Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Hành trình và bến đỗ (Tổng kết cuộc thi ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”) - Thy Lan
Hành trình và bến đỗ (Tổng kết cuộc thi ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”) - Thy Lan

Hành trình Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh luôn gắn với các cuộc thi. Năm nào Ban Biên tập cũng cố gắng tổ chức ít nhất một cuộc thi cho nhiều loại hình nghệ thuật nhằm tìm kiếm những những tác phẩm hay, những cây bút triển vọng để phục vụ độc giả ngày một tốt hơn, xứng đáng với sự tin yêu của đông đảo bạn đọc yêu quý Tạp chí Xứ Thanh. Từ các cuộc thi về ảnh, truyện ngắn, ký biên phòng, thơ trẻ... mà nhiều tác giả đã được lộ diện, giành được nhiều sự quan tâm đồng tình của dư luận trong tỉnh, cả nước và bạn bè Việt kiều ở nước ngoài. Tạp chí cố gắng cải tiến chế độ nhuận bút trong điều kiện có thể để cùng chia sẻ, bù đắp, hỗ trợ những sáng tạo cùng người viết. Điều đáng mừng là những năm gần đây bài vở có chất lượng gửi về tòa soạn sum xuê, không còn phải ăn đong như trước, kể cả mảng hiếm là lý luận và văn hóa. Vì thế tạp chí không còn tình trạng chờ bài, tạp chí ra đúng kỳ, phát hành đầu tháng, chậm nhất giữa tháng đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc. 
Sau trao giải cuộc thi ảnh “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” năm 2019, đến 2020, Ban Biên tập Tạp chí Xứ Thanh tổ chức cuộc thi ký văn học “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cuộc thi đã nhận được hàng trăm tác phẩm gửi về từ khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều người là người con xa quê hướng ngòi bút về đất mẹ. Trong số đó Ban Biên tập đã chọn được gần 40 tác phẩm đưa vào xét sơ khảo, 20 tác phẩm lọt vào chung khảo. Ban Chung khảo là những nhà văn có uy tín nghề nghiệp, cẩn trọng trong từng tác phẩm ghi đánh giá trên từng phiếu nhận xét, khách quan, cân nhắc. Cuộc thi vì thế đã đi đến “bến đỗ” của cuộc hành trình tốt đẹp, chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc để trao giải.
Có thể khái quát một vài đánh giá từ cuộc thi như sau:
Những kết quả đã làm được: Cuộc thi đã cuốn hút nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều cây bút lăn lộn trên khắp mọi miền tỉnh nhà để viết bút ký, thể hiện sinh động cuộc sống chung sức xây dựng nông thôn mới theo tinh thần của Đảng và Nhà nước và cũng là nguyện vọng của người dân. Cuộc thi đã chọn in nhiều tác phẩm cho ra mắt bạn đọc, các tác giả cũng đã phản ánh phần nào sức sống mãnh liệt của một phong trào lớn, rộng khắp. Nhiều tác phẩm có dấu ấn, mang lại hiệu ứng xã hội tốt.
Tác phẩm: “Người nông dân không phải ly hương” và “Ngày hội tôi nhớ về” của nhà văn Lê Ngọc Minh là nhóm tác phẩm được Ban Chung khảo thống nhất cao, trao giải Nhất. Cả hai bài viết này đều đề cập sâu sắc đến hiệu quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, mở ra cơ hội làm ăn mới cho người nông dân, sức ảnh hưởng lan tỏa của xây dựng nông thôn mới đối với xã hội. Ký của Lê Ngọc Minh chững chạc. Những trang viết sống động, các nhân vật dù chỉ lướt qua nhưng đều để lại ấn tượng. Bút ký của Lê Ngọc Minh đã khắc họa sâu đậm về vùng đất ông đề cập, số phận con người trong quá trình xây dựng nông thôn mới mang tính thời đại. 
Hai tác phẩm giải Nhì thuộc hai tác giả trẻ, một thuộc về nhà văn, quân nhân Thịnh Kiên với bài viết “Nông thôn mới trên biên giới Thường Xuân” và một thuộc về nhà thơ người dân tộc miền núi xứ Thanh Phạm Tiến Triều với tác phẩm “Khát vọng xanh”. Điểm chung của hai tác phẩm này là được tác giả đầu tư công phu, một Thịnh Kiên, dù sinh hoạt ở ban Điện ảnh nhưng 6 năm nay, anh bền bỉ viết và viết chắc tay. Văn phong tươi sáng, mạch lạc, đôi chỗ dí dỏm ngầm. Anh viết về một bản miền núi bản Vịn khó khăn do giao thông và hướng đi mới cùng những đổi thay khi có con đường giao thông xuyên tới bản. Còn với tác phẩm “Khát vọng xanh” của Phạm Tiến Triều đã nắm rõ được đối tượng nghiên cứu đó là vùng đất Như Thanh. Phạm Tiến Triều biết cách sử dụng chất liệu văn học được tích lũy văn học hóa báo chí mà tạo nên sự cuốn hút ngay từ đầu, các thông tin báo chí được đưa vào có liều lượng, tập trung, có mục đích, kết hợp với những bình luận thỏa đáng, có tính gợi mở. Tuy nhiên, nếu hai yếu tố văn học và báo chí được kết hợp khéo léo hơn nữa chắc chắn hiệu quả chủ đề sẽ cao hơn.
Các tác phẩm được giải Ba, thuộc về các nhà văn Nguyễn Bá Doanh, Nguyễn Huy Súc, Lê Thám. Giải Tư dành trao cho 4 tác giả: Phạm Kim Khánh (Phạm Vĩnh Sơn), Kiều Thu Huyền, Trịnh Vĩnh Đức, Phạm Văn Dũng. Các tác phẩm thuộc hai nhóm giải này là những tác phẩm đã đề cập được nhiều vấn đề của đời sống nông thôn mới, có diễn tiến, có kết nối mạch nguồn văn hóa lịch sử với tương lai, mở ra những hướng đi cho cuộc sống con người ở những nơi, những vùng đất cụ thể. Quan trọng hơn là các thông tin đã thoát ly cơ bản báo cáo, các bài viết có chính kiến, có cảm xúc tạo nên những gắn kết liền mạch, nhất quán. Tuy nhiên hàm lượng văn học chưa cao, hiệu ứng xã hội chưa rõ nét, cách xử lý thông tin còn nặng tính báo cáo.
Về hạn chế: 
- Cuộc thi còn ít tác phẩm viết về những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới.
- Thiếu những tác phẩm viết về mặt tối, chạy theo thành tích của công cuộc xây dựng nông thôn mới, những bất cập, nôn nóng, những lệch lạc, hệ lụy, những thay đổi thói quen, vấn đề đạo đức gia đình xã hội, vấn đề con người và chủ nghĩa cá nhân trong công cuộc chung thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước còn bị né tránh.
- Số lượng người dự thi (kêu gọi Ban Văn) là đầu nguồn kết nối và kiến tạo sản phẩm văn học nhưng lượng bài nhận chưa nhiều. Nguyên nhân một phần có thể từ dịch covid-19 kéo dài hơn nửa năm. Việc đi thực tế gặp khó khăn.
Một số trao đổi kinh nghiệm từ cuộc thi:
- Ký văn học là một dạng đề tài đòi hỏi người viết ngoài vốn văn học phải có một thực tế thấm ngấm, vốn sống sâu rộng, để xử lý chất liệu thâm nhập nhằm đưa đến những nhận định, đánh giá có tính đúc kết giải quyết vấn đề đặt ra.
- Cần văn học hóa thông tin và ngược lại tạo nên sự hòa quyện, loại bỏ những khô khan, thiếu chủ kiến.
- Theo ý kiến của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa thì: "Ký văn học thuyết phục người đọc phải giàu hàm lượng văn học, tích hợp trải nghiệm văn hóa, mang đến cho người đọc những thông tin mới mẻ bất ngờ, kích hoạt khoái cảm được đi, trải nghiệm thưởng lãm muôn màu cuộc sống". Còn nhà phê bình Hoàng Thụy Anh cho rằng: "Lúc đọc bút ký Nguyễn Tuân, sau này là Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tôi thấy viết bút ký không dễ. Đòi hỏi sự tài hoa, uyên bác, đi nhiều, cọ xát nhiều, tính nghệ thuật thể hiện cao. Từ chỗ tư duy trực quan sinh động chuyển hóa thành tư duy trừu tượng. Để bút ký không chỉ là những cái nhìn thấy hàng ngày mà đưa vào tác phẩm phải quấn quyện trí tuệ, ngôn từ, cảm xúc”. Nhà phê bình Hỏa Diệu Thúy nêu dấu hiệu nhận biết một bút ký có khả năng lan tỏa trong đời sống văn học: "Thể loại ký đã mang lại tiếng cho một số nhà văn. Thí dụ như ở Thanh Hóa đã mang lại giải thưởng văn học cho Kiều Vượng, Nguyễn Văn Đệ. Nhưng mà ký chỉ mạnh khi có vấn đề, viết về những gì nổi lên như là gương điển hình, những tệ nạn, những vấn đề mang tính hot, viết phải gây ấn tượng gì đó mới có đất sống. Viết đều đều chẳng ai đọc".
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh xin đăng tải lại 03 tác phẩm đoạt giải cao nhất trong cuộc thi ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”.
                              

 T.L


 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 5104
 Tổng số truy cập: 7588597
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa