay lại kiếp sống nô lệ:
Chín năm rồi hai mươi năm,
Hết chống Pháp lại đi đánh Mỹ.
Như cây tre dẻo dai bền bỉ,
Làng qua đi hai cuộc chiến trường kỳ
Đời cha, đời con nối nhau đi đánh giặc,
Trọn lời thề nghềnh Sét đứt làm đôi.
Cái làng Nghĩa Kỳ ấy có người cha, mẹ già với nhiều ám ảnh. Anh nhớ về hình ảnh cha: Ngoài bảy mươi/ Cha tôi ngồi nhâm ly rượu gạo/ Mẹ vẫn loay hoay với bếp rơm nồng/ Lửa cháy tàn tro lả tả/ Dáng người in trên vách bập bùng. Lê Quang Sinh rót từ trong tim mình những giọt thương, giọt nhớ về quê hương và chốt lại, cái làng ấy không có hình ảnh người cha, người mẹ, không có dân làng nhân nghĩa thì không phải quê anh! (Nghĩa Kỳ).
Đã có quê thì luôn nhớ về mạch nguồn ấy để mỗi dịp thấy tự hào đưa người thân yêu về thăm quê:
Xóm làng bề bộn cuối năm,
Lá tre rải đến tận sân em vào.
Mẹ cười bỏm bẻm miếng trầu,
Cha ra đứng đón con dâu tận đò.
Một vùng đầy ắp tiếng hò,
Tuổi thơ anh bỗng gió lùa đầy vơi.
        (Về quê)
Người ta đón em về bằng lộng vàng thảm đỏ, Lê Quang Sinh đón người yêu về làng trên nền lá tre từ ngõ vào sân. Đó chẳng phải là một hình ảnh rất quê sao?
Xa quê, để mỗi khi anh trở lại được hòa vào cái không gian thương nhớ đầy vơi ấy, để tay nắm, mắt nhìn thấy cha mẹ, dòng sông, cánh đồng làng... Đó cũng là cách để làm vơi bớt đi những năm tháng bơ vơ lạc lỏng giữa phố phường đô hội mà ở đó anh biết không phải là nơi trú ngụ của tâm hồn mình:
Tôi lạc giữa phố người đông đúc,
Hồn lặng về nơi tiếng chân trần,
Tết nay vắng mẹ ai đãi đỗ?
Bánh có dền không? Rượu có tăm?
        (Nhớ)
Làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ đâu đâu cũng có cây đa, mái đình, giếng nước. Cây đa làng Nghĩa Kỳ quê hương Lê Quang Sinh cũng có một thời để nhớ. Đó là nơi tập hợp nghĩa quân đi đánh giặc, cũng là nơi dân làng tập hợp tiễn đưa những vong hồn người quá cố về cõi vĩnh hằng, cũng chính cây đa ấy là nơi sinh ra và lưu giữ nét văn hóa làng:
Chót vót cành đa một tổ chim non,
Chúng ríu rít giữa vòm trời thăm thẳm.
Trưa nắng đọng nghe tiếng chim mảnh mỏng,
Cứ dát vàng mặt đất đợi người xa.
Cảm ơn em dưới gốc đa ngày ấy đã trao quà,
Một cuốn sổ tay, đôi câu thơ đề tặng.
Lời thì xa xôi, ánh mắt đầy hoang vắng,
Đã bao lần cố gỡ lại bầm thêm.
Sông Mã ơi, tạc giữa trời xanh,
Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng.
Cây đa làng không còn, cùng với nó là cơn lốc kinh tế thị trường ập đến đe dọa đến sự mai một của văn hóa làng, Lê Quang Sinh báo động:
Làng giờ vắng bóng đa che,
Vắng cây gạo đỏ lập lòe giêng, hai.
Bao nhiêu gương mặt hình hài
Làng ơi chớ để cho mai một dần.
Quê hương Lê Quang Sinh không chỉ ở cái làng Nghĩa Kỳ, Vĩnh Lộc mà còn có các dòng sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, còn bao di tích lịch sử oai hùng của dân tộc như thành Nhà Hồ, đền thờ Lê Hoàn và nhất là khu di tích đặc biệt Lam Kinh để anh nhớ về:
Nén hương trầm đốt trước anh minh,
Lắng chiếc lá thu rơi về nguồn cội.
Trời đã định hình sông thế núi,
Việc muôn dân nhân nghĩa dựng thành.
        (Thế triện Lam Kinh)
Quê anh còn có người bạn thơ lục bát vang tiếng một thời. Đó là nhà thơ Huy Trụ, ông ấy đã nhận xét về thơ của Lê Quang Sinh “Những câu thơ bùa ngãi của Lê Quang Sinh được chưng cất, chắt lọc từ một miền ca dao, dân ca. Những câu thơ ấy thật ám ảnh, làm tôi nhớ về dòng sông Mã, nhớ về thành cổ; nhớ về cây đa, giếng nước, sân đình quê mình. Câu chữ trong thơ anh ý mềm mại như dải lụa đào, mong manh như cánh hoa xuân, dẫn dắt lòng người vào hồn sông thế núi …”.
Nhà thơ Lê Quang Sinh là người si tình. Tình yêu trong thơ anh lúc thì vồ vập, bốc đồng; lúc lại e dè vòng vo, né tránh. Cứ phải mượn trăng, mượn hoa, mượn rượu nói hộ. Thử đọc mấy câu này:
Anh vẫn thói bốc đồng như rượu,
Hà cớ chi trăng cứ rót thêm vào!
Cau sẫm vỏ qua những ngày non nớt,
Lá trầu giòn đượm lửa một lần cay.
        (Hỏi)
Đôi trai tài gái sắc đã trưởng thành, đã “chín”, đã “giòn”, đã “nồng nàn”, hà cớ chi phải cần ai thêm bớt? Cái hình tượng “Trăng cứ rót thêm vào” như một sự làm nũng, cái kiểu trong bụng đã nóng điên lên rồi mà miệng vẫn cứ “Em chả cần mô”. Thế đấy, ngôn ngữ tình yêu nhiều khi chỉ là cái nháy mắt, chỉ là một ngón tay giơ lên đã là ok rồi. Nhưng có khi lại phải đông tây kim cổ, nói đây chết cây hàng xóm mới đặng.
Trong bài “Gửi nắng cho em”, Lê Quang Sinh viết:
Muốn gửi nắng về em cho bớt lạnh,
Trời phương Nam gió cứ bộn trên đầu.
Muốn gửi nhớ về em cho đỡ lẻ,
Mặt sông đầy lất phất mưa ngâu.
Muốn là muốn lắm rồi, nhưng vẫn viện ra những lý do. Muốn gửi nắng nhưng gió cứ bộn; muốn gửi nhớ nhưng trời lại lất phất mưa ngâu. Cái cách lập luận khiêu khích ấy cũng là sự diễn đạt mới lạ, sự gợi mở lối thơ khác người. Lại một khổ thơ cuối bài:
Muốn gửi câu thương làm cầu để nhớ,
Xuân đang về dáo dác chút đông rơi.
Muốn gửi hết cho em cơn hồng thủy,
Cuốn phăng đi bao cắc cớ trên đời.
Gửi nắng, gửi gió, gửi hoa, cuối cùng mới nói thật lòng mình là muốn gửi cho em niềm thương nỗi nhớ, muốn gửi cho em một tình yêu cuồng say như cơn hồng thủy. Những bạn đọc si tình đang chờ đợi nhà thơ, mong ước nhà thơ gửi cho chút “nắng” ấy để hạnh phúc đem về.
Cái mạch sông thơ ấy cứ cuộn chảy trong bài “Tạ lỗi”. Anh viết:
Tôi lấy gì tạ lỗi nụ hôn,
Sương vẫn ướt và sao trời nhấp nháy.
Lá chớm lửa chút màu xanh ngắn lại,
Thịt da cong như cây cỏ giao mùa…
Và lời kết: Cây cứ thêm vòng trầm, yêu cứ thêm bùa ngãi/ Tôi như là…không phải chính tôi. Vâng, tình yêu nó say đắm như thế đấy, say đến mức quên cả mình. Cái kiếp nhân sinh nếu không có tình yêu sẽ ra sao nhỉ? Tình yêu chính là cuộc đời. Cuộc đời cho ta “Bờ vai vun ấm áp gió hoang về", "Cho hương đầm đìa một thành quách si mê…",  "Nàng đang đến đôi mắt buồn thao thiết/ Nàng đang yêu cởi mở hết cây vườn”. Thế đấy, thơ Lê Quang Sinh cứ mở ra một chân trời yêu sáng lạn mà huyền bí, thanh minh mà đối thoại, ví von mà ám ảnh. Những vần thơ tình ấy cứ vang lên trong đầu ta bao điều ngẫm ngợi.
Những bài: Chiều muộn, Mưa đêm, Gửi nắng cho em, Uống rượu với bóng mình, Yêu  (trong tập thơ Lý do cho mỗi thiên thần) cứ đọc lên, cứ suy ngẫm là thấy vị ngọt, vị chát, vị hoang hoải của sông thơ Lê Quang Sinh. Dòng sông thơ ấy có tới 11 tập, gồm:  Mùa hạ và cỏ xanh - 1994, Phía sau làn nước - 1997, Vầng trăng trong mắt - 1999, Người họa mặt thời gian - 2000, Xin làng trồng lại cây đa (trường ca), Khuất nắng một dòng sông - 2002, Bên kia giá lạnh - 2007, Thơ tuyển chọn - 2009, Dâm bụt vườn hoang - 2013, Lý do cho mỗi thiên thần - 2016 và anh dành cho quê hương Thanh Hóa một tập riêng: Lồng lộng xứ Thanh.
Hơn 60 bài thơ được chọn từ 10 tập thơ của 40 năm cầm bút, Lê Quang Sinh dâng hiến cho quê Thanh lồng lộng một niềm thương nỗi nhớ. Anh trả nghĩa tri ân quê mình bằng những bông hoa đẹp trong một vườn thơ đong đầy tâm huyết thơ và đời. Tình yêu và cuộc sống một đời đau đáu, một đời nặng nghĩa với quê hương trong từng tứ, từng câu thơ. Bài thơ, tập thơ nào cũng có bóng dáng quê Thanh, bóng dáng làng Nghĩa Kỳ, bóng dáng con sông Chu, sông Bưởi, Mã Giang. Những sự tích, những huyền thoại, những đền đài, những vùng đất thiêng, những ổ rơm, vườn rau, ao cá, những dáng mẹ dáng cha, dáng đứng của làng quê vùng lúa nước… tất cả, tất cả đều có trong 11 tập thơ anh. Dòng sông thơ dài rộng, băng băng đem phù sa về cho người quê, đồng quê tươi tốt bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Đó chẳng phải là một Lê Quang Sinh đã in hình bóng mình lồng lộng trên những cánh đồng, những ngõ xóm, những đền đài quê hương mình chăng? Một khổ thơ trong muôn nhiều khổ thơ, bài thơ làm ta ám ảnh:
Cạn một chén
Huầy dô cùng sông Mã
Con sông quê tiếng vó ngựa tung bờm
Có ai đến từ sương sa nắng nỏ
gióng mía lùi đợi mẹ đỏ chiều hôm
… 
Cạn một chén trời sao lấp lánh
Giọt men cô hóa mật phía vô cùng.
Cảm ơn người con hiếu thảo của quê hương - một nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm đọng lại trong lòng công chúng bao áng thơ hay.
                                               

 Mùa thu tháng Tám, 2020
                                T.Đ
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 85
 Hôm nay: 2382
 Tổng số truy cập: 9327489
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa