Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Vài cảm nhận qua tập thơ "Quê" của Nguyễn Thanh Xuyết - Lê Xuân Toàn
Vài cảm nhận qua tập thơ "Quê" của Nguyễn Thanh Xuyết - Lê Xuân Toàn

"Quê" là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thanh Xuyết. Anh đã làm thơ từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi còn trong quân ngũ, thơ anh được đăng báo Sài Gòn Giải Phóng. Rời quân ngũ, trở về với đời thường, bẵng một thời gian khá dài, có lẽ vì cuộc sống mưu sinh, anh không làm thơ. Thế rồi, khoảng gần mười năm trở lại đây, nàng thơ đã trở lại với anh với những xúc cảm lắng sâu, có tính phát hiện, được đăng ở các báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Xứ Thanh và một số tờ báo uy tín khác ở Trung ương và địa phương. 
“Quê”, tên của một bài thơ tác giả dùng để đặt tên cho tập thơ. Quê hương, hai chữ được nhắc tới dội về tình cảm thiêng liêng, niềm xúc động mãnh liệt trong lòng người đi xa. Tác giả viết: Nhiều khi mình tự cật vấn mình/ Sao cứ giang hồ mê mải/ Để nỗi nhớ lên men/ Cất vào đâu cũng không dấu được/ Nỗi quê cắt cứa trong lòng. Và rồi cái "Mùi quê" cứ vương vấn đâu đây trong nỗi niềm thi nhân. Quê nghèo rơm rạ, mùi vị bát canh cua  mẹ nấu, gái tầm tang canh cửi, trai đèn sách nuôi chí mười phương... Câu thơ: "Ra đình tạ lỗi với quê" như ngầm nhắc nhở những ai đang còn hờ hững với quê. Vì đình làng là nơi hội tụ đầy đủ nhất hồn cốt quê hương. Xưa đến nay, thơ về quê đã nhiều, và cũng không ít những câu thơ hay neo đậu vào thời gian của các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Huy Cận, Nguyễn Bính, Đỗ Trung Quân, Đồng Đức Bốn... Anh viết về quê thật ngẫm ngợi bằng cách tu từ: "Ta về quê mẹ trùng tu lại mình" và "Về quê học lại chữ tình/ Văn bia làng dựng sân đình Bảng Môn"(Về quê tìm lại). Quê hương không chỉ là chốn đi về của ta, mà còn là cội nguồn, gốc rễ, nền tảng văn và đức để ta soi vào, gột rửa nên người tử tế. Tự hào là hậu duệ Trạng Quỳnh, ông trạng được dân gian hóa, nức tiếng thông minh, tài ứng đối, lỡm vua, đùa cợt với chúa mà không hề run sợ. Trạng Quỳnh là linh hồn của nhân dân, đại diện cho dân phản ứng quyết liệt với cường quyền bạo ngược của các thế lực phong kiến thối nát và ngoại xâm phương Bắc đương thời: "Tên tuổi đâu cần bia đá bạc/ Bảng vàng chẳng đợi sắc vua ban" (Trạng Quỳnh). Bảng Môn Đình, thờ Thành Hoàng làng cũng là nơi hội họp của làng, còn là biểu tượng của truyền thống hiếu học của quê hương, hình ảnh Đình Bảng Môn xuất hiện nhiều trong thơ anh. 
Làng. Là tên gọi khác của quê. Lịch sử con dân nước Việt, bao phen binh lửa của ngoại xâm, nội chiến, nước có lúc mất chứ làng không bao giờ mất. Với tác giả, làng là người mẹ hiền tấm lòng rộng lớn chở che cho những người con hi sinh vì nghĩa lớn. Thật cảm động, anh viết: "Đất nước ngày chiến trận/ Đi vãn hết trai làng/ Lệ không nhòe mắt mẹ/ Lệ chảy ngược vào con" và "Làng lập bia tưởng niệm/ Quanh năm khói hương trầm/ Nhớ ơn người ngã xuống/ Thơ từng dòng rưng rưng" (Khúc tưởng niệm). Quê in hình bóng mẹ, mẹ được ví như vầng trăng khuyết hao gầy, vò võ nuôi con chờ chồng ngoài mặt trận. Rồi con vừa chạm tuổi tráng niên, mẹ lại tiễn con lên đường cứu nước. Mẹ trong thơ anh hóa thân thành bà mẹ Việt muôn đời giàu đức hi sinh, vì chồng vì con. Hình tượng mẹ thật đẹp và cũng thật yêu thương: "Nhà mình một mẹ một con/ Con đi nhà lại vắng hơn mọi ngày/ Liêu xiêu dáng mẹ hao gầy/ Như vầng trăng khuyết đêm nay con nhìn". Nhà thơ chọn thể thơ dân tộc, vần điệu nhuần nhụy rất phù hợp khi viết về tình mẫu tử thiêng liêng. 
Quê hương là những dòng sông nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân. Con sông Mã hiền hòa bao đời bồi đắp bãi bờ làm nên ruộng bãi mỡ màng trù phú. Tự bao giờ, con sông trở thành sông thơ của thi nhân xứ Thanh. Thanh Xuyết đề thơ vào sông nước bằng chiêm nghiệm của đời sông, đời người. Bến sông, con đò, vầng trăng thật nên thơ trong trái tim thi nhân: "Nhận về mình bên lở/ Em nhường anh bên bồi/ Sông xuân thì vạn cổ/ Buồm trôi hay sông trôi... Nhớ lắm một con đò/ Đêm đêm neo bến Nguyệt/ Nhớ một vầng trăng khuyết/ Hò hẹn bến sông quê" (Dòng sông nỗi nhớ). Nhịp thơ năm chữ như nhịp sóng lan tỏa êm đềm gợi nhớ về những kỷ niệm ngọt ngào trên bến sông quê. Tên sông, tên bến rồi tên cầu quê hương đẹp như thơ: "Bến vẫn bến Nguyệt Viên/ Cầu đã xây mấy nhịp/ Cong một vành trăng khuyết/ Nét mi dài qua sông" (Đêm Nguyệt Viên). Đó là những câu thơ đẹp về quê hương, chứng tỏ nhà thơ rất nặng lòng với quê hương xứ sở. 
Người thơ thường có con mắt nhìn thời cuộc rất tinh nhạy, thấy quê từng giờ đổi thay, khoác lên mình tấm áo của phố phường lộng lẫy, anh bợn lên những âu lo: "Quê giờ thưa bóng tre xanh/ Ruộng quê hờ hững bóng anh bóng nàng/ Đêm quê nhạt ánh trăng vàng/ Người quê ra phố nhớ làng nữa không". Về quê mình mà cứ như khách lạ lạc nẻo nào: "Quê mình cứ ngỡ quê đâu/ Xập xình nhạc nhảy chói màu đèn thâu" (Làng ơi). Đổi mới là quy luật của phát triển xã hội nhưng không phải triệt bỏ hết cái cũ thuộc về văn hóa, hồn cốt dằng níu ngàn đời của quê. Đó là nỗi lòng day dứt, trăn trở của nhà thơ và của nhiều người trước sự xô bồ, bát nháo, lệch chuẩn đang diễn ra hằng ngày ở quê.    
Từng là lính, Thanh Xuyết rất nhạy cảm với những hi sinh của các chiến sĩ: "Ra đảo càng thêm thương lính đảo/ Bốn mùa đứng gác giữa trùng dương/ Ở đây chỉ một màu áo lính/ Thèm một giọng hò đêm trăng suông" (Viết ở đảo Mê). Áo lính pha sương đậm chất nghĩa hiệp và cũng rất đời thường. Thương yêu người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo, núm ruột thân yêu của Tổ quốc, nhà thơ viết lên những dòng chữ xót xa, căm hận quân xâm lược: "Nhớ ngày ra với Trường Sa/ Ngăn con sóng dữ biển xa ập vào/ Bạn ta máu nhuộm cờ đào/ Biển đau quặn sóng bạc đầu từng con" (Một thời áo lính). Cuộc sống của lính đảo còn thiếu thốn, gian khổ nhưng họ yêu đời, trái tim các anh lúc nào cũng hướng về đất liền, nơi có người thân yêu đang đêm ngày thủy chung chờ đợi. Chiến sĩ không chỉ kiêu hùng mà còn rất hào hoa, lãng mạn. Trong đêm lửa trại, các anh thật đẹp, đẹp trong tình yêu tuổi trẻ qua ánh mắt nụ cười tay trong tay nồng ấm, đẹp ở tình quân dân đằm thắm: "Ôi những người lính đảo/ Phơi phới tuổi xuân thì/ Ngực căng vồng ngực núi/ Mắt nhìn không chớp mi... Đêm bập bùng ánh lửa/ Lửa bập bùng mắt nhau/ Ngày mai về phố thị/ Thương nhớ gửi về đâu" (Lời thì thầm trong đêm lửa trại). 
Thăm lại Thành cổ Quảng Trị, chiến trường một thời đạn bom khốc liệt, nhà thơ nhớ về đồng đội với nỗi đau quặn thắt: "Tôi xuôi mấy bận Cổ Thành/ Lật tìm kí ức chiến tranh thuở nào/ Cỏ non khuất lấp chiến hào/ Một vuông đất nhỏ thấm bao máu hồng" (Câu thơ gọi bạn). "Cỏ non - máu hồng", "máu và hoa" đó là sự đánh đổi quá lớn của chiến tranh. Viết về những mất mát đau thương, ngòi bút trực cảm khơi sâu vào những giá trị nhân bản, nhất là khi nói về các cô gái thanh niên xung phong: "...Tuổi 20 ngày ấy ở Trường Sơn/ Tiếng con gái làm dịu mát những khoảng trời lửa đạn" làm ta nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: "Tôi nhìn xuống hố bom chúng giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ". Những khát khao rất đời thường của tuổi thanh xuân: "Ngày san lấp hố bom cho xe thông tuyến/ Đêm trăng lên nghe tiếng suối rì rầm/ Làn da trắng mơn man dòng nước biếc/ Ước một lần ve vuốt cánh tay ôm" (Huyền tích hang tám cô). Các chị đã dâng hiến tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết tráng niên cho Tổ quốc. Bài thơ "Chị tôi", có những câu thơ vừa thương vừa đau: "Chị vừa trổ bóng xuân thì/ Ước mơ nâng bước người đi chiến trường/ Đạn bom ám khói má hường/ Tóc xanh rụng khắp con đường chiến chinh". Tuổi xanh của chị rơi rụng theo con đường chiến chinh, ngày đất nước hòa bình cũng là khi tuổi già ập đến, đơn côi lạnh lẽo. Có huy chương và lời tụng ca nào bù đắp được không. Thơ ta một thời say mê ngợi ca lý tưởng mà quên đi nỗi đau thân phận, những khát khao hạnh phúc chính đáng của con người vì thế thơ anh có sức vọng trong lòng bạn đọc. Nếu không có chiến tranh, các chị là những cô gái xinh đẹp được yêu thương, được làm mẹ và sống cuộc đời hạnh phúc bên gia đình. 
Như một mạch ngầm lan tỏa, thơ anh viết về các đề tài khác như tình bạn, tình yêu, tình thầy, tình đồng đội thời quân ngũ, những cảm xúc tản mạn vụt đến... đều có chiều sâu, chạm được trái tim bạn đọc. Có lúc anh lập ý thật bất ngờ: "Sông quê vẫn một con đò/ Những khi vắng khách anh đo lòng thuyền" (Nỗi niềm 2). Hình ảnh con đò gợi màu sắc dân gian gần gũi, cách nói ẩn dụ đo lòng thuyền vừa hay vừa tình. Người làm thơ, viết được câu thơ như vậy không phải dễ. Có lúc, cảm xúc thật thăng hoa: "Rượu quê tay em chưng cất/ Nhấp môi đã cạn men ngày/ Câu thơ lòng anh chưng cất/ thầm mong có một người say" (Mong). Thơ được chưng cất từ xúc cảm lên men nồng nàn. Người thơ mong thơ mình được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Vì vậy, phẩm chất của thơ là phải hay, níu giữ  được bạn đọc. Một ước mong thật giản dị. Người làm thơ trăn trở với từng con chữ: "Đêm/ tôi vừa ngả lưng/ Nghe có tiếng gì rên rỉ/ Nhìn lên chồng bản thảo/ Hồn thơ không cánh mà bay!/ Con chữ phờ phạc thu lu một góc/ Nhìn tôi thút thít/ Người ơi/ Sao nỡ" (Lối mòn). Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt đã nói "con chữ làm nên nhà thơ". Những con chữ có hồn vía, có sức lay động bạn đọc, đem lại giá trị chân thiện mĩ cho cuộc đời. Nhà thơ quan sát bước chân mùa thu đang về nhẹ êm bằng xúc cảm lắng đọng tinh tế: "Trời chợt nắng, chợt mưa/ Cây cũng vừa đứng bóng/ Lá rơi vài tiếng động/ khoe vàng trong nắng non" (Tình khúc mùa thu). Lắng nghe mùa đi qua âm thầm mà mãnh liệt: "Cầm tay năm mới/ Bước sang mùa/ Hạt trổ mầm xuân/ Xanh chiếc lá..." (Sang mùa). Dường như, mỗi chữ là một sắc xuân. Nhịp thơ ngắn nhưng không gắt, gợi sự êm dịu, mùa xuân đem theo sắc màu tươi trẻ, xuân thì, bật lên chồi nụ mới làm người đọc liên tưởng đến sức sáng tạo con chữ của thi nhân tươi mới và dâng hiến. 
Tập thơ "Quê" của Thanh Xuyết có nhiều bài hay, giàu gợi nghĩ. Từ ngữ, thi ảnh mang tính biểu tượng cao, vần điệu nhuần nhụy, nhất là vần lục bát truyền thống đã đạt đến trình độ điêu luyện. Bạn đọc sẽ tin rằng, sau tập thơ này, anh sẽ thành công hơn nữa trên cánh đồng chữ nghĩa.   
                                 

29-8-2020
                                   L.X.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 129
 Hôm nay: 8267
 Tổng số truy cập: 7681894
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa